Vô cùng thương tiếc
Trong gian phòng kín hoa tang, một nhóm người Việt cư ngụ tại Arhus theo chân dòng người đến phúng điếu, trịnh trọng khiêng vào một vòng hoa nữa, trên sợi miếng vải tím lớn là hai hàng chữ “Thuyền nhân Việt Nam xin tri ân” và “Vô cùng thương tiếc.”
|
Ông Maersk Mc-Kinney Moeller, chủ hãng và lãnh đạo tài ba đáng kính của A.P. Møller-Mærsk Moeller, ân nhân của nhiều người tị nạn Việt Nam, vừa qua đời, hưởng thọ 98 tuổi. (Hình: AP) |
Họ là những người đại diện tất cả thuyền nhân Việt Nam và gia đình tại Arhus và khắp Ðan Mạch, đại diện thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy, thuyền trưởng con tàu Trường Xuân, và gần 4,000 thuyền nhân được tàu Clara Maersk cứu vớt năm 1975 trong những giờ phút nguy kịch nhất trên đường vượt biển tìm tự do.
Họ là những người trước kia cùng chịu ơn cứu tử của ông Maersk Mc-Kinney Moeller, và giờ đây chia sẻ một nỗi tiếc thương chung.
Nhìn họ lặng lẽ đến ghi lời phúng điếu vào một cuốn sổ lưu niệm, người nhân viên hãng Maersk chợt nhớ đến tinh thần biết ơn của người Việt Nam, đã từng được ông Thorkild Simonsen, bộ trưởng Bộ Nội Vụ Ðan Mạch ca ngợi, khi ông nói “đất nước Ðan Mạch cứu giúp nhiều giống dân, nhưng chưa ai nói được lời cám ơn như người Việt Nam.”
Nhưng ai có thể quên được ơn cứu tử?
Tiếp xúc với phóng viên người Việt qua điện thoại, bà Mỹ Linh Nguyễn, thuyền nhân trên con tầu Trường Xuân được cứu vớt cách đây 37 năm, và giờ là một nhân viên của hãng A.P. Møller-Mærsk, cho biết “hôm đó nếu không có tàu Clara Maersk đến cứu thì chúng tôi chết hết cả rồi.”
Không chỉ tàu Trường Xuân, mà phần lớn những thuyền nhân Việt Nam đến tị nạn ở Ðan Mạch từng được các tàu chở hàng của công ty hàng hải lớn bậc nhất thế giới này cứu vớt.
Thế nên, tin ông Maersk Mc-Kinney Moeller qua đời được người Việt tị nạn ở khắp Ðan Mạch truyền nhau với nỗi ngậm ngùi, và người ta được ôn lại những hình ảnh khốn cùng và giây phút thoát hiểm xẩy ra cách đây gần bốn thập niên.
Ôn chuyện cũ, người tị nạn nhớ ơn xưa
Trong một buổi họp bạn tại Odense, cách Copenhagen khoảng 150 cây số, chị Minh Thu Nguyễn, 49 tuổi, vượt biên năm 1979, kể lại cảnh được tầu của hãng Maersk vớt, và nhấn mạnh là nếu không may mắn gặp được tàu, có lẽ chị đã vùi thân xuống biển.
Cùng 74 người khác, chị Minh Thu rời bến từ Cam Ranh, trên hai con tầu khác nhau, một chở nước và thức ăn, một chở người. Chưa ra đến cửa biển, tàu chở lương thực bị bắt lại, tàu chở người tiếp tục đi.
|
Vòng hoa phúng điếu ông Maersk Mc-Kinney Moeller, của người Việt tị nạn tại Ðan Mạch. (Hình: Mỹ Linh Nguyễn cung cấp) |
Trong giây phút cực kỳ tuyệt vọng, cái chai, miếng giấy, và chiếc trực thăng không biết của nước nào, là biểu hiện cho nguồn hy vọng duy nhất, hay đúng hơn, một phép lạ.
Một người biết tiếng Anh trên tàu nhanh chóng viết lại một tờ giấy khác bỏ vào lọ, cho biết mọi người sắp lả vì đói khát. Trong khi đó, thuyền trưởng của con tàu tị nạn dùng bánh xe và quần áo đốt lên thành chữ “SOS.”
Sau những vòng khói um tùm, và vài cái chai được vớt lên thả xuống, và không đầy 2 tiếng đồng hồ sau, chiếc tầu của Maersk xuất hiện, đến gần.
Thủy thủ đoàn trên tàu Maersk thả thang dây xuống, nhưng mọi người yếu lả không ai lên nổi, thế là họ lại leo xuống đỡ từng người lên. Vớt xong người cuối cùng, thủy thủ đoàn Maersk đập vỡ thuyền cho chìm xuống biển.
“Chỉ trễ một ngày nữa là chết hết!” Chị Minh Thu nói.
Ông Hà Văn Thành, một dân cư khác của Odense, cho biết ông vượt biên năm 1981, vài ngày sau Tết, chen chúc cùng 87 người khác trên chiếc thuyền dài 11 thước.
Lênh đênh 6 ngày, thuyền ông Thành ra đến hải phận quốc tế thì khoang chứa nước bị nước mặn ngấm vào. Nguy kịch, thuyền trưởng liên tục gửi tín hiệu xin cấp cứu, gặp hơn 20 tầu, nhưng không tàu nào chịu vớt.
Ông Thành kể rằng sáng hôm đó hết sạch không còn một giọt nước, những người yếu sức lờ đờ nửa mê nửa tỉnh. Riêng ông, và có lúc chợt thấy một chiếc tàu to, rồi lại không thấy, nên tưởng mình bị choáng váng. Một lúc sau định thần, mới thấy là thuyền đang bị sóng nhồi, và lúc sóng đưa thuyền lên cao thì thấy tầu lớn, lúc xuống thấp lại không thấy nữa.
Tàu đến gần hơn, chữ “Maersk” cũng hiện rõ dần. Thuyền trưởng và một số thanh niên tìm được ở đâu ra miếng vải lớn, viết chữ “Water” rồi căng lên. Sau này nói chuyện mới biết tàu mang tên Maersk thấy thuyền tị nạn, nhưng vẫn ở xa theo dõi từ 8 giờ sáng. Mười hai giờ trưa, tầu đến gần hơn, thả ống nước xuống, mọi người lấy nước từ ống đổ vào đầy các sô. Thuyền trưởng tầu Maersk giới thiệu họ là tầu Ðan Mạch bảo rằng sắp có bão rất lớn, thuyền nhỏ không thể sống sót, nên bắt đầu xúc tiến việc vớt hết người tị nạn lên tầu.
“Vớt hết người xong họ chia đàn ông và đàn bà ra hai phòng riêng, cho tắm rửa rồi cho ăn liền.” Ông Thành kể, rồi cười: “Lúc đó tôi tự hỏi không biết sao tầu họ có nhiều buồng tắm thế!”
|
Gần 4,000 người tị nạn Việt Nam của tầu Trường Xuân được vớt lên tầu của hãng Maersk vào Tháng Năm, 1975. (Hình: Mỹ Linh Nguyễn cung cấp) |
Qua điện thoại, ông Hải cho biết lý do theo ngành này, và làm cho hãng, là để trả ơn.
“Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Lúc xưa vượt biên tôi tưởng chết rồi, nhưng nhờ lòng tốt của ông Maersk Mc-Kinney Moeller mà được sống, nên tôi muốn hiến mình cho ngành hàng hải, biết đâu sau này mình cứu được người khác,” ông Hải chia sẻ.
Ông Maersk Mc-Kinney Moeller qua đời để lại biết bao nhiêu tiếc thương. Ðám tang ông có cả gia đình của hoàng gia Ðan Mạch đến dự.
Ở nước ngoài, ông là người đầu tiên không phải người Mỹ được vào Hội Ðồng Quản Trị của công ty IBM, vị trí ông giữ vững trong vòng 14 năm. Ở trong nước, ông được trao danh tước “Danish Order of the Elephant,” một tước vị mà chỉ một vài người Ðan Mạch không thuộc hoàng gia, hay không phải là quốc trưởng, được có vinh hạnh khoác lấy.
Dưới sự lãnh đạo của ông, từ một vị trí khiêm nhường, AP Moller-Maersk Group trở thành công ty có gần 117,000 nhân viên, làm việc ở hơn 130 quốc gia.
Nhưng thật ra, dù ông chỉ là một người bình thường, ơn cứu mạng của ông vẫn được người Việt tị nạn tại Ðan Mạch mãi mãi khắc ghi.
Hà Giang/Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét