Pages

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Phỏng vấn GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giáo Hội đau khổ tại Việt Nam


Sau những vụ rắc rối xảy ra tại giáo điểm Con Cuông, Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, GM Giáo phận Vinh và là Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã trả lời cuộc phỏng vấn của cơ quan thông tấn Eglises d’Asie tại Paris để giải thích về những vụ rắc rối ấy và những chủ đề khác.
Vào ngày 1 tháng Bảy điều mà Asia News mô tả là “một nhóm côn đồ liên quan đến Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam” đã tấn công một nhóm tín hữu Công Giáo tâp họp tại một nhà nguyện tại huyện Con Cuông – tỉnh Nghệ An, giáo phận Vinh, trong lúc họ tập trung để cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật. Đó chỉ là một sự kiện mới nhất trong loạt những cuộc tấn công bắt đầu từ tháng Mười Một năm ngoái.
Giám Mục trả lời cơ quan thông tấn vào ngày 8 tháng Bảy.
Hỏi: Đâu là lý do của sự tấn công bởi chính quyền địa phương như là làn sóng bạo lực nhắm vào một nhóm nhỏ những tín hữu là những người chỉ ước mong được cử hành Thánh Lễ?

Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Thật sự mà nói rằng điều đó hoàn toàn không thể giải thích được. Người ta không thể hiểu được những lý do sâu xa của chính quyền hoặc ý định nào đã hướng dẫn họ hành động như thế. Tuy nhiên, một vài lý do có thể kể ra đây. Ỡ Việt Nam có những huyện gọi là những “huyện anh hùng” [đưọc xem như là nôi của “phong trào Cộng sản”]. Để bảo vệ vị thế “chủ nghĩa anh hùng” này, họ phải theo đuổi ba hoặc bốn tiêu chuẩn. Một trong những tiêu chuẩn này là sự vắng bóng tôn giáo và thực hành tôn giáo trong địa bàn huyện. Trong thực tế, huyện Con Cuông nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, hình thành một phần của tiêu chuẩn của những huyện có nghĩa vụ phát huy và bảo vệ truyền thống anh hùng. Người ta có thể nghĩ rằng đây là một trong những lý do của tính tàn bạo của những hành vi của chính quyền trong vụ việc này. Người ta cũng có thể nói đến động cơ của sự ổn định chính trị, là điều có vẻ hợp lý trong xã hội Việt Nam hôm nay.
Các Kitô hữu đã hiện diện tại huyện Con Cuông từ lâu. Bắt đầu năm 1970, các linh mục đến địa phương để cử hành Thánh Lễ và để giúp đỡ người thiểu số. Một linh mục đến nơi đó thường xuyên vào ngày Chúa nhật để cử hành Thánh Lễ.
Chúng tôi không hiểu được tại sao nhà chức trách lại can thiệp một cách dã man như vậy với giáo điểm Con Cuông. Năm ngoái một trái mìn phát nổ ngay trước nhà nguyện. Đó là một hành động tội ác. Chúng tôi phản đối tuy nhhiên không có phản ứng nào từ phía chính quyền dân sự hoặc giới chức công an.
Chúng tôi muốn sống trong đối thoại với chính quyền. Chúng tôi không có ý định dùng sự việc Con Cuông để áp đặt các yêu sách của chúng tôi hoặc để phỉ báng Đảng và chính quyền. Nhưng sự việc ngày mồng một tháng Bảy là ngoại lệ, nó không thể nào chấp nhận được đối với đa số người Công giáo. Nhà cầm quyền đã đi quá xa! Như chúng tôi thường nói với nhau, khi một vài giới hạn đã vượt qua, chúng ta phải phản ứng. Kiên nhẫn là một nhân đức Công giáo, một đức tính nhân bản. Tuy nhiên, vì mọi việc mang tính chất con người, nó có những giới hạn của nó mà không thể vượt qua mà không bị trừng phạt. Đó là cảm nghĩ của những người Công giáo trong giáo phận chúng tôi. Trong hoàn cảnh khó khăn ưu tiên là tình liên đới với anh chị em Công giáo trong giáo phận chúng tôi. Chúng tôi không chỉ muốn phản đối, chúng tôi còn muốn bày tỏ tình liên đới này và đòi hỏi công lý cho những nạn nhân của sự tàn bạo này.
Hỏi: Sự kiện ở Con Cuông có phải là hoàn toàn riêng lẻ hay là trong giáo phận của Đức cha còn có những sự kiện tương tự như vậy xảy ra?
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Hai năm trước, ở Quảng Bình, tại làng Tam Tòa, cũng đã xảy ra sự kiện bạo động như những việc đã xảy ra ở Con Cuông. Bạo lực, tôi không biết tại sao bây giờ lại lan đến tỉnh Nghệ An. Những sự kiện không thể chấp nhận được ở Con Cuông lại xảy ra nơi đó. May mắn thay, vào lúc này ở những tỉnh khác, không có những vụ xung đột tương tự. Vào dịp lễ Giáng Sinh năm ngoái, một viên chức cao cấp của chính quyền từ Hà Nội đến chúc mừng chúng tôi Giáng Sinh Hạnh Phúc và phát biểu những lời chúc tốt đẹp của chính ông ta.
Hỏi: Đức cha là chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thiết lập bởi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam một năm rưỡi qua.
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Thực ra, Ủy ban của chúng tôi chỉ mới bắt đầu sứ vụ của mình một thời gian ngắn vừa qua. Trong khoảng một năm rưỡi, chúng tôi chưa thực hiện được nhiều điều, bởi vì những giới hạn nhân sự và cũng bởi vì hoàn cảnh chính trị-xã hội không cho phép chúng tôi thực hiện những gì chúng tôi nghĩ và chúng tôi mong muốn. Chúng tôi xem việc phổ biến và thực hành Học Thuyềt Xã Hội của Giáo Hội như là phương thức để phúc âm hóa thế giới. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Học thuyết Xã Hội của Giáo Hội không phải là một giải pháp thứ ba giữa tư bản một phía và chủ nghĩa Marx ở một phía kia.”
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã thêm vào và cho rằng Giáo hội không thay thế nhiệm vụ của chính quyền, nhưng có nhiệm vụ cộng tác và đối thoại với chính quyền với mục đích phục vụ con người. Chúng tôi phải phúc âm hóa và phục vụ con ngưòi của thời đại của chúng tôi. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng đã yêu cầu các giám mục Việt nam cộng tác và đối thoại thẳng thắn với nhà nước. Tuy nhiên, ơn gọi truyền giáo của chúng tôi đòi buộc chúng tôi ưu tiên tôn trọng sự thật, trở nên hữu ích trong việc phục vụ quốc gia và đồng thuận với nhân quyền. Do đó chúng tôi là thành phần của đối thoại, một cuộc đối thoại rất thú vị nhưng nó cũng không đơn giản và dễ dàng chút nào.
Hỏi: Ấn hành mới nhất do Ủy Ban của Đức cha là một bản phúc trình mang tựa đề “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay.” Đức cha đề cập đến biến đổi tích cực của quốc gia trong những năm qua đặc biệt trên lãnh vực kinh tế. Tuy nhiên, Đức cha cũng nhấn mạnh đến nhiều khía cạnh tiêu cực của xã hội hôm nay.
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp : Nào chúng ta hãy nhìn vào tlịch sử Viêt Nam trong hơn 40 năm qua, Từ năm 1975 cho dến năm 1990, tình trạng khó khăn, đặc biệt vào thập niên 80. Vào lúc đó, có quá nhiều khó khăn, đặc biệt cho người Công giáo. Rồi, vào thời kỳ từ 1990 cho đến 2008-2009, hoàn cảnh thay đổi. Chính sách đổi mới từ từ đạt được những tiến bộ và thay đổi đất nước trên mọi lãnh vực. Điều này không thể chối cãi được. Tuy nhiên, trong những năm qua, đã cho thấy rõ ràng tiến trình thay đổi đã chậm lại. Xã hội dân sự và xã hội chính trị cũng đã gặp phải sự đình trệ. Không phải tôi là người bi quan, nhưng vì tình trạng tồi tệ. Hiện trạng xã hội-chính trị đáng lo ngại. Tôi không phải là người duy nhất nghĩ điều này. Do đó, với bản nhận định này Ủy Ban của chúng tôi mong muốn tiếng nói phản biện được lắng nghe, nhưng là một phê bình xây dựng, mong muốn được thấy quốc gia cương quyết chọn con đường phát triển đích thực. Phát triển kinh tế phải liên kết với phát triển xã hội và phát triển nhân bản.
Hỏi: Ngày nay cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Việt Nam được ủng hộ bởi nhiều người kể cả những người Công giáo. Chính Đức cha cũng đã nói đến điều này một vài lần. Đức cha có nghĩ rằng cuộc chiến này cũng là một phần của sứ vụ mục tử của Đức cha?
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Trong Hiến Chế về Hội Thánh trong thế giới hôm nay, Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Vui mừng và hy vọng, đau buồn và âu lo của con người hôm nay, của những người nghèo và những người khổ đau, cũng là vui mừng và hy vọng, đau buồn và âu lo của những người môn đệ của Chúa Kitô và con cái của đất nước; chúng tôi là những người Việt Nam và là Kitô hữu. Việt Nam là đất nước mà Chúa đã trao cho chúng tôi để thực sự trở nên con người, và trở nên một công dân và là Kitô hữu trong đất nước ấy. Bởi vậy, cùng với những công dân khác, Công giáo, không-Công giáo và kể cả những người Mácxít nữa, chúng tôi muốn bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi liên quan đến tình trạng rất nguy hiểm đối với vận mệnh của quốc gia.
Hỏi: Vấn đề tự do tôn giáo trong bản nhận định của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình về tình trạng tổng quát của quốc gia.
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp: Chúng tôi muốn ghi nhận rằng chính quyền đã thực hiện nhiều điều, vì thiện ý đối với Giáo Hội cũng như với tôn giáo nói chung. Nếu làm một cuộc so sánh giữa tình trạng của Giáo Hội ở Việt Nam không bao lâu sau năm 1975 và với tình trạng hiện nay, chúng ta có thể thấy rằng đã có nhiều tiến bộ. Việt Nam đã vào Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế, Việt Nam đã trở nên thành viên của nhiều định chế quốc tế, và bây giờ Việt Nam bắt buộc phải thi hành những quy ước quốc tế về nhân quyền.
Vấn đề còn lại là đạt cho được việc bình thường hóa tình trạng liên quan đến tôn giáo. Hiện nay một Nghị Định về tôn giáo đang được soạn thảo. Tuy nhiên, nếu tình trạng đã là bình thường, thì chẳng cần đến Nghị Định này. Cần phải đối xử những người Công giáo, không-Công giáo, Phật Tử và tất cả những người khác như là công dân! Chúng tôi đã có luật dân sự và mỗi người phải được đối xử chiếu theo pháp luật. Tôi không nói rằng điều này có thể thực hiện tất cả trong cùng một lúc. Nhưng chúng tôi cần phải nhắm tới tình trạng này. Nếu chúng tôi thành công, thì lúc đó chúng tôi có thể nói rằng thực sự có tự do tôn giáo.
(Peter Nguyễn Tấn dịch)

Không có nhận xét nào: