Pages

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Năm quan trọng cho ông Tập Cận Bình


Trước chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sang Hoa Kỳ vào tháng 2/2012 trong một năm quan trọng với cả Bắc Kinh và Washington, BBC Tiếng Việt xin giới thiệu với quý vị chân dung của ông nhìn qua một số trang quốc tế và khu vực châu Á
Tiểu sử ông Tập theo đài Trung Quốc (CRI):
Ông Tập Cận Bình, sinh tháng 6/1953, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 1/1974. Đi lên từ chức Bí thư Chi bộ Lương Gia Hà, Công xã Văn An Dịch, huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, ông về Bắc Kinh học Đại học Thanh Hoa.
Từng công tác tại tỉnh Hà Bắc và Phúc Kiến, ông lên giữ chức Bí thư Thành ủy Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến trong thập niên 1990, rồi làm lãnh đạo Đảng và chính quyền Chiết Giang trong thập niên 2000.

Ông cũng làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải (2007) và về Trung ương phụ trách Trường Đảng sau đó.
Hiện ông là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Giám đốc Trường Đảng Trung ương.
Báo Mỹ New York Times mục nhân vật:
“Ông Tập đã lên bậc thang quyền lực nhờ xây dựng vây cánh trong số các quan chức cao cấp của Đảng”
“Đa phần sự nghiệp của ông Tập, năm nay 57 tuổi là lo lãnh đạo tại khu vực duyên hải phía Đông vốn bùng nổ về kinh tế, và là tuyến đầu của cuộc thí nghiệm Trung Quốc thực hiện với chủ nghĩa độc đoán mang tính thị trường.
Đây là môi trường thu hút đầu tư nhưng cũng gài các chi bộ Đảng vào công ty tư nhân, và bành trướng sự hỗ trợ của chính quyền cho những doanh nhân hình mẫu.
Đây chính là kinh nghiệm chính trị và kinh tế mà ông Tập có, còn ông Hồ Cẩm Đào không có khi leo lên chức vụ cao nhất.
So với ông Hồ, thì ông Tập là một ông quan đỡ cứng nhắc hơn (nguyên văn: dour mandarin).
Người cao và chắc nịch, ông Tập thuộc nhóm ‘thái tử đảng’, tức con ông cháu cha của tầng lớp quan chức Đảng cao cấp, và ông cũng có vợ là ca sĩ, thiếu tướng Quân Giải phóng, bà Bành Lệ Viện.
Không ‘người máy’ như ông Hồ, ông Tập đã đập thẳng tay Phương Tây trong một số bài diễn văn gần đây. Ông cũng cảnh báo những ai chỉ trích sự vươn lên của Trung Quốc là đang “chỉ mặt’ vào nước này.
Nhưng cùng lúc, ông cho con gái đăng ký vào học ở Harvard bằng tên giả.
Ông Tập, đã lên bậc thang quyền lực nhờ xây dựng vây cánh trong số các quan chức cao cấp của Đảng, nhất là những người thuộc phe nhóm ông Giang Trạch Dân, đồng thời ông chăm lo tạo hình ảnh khiêm tốn, tự lực chứ không tỏ ra là có quan hệ thân thuộc cao cấp, theo lời các quan chức biết ông…”
Trang Al-Jazeera trong bài của Melissa Chan:
“Xem ra Trung Quốc không muốn làm cách nào khác ngoài chuyện ngăn chặn thông tin, kể cả khi gây hại cho chính mình”
Phóng viên Melissa Chan
“Năm nay là năm Rồng, con vật biểu tượng của Trung Quốc nhưng cũng đem lại đầy điềm xấu và một năm thách thức…Những tháng tới, mối lo ngại lớn nhất là Đảng Cộng sản Trung Quốc có cuộc chuyển đổi quyền lực một lần trong cả một thập niên.
Chúng tôi nghĩ thật hợp lý khi bắt đầu năm mới bằng chuyến về xem người sẽ lên đỉnh cao quyền lực là thế nào: ông Tập Cận Bình.
Chúng tôi đến tỉnh Thiểm Tây, nơi ông sống bảy năm thời Cách mạng Văn Hóa. Bản thân tôi thấy câu chuyện về giai đoạn đó trong đời ông đầy ấn tượng: nó là chuyện về một cậu bé sinh ra nơi đô thị bị gửi về quê. Chúng ta cùng biết rằng cậu bé Tập Cận Bình hồi nhỏ chăm đọc sách và đọc cả đêm sau khi đã xong việc đồng áng. Rồi chuyện Tập được bầu làm chủ tịch xã và chỉ rời đi sau khi được người dân hoàn toàn ủng hộ.
Nhưng chúng tôi đã không thu được nhiều video. Quan chức chính quyền thường cáo buộc truyền thông nước ngoài là thiên vị, rằng chúng tôi thường vẽ ra bức tranh đen tối về Trung Quốc.
Tại đây tôi muốn kể về một câu chuyện thật tích cực nhưng chỉ sau một giờ trong làng, chúng tôi bị quan chức địa phương tống cổ đi. Xem ra Trung Quốc không muốn làm cách nào khác ngoài chuyện ngăn chặn thông tin, kể cả khi gây hại cho chính mình…”

Ông Tập bắt tay Đại sứ Gary Locke, gốc Hoa, người phê phán tình hình nhân quyền ở TQ
Trang Bấm Jamestown.org trong bài của Bruce Gilley:
“Chân dung những người sẽ vào Bộ Chính trị cuối năm 2012 là điều trọng yếu cho ông Tập Cận Bình. Vì nếu không có đồng minh trong cơ quan này, ông Tập sẽ không thể nào thúc đẩy được nghị trình chính trị của mình. Đặc biệt, ông Tập cần có ba đồng minh, những người nhiều khả năng sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị: Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh, Vương Kỳ Sơn, Phó Thủ tướng phụ trách ngoại thương và tài chính, và Trương Đức Giang, Phó Thủ tướng nắm ngành giao thông, năng lượng và công nghiệp.
Các chức vụ này được bổ nhiệm ra sao còn tùy vào cuộc chơi quyền lực và mọi dấu hiệu của khúc mắc cho cuộc kế thừa sẽ được theo dõi chặt.
Một yếu tố nữa là liệu ông Lý Khắc Cường, hiện là Phó Thủ tướng thường trực, đối thủ của ông Tập, có giành được ghế để cho ông ta hay là ghế thủ tướng sẽ phải nhường cho Vương Kỳ Sơn. Và như thế, ông Lý có thể phải nhận chức Chủ tịch Quốc hội.
Nếu phương án này xảy ra thì cán cân quyền lực gồm hai phái vốn được duy trì 10 năm qua sẽ bị lung lay, gây ra các chuyển biến cho chính sách.
Ngoài ra, yếu tố thứ ba còn là chuyện liệu có xảy ra cuộc chuyển giao tới ‘thế hệ lãnh đạo thứ sáu’ hay không.
“Cả hai phe đều mị dân và có gốc gác con ông cháu cha”
Giá trị của việc chuyển quyền êm thắm sẽ còn ý nghĩa với các đảng viên cùng sự thăng tiến của ông Tập trong năm 2012. Nhưng đây có thể chỉ là một lần duy nhất, nhờ có sự phối hợp của phong cách đồng thuận của Hồ Cẩm Đào và quyết định của ông Giang Trạch Dân chọn ông Tập làm người kế vị.
Nếu không rõ ‘lãnh đạo thế hệ sáu’ là gì thì cuộc đấu giành ghế sẽ có nguy cơ mang tính cạnh tranh hơn và bất ổn hơn trong năm 2012.
Phái ‘lãng mạn Marxist’ như ông Lý Khắc Cường thu hút sự ủng hộ trong các cơ quan Đảng và vùng nội địa nghèo khó.
Phái thực tiễn Leninist như ông Tập lại lên nhờ các vị trí mang tính kỹ trị trong hệ thống chính quyền, chủ yếu ở vùng ven biển giàu có.
Phe ông Lý chú tâm đến công bằng xã hội và ý thức hệ, còn phe ông Tập quan tâm nhiều đến quyền lực quốc gia và kỷ luật Đảng.
[Thế nhưng] cả hai phe đều mị dân và có gốc gác con ông cháu cha.
Nếu tới đây ông Tập có thêm đồng minh, ông sẽ có nhiều cơ hội hơn để thúc đẩy nghị trình Leninist dân tộc chủ nghĩa về trong các chính sách công…”

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình nói chuyện với thanh niên Việt Nam tại Hà Nội
Tạp chí Đảng Cộng sản của Việt Nam:
Trong bài viết của tác giả Minh Châu, báo Đảng của Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò giáo dục thanh niên Trung – Việt của ông Tập trong chuyến thăm sang Hà Nội tháng 12/2011 như sau:
“Đồng chí Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hy vọng thanh niên hai nước sẽ kế thừa và phát triển tình hữu nghị truyền thống Trung – Việt, sẽ tự giác hơn để gánh vác trọng trách lịch sử, đóng góp trí tuệ và lực lượng vào việc làm phong phú thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt,”
“[Đồng chí] hy vọng thanh niên hai nước trở thành sứ giả của tình hữu nghị đời đời bền vững giữa Trung Quốc và Việt Nam, tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử của tình hữu nghị Trung – Việt, kề vai, sát cánh thúc đẩy cây hữu nghị Trung – Việt không ngừng đơm hoa kết trái.”

Không có nhận xét nào: