Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Sài Gòn cái gì cũng sợ

sai gon noTrương Duy Nhất

Không hiểu vì sao nhiều việc ở nơi khác được nhưng Sài Gòn lại không. Không cho Chế Linh hát, cấm chiếu phim “Hoàng Sa- nỗi đau mất mát”, ngăn chặn biểu tình… Những chuyện “không và cấm” lặp đi lặp lại quá nhiều đến mức không thể không nghĩ: hay tư duy quản lý của bộ máy chính quyền TP HCM chưa được… giải phóng, hay “sức khỏe tư tưởng” của bộ máy thành phố này đang có vấn đề?
Hôm nghe Sài Gòn ngăn không cho Chế Linh hát tôi cứ thắc mắc mãi: vì sao Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng đều cho, nhưng Sài Gòn lại không?

Tiếc. Ngồi với tôi và Đỗ Trung Quân trước đêm live show Tuấn Ngọc tại Đà Nẵng, Hồ Trung Tú bảo anh tiếc cho Chế Linh và tiếc cho cả… Sài Gòn. “Thành phố nào nhớ không em/ nơi chúng mình tìm phút êm đềm”,“Mưa mưa rơi từng đêm mưa triền miên trên đồn khuya/ lòng ai thương nhớ vô biên” phải được Chế Linh hát giữa Sài Gòn mới đúng là “sự trở lại”. Phải là một anh chàng với phong thái ung dung cùng chiếc áo vét vắt vai, đó mới đúng là hình ảnh Chế Linh. Chưa hát được giữa Sài Gòn, coi như Chế Linh chưa “trở lại”. Anh sốc đến mức phải nhập viện khi nghe tin Sài Gòn hủy show hát cũng vì lẽ này.
Vì thế tiếc. Tiếc khi nghe Sài Gòn lắc đầu với Chế Linh. Lý do được đưa ra để từ chối live show Chế Linh là “chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay“. Không hiểu tình hình TP HCM có gì mà lại chưa phù hợp để Chế Linh hát, trong khi các địa phương khác đều gật đầu?
Nếu chỉ là vấn đề thủ tục chưa đúng chưa đủ thì tại sao không hướng dẫn giúp đỡ anh hoàn tất? Nếu chỉ là khúc mắc (hoặc gian lận) thuế má tiền bạc từ bầu sô thì cứ trị ông bầu, phạt tiền nặng vào cho họ chừa, chứ sao lại ngăn không cho Chế Linh hát?
Mấy đêm nhạc Tuấn Ngọc tại Đà Nẵng nghe đâu giấy phép cũng chưa đầy đủ, nhưng Đà Nẵng ứng xử khác. Họ biết, nhưng sẵn sàng cho qua vì thấy chẳng cần thiết rắc rối nhiêu khê gì ở việc hát hò này.
Thậm chí tôi nghĩ đã đến lúc thả toang ra cho ai thích hát bài gì thì hát. Đến giờ mà vẫn còn kiểm duyệt từng danh mục bài hát thì quả là ấu trĩ. Anh có cấm cũng không cấm được, một cái bấm chuột lên mạng muốn nghe bài hát nào chẳng được. Vả lại bài hát nào không sống được ắt tự chết. Tôi không tin mấy bài hát lại có thể “chống đối lật đổ” được chế độ. Tôi không tin những khúc nhạc “trái luồng” kia lại có thể “ru ngủ lòng dân” được. Đến mấy bài hát mà cũng sợ, cũng phải ngăn chặn thì tôi e cái “sức khỏe tư tưởng” của chế độ có vấn đề.
Hôm qua, thêm “Hoàng Sa- nỗi đau mất mát” bị cấm, cho dù chỉ là một cuộc chiếu ra mắt trong khuôn khổ một nhóm nhân sĩ thân hữu tại một quán cà phê. Một bộ phim tài liệu quí về cuộc sống ngư dân huyện đảo Lý Sơn và “thân phận Hoàng Sa” mà tôi nghĩ là nó cần được đem ra nhà hát lớn, đem vào chiếu cả trong hội trường Quốc hội, trong phủ Chủ tịch, trong văn phòng Chính phủ và trong hội trường Trung ương đảng.
Khi còn đương nhiệm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết đã ủng hộ và động viên André Menras- Hồ Cương Quyết làm phim này. Vụ Thông tin báo chí bộ Ngoại giao cũng có những hỗ trợ, giúp đỡ tích cực đoàn làm phim. Thế nhưng khi công chiếu thì bị cấm. Cái cách ngăn cản không cho chiếu cũng rất mập mờ. Theo nhà thơ Đỗ Trung Quân, nguyên nhân được đưa ra từ các “nhà tư tưởng thành ủy” là vì bộ phim này “không có yếu tố đảng”.
Thú thật, đến tôi cũng chả hiểu “yếu tố đảng” là cái quái gì và vì sao một cuốn phim tài liệu về ngư dân, về Lý Sơn, về Hoàng Sa như thế lại cần phải có “yếu tố đảng” để làm gì? Ông Lê Hiếu Đằng thì đã cố gắng tìm mọi cách liên hệ với những người có thẩm quyền của thành phố để hỏi lý do vì sao cấm nhưng tất cả đều tìm cách “trốn”.
Tôi tin là bộ phim đó nếu đem ra Đà Nẵng, Hà Nội hoặc nhiều địa phương khác ắt sẽ được chiếu vô tư, chẳng ai ngăn cấm, chẳng ai đòi hỏi phải nhét cho nó cái “yếu tố đảng” làm gì.
Vậy vì sao nó vẫn bị cấm tại TP HCM?
Ngược lại chuyện biểu tình. Tại sao Hà Nội được mà TP HCM lại cấm? Cho dù sau này Hà Nội có cản ngăn, thậm chí đàn áp thô bạo, nhưng phải công nhân một thực tế là trước đó họ đã “cho phép” bằng cách không chặn, mà ngược lại chỉ tổ chức giữ an ninh và hướng cho các cuộc biểu tình không đi quá đà. Thậm chí, cả giàn lãnh đạo cao nhất của chính quyền thủ đô dám công khai mời nhóm nhân sĩ trí thức biểu tình đến đối thoại trực tiếp. Dù sau này đổ bể ra những vụ đàn áp thô bạo, nhưng phải thừa nhận rằng đã có lúc chính quyền Hà Nội dám đối thoại, dám chấp nhận cho dân biểu tình, thậm chí họ còn công khai nhìn nhận đó là hành vi yêu nước.
Sài Gòn không có được điều này.
Quay trở lại chuyện phim “Hoàng Sa- nỗi đau mất mát”, chính quyền đã làm gì để đến mức người dân phải hoảng hốt đến thế? Đến mức ông thợ dán được thuê vẽ áp phích cho buổi giới thiệu ra mắt phim với hàng chữ “Hoàng Sa là của Việt Nam” cũng hoảng sợ không dám làm. Cấm đoán đến mức để người dân hoảng sợ như thế thì nên gọi cái chính quyền ấy là ấu trĩ hay… Hít- le?
Sài Gòn trước đây thoáng thế, mà sao Sài Gòn hôm nay cái gì cũng sợ. Sợ biểu tình, sợ Chế Linh, đến cả cuốn phim tài liệu về dân nghèo ở một huyện đảo xa lắc không dính gì đến TP HCM cũng sợ. Sợ nên cấm, cản, ngăn. Cấm cản ngăn mãi, lặp lại trong quá nhiều chuyện khiến không thể không nghĩ: hay tư duy quản lý của bộ máy chính quyền TP HCM chưa được… giải phóng, hay “sức khỏe tư tưởng” của bộ máy thành phố này đang có vấn đề?

Không có nhận xét nào: