Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?

Theo: Blog Quê Choa

Sai phạm trong chỉ đạo, điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là: “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?” – GS Nguyễn Minh Thuyết.
Nguyễn Quang Lập : Tại buổi thảo luận đánh giá 10 năm đổi mới, phát triển DNNN hôm nay ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:”Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”. Dư luận đang xôn xao về phát biểu của Thủ tướng. Rồi đây các chuyên gia sẽ phân tích xem trách nhiệm Vinashin thuộc về ai, riêng mình xin đặt câu hỏi nhỏ này:
Ai quyết định thành lập và chỉ đạo Vinashin?
Ai quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Vinashin?
Xin đăng lại bài phát biểu GS Nguyễn Minh Thuyết tại Quốc hội mà mình đã gọi đó là “7 phút sự thật”.

*
Nguyên văn bài phát biểu của Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tại Quốc hội.
Thưa Quý Vị chủ toạ,
Thưa Quý Vị đại biểu và khách mời,
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010 này, nước ta đã đạt và vượt 16/21 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
Cũng như đông đảo người dân, tôi rất hân hoan trước tin vui này và hết sức trân trọng những kết quả đã đạt được.
Tuy nhiên, tôi cũng vô cùng lo lắng trước những khuyết điểm nghiêm trọng trong điều hành nền kinh tế mà báo cáo của Chính phủ phân tích chưa sâu, chưa đủ cụ thể và nghiêm khắc.
Trong thời gian có hạn, tôi chỉ tập trung nói về vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sụp đổ. Vâng, thực sự là nó đã sụp đổ, mặc dù chúng ta có thể dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn theo truyền thống tu từ của mình. Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng / năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi. Đối với đồng bào nhiều nơi, nhất là nông thôn, miền núi thì trả món nợ khổng lồ này có nghĩa là chậm làm đường, làm cầu, xây trường học, bệnh viện,… – những nhu cầu rất thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào.
Sai phạm trong chỉ đạo, điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là: “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”.
Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.
Vụ việc này nhắc tôi nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những “siêu cơ chế” cho công ty của Lã Thị Kim Oanh, dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và hai vị Thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa.
Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định “có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước”. Nhưng ai bao che, bao che thế nào, vì nguyên nhân gì, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm thế nào thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận. Thế mà Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.
Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.
Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.
Thưa Quý Vị chủ toạ,
Thưa Quý Vị đại biểu và khách mời,
Nói những điều trên, tôi cảm thấy rất đau xót và khó khăn. Nhưng chúng ta có xử lý nghiêm vụ việc này thì mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, hạn chế được những dự án làm ăn phá của, bốc trời, đưa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vào quỹ đạo lành mạnh, đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững và lấy lại được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
Thưa Quý Vị,
Hôm nay, tôi đọc một văn bản đã chuẩn bị sẵn là để ngay sau buổi họp này trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như một kiến nghị chính thức của đại biểu.
Trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương xem xét và cho biểu quyết về kiến nghị của tôi.
Xin cảm ơn.

Không có nhận xét nào: