Pages

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

37 Năm Niềm Tin, Hy Vọng

Ba Mươi Tháng Tư này là Ba Mươi Tháng Tư thứ ba mươi bảy. Ba mươi bảy năm niềm tin và hy vọng. Hy vọng vươn lên từ cuộc hành trình đầy gian khổ nhưng nhiều vinh quang.
Các cơ quan đoàn thể chánh trị, văn hóa, xã hội, và truyền thông đại chúng của người Việt Hải Ngoại ở Âu, Mỹ, Úc châu từ mấy tháng nay đã chuẩn bị tổ chức kỷ niệm rầm rộ. Ba mươi bảy năm trên ba triệu người Việt đã gạt nước mắt rời bỏ quê nhà đi tỵ nạn CS trên 60 quốc gia, trải rộng khắp năm châu, bốn biển. Tất cả đồng loạt, đồng lòng tổ chức ngày Ba Mươi Tháng Tư thật lớn.


Ba mươi bảy năm theo xã hội học là một thế hệ. Nhưng đối với người Việt tỵ nạn CS, đó là cả ba thế hệ - thế hệ thứ nhứt, một rưỡi, và thứ hai -- chụm lại thành một thực thể trong cuộc hành trình đầy gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang với hy vọng đã, đang và sẽ vươn lên theo định luật của sự sống thành một thế lực lớn mạnh thấy rõ.


Gian khổ qua 6 giai đoạn của cuộc hành trình: Di tản, Vượt biên, ODP, Đi bán chánh thức HO, Con cái HO, Hồi Hương. Đó là máu, nước mắt, mồ hôi, vui buồn, vinh nhục, sướng khổ, thành bại của ba thế hệ, là sự nghiệp, là thành tích xuất sắc chung và lớn của quần chúng, là giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc Việt. Thượng Đế cũng không thể đổi thay sự kiện lịch sử này. CS không thể và không bao giờ chối bỏ được.
Chính CS Hà nội cũng phải công nhận, từ chỗ ban đầu xem người “vượt biên” là “tội phản quốc, phản động, phản cách mạng” và chỉ một hai thập niên sau phải gọi là “khúc ruột ngàn dặm của quê hương, Việt Kiều yêu nước”, khan cổ kêu gọi đem kiến thức, tiền bạc về “xây dựng quê hương”, giúp cho chế độ CS đã từng lên án người Việt ra đi tỵ nạn CS.

Đó là cuộc di tản vô tiền khoáng hậu trong lịch sử VN và thế giới sử cho đến bây giờ. Tổng số sống trên ba triệu và chết không dưới một phần ba. Theo lượng định của Phủ Cao ủy Người Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, có bao nhiêu thuyền nhân (boatpeople) đến được bến bờ tự do thì độ phân nửa chết dưới biển.

Máu, nước mắt, mồ hôi, gian nguy, khó khổ, số thương vong, số người, và dặm đường đi, đông hơn, nhiều hơn, xa đa dạng hơn cuộc di tản của dân Do Thái ra khỏi Cỗ Ai Cập trước Chúa Ky tô giáng sinh. Một cuộc di tản sau này trở thành linh hồn của văn minh Tây Phương với cỗ sử, niềm tin, và hy vọng của người Do Thái được đúc kết trong Kinh Cựu Ước và được chấp nhận như một phần quan trọng của Thánh Kinh (Bible) của Ky Tô Giáo.

Ba mươi bảy năm cuộc di tản của người Việt đã làm lương tâm Nhân Loại chấn động, Cộng đồng thế giới bàng hoàng. Liên Hiệp Quốc xem công tác giúp người Việt vượt biên, ra đi trong vòng trật tự là một công tác lớn nhứt thế kỷ của mình. Hầu hết các siêu cường trên thế giới, đặc biệt thuộc văn minh Tây Phương đều có nhận cho người Việt tỵ nạn CS đến định cư. Nước Mỹ là nước dang tay ra đón người Việt tỵ nạn CS nhiều nhứt. Trong thế giới sừ, chưa có một nước đồng minh nào như Mỹ, sau mấy chục năm chiến tranh chấm dứt mà còn cứu khổn phò nguy, cho định cư những đồng đội, đồng minh và gia đình sa cơ thất thế.

Nhưng ba mươi bảy năm cuộc hành trình ấy cũng đầy vinh quang, làm vẻ vang dân Việt. Một dân tộc VN yêu tự do, dân chủ, xây dựng nhân quyền đã rõ rệt trưởng thành trong lòng văn minh Tây Phương, trải dài từ Đông Tây Âu, sang Bắc Mỹ, xuống Úc Châu. Một VN Hải Ngoại (Việt Nam d'Outre Mer) đã thành hình, như một nước Pháp Quốc Hải Ngoại (France d' Outre- Mer) trong thời thời Đức Quốc Xã tạm chiếm nước Pháp, đã đấu tranh đem lại tự do, dân chủ cho nước nhà.

Về chánh trị, thế quốc tế của VN Hải Ngoại có chánh nghĩa hơn chế độ CS Hà nội vì CS Hà Nội chiếm được lãnh thổ, cướp được chánh quyền, mà không lãnh đạo được nhân dân, thống nhứt được non sông mà không thống nhứt được dân tộc. Quốc Hội Liên Âu, Mỹ, Úc, trái tim của nhân dân và chánh quyền tiến bộ các nước tự do, dân chủ trên thế giới đứng về phía chánh nghĩa đấu tranh cho tự do, dân chủ của người Việt Hải Ngoại, trong thời đại kinh tế toàn cầu và dân chủ hóa hoàn vũ được văn minh Tin Học yểm trợ.

Quốc kỳ VN Cộng Hòa đã được chánh quyền địa phương, hàng chục tiểu bang, hàng trăm quận hạt, thành thị Mỹ công nhận như biểu tượng tự do, dân chủ của người Mỹ gốc Việt. Người Việt tại nhiều nước trên thế giới đã đi vào dòng chánh chánh tri, chánh quyền, khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, nghệ thuật thứ bảy, truyền thông của Tây Phương.

Về kinh tế, ba mươi bảy năm hải ngoại, người Việt đã vượt qua thời kỳ chân ướt chân ráo nơi quê hương mới, một cách thần kỳ. Tự do, dân chủ rõ rệt là điều kiện tiên quyết của phát triển kinh tế. Mỗi năm người Việt Hải Ngoại chỉ gởi cho không để giúp bà con cô bác, bạn bè – chơi chơi thôi – con số đã trên bảy, tám tỷ Đô la. Theo thông lệ số tiền gởi cho của những người định cư ở Mỹ như dân Hispanics, Phi luật Tân, Trung Đông, số tiền cho chỉ chiếm dưới 5% của số tiền kiếm được. Điều đó cho thấy tổng sản lượng thuần của người Việt Hải Ngoại cao hơn của cả nước VN. Lợi tức đồng niên hải ngoại tính trên đầu người nhiều hơn cả trăm lần trong nước. Theo Ngân Hàng Thế giới trung bình một người Việt trong nước kiếm chưa đến 500 Đô/năm.

Về văn hóa xã hội, tại Mỹ cũng như tại Tây Âu, Úc Châu, tuy chưa có số thống kê khoa học, con số ước lượng người Việt Hải Ngoại tốt nghiệp đại học 4 năm trên 25% dân số hải ngoại. Nói gọn cứ 4 người Việt Hải Ngoại thì có 1 người tốt nghiệp đại học 4 năm tại các trương đại học trình độ giảng huấn văn hóa, khoa học, kỹ thuật tân tiến nhứt hoàn cầu. Chất xám của người Việt Hải Ngoại là cái mà CS Hà nội thèm muốn nhứt, nhưng dù khan cổ gọi mời, nhưng trí thức VN Hải Ngoại đi VN thăm quê hương, thăm người thân thì có, ở lại với CS thì không.

Tiếng Việt hải ngoại đã tiến triển theo dòng tiến hóa của ngôn ngữ, tiếp nối dòng ngôn ngữ Việt của bao thời kỳ độc lập VN, Ngô,Đinh, Lê, Lý,Trần, Lê, Nguyễn, đệ nhứt, đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa, và vẫn trường tồn và phát triển sau 3 lần Bắc Thuộc, 1 lần Pháp Thuộc, và CS đọa đày. Tiếng Việt Hải ngoại biến “từ của CS” như hồ hởi, phấn khởi, ưu việt, nhứt trí, đồng tình, thành tử ngữ. Đồng thời phát huy thêm những chữ nghĩa liên quan đến chánh trị tự do, dân chủ và khoa học kỹ thuật là những chữ VN còn thiếu vì hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh của nước nhà trước năm 1975.

Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư là cơ hội người Việt Hải Ngoại tự xét một cách nghiêm khắc, khách quan nhưng đầy tin tưởng lạc quan. Niềm vui và hy vọng vươn lên với niềm tin sẽ hoàn thành lời hứa đem lại tự do, dân chủ cho đồng bào còn bị kẹt ở lại, lúc gạt nước mắt rời đất nước ra đi.

Sau cùng, “Ra đi không phải là chết một hai phần nào” (Partir c'est mourir un peu) như một nhà thơ lãng mạn Pháp đã viết. Mà ra đi là để khôi phục niềm tin, chánh nghĩa đã bị tước đoạt, như Charles De Gaulle đã làm. Đó là tự do, dân chủ, nhân quyền VN cho quốc gia, dân tộc Việt. với hy vọng vươn lên dù bi quan cũng thấy đã, đang, sẽ lớn mạnh.

Không có nhận xét nào: