Pages

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

BÀI DIỄN VĂN LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI: “Tự do của người Ba Lan có cái giá quá đắt”

BÀI DIỄN VĂN LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI

“Tự do của người Ba Lan có cái giá quá đắt”

Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, thế giới từ ba cực Chủ Nghĩa Tư Bản – Phát Xít – Chủ Nghĩa Xã Hội thành thế giới hai cực Chủ Nghĩa Tư Bản – Chủ Nghĩa Xã Hội
Tại những nước do Xô Viết đóng quân, chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa được thành lập, tương tự các nước do Đồng Minh đóng quân sẽ theo chủ nghĩa Tư Bản. Thế giới xuất hiện hai hệ thống quốc gia đối lập nhau và khởi đầu của Chiến Tranh Lạnh
Đến thập niên 80, các điểm yếu về kinh tế xã hội trong hệ thống xã hội của khối Xã Hội Chủ Nghĩa ngày càng bộc lộ rõ và dần dần thành tình trạng khủng hoảng kinh tế ( bài viết này không đi vào phân tích các mâu thuẫn này, cũng không có ý so sánh hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa và Tư Bản Chủ Nghĩa, vì cả 2 hệ thống này đều tồn tại trong lòng mình các mâu thuẫn riêng cần điều chỉnh để phát triển theo từng thời kỳ ).
Ba Lan là nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa, từ năm 1980, Ba Lan bước vào thời kỳ khủng khoảng kinh tế, xã hội. Công nghiệp đình trệ, lương thực, thực phẩm khan hiếm. Tháng 8 năm 1980, phong trào đình công đòi tăng lương, phản đối chính sách kinh tế, chính trị, xã hội của nhà nước lan rộng khắp Ba Lan. Uỷ Ban Đình Công Toàn Quốc được thành lập và tổ chức nhiều cuộc đình công

Chính quyền đã tìm cách giải tán tổ chức này, bắt giam hoặc quản thúc các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên trước đấu tranh của quần chúng, vào ngày 31.8.1980, chính phủ đã buộc phải điều đình với Uỷ Ban Đình Công Toàn Quốc đồng ý tăng lương, thả những người bị bắt trong các cuộc đình công v.v…
Sau khi những thỏa thuận ký ngày 31 tháng 08 được thực thi, ngày 24 tháng 09 năm 1980, Uỷ Ban Đình Công Toàn Quốc đã ra tuyên bố thành lập tổ chức công đoàn lấy tên là Liên Hiệp Công Đoàn Độc Lập Đoàn Kết ( Công đoàn Đoàn Kết ) – “Solidarność” hay Solidarity.
Mâu thuẫn giữa chính phủ và Solidarity vẫn kéo dai dẳng và gây ra sự lo ngại trong chính phủ Ba Lan và cả cộng đồng Xã Hội Chủ Nghĩa đứng đầu là Liên Xô.
Ngày 13.12.1981, Hội Đồng Nhà Nước ban bố “tình trạng chiến tranh” và thiết quân luật trên toàn quốc. Hội Đồng Cứu Nguy Dân Tộc được lập ra để tiếp nhận bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Ngày 18.12.1981, 9 công nhân đã bị bắn chết và nhiều người bị thương trong cuộc biểu tình tại tỉnh Katowice.
Ngày 18.10.1982, Quốc Hội Ba Lan Cộng Sản ra nghị quyết cấm hoạt động và giải thể Solidarity. Nhiều cán bộ công đoàn bị bắt giam hoặc bị quản thúc. Các công nhân viên chức đình công bị đưa ra tòa án quân sự xét xử. Các cơ sở vật chất của Solidarity bị tịch thu, 10.131 người bị bắt, 3.616 bị án tù. Tuy nhiên, Solidarity không giải tán mà chuyển vào hoạt động bí mật, phát truyền đơn tố cáo hành động của chính phủ, phát sóng phát thanh kêu gọi nhân dân đấu tranh.
Cũng vào thời điểm đó, năm 1983, Chính Phủ Ba Lan và Tòa Thánh Vatican đã đạt được một thỏa thuận để Giáo Hoàng có thể đến thăm Ba Lan với mục đích thuần túy tôn giáo. Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Ba Lan vào tháng 6 năm 1983, khi mẫu thuẫn giữa chính phủ và Solidarity đang lên rất cao.
Khi vừa đến Ba Lan ngày 16.6.1983, Đức Giáo Hoàng đã bộc lộ rõ tinh thần ủng hộ Solidarity. Sau khi quỳ xuống hôn đất quê hương, ngài đã lên kêu gọi những người đang bị bắt bớ ở Ba Lan: “Cha kêu gọi những người bị đày đọa hãy đến đây với cha. Cha kêu gọi lời này thay lời Chúa Giêsu: Cha đã bị ốm và các con hãy đến thăm cha. Cha bị giam cầm, các con hãy đến với cha. Bản thân cha không thể tới thăm các con chiên đang bị giam cầm, đến thăm tất cả các con chiên đang bị đày đọa. Nhưng cha kêu gọi họ hãy đến với cha trong tinh thần giúp đỡ cha, như họ vẫn luôn làm.” Buổi tối đó, hàng chục ngàn người đã diễn hành… Khi đi ngang qua tòa nhà của Trung ương Đảng Cộng Sản Ba Lan, đoàn thanh niên đã hô to: “Solidarity ! Solidarity ! Walesa ! Dân Chủ !”
Ngày 18.6.1983, bài diễn văn này được đọc. Tuy về mặt câu chữ bài này không thể hiện rất rõ ràng tinh thần xung đột của Giáo Hoàng với Chính Phủ Ba Lan, nhưng dựa vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, ta có thể cảm nhận rõ tinh thần này.
Đức Giáo Hoàng kêu gọi mọi người hãy “mở mắt” nhìn rõ sự thật, rồi khẳng định: “Những kinh nghiệm của lịch sử đã cho chúng ta thấy sự vô đạo đức trong một số thời đại nhất định đã khiến cả một quốc gia phải trả giá bằng chính nó. Ngày nay, khi chúng ta đang đấu tranh cho cuộc sống tương lai của xã hội chúng ta, hãy nhớ rằng xã hội tương lai này như thế nào phụ thuộc vào cách sống của con người trong xã hội đó” điều này chắc chắn sẽ làm người nghe liên tưởng đến cuộc xung đột của chính phủ và Solidarity và biết rõ ông ủng hộ phe nào. Và rõ ràng với vị trí của mình, ngài đã tác động rất nhiều đến tinh thần của 2 bên, cho nên có thể coi đây là một bài diễn văn có sức ảnh hưởng lớn.
Sau bài diễn văn này…
Không dập tắt được phong trào đấu tranh của Solidarity và bị thế giới lên án rất mạnh mẽ, ngày 22.7.1983, Chính Quyền tuyên bố chấm dứt “tình trạng chiến tranh” và giải thể Hội Đồng Quân Sự Cứu Nguy Dân Tộc. Solidarity trở lại hoạt đông công khai. Các cuộc đình công, biểu tình vẫn liên tiếp nổ ra khắp nơi.
Tháng 10 năm 1983, Chính phủ Hoa Kỳ, lập ra quỹ giúp đỡ Solidarity do thượng nghị sỹ Edward Kennedy làm cố vấn.
Ngày 8 đến ngày 14.6.1987, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về thăm quê hương Ba Lan một lần nữa và biểu lộ sự ủng hộ Solidarity.
Ngày 1.8.1987, Hạ viện Mỹ đã thông qua ngân sách 1 triệu đôla giúp đỡ Solidarity.
Ngày 6.2.1989, Đảng cầm quyền buộc phải chấp nhận “Hội nghị bàn tròn” với Solidarity và đồng ý tổ chức bầu cử dân chủ vào Quốc Hội và Thượng Viện.
Ngày 4.6.1989, trong cuộc bầu cử dân chủ, Solidarity thắng lớn. Solidarity cùng các lực lượng đối lập là Đảng Nhân Dân Thống Nhất và Đảng Dân Chủ đứng ra lập chính phủ liên hiệp. Ba Lan chuyển thành nước Tư Bản.
Năm 1999, Ba Lan gia nhập NATO, và năm 2004 tham gia vào Liên Minh Châu Âu.
Về tác giả ( nguồn Wikipedia )
Chân Phước Gioan Phaolô II ( Latinh: Beatus Ioannes Paulus II; tên sinh Karol Józef Wojtyła ) sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 – mất ngày 2 tháng 4 năm 2005, là vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo Rôma và là người lãnh đạo tối cao của Vatican kể từ ngày 16 tháng 10 năm 1978. Ông lấy tông hiệu Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ( Latinh: Ioannes Paulus PP. II; tiếng Ý: Giovanni Paolo II; Ba Lan: Jan Paweł II ). Cho đến khi qua đời, triều đại của ông đã kéo dài hơn 26 năm và trở thành triều đại Giáo Hoàng dài thứ hai trong lịch sử hiện đại, sau triều đại dài 32 năm của Giáo Hoàng Piô IX.
Ông là vị Giáo Hoàng duy nhất người Ba Lan và là Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý trong gần 500 năm, kể từ Giáo Hoàng Adriano VI năm 1520. Ông là được tạp chí TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. và cả những năm đầu thế kỷ 21. Mặc dù chưa chính thức được phong Thánh nhưng ông được chọn là một trong những vị Quan Thầy bảo trợ cho Ngày Giới trẻ Thế giới tại Sydney vào năm 2008.
Trong triều đại của mình, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo trong Thế giới thứ ba. Ông đã thực hiện rất nhiều chuyến tông du hơn 129 quốc gia, ông có thể nói được hơn 10 ngôn ngữ ( ngoài tiếng Ba Lan, còn có tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga và một chút tiếng Việt )
NGUYỄN MAI ANH KIỆT giới thiệu
Theo EPHATA số 502

Không có nhận xét nào: