TTXVN (Niu Yoóc)
Mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược
Stratfor của Mỹ gần đây cho rằng ngoài cuộc chiến tranh năm 1962, Ấn Độ và
Trung Quốc không mấy tác động đến nhau về mặt địa chính trị. Tuy nhiên, những
thay đổi trong cấu trúc kinh tế của Trung Quốc đã dẫn đến việc Bắc Kinh ngày
càng hoạt động nhiều tại Ấn Độ Dương – khu vực ảnh hưởng của Niu Đêli. Do đó, Ấn
Độ cố gắng phát huy sức mạnh của mình ra Ấn Độ Dương để chống lại sự can dự ngày
càng tăng của Trung Quốc.
Chia tách giữa Ấn Độ và Trung Quốc là dãy núi
Himalaya. Đối với Ấn Độ, Nêpan và Butan là những quốc gia đệm ở khu vực biên
giới Đông Bắc và Tây Bắc giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Bang miền núi Sikkim là tấm
đệm thứ 3 giữa hai quốc gia và chính phủ của cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi
đã tìm cách đưa toàn bộ bang này vào Ấn Độ. Khi các cuộc bạo loạn chống chế độ
quân chủ bùng nổ tại Sikkim năm 1973, do lo ngại Trung Quốc có thể nhảy vào và
đòi đây là một phần của Tây Tạng nên Ấn Độ đã sử dụng tổng hợp chiến thuật chính
trị và quân sự để thuyết phục vị vua cuối cùng của Sikkim chấp nhận Sikkim là
bang thứ 23 của Ấn Độ. Điều này giúp Niu Đêli có thêm đòn bẩy đối với Trung Quốc
thông qua việc hỗ trợ các phần tử Tây Tạng ly khai đang sống tại
Sikkim.
Có rất nhiều tranh chấp lãnh thổ dọc đường biên
giới Ấn Độ – Trung Quốc. Trung Quốc có lãnh thổ rộng lớn trong khu vực Casơmia,
ở phía Tây Bắc của Ấn Độ, tại 3 khu vực là Thung lũng Shaksgam, Aksai Chin và
Demchok. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền một phần đáng kể của khu vực hình
thành nên vành đai Đông Bắc của Ấn Độ – bang Arunachal Pradesh.
Biên giới Ấn Độ – Trung Quốc, căng thẳng
nhưng ít hành động
Dãy Himalaya đã ngăn chặn hiệu quả, không cho Ấn
Độ và Trung Quốc thực hiện được hoạt động quân sự đáng kể nào chống lại nhau.
Tuy nhiên, điều này không loại bỏ hoàn toàn được những căng thẳng. Hơn 6 thập kỷ
qua, tại Ấn Độ, thường xuyên có những phản đối về các mối đe dọa tiềm tàng từ
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở nhiều khu vực dọc theo sườn phía Bắc
của Ấn Độ (các bang Himachal Pradesh và Uttarakhand, nằm giữa Nêpan và Casơmia
dọc biên giới với Trung Quốc, cũng bị xem là có nguy cơ bị quân đội Trung Quốc
xâm nhập). Trong những năm gần đây, mối đe dọa này đã dẫn đến việc Niu Đêli tăng
cường phòng thủ quân sự trong mối quan hệ với Bắc Kinh.
Các quan chức tại bang Arunachal Pradesh của Ấn
Độ thỉnh thoảng khẳng định rằng Trung Quốc đang xây dựng quân đội ở phía bên
giới của họ. Những tuyên bố này thường theo sau bởi những báo cáo nêu bật những
nỗ lực của Ấn Độ nhằm tăng cường an ninh bên phía mình và coi Trung Quốc là thù
địch. Các nguồn tin của Trung Quốc cho Stratfor biết rằng cái đang diễn ra trong
những trường hợp này là việc các quân đoàn công binh Trung Quốc thường kỳ xây
dựng các công trình có mục đích phòng thủ, nhưng Ấn Độ lại coi như là những động
thái tấn công. Làm trầm trọng thêm những căng thẳng này là những cáo buộc rằng
nước này đang hỗ trợ cho những phần tử nổi loạn ở nước kia. Ấn Độ thì khẳng định
rằng Trung Quốc đang hỗ trợ nhiều nhóm nổi dậy khác nhau ở các bang Đông Bắc của
Ấn Độ như Assam, Nagaland, Mizoram, Tripura và Meghalaya. Trong khi đó thì Trung
Quốc chỉ trích Ấn Độ về việc cung cấp chỗ trú ẩn cho các phần tử ly khai Tây
Tạng.
Ngoài những cáo buộc và các biện pháp chuẩn bị
quân sự này, biên giới của Ấn Độ với Trung Quốc vẫn bình yên trong 50 năm qua,
ngoại trừ các sự cố hiếm hoi và nhỏ lẻ. Điều này khó có khả năng thay đổi trong
tương lai gần.
Yếu tố Pakixtan trong quan hệ Ấn Độ –
Trung Quốc
Việc lo ngại bị Trung Quốc bao vây đã tác động
đến tư duy của các chiến lược gia và các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ. Phần
quan trọng của tư duy này liên quan đến mối quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và
Pakixtan – nước láng giềng đối thủ ở phía Tây của Ấn Độ. Trung Quốc đã sử dụng
sự thù địch giữa Ấn Độ và Pakixtan làm đòn bẩy chống lại Niu Đêli.
Hợp tác quân sự và trợ giúp kinh tế cho
Ixlamabát đã cho phép Trung Quốc thiết lập sự hiện diện đáng kể tại Pakixtan.
Đối với Niu Đêli, sự tham dự của Trung Quốc vào việc phát triển hành lang giao
thông ở khu vực Gilgit-Baltistan, Đông Bắc Pakixtan, mà Pakixtan đã giành được
trong cuộc chiến tranh 1948 tại khu vực Casơmia, đã giúp nâng cao vị thế của
Pakixtan tại vùng lãnh thổ tranh chấp này. Trong những năm gần đây, Niu Đêli đã
cáo buộc rằng Pakixtan đã cho phép 11.000 quân PLA vào đồn trú tại
Gilgit-Baltistan.
Trung Quốc có thể muốn sử dụng toàn bộ chiều dài
lãnh thổ Pakixtan làm cầu nối cho hàng xuất khẩu và quan trọng hơn là nhập khẩu.
Khả năng này sẽ giúp Trung Quốc tránh các tuyến đường biển giữa vùng biển phía
Đông và phía Nam chạy qua eo biển Malắca và Ấn Độ Dương. Đây là một bước đi quan
trọng giúp việc nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc từ Trung Đông trở nên bảo
đảm hơn.
Bắc Kinh có thể thực hiện được điều này nếu họ
có thể thiết lập một hành lang giao thông tốt và an toàn giữa đèo Khunjerab ở
biên giới Pakixtan – Trung Quốc và cảng Gwadar ở Biển Arập (một cơ sở Trung Quốc
đã giúp xây dựng). Tuy nhiên, những trở ngại về kỹ thuật và tài chính cũng như
các vấn đề về an ninh, khí hậu và địa chất, đã ngăn cản Trung Quốc xây dựng cơ
sở hạ tầng đường sá và đường sắt dọc toàn bộ chiều dài lãnh thổ Pakixtan. Do sự
rối loạn trong nước của Pakixtan và việc NATO sẽ rút quân khỏi Ápganixtan, về
lâu dài, Bắc Kinh sẽ chỉ đạt được một phần nhỏ trong tham vọng này. Tuy nhiên,
cảng Gwadar lại có giá trị hàng hải rất lớn đối với Bắc Kinh và có thể là một
cảng hải quân quan trọng của Trung Quốc ở phía Tây Bắc của Ấn Độ
Dương.
Mặc dù có sự can dự của Trung Quốc vào Pakixtan,
nhưng vấn có nhiều khó khăn trong việc sử dụng sự can dự đó để chống lại Ấn Độ.
Sự bất ổn tại Pakixtan và các phần tử vũ trang Hồi giáo quốc tế đóng tổng hành
dinh tại đó đã biến Pakixtan thành một gánh nợ hơn là một tài sản. Quan hệ Trung
Quốc – Pakixtan cũng bị ảnh hưởng bởi vai trò của Mỹ ở Nam Á và Bắc Kinh phải
cân bằng những cam kết của mình với Ixlamabát và mối quan hệ với Oasinhtơn.
Trung Quốc cũng không sẵn sàng hoặc không thể đảm nhận một vai trò tại Pakixtan,
về mặt tài chính hoặc chính trị như Mỹ. Quan trọng hơn, nhu cầu địa chính trị
của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Pakixtan.
Sự thay đổi kinh tế chính trị của Trung Quốc
trong những thập kỷ gần đây đă buộc Bắc Kinh phải chuyển đổi từ cường quốc đất
liền sang cường quốc biển. Nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng và các nguồn tài
nguyên khác để nuôi bộ máy công nghiệp và do lĩnh vực xuất khẩu yêu cầu các
tuyến đường vận chuyển từ bờ biển của Trung Quốc đến châu Phi và Trung Đông,
Trung Quốc phải thiết lập và tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương cho
phù hợp.
Mặc đù sẽ mất thời gian để Trung Quốc có thể xây
dựng năng lực hải quân, nhưng Trung Quốc đã bắt đầu phát triển các tiền đồn ảnh
hưởng trên khắp Ấn Độ Dương. Mặc dù trong nhiều trường hợp Trung Quốc cung cấp
tài chính cho hoạt động xây dựng các cảng này, các dự án này tại Mianma,
Bănglađét, Xri Lanca, Manđivơ và những nơi khác cũng là nguồn thu tiềm năng cho
các công ty xây dựng của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc bị xâm nhập vào sườn phía
Nam này đã làm trầm trọng thêm sự lo ngại của Ấn Độ đối với Trung Quốc trong vấn
đề an ninh.
Những lựa chọn của Ấn
Độ
Vì Trung Quốc là một cường quốc kinh tế lớn hơn
và có khả năng hải quân tầm xa tốt hơn so với Ấn Độ, Niu Đêli cảm thấy phải sớm
hành động để chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc đối với những cái mà Ấn Độ coi
là lãnh hải của mình. Mặc dù Ấn Độ không có khả năng sử dụng Ấn Độ Dương cho
việc phát huy sức mạnh ra bên ngoài khu vực, nhưng nước này đã thiết lập được
ảnh hưởng đáng kể ở đây. Hơn nữa, do chính nhu cầu của Ấn Độ đối với các nguồn
tài nguyên, đặc biệt là năng lượng, đang tăng lên, Ấn Độ cần phải bảo đảm an
ninh cho các tuyến đường biển của mình từ châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á.
Cùng với mong muốn của Ấn Độ trong việc bảo vệ quyền sở hữu các quần đảo Andaman
và Nicobar tại vịnh Bengan và quần đảo Lakshadweep gần Biển Arập, nhu cầu này
làm cho những va chạm giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên khu vực Ấn Độ Dương là điều
không thể tránh khỏi. Do Ấn Độ không có khả năng tự mình chống lại sức mạnh
Trung Quốc trên Ấn Độ Dương nên Niu Đêli đã hỢp tác với Oasinhtơn. Oasinhtơn
cũng có lợi ích riêng khi kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu
vực.
Từ góc độ của Ấn Độ, phần phía Nam của vịnh
Bengan là rất quan trọng vì nó gần với eo biển Malắcca. Eo biển Malắcca quan
trọng đối với chính sách “Hướng Đông” 20 năm tuổi của Ấn Độ, một chính sách được
thúc đẩy bởi nhu cầu năng lượng và thương mại và sự quan tâm mạnh mẽ đến việc
chống lại Trung Quốc. Chính sách này liên quan đến việc Ấn Độ phát triển mối
quan hệ chặt chẽ với Mianma và các nước khác trong khu vực vốn trước đây được
gọi là các nước Đông Dương.
Trong 2 thập kỷ qua, Ấn Độ đã tái thiết lập quan
hệ gần gũi với Mianma, một đồng minh lâu đời của Trung Quốc. Bằng việc tận dụng
nhu cầu của Mianma cần có các đối tác quốc tế, do vị thế cùng khổ của nước này,
Ấn Độ đã không chỉ phát triển nguồn tài nguyên khí đốt mà còn bắt đầu cạnh tranh
với Trung Quốc, Ngoài ra, các thoả thuận hợp tác năng lượng với Việt Nam cũng
cho phép Ấn Độ thiết lập sự hiện diện ở khu vực Biển Đông – một khu vực Trung
Quốc coi là độc quyền ảnh hưởng.
Ấn Độ cũng xây dựng các mối quan hệ kinh tế gần
gũi với các quốc gia Đông Nam Á quan trọng khác như Thái Lan, Xinhgapo và
Malaixia. Điều này cho phép Ấn Độ thành lập một thoả thuận tự do thương mại với
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các nước Đông Nam Á cũng chia sẻ mong
muốn của Ấn Độ trong việc chống lại ảnh hưởng đang tăng lên của Trung
Quốc.
Ngoài Đông Nam Á, Ấn Độ cũng đang làm việc với
Nhật Bản, nước cũng rất quan tâm đến việc đối trọng lại Trung Quốc. Cả hai nước
đang cùng làm việc với Mỹ để thiết lập chỗ đứng tại Biển Đông – một thoả thuận 3
bên có thể có ích cho Ấn Độ. Tuy nhiên, khả năng của Ấn Độ trong việc chống lại
Trung Quốc ở sườn phía Nam của mình bị hạn chế do tình hình nội bộ, chính trị và
kinh tế của Niu Đêli.
Vai trò của thương mại song
phương
Trong khoảng một thập kỷ qua, quan điểm chung
của Ấn Độ đối với Trung Quốc đã thay đổi, tăng cường quan hệ thương mại và hợp
tác kinh tế đã bổ sung cho sự cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia. Các mối
quan hệ kinh tế Ấn Độ – Trung Quốc đã nâng tầm quan trọng của Ấn Độ tới mức mà
Trung Quốc cảm thấy cần phải cân bằng các mối quan hệ lịch sử của mình với
Pakixtan để hợp tác với Ấn Độ. Hơn nữa, mối lo ngại của Trung Quốc về sự bao vây
chiến lược của Mỹ, trong đó Niu Đêli là một phần quan trọng, đã tạo thuận lợi
cho Ấn Độ. Điều này giúp Niu Đêli có khả năng để đối phó với Ixlamabát – mối đe
dọa an ninh chính của Ấn Độ.
Tuy nhiên, có một xu hướng dài hạn theo đó Trung
Quốc sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong khi vai trò của Ấn
Độ đối với Trung Quốc không thay đổi. Từ năm 2001 đến 2010, thương mại của Ấn Độ
với Trung Quốc tăng đều đặn từ 3% lên 10% tổng thương mại. Tuy nhiên, thương mại
của Trung Quốc với Ấn Độ tính theo phần trăm trong tổng thương mại của nước này
gần như đứng im, tăng từ 1 – 2% trong giai đoạn trên. Năm 2010, tổng kim ngạch
thương mại giữa hai nước đạt khoảng 50 tỷ USD.
Xu hướng này phần lớn là do việc Ấn Độ tăng
cường tiêu thụ thiết bị điện tử và máy móc của Trung Quốc (mặt hàng chiếm 42%
nhập khẩu trong năm 2010). Năm 2001, Ấn Độ nhập khẩu 1,8 tỷ USD hàng hoá từ
Trung Quốc, trong đó có khoảng 200 triệu USD hàng điện tử và 200 triệu USD máy móc. Đến năm 2010, Ấn Độ nhập tổng cộng 33
tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc, trong đó hàng điện tử là 9 tỷ USD và máy móc là
5,6 tỷ USD.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc có khả năng bán
các hàng hoá có chi phí sản xuất thấp vào Ấn Độ, chiếm mất thị phần của các nhà
sản xuất nội địa, trong khi Ấn Độ không thể bán cho Trung Quốc các loại hàng hoá
chính của mình như các sản phẩm hoá dầu, kim cương, đồ trang sức, ôtô, hàng điện
tử và các dịch vụ giá trị gia tăng cao như phát triển phần mềm, kỹ thuật và phát
triển công nghệ thông tin. Sự mất cân bằng này có những tác động đến sự kình
địch chung giữa hai quốc gia.
Cuối cùng, Ấn Độ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung
Quốc về kinh tế và do đó sẽ ở vị trí yếu trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa
hai nước – một cuộc cạnh tranh sẽ diễn ra trên Ấn Độ Dương chứ không phải là ở
biên giới chung giữa hai nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét