Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Miến Điện Tìm Nguyên Tử?

Trần Khải
Miến Điện cùng muốn trang bị vũ khí nguyên tử. Và may mắn, chính phủ Miến đã kịp chuyển hướng dân chủ hóa, nên viễn ảnh một nước độc tài kiểu Bắc Hàn có răng nguyên tử đã không xảy ra. Tương lai, khi có đủ các khoa học gia nguyên tử, chắc chắn Miến Điện cũng không chế tạo và sử dụng các phi đạn nguyên tử làm kiểu bắt nạt thế giới như Kim Jong-Il.
Báo National Journal dựa trên các thông tin từ tạp chí Time đã viết về chương trình bí mật có từ một thập niên này của Miến Điện – qua đó, Nga huấn luyện các sĩ quan Miến Điện về khoa học nguyên tử và thiết kế phi đạn.
Đã có nhiều sĩ quan quân đội Miến Điện theo học ở các đaị học Nga về các ngành vừa nói.
Theo một thương lượng từ năm 2001, Nga đồng ý xây một lò phản ứng nguyên tử nhỏ cho Miến Điện. Hợp đồng cũng yêu cầu Nga huấn luyện cho khoảng “từ 300 tới 350 chuyên gia năng lượng nguyên tử.”

Hợp đồng trị giá 150 triệu đôla, hoàn tất năm 2007, đòi hỏi rằng lò nguyên tử chỉ dùng cho mục tiêu khoa học và y tế, nhưng điều làm quan ngại là chính phủ quân phiệt Miến Điện đã xài nhiều tiền cho hoạt động quân sự hơn là xài cho y tế công cộng.
Một bản phúc trình từ nhóm bất đồng chính kiến Democratic Voice of Burma đã tố cáo chính phủ quân phiệt lúc đó muốn tìm vũ khí nguyên tử với hỗ trợ từ Bắc Hàn. Chính phủ Miến đã bcá bỏ tố cáo đó, và sau đó lại nói thêm là Miến không theo chương trình vũ khí nguyên tử vì không có tiền; như dường chuyện đã giải quyết xong. Nga cũng đã lui khỏi thương lượng về lò nguyên tử kia.
Chính phủ Obama làm giảm nhẹ tầm mức của chương trình vũ khí nguyên tử Miến Điện trong khi Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton tới thăm Miến Điện tuần trước để nói chuyện với tân chính phủ dân sự.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của tạp chí Time cho thấy đang có nhiều sĩ quan quân đội Miến Điện đang học về thiết kế phi đạn và nguyên tử ở đaị học Bauman University tại Moscow. Trường này và một số đaị học Nga khác đã đón nhận nhiều sinh viên là sĩ quan quân đội Miến Điện từ năm 2001.
Sĩ quan đào tị Miến Điện Sai Thein Win, người cung cấp các hình ảnh và hồ sơ trộm được để dùng làm bản phúc trình của Democratic Voice of Burma, nói với Time rằng ông tin đã có khoảng 10,000 công dân Miến Điện đã học tại các đạị học kỹ thuật tại Nga. Đa số sinh viên là từ quân đội, và tập trung học về khoa học nguyên tử.
Sai Thein Win, hiện đang trú ẩn nơi bí mật, nói rằng vào năm 2001, ông học chương trình tiến sĩ ở phân khoa động cơ phi đạn tại đại học Bauman University. Ông nói, “Có một sinh viên từ Bắc Hàn, một từ Iran, và tôi. Người duy nhất học hoàn tất chương trình là sinh viên Bắc Hàn kia, do vậy phi đạn của anh này có thể đang bay thử nghiệm trên các quần đảo Nhật Bản hiện nay.”
Khi rời Moscow, Sai Thein Win nói, anh bắt đầu làm việc ở một cơ xưởng quân sự ở Miến Điện chuyên về thiết kế các thành phần trong nỗ lực vũ khí nguyên tử. Trong khi nhiều máy móc mua từ các công ty Đức, những máy tinh xảo trong xưởng mua từ Bắc Hàn.
Giáo sư về thiết kế phi đạn tại đại học Bauman University là Valery Gostev nói với báo Time rằng khóa này ông đang dạy 12 sinh viên từ Miến Điện tới, và ông nói số lượng này là bình quân khóa nào cũng thế. Ông xác nhân các phân khoa khác trong đạị học này cũng đang dạy các sinh viên Miến Điện về khoa học nguyên tử.
Nga thực sự không vi phạm các hiệp ước quốc tế khi dạy sinh viên Miến Điện về thiết kế phi đạn.
Một cựu viên chức International Atomic Energy Agency (Sở Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế), Robert Kelley, người viết bản phúc trình trên trang Democratic Voice of Burma, nói rằng người Nga chỉ không tử tế khi dạy nghề này, vì loại phi đạn mà sinh viên Miến Điện đang học ở Bauman University có thể điều chỉnh để mang bom vi trùng và bom hóa học.
Một nhà phân tích ở Institute for Science and International Security (Viện Khoa Học và An Ninh Quốc Tế), Andrea Stricker, nói lẽ ra Nga phải dè dặt khi huấn luyện quá nhiều cho Miến Điện như thế, “Vẫn có nhiều nghi ngờ về một chương trình vũ khí nguyên tử ở Miến.”
Phát ngôn nhân đaị học Bauman là bà Anna Lustina từ chối cung cấp thông tin về các lớp mà sinh viên Miến Điện đang học ở đây, “Trong hợp đồng chúng tôi ký có điều khoản cấm tiết lộ những gì sinh viên Miến Điện học, hay là học bao lâu. Với bất kỳ sinh viên ngoại quốc nào thì chúng tôi nói được, nhưng riêng có hợp đồng đặc biệt với Miến Điện.”
Cũng may mắn, có vẻ như Miến Điện muốn thân Mỹ hơn là thân Trung Quốc, và Miến Điện đã bắt đầu cởi mở với một số quyền căn bản cho người dân.
Chính phủ Việt Nam đã gửi bao nhiêu sĩ quan theo học chương trình nguyên tử tại Nga? Có ai theo học lớp thiết kế phi đạn hay chưa? Và VN đã bắn thử nghiệm phi đạn tầm gần, tầm trung, tầm xa nào chưa? Hay chỉ là muốn trấn áp những người yêu nước như Cù Huy Hà Vũ, Bùi Thị Minh Hằng, và vân vân?

Không có nhận xét nào: