Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

P/V ông Greg Autry Đồng tác giả 'Chết Dưới Tay Trung Quốc'

Cuốn sách nhan đề “Death by China” (Chết Dưới Tay Trung Quốc) của Peter Navarro và Greg Autry, do nhà xuất bản Pearson Prentice Hall phát hành cách nay gần một năm, đã thu hút sự chú ý của nhiều người trên thế giới, đặc biệt là những người ở các nước láng giềng của Trung Quốc. Cuốn sách - đề cập tới điều mà hai tác giả này gọi những mối đe dọa của Trung Quốc do đảng Cộng Sản cai trị đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu và hòa bình thế giới, đã được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Việt và tiếng Hàn. Trong lúc một cuốn phim tài liệu dài dựa trên sách này và có cùng nhan đề đang được sản xuất, đồng tác giả Greg Autry mới đây đã dành cho phóng viên Jim Stevenson của đài VOA một cuộc phỏng vấn.
Jim Stevenson




Hình: http://deathbychina.com/
Death by China - đề cập tới điều mà 2 tác giả này gọi những mối đe dọa của Trung Quốc do đảng Cộng Sản cai trị đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu và hòa bình thế giới, đã được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Việt và tiếng Hàn


Stevenson: Cám ơn ông đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn. Trước hết, xin ông vui lòng cho biết mục đích mà hai ông nhắm tới khi viết cuốn sách này.

Autry: Điều mà chúng tôi muốn làm là làm sao cho những người dân bình thường ở Mỹ hiểu được là chúng ta có rất nhiều vấn đề với Trung Quốc -- từ thương mại, sức mạnh địa chính trị, cho tới phẩm chất của hàng hóa và nhân quyền. Những vấn đề này đã bị tẩy xóa bởi một chiến dịch tuyên truyền ở Tây phương được Trung Quốc dàn dựng rất công phu để làm cho mọi người tin rằng Trung Quốc chỉ là một đối tác thương mại bình thường như Canada, Bỉ hay Mexico. Trong khi trên thực tế, chế độ độc tài toàn trị ở Trung Quốc đang thách đố một cách hung hãn với Hoa Kỳ trên mọi phương diện. Nhiều người trong chúng ta không biết đây là một chiến dịch hợp nhất ở mức cao để làm cho kinh tế Mỹ bị kiệt quệ và đồng thời chống lại Hoa Kỳ trên cả hai mặt chính trị và quân sự.

Stevenson: Các ông bắt đầu cuốn sách của mình với việc nói tới vấn đề thực phẩm. Xin ông cho thính giả của đài chúng tôi được biết về vấn đề cung ứng lương thực, thực phẩm ở Trung Quốc.

Autry: Trước hết, nếu quí vị có đến Trung Quốc thì quí vị sẽ biết rằng có rất nhiều người ở Trung Quốc không muốn dùng các sản phẩm sữa của nước họ. Họ biết rõ vụ chất melamine được cho vào sữa đã giết chết hàng trăm em bé Trung Quốc và gây bệnh cho hàng trăm ngàn em khác. Ai nấy cũng muốn tiêu thụ các loại thực phẩm nhập khẩu, nếu họ tìm được và có khả năng tài chánh để mua. Đó là một việc rất đáng lo sợ. Họ xuất khẩu sang Mỹ những loại lương thực thực phẩm được nuôi trồng, chế biến theo tiêu chuẩn Trung Quốc, là tiêu chuẩn rất thấp về vệ sinh an toàn. Như quí vị đã biết, Trung Quốc vẫn là một nước nghèo, lạc hậu, thuộc thế giới thứ ba, nên họ có cách xử lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà người Mỹ không thể tưởng tượng được. Bên cạnh đó, Đảng Cộng Sản Trung Quốc điều hành đất nước như một guồng máy xuất khẩu, nên họ sẵn sàng che giấu vấn đề khi xảy ra những vụ việc không tốt. Cho nên khi người Mỹ bị tử vong vì sản phẩm của Trung Quốc, hay khi hàng vạn chó mèo ở Mỹ chết vì thức ăn nhập khẩu của Trung Quốc có chứa chất melamine, chính phủ Trung Quốc đã che giấu vụ việc. Họ không hề điều tra thủ phạm là ai. Rốt cuộc các công ty của Mỹ là người phải đứng ra nhận lãnh trách nhiệm đối với những vụ ngộ độc thực phẩm này.

Stevenson: Nhiều người nói rằng những gì Trung Quốc làm là để phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc. Ông có nghĩ rằng những hành động của Trung Quốc là nhắm tới việc xây dựng một đất nước giàu mạnh và bảo vệ quyền lợi của đất nước họ, chứ không phải là một âm mưu chống lại Hoa Kỳ hay không?

Autry: Điều trước hết là chúng ta cần phải xem xét lại một vấn đề cơ bản. Đó là Trung Quốc không phục vụ cho Trung Quốc mà Trung Quốc phục vụ cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Và có rất nhiều người ở Trung Quốc, như người Uighur hay người Tây Tạng, sẽ không tán thánh ý kiến cho rằng Trung Quốc cho Trung Quốc. Tình hình về địa chính trị của Trung Quốc và sự hung hãn của họ đối với các nước như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, vân vân … trên thực tế đã chứng tỏ tính chất xâm lấn của chế độ ở Trung Quốc hiện nay.

Stevenson: Ông có nói tới những cột trụ của chủ nghĩa đế quốc kinh tế mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang theo đuổi. Xin ông cho biết điều này có những ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đối với người dân nước Mỹ?

Autry: Ảnh hưởng trực tiếp nhất dĩ nhiên là việc đưa công ăn việc làm trong ngành chế tạo ở nước Mỹ sang Trung Quốc. Chúng ta đã mất 57.000 công xưởng ở nước Mỹ chỉ trong vòng một thập niên qua, từ khi Trung Quốc được thu nhận vào Tổ chức Thương mại Thế giới. Có hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ lẽ ra vẫn ở lại nước này hoặc được tạo ra ở nước này, nhưng vì những chương trình trợ giá xuất khẩu bất hợp pháp, thao túng chỉ tệ, ô nhiễm môi trường trầm trọng và sự ngược đãi của Trung Quốc đối với người lao động nước họ cho nên họ đã có thể lấy được những công ăn việc làm này. Và họ đã làm việc này một cách rất khôn khéo qua việc hợp tác với các công ty đa quốc. Những công ty khét tiếng nhất trong lãnh vực là Apple và General Electric. Họ đã kiếm được rất nhiều tiền nhờ vào việc lợi dụng các công cụ đó của Trung Quốc để hạ thấp giá thành sản xuất.

Stevenson: Việc này chỉ ảnh hưởng tới Hoa Kỳ hay là một vấn đề toàn cầu, thưa ông?

Autry: Không. Việc này chắc chắn là một vấn đề cho các nước phát triển mà còn là một vấn đề vô cùng to lớn đối với các nước trong thế giới đang phát triển. Những nước như Brazil, Peru – là những nước sắp sửa trỗi dậy để tiến vào khu vực chế tạo các sản phẩm có giá trị phụ gia và khu vực dịch vụ cao cấp, đang bị chuyển thành những nước chuyên khai thác tài nguyên thiên nhiên để cung ứng cho thực dân Trung Quốc. Và mặc dù điều đó có vẻ như có lợi cho các nước này trong ngắn hạn, nhưng đưa quặng đồng Peru hay quặng sắt Brazil hay quặng sắt Australia sang Trung Quốc, rồi Trung Quốc tạo thành thành phẩm và mang bán cho các nước này đang tạo ra một mối quan hệ in hệt như mối quan hệ mà các nước này từng có với các cường quốc thực dân Âu châu.

Stevenson: Thay mặt cho thính giả đài VOA, chúng tôi xin cám ơn ông Autry và mong có dịp được nói chuyện với ông trong tương lai.

Không có nhận xét nào: