Người dịch: Thủy Trúc
Sydney – Vụ cãi vã đang tiếp diễn giữa Trung Quốc và Philippines quanh bãi cạn Scarborough (quần đảo Hoàng Nham – Huangyan trong tiếng Trung) lại một lần nữa thu hút cả thế giới nhìn về những cuộc tranh chấp chủ quyền kéo dài giữa Trung Quốc và một loạt quốc gia có yêu sách chủ quyền khác ở Biển Đông (nguyên văn: biển Nam Trung Hoa).
Căng thẳng mới nhất này bắt đầu vào đầu tháng 4, khi một tàu chiến của hải quân Philippines chạm trán với ngư dân Trung Quốc, và cố bắt họ vì tội đánh bắt cá bất hợp pháp và đột nhập vào nơi mà Manila tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình.
Bắc Kinh phản ứng lại bằng cách gửi tàu hải giám tới khu vực để ngăn chiến hạm của Philippines. Sau đó hai nước bắt đầu tranh cãi, bên nào cũng giữ nguyên lập trường về yêu sách chủ quyền của mình, trong khi đó vẫn hứa hẹn tìm một giải pháp ngoại giao. Vào thời điểm tác giả viết bài này, nghe nói tàu hải quân và tàu cá Trung Quốc đã rời bãi cạn Scarborough. Nhưng tranh chấp hàng hải thì còn lâu mới kết thúc.
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nổi lên từ đầu thập niên 1970, khi người ta phát hiện ra rằng khu vực này có thể chứa những mỏ dầu và khí tự nhiên có trữ lượng đáng kể. Trung Quốc và Việt Nam từng xung đột quân sự vào năm 1974 và 1988, và tới năm 1992, Bắc Kinh chính thức ban hành luật, khẳng định rằng các yêu sách chủ quyền của họ đối với Biển Đông là dựa vào những phát kiến lịch sử.
Thập niên 1990 chứng kiến căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền khác – gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, và Philippines, với việc năm 1995, Trung Quốc chiếm bãi đá Vành Khăn (Mischief reef) và đó là diễn biến gây tranh cãi nhiều nhất. Kể từ đó, Bắc Kinh và Manila, rồi tiếp theo là Trung Quốc cùng 10 thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bước vào một loạt cuộc đối thoại và đàm phán, mở đường cho việc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, năm 2002.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, một số quốc gia chính trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nổi bật là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, đã tìm cách nhắc lại và củng cố yêu sách của mình, thông qua việc vừa tuyên bố lập trường một cách công khai, vừa tiến hành những hoạt động khẳng định chủ quyền mạnh mẽ hơn, đôi khi hung hăng hơn, căn cứ vào cách họ diễn giải Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Những hoạt động đó bao gồm hải giám và thăm dò tài nguyên, tranh giành bãi cá, bắt giữ và quấy nhiễu ngư dân, đe dọa và gây nguy hiểm cho tàu bè nước ngoài. Các diễn biến đã gây lo ngại sâu sắc về khả năng tranh chấp leo thang thành xung đột hải quân và quân sự lớn.
Điều này đối ngược một cách sâu sắc với nền hòa bình và yên tĩnh tương đối đã có được kể từ khi các bên, gồm Trung Quốc và ASEAN, ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (năm 2002). Điều gì đã xảy ra?
Tranh chấp quanh bãi cạn Scarborough là tấm gương phản chiếu những căng thẳng và tranh giành ngầm giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của họ: tranh giành chủ quyền, tài nguyên, và an ninh trên Biển Đông; và cuộc tranh chấp này có những động cơ chiến lược sâu sắc vượt ra khỏi ranh giới xung đột tiềm năng, tức thời.
Thứ nhất là nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng và tài nguyên của tất cả các nước có yêu sách chủ quyền, để duy trì tăng trưởng và tạo sự thịnh vượng. Đối lập với đó là việc tài nguyên đất liền ngày càng eo hẹp và sự phụ thuộc của họ vào những đầu vào sản xuất mang tính quyết định, nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi và vịnh Ba Tư, ngày càng tăng. Các nước đã nhận ra những giới hạn tiềm tàng, ngăn cản tăng trưởng tương lai. Điều này càng làm nổi bật thêm tầm quan trọng của Biển Đông.
Thứ hai là, không quốc gia nào hão huyền đến mức tin rằng họ có thể bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình trước các nước khác mà lại không sử dụng sức mạnh quân sự và không gặp rủi ro là tạo ra những khe hở đáng kể về ngoại giao cùng những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Nhưng đồng thời, nước nào cũng có động cơ lớn là phải đứng vững và củng cố yêu sách của mình, hy vọng có thể có vị thế khá hơn trong những cuộc đàm phán tương lai về một giải pháp cuối cùng cho tranh chấp.
Chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy cùng với cuộc cách mạng về truyền thông đã tạo ra cho công luận những nền tảng ngày càng dễ tiếp cận và có ảnh hưởng hơn. Đến lượt nó, công luận gây tác động đến quá trình hình thành và thực thi chính sách đối ngoại, càng khiến việc điều hòa các bên tranh chấp trở nên khó khăn. Hãy xem những lời lẽ đầy màu sắc dân tộc chủ nghĩa trên các blog của người Trung Quốc và những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên đường phố Hà Nội và TP.HCM.
Thứ ba là, đối với những siêu cường đang nổi lên như Trung Quốc, một cuộc tranh biện ngày càng gia tăng và đồng thuận ngày càng lớn đã cho giới lãnh đạo thấy rằng, sức mạnh trên biển, ngay cả với những nước nằm trong lục địa, là chìa khóa để nắm lấy những nguồn lợi chung toàn cầu và là nguyên liệu chủ chốt để làm nên những siêu cường trong tương lai. (Nguồn lợi chung toàn cầu, tiếng Anh là “global commons”, là các nguồn lợi tự nhiên hỗ trợ đời sống thiết yếu, như hệ thống khí hậu của trái đất, tầng ozone, các đại dương và biển. Chúng thuộc về toàn thể nhân loại chứ không chỉ thuộc riêng bất cứ nước hay doanh nghiệp tư nhân nào – ND chú thích theo Quỹ Môi trường Toàn cầu).
Và cuối cùng, tăng trưởng và thịnh vượng trong hai thập niên vừa qua ở Đông Á đã đưa đến năng lực tài chính đủ để hiện đại hóa quân sự, đặc biệt là trong các lĩnh vực tuần tra đường biển và thể hiện (phóng chiếu) sức mạnh trên biển.
Sự phân nhánh địa chiến lược của những cuộc tranh chấp chủ quyền hiện nay trên Biển Đông đi vượt ra ngoài vấn đề địa lý, và nó ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ cũng như quan hệ của nước này với Trung Quốc. Trước hết, thái độ ngày một hung hăng của Trung Quốc, cho dù là bị hiểu nhầm hay là thật thì đều đặt ra những câu hỏi quan trọng về lợi ích của Mỹ, khả năng Mỹ tiếp tục là siêu cường trong khu vực, cũng như độ tin cậy của những cam kết của họ với các đồng minh.
Đầu tiên, tranh chấp chủ quyền xuất hiện trở lại và trở nên gay gắt hơn đúng vào thời kỳ Mỹ rút khỏi khu vực – hậu quả của hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khiến cho Washington phải tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước cùng những khó khăn về ngân sách. Ngược lại, thập kỷ qua lại chứng kiến sự nổi lên như một hiện tượng của Trung Quốc, trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, và sức mạnh quân sự.
Thứ hai, yêu sách chủ quyền cùng với thái độ hung hăng của Trung Quốc thách thức trực tiếp cái mà Washington luôn coi là quyền căn bản của họ – tự do hàng hải trên Biển Đông. Điều đó cho phép Mỹ tiến hành các hoạt động ngoại giao và quân sự, và thực hiện cam kết với các đồng minh của mình, gồm những việc như tập trận chung, tìm kiếm và cứu hộ, cứu trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, mặc dù Bắc Kinh luôn nói rằng họ không chống lại nguyên tắc tự do hàng hải, họ lại gây rất nhiều lo ngại, và họ công khai phản đối việc giám sát và thu thập thông tin tình báo quân sự gần nơi lắp đặt các thiết bị hải quân của Trung Quốc. Sự cố trên đảo Hải Nam năm 2001 và vụ việc của tàu Impeccable của Mỹ năm 2009 phản ánh tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thứ ba, là những nước nhược tiểu trong tranh chấp Biển Đông, Việt Nam và Philippines, mà thật ra là cả các nước ASEAN khác, đương nhiên có động cơ rất mạnh về việc phải được Mỹ ủng hộ để chống lại Trung Quốc. Trong những năm qua, Hà Nội và Manila đã tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài và vận động Washington tham gia vào việc mở rộng hơn bao giờ hết quan hệ quân sự cũng như ngoại giao và kinh tế, với những trao đổi về quốc phòng, thăm cảng hải quân của nhau, tập trận chung, và mua sắm trang thiết bị của Mỹ. Đặc biệt, Manila đã tìm cách có được những cam kết vững chắc từ phía Washington, liên quan đến nghĩa vụ của Washington trong hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951, đề phòng trường hợp Philippines có xung đột quân sự với Trung Quốc.
Điều này đem đến những thách thức nghiêm trọng cho chính quyền Barack Obama – việc quan trọng là phải làm sao kiểm soát được sự trỗi dậy của Trung Quốc và không bị sa vào tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Chính sách “chuyển hướng ưu tiên” hay “tái lập thế cân bằng” về Đông Á rõ ràng có động cơ xuất phát từ những tính toán địa chiến lược nhằm đương đầu với những thay đổi trong quan hệ giữa các siêu cường ở khu vực. Nhưng biện pháp tự bảo hiểm này không loại trừ việc kéo Trung Quốc vào và chắc chắn không định trước là sẽ có đối đầu trực tiếp giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới.
Rõ ràng, cách tiếp cận đúng đắn cho Washington là duy trì thái độ không thiên vị (không đứng về bên nào), trong khi vẫn khuyến khích đối thoại giữa các nước có yêu sách chủ quyền. Để phát triển hoạt động hàng hải của chính mình, Mỹ phải xem xét một cách nghiêm túc địa vị pháp lý của họ trong khuôn khổ UNCLOS (hiện giờ Mỹ chưa tham gia UNCLOS – ND). Nhưng quan trọng nhất là, Washington và Bắc Kinh cần thảo luận và/hoặc thực thi những cơ chế song phương mới, hoặc cơ chế đang hiện hành, để kiểm soát và ngăn chặn các vụ việc xảy ra trên biển trong tương lai, vốn dĩ có thể kéo hải quân hai nước vào xung đột công khai. Vòng tiếp theo của Đối thoại về Chiến lược và Kinh tế có thể sẽ là nền tảng tốt để đôi bên bắt đầu thảo luận nghiêm túc.
Quản lý một cách phù hợp và đưa ra giải pháp chung cuộc cho tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đòi hỏi các nỗ lực cả song phương (Trung Quốc với các nước có yêu sách chủ quyền khác, Trung Quốc với Mỹ) và đa phương (Diễn đàn Khu vực ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á), để kiểm soát khủng hoảng, xung đột, và xây dựng niềm tin. Chẳng có việc gì dễ dàng, việc nào cũng đòi hỏi tầm ngoại giao và tầm nhìn chiến lược – là những yếu tố đang rất cần thiết trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc gia tăng, chuyển giao lãnh đạo (ở Trung Quốc), và các nguồn tài nguyên biển thì có tầm quan trọng ngày càng lớn đối với công cuộc phát triển kinh tế quốc dân.
Tác giả: TS. Jingdong Yuan là quyền giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế, Giáo sư tại Phòng Chính quyền và Quan hệ Quốc tế, Đại học Sydney.
Nguồn: Asia
Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét