Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Ðảng còn thì mình còn!

Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã dùng công an trấn áp đồng bào Văn Giang, Hưng Yên. Ðồng bào đã thua một keo. Nhưng ai thắng? Thế lực kim tiền đã thắng. Nói như nhà báo tự do Huy Ðức, các “đại gia” đã thắng.
Cung cách đối xử với những đồng bào bị bắt chứng tỏ bản chất của chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện nay như thế nào. Năm đồng bào được thả về. Các bà con này đều phải “ký khống” vào ba tờ giấy trắng, viết rõ “Tôi cam đoan lời khai trên là đúng,” mặc dù ký tên dưới trang giấy hoàn toàn bỏ trắng. Bắt người khác ký khống là một hành động phi pháp. Bất cứ ai buộc người khác phải ký tên đồng ý về một việc mà chưa biết mình đồng ý việc gì, dù là chịu nợ tiền hay hứa hẹn làm bất cứ việc gì, đều phạm tội trước pháp luật, bất cứ pháp luật ở nước nào. Công an Cộng Sản Việt Nam hành động bất chấp những quy tắc pháp luật cơ bản đó. Họ bất chấp các quy tắc đạo lý sơ đẳng của loài người. Ðể làm gì? Chỉ vì khẩu hiệu của công an hiện nay được nêu cao là: Ðảng còn thì mình còn!

Ðó là một khẩu hiệu làm cho tất cả những người công an phải cảm thấy nhục nhã, nếu họ dừng lại suy nghĩ một chút. Nỗi nhục nhã thứ nhất là nó đặt ra một điều kiện tồn tại cho bản thân mỗi người công an và tất cả lực lượng công an dính chặt với sinh mạng của một đảng chính trị chứ không nhân danh một nghĩa vụ nào cao hơn, lớn hơn. Mỗi đảng nào cũng chỉ là một nhóm người. Gắn bó sinh mạng của mình vào một nhóm người tức là chịu làm tay sai, làm “chó săn” cho bọn họ, chứ không phục vụ một lợi ích nào của chung quốc gia, dân tộc.
Nỗi nhục thứ hai là cái tiếng xấu “bất trung, bất nghĩa” không thể chối cãi được. Những người công an sống bằng đồng tiền do hơn 80 triệu người dân đóng góp, nếu không có người dân làm việc, tạo ra của cải, đóng thuế, thì tất cả cái đảng mà họ đang bảo vệ chỉ toàn những người chỉ tay năm ngón không thể làm gì ra của cải, tiền bạc, để trả lương cho họ nuôi vợ con. Nhưng họ lại đi lo bảo vệ một bọn ăn trên ngồi chốc đó, không cần biết đến nguyện vọng của người dân, giẫm chân trên nỗi thống khổ của người dân, tạo thêm bao nhiêu cay đắng khác cho dân. Tức là sống nhờ sức lực của dân nhưng lại phục vụ cho người khác. Cho nên gọi là bất trung, bất nghĩa. Con cháu họ sẽ lớn lên, có ngày chúng sẽ nhìn ra hình ảnh cuộc đời bất trung bất nghĩa của ông cha. Chúng sẽ cảm thấy nhục nhã, vì lương tâm con người ai cũng có, chúng sẽ xấu hổ mãi mãi.
Nỗi nhục nhã thứ ba là chính những người công an đang bị những kẻ nắm đầu họ coi họ chỉ toàn là một bọn không biết suy nghĩ; một đám ngu si. Ngu si vì chỉ biết tham lợi trước mắt mà không trông thấy mối nhục muôn đời; nhắm mắt nghe lệnh bảo vệ một chế độ mà không tự hỏi tương lai chính mình và con cháu mình sẽ ra sao.
Ðảng còn thì mình còn! Ngay trong khẩu hiệu đó đã chất chứa một nỗi sợ hãi đang cố dồn nén trong lòng. Nỗi sợ hãi của một đám người đang quyền oai chức trọng, tự tung tự tác, nhưng trong thâm tâm vẫn lo sợ, tự hỏi không biết mình sẽ được hưởng cho tới bao giờ! Nếu không sợ hãi thì người ta không bao giờ đặt vấn đề “còn” hay “không còn” cả. Chính đám người đó đang mắt trước mắt sau vơ vét cho đầy túi tham, họ đang sợ, họ không biết họ ngồi đó được bao lâu nữa. Cho nên họ mới đặt ra cái khẩu hiệu để dọa đám tay chân của chính họ. Nói “Ðảng Còn Thì Mình Còn” tức là đe dọa tất cả bọn tay sai coi chừng: “Ông mất thì chúng mày cũng mất!”
Họ lấy sự tồn vong của một đảng để kích thích người công an phải liều chết, phải chịu đựng bất cứ nỗi khó khăn, bất cứ nỗi nhục nhã nào, miễn là lo bảo vệ đảng! Một chính quyền tự tin mình có lẽ phải và được dân ủng hộ thì không bao giờ lại phải dùng thủ đoạn dọa nạt hèn hạ như thế. Hãy nhìn tất cả các nước dân chủ, văn minh trên thế giới, có nơi nào người ta phải dùng một khẩu hiệu đê tiện như thế để khích động quân đội, cảnh sát, công an hay không? Bọn người này đã bóp óc nặn ra cái khẩu hiệu như thế, ngày ngày hô to lên, để rót vào đầu đám công an họ nắm trong tay. Tức là họ khinh rẻ ngay cả đám tay sai của họ.
Không có gì làm hạ giá phẩm cách con người bằng cách khích lệ người khác với những nhu cầu hạ đẳng, là sự tồn tại của bản thân. Con người ta sinh ra ai cũng có những nhu cầu sơ đẳng như thế: Ăn, ngủ, truyền giống, hưởng lạc, miễn sao cho cái thân xác mình tồn tại. Nhưng ai cũng có những nhu cầu cao hơn sự tồn tại. Ai cũng muốn được người khác yêu thương, được kính trọng, được nâng cao khả năng, được phát huy óc sáng tạo; đó là những nhu cầu cao hơn nhu cầu tồn tại. Khi một người mẹ khích lệ con: “Nếu con vâng lời mẹ sẽ yêu con” thì câu nói đó nâng cao phẩm giá của đứa bé, làm cho nó biết tình yêu là một phần thưởng quý báu. Có bà mẹ nào lại dỗ con: “Nếu vâng lời mẹ sẽ cho ăn cơm, không thì cứ nhịn đói!” Nói như vậy là hạ thấp phẩm giá đứa con, làm mất luôn lòng tự trọng của đứa trẻ. Chỉ những người coi khinh một đứa bé thì mới dỗ dành như vậy! Ðưa ra khẩu hiệu “Ðảng Còn Thì Mình Còn” tức là coi khinh tất cả những người trong hàng ngũ công an. Ngẫm nghĩ lại, không thấy nhục sao được?
Nhưng đảng cộng sản còn tồn tại đến bao giờ? Các anh chị công an, quý vị có tin rằng chế độ này sẽ tồn tại vĩnh viễn, đến đời con cháu quý vị nó vẫn cứ như vậy hay không? Quý vị đã thừa biết chuyện gì đã xảy ra ở Liên Xô, ở Ðông Ðức chứ? Quý vị có thấy những gì mới xảy ra ở các nước Tunisie, Ai Cập, Libya hay không? Quý vị có biết bên Miến Ðiện người ta đã thay đổi hay không? Quý vị có tin rằng một chế độ ăn cướp trắng trợn công sức của những người nông dân, của Ðoàn Văn Vươn, của đồng bào Văn Giang, Ðông Anh, Dak Nông, Dương Nội, Gia Bình, trong khi phục vụ cho những thế lực kim tiền, sẽ cứ thế mà tồn tại mãi hay không? Chắc chắn những người biết suy nghĩ, hiểu cuộc đời đầy biến chuyển, đều biết rằng bất cứ chế độ nào độc đoán chuyên quyền sớm muộn cũng đến ngày phải chấm dứt. Trao sinh mạng của mình cho một chế độ như vậy, trao cả danh dự, phẩm giá ông bà cha mẹ mình cho một chế độ như vậy, là một điều quá dại dột. Chính những người đang sử dụng công an họ khinh rẻ cho nên mới đặt ra cái khẩu hiệu “Ðảng Còn Thì Mình Còn!”
Bởi vì người dân nước Việt Nam vốn không ngu. Nếu ngu thì đã không đấu tranh suốt một ngàn năm Bắc thuộc để giành quyền tự chủ. Một cơn nước lũ phẫn nộ đang trào dâng, bắt đầu từ trước, và nhất là sau vụ anh Ðoàn Văn Vươn liều chết chống bọn cướp ngày, hôm 15 Tháng Giêng 2012.
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy lòng dân đang sôi lên là những cuộc biểu tình liên tiếp nổi lên sau khi anh Ðoàn Văn Vươn liều mạng phản kháng cường quyền. Biến cố đó đã gây ra những cơn sóng, mỗi ngày lại dâng cao. Hơn một tháng sau anh Ðoàn Văn Vươn, chiều nay, 21 Tháng Hai 2012, hàng trăm nông dân Hưng Yên về thủ đô khiếu kiện đất đai, diễu hành thành từng đoàn qua các đường phố, ôn hòa, lặng lẽ, không ai nói với ai. Những ai cũng hiểu nỗi lòng của họ. Ngày 21 Tháng Ba 2012, nông dân từ các vùng Văn Giang (Hưng Yên), Ðông Anh (Hà Nôi), Gia Bình (Bắc Ninh), đã kéo về biểu tình trước số nhà 46 phố Trường Thi, Hà Nội, vì đất đai của bà con bị thu hồi một cách trái phép, giá đền bù rẻ mạt. Rồi hàng trăm dân oan mất đất từ tỉnh Dak Nông, Ðông Anh, Dương Nội (Hà Ðông, Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên) tập trung tại Văn phòng Quốc Hội ở số 35 Ngô Quyền, Hà Nội. Người dân ở xã Ðại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh biểu tình phản đối việc chiếm đất nông nghiệp đem bán cho công ty Trung Quốc làm khu công nghiệp. Họ viết khẩu hiệu: “Bán đất cho doanh nghiệp nước ngoài là bán nước! Ngày 21 Tháng Ba 2012, dân xã Thiên Lộc (Can Lộc-Hà Tĩnh) bất ngờ kéo đến tấn công trụ sở công an vì phẫn nộ trước cái chết bất thường của nạn nhân Lê Quang Trọng hai hôm trước, được nói dối là một vụ tự sát.
Trước vụ anh Ðoàn Văn Vươn, đã nhiều người oan ức quá phải hành động, nhưng chưa tạo nên một phong trào. Tháng Hai 2012, kỹ sư trẻ tuổi Phạm Thành Sơn bị cướp đất, khiếu kiện nhiều lần vẫn tay không, quá uất ức đã tẩm xăng, đốt xe máy tự thiêu trước trụ sở thành phố Ðà Nẵng. Trước đó nữa, từ giữa năm 2011, mấy ngàn đồng bào thôn Vật Phụ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội đã biểu tình vì chính quyền lấy một vùng đất của dân bên quốc lộ 32 cấp cho một doanh nghiệp, mà phía sau doanh nghiệp đó là các cán bộ to nhỏ huyện và thành phố.
Một chế độ gây bao nhiêu nỗi uất ức như thế sẽ tồn tại cho đến bao giờ? Chế độ đó đã bày ra những đạo luật đất đai để tước đoạt quyền làm chủ ruộng, đất của người dân; để phục vụ quyền lợi của đám đại gia, trong đó có các đại gia ngoại quốc. Có chiếm đất của dân thì mới có những công trường xây dựng cho các doanh nghiệp khai thác rút ruột. Ðể cho những người như cô con gái của ông Tô Huy Rứa vắt giầy cao gót lên ngồi làm chủ tịch. Có việc xây cất đồ sộ thì mới tạo cơ hội để các ngân hàng cho vay tiền kiếm đồng lãi; các ngân hàng như cô con gái ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Họ làm ra luật để phục vụ các đại gia! Nhà báo Huy Ðức viết: “Luật 2003 gần như đã đặt những mục tiêu cao cả như ‘lợi ích quốc gia’ ngang hàng với ‘lợi ích của các đại gia’”.
Quý vị công an, có nên gắn chặt danh dự và cuộc sống của mình vào sự tồn tại của một chế độ như vậy hay không? Huy Ðức viết: “Hình ảnh cuộc cưỡng chế hôm 24 Tháng Tư 2012 ở Văn Giang đã trở thành một vết nhơ trong lịch sử.” Chúng tôi tin rằng trong số những người công an hiện nay phần lớn là những người biết suy nghĩ. Họ cũng được cha mẹ dạy dỗ phải sống theo đạo lý, không khác gì cha mẹ chúng tôi cũng dạy con cái như vậy. Làm sao quý vị có thể chịu để cho cuộc đời mình, danh dự gia đình mình dính vào một vết nhơ muôn đời không rửa sạch như thế?

Không có nhận xét nào: