"Chúng ta phải tìm mọi cách để đạt được sự đồng thuận chứ đừng dùng điểm gì để cho người dân thấy rằng ý kiến của mình bị chặn lại một cách không thỏa đáng."
Giáo sư Đặng Hùng Võ
Ở đây, câu chuyện Văn Giang thuộc về phần quy định của pháp luật đối với dự án này chưa làm thoả mãn những yêu cầu của người dân bị mất đất. Qua quá trình vừa rồi, tôi cho rằng áp dụng của chính quyền địa phương có nhiều điểm nhích về phía Luật đất đai 2003, với tất cả mức hỗ trợ cho người dân mà tôi cho rằng đã vận dụng mức khá cao.
Tuy nhiên, Văn Giang là huyện giáp với Hà Nội, thành ra mọi áp dụng theo cơ chế của tỉnh Hưng Yên sẽ không thể bằng quy định của Hà Nội. Như vậy, người dân thấy rằng ở bên kia, đường địa giới của tỉnh có thể được áp dụng những khung về giá đất, về cách thức hỗ trợ, về bồi thường cao hơn. Đây cũng là một điểm làm cho người dân cảm thấy có gì đó không thoả mãn.
Tôi cho rằng, khi mà đã đúng với quy định của pháp luật rồi thì rất khó xử lý bởi vì muốn hay không, thì chúng ta cũng thấy việc làm thế nào để giải quyết lại là một câu chuyện khó.
BBC: Dẫu biết đây là câu chuyện rất khó nhưng ông có nhận xét gì trước cách thực hiện của chính quyền Văn Giang?
Tôi cho rằng đây là điểm mà chúng ta nên thay đổi trong cách quản lý ở các địa phương. Nói cách khác, chúng ta phải tìm mọi cách để đạt được sự đồng thuận chứ đừng dùng điểm gì để cho người dân thấy rằng ý kiến của mình bị chặn lại một cách không thỏa đáng.
BBC: Vậy quyết định thu hồi đất của chính quyền Văn Giang có đúng với pháp luật hay không?
Tôi cho rằng đây là một quyết định đúng, bởi vì, theo quy định của pháp luật ngay luật 2003 cũng đã thu hẹp lại diện nhà nước thu hồi đất khá nhiều. Nhưng trong đó, việc thu hồi đất để làm khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới hoặc chỉnh trang lại các khu vực cũ, nếu dự án được chính quyền cấp tỉnh phê duyệt thì đều thuộc diện nhà nước thu hồi đất.
"Có một cái lý về mặt nguyên tắc luật 2003 đưa ra là những khu vực phát triển mà có hạ tầng chung thì đều thuộc phạm vi nhà nước thu hồi đất"
Cách thức của Việt Nam hiện nay vẫn là thu hồi đất sau đó bồi thường các việc có liên quan đến quyền lợi của người bị thu hồi đất được gói bằng một tổng số tiền. Tất nhiên, pháp luật cũng ưu tiên thứ nhất là bồi thường bằng đất, sau đó nếu không có đất thì bồi thường bằng tiền. Nhưng đây chỉ là quy định nằm trên giấy.
Trên thực tế, các nơi đều muốn bồi thường bằng tiền. Bởi lẽ, quy định của pháp luật Việt Nam cũng là tiền bồi thường đấy, nhà đầu tư phải xuất trước, sau đó được trừ vào tiền mà nhà đầu tư phải nộp cho nhà nước về tiền sử dụng đất sau khi biến thành đất khu đô thị.
Như vậy, chính quyền điạ phương nhẹ nhất tính ra thành tiền và nhà đầu tư là bên xuất tiền ngay lập tức. Đây là cách thức bồi thường mà tôi cho rằng quá đơn giản. Nó không chứa được nội dung lớn hơn mà quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đòi hỏi.
BBC: Vậy trong dự án Ecopark này nhà đầu tư cũng thực hiện theo cách này?
Tôi không biết rõ nhưng tôi tin chắc cơ chế này được áp dụng với tất cả các dự án, tức là nhà đầu tư xuất tiền trước để thực hiện hỗ trợ tái định cư cho người dân.
BBC: Vai trò cũng như trách nhiệm của chính phủ trong dự án này ở mức nào?
"Chúng ta phải sớm có một quy định về chuyện thu hồi đất để phát triển các khu đô thị"
Sự thực, cho đến hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định về mặt đất đai là về phía các cơ quan trung ương có trách nhiệm kiểm tra, xem xét việc thực thi pháp luật địa phương là đúng hay không đúng. Nếu là đúng, các cơ quan này có thể có ý kiến với địa phương để giải quyết rắc rối có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Về đất đai, các cơ quan trung ương không hề có quyết định trực tiếp gì về đất đai cả.
BBC: Nhìn chung, theo ông vụ việc xảy ra ở Văn Giang mang đến thông điệp gì?
Về phía tôi, với kinh nghiệm của một người đã làm quản lý cũng hiểu rõ quy định của pháp luật, cũng như tình hình thực thi pháp luật thì tôi cho rằng, thông điệp lớn nhất ở đây chúng ta cần nhận thức là thu hồi đất để phát triển các khu đô thị, các khu dân cư nông thôn, nhưng trọng tâm có lẽ là các đô thị, sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong quá trình đô thị hóa của Việt Nam.
Hiện nay, ở Việt Nam, mức độ đô thị hóa mới đạt được ở mức 70% là nông thôn và 30% đô thị, tỷ lệ này còn thấp. Tương lai, muốn là một nước công nghiệp thì tỷ lệ này phải tăng lên 50/50. Như vậy, chúng ta phải sớm có một quy định về chuyện thu hồi đất để phát triển các khu đô thị hay còn gọi là tiếp cận đất đai để phát triển các khu đô thị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét