Đào Tiến Thi
Theo: Blog Nguyễn Xuân Diện
Chắc là các chi bộ đảng khi cuối năm xếp loại đảng viên cũng làm như chúng tôi: bước thứ nhất là làm bản tự kiểm rồi đem ra bình xét ở tổ đảng, sau đó bước hai là bỏ phiếu ở chi bộ. Mỗi người bỏ phiếu cho các đảng viên trong chi bộ theo các loại:
– Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (gọi tắt là loại 1)
– Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ (gọi tắt là loại 2)
– Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ (gọi tắt là loại 3)
– Đảng viên không đủ tư cách, không hoàn thành nhiệm vụ (gọi tắt là loại 4)
Loại 1 – “Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì thường dành cho đảng viên là cán bộ lãnh đạo, còn lại đều loại 2 – “Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, không có loại 3. Thông lệ nhiều năm đã thế.
Tuy nhiên năm nay đến bước hai, tôi chỉ được 10/18 bầu vào loại 2, còn lại là loại loại 3. Bí thư chi bộ gộp cả hai người vắng mặt để tính, thành ra tôi chỉ được 10/20, không đủ xếp vào loại 2 và tạm để trống, chờ đảng ủy cấp trên xem xét. Cũng có thể thấy đấy là điều đã định đoạt.
Kể ra nếu xét một cách chính xác – tức là đảng viên thực sự phải thể hiện vai trò tiên phong – thì xếp tôi vào loại 3, loại “thường thường bậc trung”, tôi cũng rất bằng lòng, vì xét thấy mình cũng chẳng có gì tiên phong cả. (Chỉ riêng cái chuyện trước cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc luôn luôn sách nhiễu, bắn giết ngư dân, gây ra bao cảnh nghèo đói, mẹ góa con côi, lại còn hai lần cho tàu to xông thẳng vào vùng biển của Việt Nam mà cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, rồi la lên là Việt Nam gây hấn, thì sự đóng góp của tôi với hai cuộc biểu tình là quá bé nhỏ. So với với những người đi biểu tình nhiều lần, so với những người bị bắt bớ, đánh đập, giam cầm, so với những bạn trẻ măng, những ông bà già, thì tôi còn rất đáng xấu hổ). Thế nhưng theo thông lệ lâu nay thì loại 3 là loại chỉ dành cho những người “có vấn đề” thực sự, thì tôi thấy bất công. Cũng giống như học sinh hiện nay, tuy đạo đức rất xuống cấp, ai cũng biết thế, nhưng khi xếp loại hạnh kiểm thì vẫn xếp vào loại “tốt” là chính, nếu hư vừa vừa thì xếp xuống loại “khá”. Loại trung bình chỉ dành cho học sinh hư, hỗn thực sự, tức là loại học sinh “cá biệt”, thường có trong “sổ đen”. Loại này rất hiếm.
Cho nên tôi phải hỏi lý do (hỏi thôi chứ biết ngay vì sao rồi) thì bí thư trả lời tại tôi đi biểu tình. Đi biểu tình là trái điều 6 trong 19 điều cấm của đảng viên, ông ấy giải thích thế.
Tôi nói rằng tôi đi biểu tình là phù hợp với quyền công dân đã được ghi trong hiến pháp (điều 69). Hơn nữa đây là biểu tình để phản đối hành động xâm phạm bờ cõi nước ta của nhà cầm quyền Trung Quốc, biểu tình để thể hiện quyết tâm chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam thì không thể là sai trái được. Chính Giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh cũng thừa nhận những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong tháng 7, 8 vừa qua là biểu tình yêu nước[1]. Và mới đây nhất, trước việc đại biểu Quốc hội hỏi về thái độ và chủ trương của Chính phủ về việc người dân biểu tình biểu thị lòng yêu nước, ngày 25-11-2001, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Đảng và Chính phủ luôn trân trọng biểu dương, khen thưởng xứng đáng tất cả hoạt động, việc làm của người dân vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia[2]. Tôi cũng nhắc lại cả vế sau trong phát biểu của Thủ tướng: Chính phủ không hoan nghênh và buộc phải xử nghiêm với những động cơ, hành vi lợi dụng danh nghĩa yêu nước, bảo vệ chủ quyền để gây phương hại cho đất nước và xã hội. Tôi không có hành vi nào lợi dụng danh nghĩa yêu nước, bảo vệ chủ quyền để gây phương hại cho đất nước và xã hội. Công an đến cơ quan làm việc với tôi, chỉ để tìm hiểu sự việc và tâm tư của tôi, không hề bảo tôi có tội lỗi gì. Phòng tổ chức cán bộ và ông giám đốc nắm rõ điều này. Và theo tôi biết, tất cả những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn vừa qua, cho đến lúc này, công an chưa tìm thấy bất kỳ ai lợi dụng lòng yêu nước để gây phương hại cho đất nước cả.
Tôi cũng khẳng định: Nếu những quy định đối với đảng viên làm tôi không thực hiện được tư cách công dân đối với Tổ quốc thì tôi buộc phải chọn tư cách làm người công dân. Tôi không thể vì mình là đảng viên mà khoanh tay để mặc quân cướp nước giày xéo Tổ quốc tôi, lăng nhục đồng bào tôi.
Rất tiếc là vì thời gian đã quá muộn, bí thư cho kết thúc cuộc họp cho nên tôi chỉ được phát biểu ngắn gọn như trên, không được trao đổi, tranh luận với ai. Vì vậy dưới đây tôi xin trao đổi thêm một số vấn đề thuộc về nhận thức “Những điều đảng viên không được làm” (thường gọi “19 điều cấm đảng viên”) trong Quy định số 115-QĐ/TW ngày 7-12-2007 của Bộ chính trị (gọi tắt là QĐ115) và Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban chấp hành Trung ương (gọi tắt là QĐ115), tức Quy định “Những điều đảng viên không được làm” sửa đổi, thay thế cho Quy định 115.
Điều 6 trong QĐ115 cấm đảng viên những việc sau: Tổ chức tham gia các hội trái quy định của pháp luật. Tổ chức, tham gia mít tinh, biểu tình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Như vậy QĐ115 không cấm hoàn toàn biểu tình mà chỉ cấm “khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”. Và điều này thiết nghĩ đâu chỉ cấm riêng với đảng viên mà là đối với tất cả công dân nói chung, một khi chúng ta chủ trương “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.
Tuy nhiên cái điều cấm này không thể áp dụng vì quyền biểu tình đã được hiến định (điều 69 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trong khi Luật biểu tình lại không có. Cho nên không một cơ quan nào dám/ có quyền cấp phép biểu tình cũng như dám/ có quyền từ chối việc cấp phép biểu tình. Cũng có nghĩa là người dân đi biểu tình không bị một hạn chế nào về vấn đề này như Giáo sư Hoàng Xuân Phú[3] và nhiều học giả khác đã phân tích.
Chắc là các nhà lãnh đạo Đảng cũng đã nhận ra điều bất cập này nên trong QĐ47 vừa ban hành thay thế cho QĐ115, điều 6 đã được viết lại như sau:
(Cấm) Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình tập trung đông người gây mất an ninh trật tự.
Như vậy chỉ cấm loại biểu tình gây mất an ninh trật tự. Điều này thì tất nhiên rồi, nước nào chả thế.
Thực tế những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn vừa qua, theo quan sát của tôi, chưa có cuộc nào gây mất an ninh trật tự (trong khi có rất nhiều cuộc không phải biểu tình đã gây mất an ninh trật tự thì lại không được chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc). Chính Giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh cũng khẳng định những cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa qua chỉ có “một số trường hợp tràn xuống lòng đường, cản trở giao thông[4]” mà thôi.
Xin trở lại một chút câu chuyện của tôi đặt ra ban đầu. Tôi đâu có buồn vì bị xếp đảng viên loại 3. Như trên đã nói, nếu làm đảng viên – công dân mà không được quyền bảo vệ Tổ quốc thì tôi sẽ chọn làm người công dân thường để được bảo vệ Tổ quốc. Tôi chỉ buồn vì cảm thấy vận nước hiện nay trong cơn hiểm nghèo mà đa số đảng viên lại thờ ơ, thậm chí còn quy tội cho những người biết lo lắng hay làm một việc gì đó vì quốc gia xã tắc. Thực ra những quy định trên đối với đảng viên, như đã phân tích, cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến quyền và nghĩa vụ công dân, nhưng do nhận thức của nhiều cấp ủy và đảng viên hiện nay không đến nơi đến chốn đã làm cho đa số đảng viên co mình lại trước những vấn đề sống còn của đất nước. Tôi rất buồn khi nhiều đảng viên, nhất là những đảng viên giữ chức vụ, luôn tìm cách lảng tránh khi đề cập những vấn đề thuộc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Họ lảng tránh bằng những chữ đôi khi nghe rất “mềm”. Ví dụ: “Đã có Đảng và Nhà nước lo”. (Khổ chưa, chính họ là đảng viên, lại còn đảng nào ở ngoài họ lo cho họ nữa!) Ví dụ: “Bổn phận của mình là làm tốt công việc mình được giao. Việc đại sự quốc gia là của các nhà lãnh đạo” (Hỡi ôi, chẳng lẽ ngày xưa các cụ dạy sai: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”). Nhiều người chỉ nói đến những chữ Trung Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là sợ hãi như phạm phải điều cấm, câu chuyện đang sôi nổi bỗng im bặt và buộc phải chuyển sang đề tài khác. Cứ đà này, chẳng mấy chốc sẽ là tình cảnh Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê như câu thơ Chế Lan Viên. Và lòng yêu nước của người Việt Nam, cũng nói theo ý thơ của Chế Lan Viên, sẽ chỉ là rêu phong chuyện cũ!
Tuy nhiên, có lẽ cũng chưa phải tất cả đã đáng buồn. Quanh tôi và qua báo chí, tôi vẫn thấy nhiều người dấn thân, bất chấp những lực cản vô lý. Mới đây nhất là việc ông Andre Manras Hồ Cương Quyết, một người hai quốc tịch Pháp – Việt đã hoàn thành một bộ phim để lên án nhà cầm quyền Trung Quốc tàn ác với ngư dân Việt Nam. Và tôi cũng rất cảm động khi ngày 25-11-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dõng dạc khẳng định trước Quốc hội về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên Biển Đông nói chung. Thủ tướng nói vo, vô cùng mạch lạc, nhớ đến từng con số, sự kiện, và nói với tất cả sự trang nghiêm và xúc động. Tới đây hy vọng rằng sau mỗi sự kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam thì không chỉ mỗi người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng, không để lời phát ngôn đó bị lọt thỏm vào thinh không, không để nhà cầm quyền Trung Quốc cứ tùy tiện làm theo ý họ. Nhưng muốn thế phải rũ bỏ được những húy kỵ không biết bắt nguồn từ đâu đã nói trên.
Tái bút: Tôi chỉ muốn thông qua việc của tôi mà nêu một hiện tượng, một vấn đề xã hội để cùng nhận thức lại. Những việc, những người tôi nói đến trong bài tôi đâu chỉ thấy ở cơ quan tôi, mà thấy ở rất nhiều nơi. Cho nên hãy chỉ coi nó như những ví dụ mà thôi. Vì vậy các comments của quý vị độc giả xin không chĩa cụ thể vào chi bộ đảng cũng như đảng ủy nơi tôi đang sinh hoạt. Xin cảm ơn tất cả.
Đ.T.T
[1] Báo Pháp luật ngày 3-8-2011 dẫn lời ông Nguyễn Đức Nhanh: “Qua theo dõi, thấy các cuộc biểu tình này biểu thị thái độ yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lấn biển Đông. Khi tuần hành, đại bộ phận bà con chấp hành luật pháp nhưng cũng có một số trường hợp tràn xuống lòng đường, cản trở giao thông”. http://phapluattp.vn/2011080211294657p0c1013/cong-an-tp-ha-noi-khong-dan-ap-nguoi-bieu-tinh.htm
[2] Xem http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111125/thu-tuong-nguyen-tan-dung-dam-bao-chu-quyen-tren-bien-dong.aspx.
[3] “Khi không (hoặc chưa) có luật nào quy định cụ thể hơn về việc biểu tình, thì có nghĩa là pháp luật không (hoặc chưa) có hạn chế nào cả, và công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như Hiến pháp cho phép”. Xem Hoàng Xuân Phú: Quyền biểu tình của công dân. http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fkhnaqvraunaabz.oybtfcbg.pbz/2011_08_20_nepuvir.ugzy
[4] Xem chú thích (1).*Bài do tác giả gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét