Pages

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Ủy Viên Trung Ương Đảng Bảo Kê Băng Đảng Xã Hội Đen

Trúc Giang MN
I. TỔNG QUÁT
Hồi 5 giờ 45 phút sáng ngày 3-6-2004, Năm Cam và 4 tử tội bị xử bắn ở trường bắn Thủ Đức. Vụ án Năm Cam làm rúng động đảng CSVN vì có những Ủy Viên TW đảng nhận hối lộ, bao che và bảo kê cho băng đảng gây tội ác nầy.
Ở Việt Nam ngày nay cũng có nhiều băng đảng "xã hội đen" hoành hành ở nhiều nơi, và nhiều tổ chức tội phạm có tới hàng trăm đối tượng.
Vũ khí phổ biến là mã tấu, dao, kiếm, chúng gây những vụ đập phá, cưỡng đoạt tài sản, gây thương tích, trong những vụ đi đòi nợ thuê, hoặc đâm thuê chém mướn trong những vụ ân oán cá nhân .
Chúng gieo rắc kinh hoàng trong dân chúng.

Băng đảng xã hội đen hoạt động được là nhờ có những người quyền thế chống lưng hoặc có công an bảo kê, cụ thể nhất là trùm xã hội đen Năm Cam.
II. CHI TIẾT
1* Vài nét về Năm Cam
Trương Văn Cam sinh ngày 22-4-1947 tại Saigòn. Năm 15 tuổi, làm chân gác sòng bạc cho anh rể là Nguyễn Văn Sy (Bảy Sy) ở khu vực Cầu Muối, quận 1 Sàigòn, thuộc địa bàn bảo kê của Lê Văn Đại (Đại Cathay)
Tháng 12 năm 1962, Bảy Sy đâm chết Nguyễn Văn Lót về vụ cạnh tranh sòng bạc. Năm Cam đứng ra nhận tội cho anh rể, bị án tù 3 năm vì vị thành niên.
Sau 1975, Năm Cam bán đồ cũ ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, quận 1 Saigòn, rồi theo Tám Khánh , một chủ sòng, tổ chức đánh bạc trong giờ nghỉ trưa của cơ quan hành chánh, thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ cho khách quen được lựa chọn. Năm Cam mưu sinh bằng những việc phi pháp.
Năm 1994, Năm Cam bị tập trung cải tạo, nhưng được ân xá ngay năm sau đó, là nhờ Trần Mai Hạnh, Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN, Giám đốc Thông Tấn Xã VN, và Phạm Sỹ Chiến, Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, nhận hối lộ của gia đình Năm Cam.
Vợ 1. Phan Thị Trúc, sinh năm 1946. Có 5 con với Năm Cam.
Vợ 2. Trương Thị Lành, 1946, có 3 con.
Bị xử bắn ngày 3-6-2004, 57 tuổi.
2* Tóm tắt các vụ án
2.1. Vụ án giết Dung Hà
Vũ Hoàng Dung (Dung Hà) là một nữ trùm xã hội đen ở Hải Phòng, đã chỉ thị cho đàn em thực hiện những hành động quậy phá trên địa bàn Saigòn, với ý đồ gây thanh thế, gây áp lực, buộc Năm Cam phải chia lợi nhuận trong việc bảo kê các sòng bài , nhà hàng, vũ trường...
Năm Cam chỉ thị cho đàn em là Nguyễn Tuấn Hải (Hải Bánh) "Anh không muốn thấy mặt nó trên đời nầy nữa, em biết phải làm gì rồi, nếu có dính dáng đến luật pháp thì để anh Năm lo cho".
Hải Bánh với Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Xuân Trường thực hiện ám sát. Trong lúc Dung Hà đang ngồi uống nước trước cửa nhà số 17 đường Bùi Thị Xuân, quận 1 Saigòn, thì Hưng tiến lại và dùng súng Rulô kề sát vào đầu bắn một phát, Dung Hà gục chết ngay tại chỗ vào lúc 23 giờ ngày 1-10-2000.
Trong vụ án nầy, Năm Cam bị khởi tố có liên can đến cái chết của Dung Hà, nhưng nhờ hối lộ viên chức điều tra, cho nên thoát nạn.
2.2. Vụ tạt axít Lê Ngọc Lâm
Lê Ngọc Lâm (Lâm 9 ngón) sinh năm 1945 tại Hà Tây, có nhiều tiền án về trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, giết người...
Sau 30-4-1975, Lâm bị tập trung cải tạo đến 1988. Lâm là tay anh chị được giới giang hồ tôn làm Đại ca. Năm Cam muốn thu phục Lâm 9 ngón, nên giúp đở tiền bạc, hùn vốn mở tiệm bán đồ điện tử tại chợ trời Huỳnh Thúc Kháng.
Khi đã làm ăn phát đạt, Lâm ra vẻ không còn nể phục, và nói nhiều điều để hạ uy tín của Năm Cam trong giới giang hồ. Do vậy, Năm Cam cho tạt axít để cảnh cáo. Nguyễn Văn Thọ (Thọ Đại Úy) đi mua axít và tiến hành.
Vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 14-7-1999, Lâm 9 ngón đang ăn phở trong cư xá Bắc Hải (Chí Hoà), Phường 15 quận 10, Saigòn, thì có 1 thanh niên ngồi sau xe gắn máy bê 1 ca axít đến tạt vào đầu và mặt của Lâm. Nhờ cấp cứu kịp thời nên Lâm không chết mà chỉ bị phỏng 75%.
Sau nầy, Năm Cam thú nhận là người chủ mưu.
2.3. Vụ án giết Phan Lê Sơn và Hồ Quốc Hưng
Sau vụ án nầy xảy ra, Năm Cam là kẻ chủ mưu trong việc tổ chức đưa thủ phạm là Bùi Anh Việt trốn qua Campuchia và sau đó sang Canada, làm thế để cho có đủ thì giờ sắp xếp, chạy chọt, lo hối lộ để gở tội cho đàn em là Thọ Đại Úy, tòng phạm của vụ án.
Năm Cam trực tiếp đưa số tiền 20,000 đôla cho con rể là Dương Ngọc Hiệp (Hiệp "Phò Mã") để lo nội vụ. Vì thế, sau nầy Năm Cam bị ghép 2 tội, che dấu tội phạm và ép buộc người khác trốn ra nước ngoài.
2.4. Tổ chức sòng bài và đánh bạc
Từ năm 1999 đến năm 2001, Năm Cam với Nguyễn Văn Tốt, Thọ Đại Úy, Nguyễn Thành Thảo, Nguyễn Văn Nhã mở cả chục sòng bài tại nhiều nơi khác nhau ở Saigòn.
Ngoài các sòng xóc dĩa, Năm Cam còn giao cho đàn em là Triệu Tô Hà, Lương Cẩm Huy, Trần Quốc Dân, Vương Tử (Xây) tổ chức các sòng Xập Xám.
Thỉnh thoảng Năm Cam cũng đánh bạc, mỗi chến từ 15 đến 30 triệu đồng.
Trong bản cung khai ngày 19-3-2002, Năm Cam thú nhận tất cả những sòng bạc là do y trực tiếp tổ chức và giao cho Nguyễn Văn Nhã quản lý.
Mỗi tuần lễ, Nhã giao nạp số tiền qui định là 412 triệu đồng, bao gồm các khoản như bảo kê, lấy xâu, tiền lời làm cái, tiền đóng vào quỹ hối lộ và giao tế, ăn nhậu...
Ngoài ra, Năm Cam còn tổ chức đá gà tại các quận Nhà Bè, Bình Chánh, Quận 7 và 8.
Hợp tác cá độ bóng đá với Nguyễn Văn Thành (Mười Lù)
2.5. Hành vi lo hối lộ
Năm Cam "mua" công an từ CA khu vực, phường, quận đến CA thành phố. Lo hối lộ cho cảnh sát hình sự, nhà báo, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, đến thành viên nội các chính phủ và các Ủy Viên Trung Ương đảng CSVN.
Cụ thể như những quan chức sau đây:
1. Trung tướng Bùi Quốc Huy, Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng, thứ trưởng Bộ Công An.
2. Trần Mai Hạnh, Ủy Viên Trung Ương đảng, Giám Đốc Thông Tấn Xã VN.
3. Phạm Sỹ Chiến, Phó Viện Trưởng Viện KSND Tối Cao
4. Thượng tá Dương Minh Ngọc, Trưởng phòng Cảnh Sát Hình Sự, Sở CA TP/SG
5. Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung, Phó trưởng phòng Cảnh Sát Điều Tra, Sở CA/TP/SG
6. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh
7. Lê Thanh Đạo, Viện trưởng Viện KSND Tối Cao
8. Triệu Quốc Kế, Cục trưởng Cục Điều tra Bộ CA
9. Cao Duy Phước.
2.6. Những cán bộ cao cấp nhận hối lộ
2.6.1. Trần Mai Hạnh
Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng, Giám đốc Thông Tấn Xã VN, chủ tịch Hội Nhà Báo VN. Hạnh đã nhận tiền của Trần Văn Thuyết để chạy án cho Năm Cam, bị tập trung cải tạo năm 1994.
Do Trần Văn Thuyết bị bắt tại khách sạn Empress ở Đà Lạt, nên mới lòi ra vụ Trần Mai Hạnh nhận hối lộ của gia đình Năm Cam.
Trần Mai Hạnh nhận tiền của gia đình Năm Cam 4 lần với số tiền là 7,000 đôla và một cái đồng hồ Rolex trị giá 5,000 đôla. Đồng thời "mượn" tiền của con rể Năm Cam là Hiệp "Phò Mã" 20 cây vàng và 10,000 đô la để xây nhà mới. Trần Văn Thuyết còn lắp cho Hạnh một dàn máy nghe nhạc, gồm 1 tivi màu 21 in, 1 dàn máy hát dĩa CD, một đầu Video, 1 ampli và 2 cái loa thùng Nhật Bản.
Để trả lại, Trần Mai Hạnh cho đăng 2 bài báo khiếu nại trên tờ Nhà Báo và Công Luận, và gởi 2 công văn đến Viện KSND Tối Cao “hỏi” về việc khiếu nại của gia đình Năm Cam. Đồng thời, cho đăng nội dung văn thư mật của Bộ CA, liên quan đến mục đích chạy án cho Năm Cam.
2.6.2. Bùi Quốc Huy
Bùi Quốc Huy (Năm Huy) sinh ngày 23-12-1945 tại Đồng Tháp. Trung tướng An Ninh, Thứ trưởng Bộ Công An, Ủy Viên Trung Ương đảng.
Năm 1995, do Hồ Việt Sử hướng dẫn, Năm Cam đã đến thăm nhiều lần, tại nhà riêng của Bùi Quốc Huy, số 7 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Vợ của Bùi Quốc Huy đứng tên thầu bãi giữ xe của nhà hàng Năm Cam, thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi tháng.
Hồ Việt Sử là "đối tượng" hình sự, bị tù nhiều lần về tội buôn lậu, cờ bạc, môi giới hối lộ, cá độ chuyên nghiệp, thế mà gia đình Bùi Quốc Huy quan hệ thân thiết lâu dài.
Năm 1995, sau khi Năm Cam bị tập trung cải tạo, Sử lại đưa Hiệp Phò Mã và Long "Đầu đinh" tới nhà Năm Huy, Hà Nội để “đưa đơn kêu oan”.
Năm 1996, Năm Huy, thông qua Hồ Việt Sử, nhờ mua 3 xe ôtô, một Toyota Camry 4 chỗ ngồi, một Toyota 15 chỗ ngồi và một xe tãi. Nhờ mua giùm mà chỉ trả có 10,000 đôla. Năm 1997, vợ của Năm Huy và con gái cùng với vợ của Sử cùng đi du lịch và chữa bịnh ở Singapore.
Năm 1998, Năm Huy nhận của Hồ Việt Sử 22,000 đôla để vợ đi Trung Quốc chữa bịnh.
Hồ Việt Sử đưa con trai của Năm Huy là Bùi Minh Tuấn, học chưa hết cấp 3, không có nghề nghiệp, vào làm Phó giám đốc kinh doanh công ty Song Tiến của Sử. Mức lương là 3,962,160 đồng mỗi tháng.
Tháng 10 năm 1997, Năm Cam được tha về sớm và lúc đó, Bùi quốc Huy giữ chức Giám đốc Sở CA Thành Phố Saigòn (Từ tháng 4 năm 1996 đến tháng 7 năm 2001)
Bộ CA có công điện mật giao cho Sở CA TP/SG tiếp tục theo dõi và quản lý chặt chẽ Năm Cam, nhưng Năm Huy không tích cực thi hành. Trái lại buông lỏng khiến cho Năm Cam càng lộng hành gây ra những tác hại nói trên.
Đàn em của Năm Cam có nhóm đi đòi nợ thuê, công khai đập phá tài sản và hành hung con nợ, gây xôn xao trong dư luận.
Bộ CA đã lập chuyên án điều tra Năm Cam, nhưng không có hiệu quả, bởi vì người lãnh đạo là Bùi Quốc Huy.
Tháng 5 năm 2001, Bộ CA thành lập một chuyên án mới, gọi là "Chuyên Án Năm Cam và đồng bọn" với bí số là Z5.01 do thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, phó cục trưởng cục Cảnh Sát Nhân Dân chỉ huy.
Tháng 10 năm 2002, cuộc điều tra kết thúc, hồ sơ được chuyển qua Viện Kiểm Sát Nhân Dân để đưa ra xét xử. Đây là vụ án rất phức tạp vì nó ăn rể chằng chịt tới các lãnh đạo nhà nước. Trong thời đó, Nguyễn Minh Triết, Ủy Viên Bộ Chính Trị giữ chức Bí thư thành Ủy Saigòn và Phan Văn Khải làm thủ tướng.
Một vụ án kỷ lục về số bị can, số tội danh và tính nguy hiểm nữa.
Trước khi bị bắt, Năm Cam thấy động, qua những vụ điều tra chung quanh mình, đã sang Hoa Kỳ, lập cơ sở và ở tại nhà một nữ ca sĩ, với ý định là chuyển tài sản và trốn sang Mỹ, nhưng vì vợ ghen, nên ý định không thành.
Ngày 11-10-2002, cơ quan cảnh sát điều tra đọc lịnh khởi tố bị can và tiến hành khám xét đồng loạt nhà riêng của Bùi Quốc Huy ở Saigòn, nhà Trần Mai Hạnh và Phạm Sỹ Chiến ở Hà Nội. Ba bị can bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
Ngày 12-12-2001, Năm Cam bị bắt giam.
3* Quá trình xét xử
Ngày 25-2-2003, tại Saigòn, phiên toà xét xử "Năm Cam và đồng bọn" khai mạc. Có 155 bị cáo với 24 tội danh khác nhau.
238 người có quyền lợi và nghĩa vụ được lệnh triệu tập có mặt tại toà. 39 người bị hại. 3 phiên dịch viên. Hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước tham dự.
Có 107 bị can bị tạm giữ, 48 bị can tại ngoại. Có 21 người là cán bộ.
Có 80 luật sư biện hộ.
Thời gian xét xử từ 25-2-2003 đến 5-6-2003.
Kết quả qua 2 phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm.
1* 6 bản án tử hình cho 5 bị can:
Trương Văn Cam, 2 án tử hình.
Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Hữu Thinh, Phạm Văn Minh và Châu Phát Lai Em.
2* 4 án chung thân:
Nguyễn Xuân Trường, Hồ Thanh Tùng, Bùi Anh Việt, Văn Công Tiến.
3* 6 án 20 năm tù:
Phan Thị Trúc (Vợ Năm Cam) Dương Ngọc Hiệp (Rể Năm Cam) và những người khác.
Các bị cáo là cán bộ, công an, nhà báo:
- Nguyễn Mạnh Trung, 5 năm tù
- Nguyễn Thập Nhất, 4 năm tù.
- Phạm Sỹ Chiến, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, 6 năm tù.
- Trần Mai Hạnh, UV/TW đảng, Giám đốc TTX/VN, 9 năm tù.
- Trung tuớng Bùi Quốc Huy, 4 năm tù và được ân xá chưa đầy 2 năm. Được thả trong dịp
3-2 năm 2005.
- Thượng tá Dương Minh Ngọc, 3 năm tù.
- Võ Quang Thúy, 7 năm tù.
- Ký giả Nguyễn Hoàng Linh, 12 năm tù.
4* Thi hành án tử hình Năm Cam
Lúc 5:30 sáng ngày 3-6-2004, Năm Cam và 4 tử tội đã bị xử bắn tại trường bắn Thủ Đức (Sân bắn số 8 của TBB/TĐ)
Các tử tội Châu Phát Lai Em, Nguyễn Hữu Thinh, Nguyễn Việt Hưng, Phạm Văn Minh và Năm Cam được chôn tại trường bắn sau khi bị xử bắn.
Dư luận đồn rằng các gia đình họ đã bỏ ra nửa tỉ đồng để khai quật các xác đem đi hoả táng. Chỉ còn ngôi mộ của Nguyễn Việt Hưng được xây bằng xi măng và quét vôi trắng.
** Sau khi toà tuyên án tử hình, 5 tử tù được đưa xuống nhà giam Tiền Giang, các Saigòn 72 Km.
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, công tác chuẩn bị pháp trường được tiến hành chu đáo, hàng loạt thao tác kỹ thuật được hoàn tất một ngày trước khi đưa tội nhân ra trường bắn.
Tại Tiền Giang, lúc 0 giờ ngày 3-6-2004, 5 tử tội mỗi người được đưa lên một xe “đặc chủng”. Họ không được thông báo trước nên xem như việc chuyển trại bình thường. Chỉ có ông trùm Năm Cam thì lặng lẽ hơn ngày thường.
Lúc 2 giờ sáng, các tử tù được đưa vào khám Chí Hoà, Saigòn.
3 giờ 30 sáng, họ được đưa vào hội trường để lăn tay, làm các thủ tục cuối cùng, nghe đọc lịnh xử bắn và cho viết thơ trăn trối gởi thân nhân.
4 giờ 30 sáng ngày 3-6-2004, họ được đưa lên xe hướng về Thủ Đức. Có xe moto dẫn đường và xe cảnh sát hộ tống. Tại các ngã tư và giao lộ, mà đoàn xe đi qua, đều có cảnh sát giao thông chực sẵn, bảo vệ an toàn phòng hờ cướp tử tội.
Đến nơi, 5 tử tội bước đi không nổi, phải có người xóc nách dìu đi. Khi nhận thấy 5 cây cột có ghi tên mình thì Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Hữu Thinh rung lên cầm cập và quỵ xuống.
5:45 sáng, đội hành quyết đã hoàn tất việc xử bắn.
III. KẾT LUẬN
Qua vụ án Năm Cam, báo chí nhà nước phát động tuyên truyền cho rằng Năm Cam là phần tử xấu của Mỹ Ngụy để lại, đồng thời cho thấy chủ trương quyết tâm chống tham những của đảng và nhà nước.
Sau khi kết thúc vụ án, thiếu tướng Nguyễn Việt Thành được thăng quân hàm trung tướng và chuyển sang làm Phó Chánh Văn Phòng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Phòng chống tham nhũng. Thành tích của tướng Thành là đã tài tình và khôn khéo vượt qua được những khu vực đã được khoanh vùng, tránh làm mất uy tín thêm cho đảng. Một nhiệm vụ khó khăn trước tình thế mà Phan Văn Khải làm thủ tướng và Nguyễn Minh Triết làm Bí Thư Thành Ủy Saigòn .
Trúc Giang
Minnesota ngày 30-11-2011

Không có nhận xét nào: