Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Những nguời «tà-ru» mới (1)

André Menras Hồ Cương Quyết

(Nhân dịp 30/4)
Trong niềm mừng vui và cay đắng lẫn lộn sau việc 21 ngư dân đuợc trả tự do, tôi đã tìm thông tin từ các tờ báo chính thống, có giấy phép lẫn những bài trên mạng. Và tiếc là thông tin không rõ ràng lắm về những gì xảy ra với 21 ngư dân trong thời gian bị giam cầm. Đặc biệt thật đáng giận về sự lẫn lộn vô tình, thiếu cái tâm, như sự đồng lõa tích cực hay tiêu cực đối với kẻ đang chiếm đóng Hoàng Sa khi có báo dùng cụm từ: «21 ngư dân về nuớc (!)» (Hoàng Sa là nước ngoài của Việt Nam hay sao?). Ai đó nói viết báo kiểu đó (xin lỗi) ngu quá, nhưng nên hiểu có những từ ngữ nói lên rất nhiều điều về người viết nó. Cũng như có những sự im lặng cũng cho ta hiểu thêm nhiều ý niệm. Chỉ có sự thật là cụ thể, cụ thể hơn bất cứ cái gì khác. Vậy nên, phải đem lại sự cụ thể ấy bằng một sự thật !

Là một cựu tù nhân của nhà tù Sài Gòn chế độ cũ, đương nhiên tôi muốn đi tìm những thông tin cụ thể về điều kiện giam cầm 21 ngư dân vừa đuợc trả tự do này, tôi gọi là những «tà-ru» mới. Trong bài viết của Tiền Phong online ngày 23/04, bài báo mà đến nay, cùng với các bài trên báo Dân Việt, được xem là có nhiều chi tiết nhất, tôi không tìm thấy một chữ nào về những cuộc thẩm vấn của kẻ bắt 21 ngư dân, nhưng tôi đựợc biết họ đã bị bỏ đói, khát, bệnh không đuợc chữa trị hoặc về tình trạng yếu dần của cơ thể… trong những ngày bị giam cầm trên vùng đảo của Tổ quốc mình: Hoàng Sa. Tôi không tìm thấy những thông tin rõ ràng về nơi giam cầm ngoài chi tiết là diện tích phòng giam rộng 40 m2 giành cho 11 người (hay 21 người?). Hoàn toàn không có thông tin về sàn nhà là xi măng hay đất, ánh sáng, phòng vệ sinh, mái nhà…
Tại sao tôi phải dài dòng đến vậy ? Bởi chính những chi tiết đó xác định rõ tính chất của việc giam cầm, thể hiện điều kiện sống hàng ngày của các tù nhân, có ảnh huởng trực tiếp đến tinh thần và sức khỏe của họ.
Trong khi chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn từ các ngư dân «tà-ru» này, tôi có cảm giác rằng những điều kiện giam giữ của các ngư dân không có nhiều điểm khác so với những điều kiện mà tôi đã biết ở Chí Hòa – nhà tù trung tâm của chế độ cũ. Có hai chi tiết trên báo Tiền Phong khiến tôi chú ý: « Ngư dân Võ Xuân Thạch (xã An Vinh) cho biết, dù đói khát ốm đau, nhưng các ngư dân vẫn động viên nhau cố gắng trụ vững tinh thần để chờ ngày về. Đồng thời cương quyết không nộp tiền cho Trung Quốc» và «…lính Trung Quốc “tăng thực đơn” cho ngư dân bằng món bắp chuối trộn. Đó là món ăn ngon nhất ở nhà tù Hoàng Sa».
Đoạn thứ nhất bộc lộ tinh thần đoàn kết đấu tranh của những người tù, cuộc đấu tranh nội tâm và thầm lặng mà mỗi người đã tự đặt cho mình để có thể tồn tại, vừa có ý nghĩa giữ lòng tự hào của một người tự do vừa để chiến thắng nỗi sợ.
Đoạn thứ hai lại làm cho tôi nhớ đến trái chuối mà hàng ngày tên cai ngục ở Chí Hòa «tặng» tôi, vừa nói lên tính hài hước, khả năng đối diện với những khó khăn trước mắt. Trong những tình huống này, hài hước là một vũ khí để sinh tồn. Các bạn tà-ru cũ đã từng bị nhốt trong chuồng cọp Côn Đảo biết rõ điều đó. Họ cần nhiều hơn khả năng hài hước để chịu đựng những năm tù đày ấy…
Và như vậy là tôi đã tìm thấy đuợc sự giống nhau của hai hoàn cảnh giam cầm: của những ngư dân bị đối xử hà khắc bởi bọn Tàu và những cựu tù chính trị của chế độ Sài Gòn. Cho dù, kịch bản hoàn toàn khác nhau. Trước tiên, cũng như rất nhiều «tà-ru» của chế độ cũ, họ bị bắt tại nhà, ngoài đường, trong trường đại học. Còn «tà-ru» mới cũng bị bắt khi đang ở ngay trên vùng biển Hoàng Sa của mình vì những bất đồng chính trị mà chính âm mưu bành trướng của Trung Quốc gây ra (không chỉ chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, họ còn đặt tham vọng bá chủ toàn biển đông bằng chính sách «đường lưỡi bò» tham lam). Những ngư dân này cũng là nạn nhân dân sự không có vũ trang. Họ đang làm (đúng nghĩa của chữ «làm») một cuộc chính trị mà cơ bản là sống và làm việc hòa bình tại đất nước của họ. Và cái chính trị sinh tồn này đối đầu mãnh liệt với cái thứ chính trị xâm lược của Trung Quốc.
Các ngư dân hiểu rất rõ điều này và biết rằng hiểm nguy luôn rình rập bao vây khi họ ra khơi. Họ biết rằng hành nghề trong vùng biển Hoàng Sa vừa có ý nghĩa sống còn, vừa tỏ thái độ chống đối kẻ xâm lược có tính nguy hiểm cao. Quan trọng nhất, nó hoàn toàn mang ý nghĩa chính trị. Họ biết rằng, phần lớn đồng bào của mình xem họ như những người lính không có vũ trang đang khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam ở Hoàng Sa. Mặc kệ cho những từ ngữ mà giới báo chí hay các nhà cầm quyền dùng để đánh giá họ, tôi nghĩ rằng, những người này chẳng khác gì tù nhân chính trị, hoặc là những tù binh trong một cuộc chiến tranh không tuyên bố ngày càng lan rộng do Trung Quốc gây ra. Hãy gọi «con mèo là con mèo». Song họ lại không có một pháp nhân. Không hề có một thỏa thuận nào để được bảo vệ bởi Trung Quốc khép tội họ là xâm hại lãnh hải, tù nhân ngoại quốc, tù nhân «thường phạm». Và các nhà cầm quyền Việt Nam lại không dám công khai tuyên bố họ là tù chính trị hoặc tù binh, những người đang bảo vệ đất nước mình. Tình trạng này đáng được các tổ chức quốc tế «Amnesty international», «Human rights watch» đáng lưu tâm. Tuy nhiên, tình hình đang không có gì xảy ra theo chiều hướng này.
Thực tế, từ năm 2002, tôi nghiên cứu và lập một tổng hợp về những cuộc tấn công tại vùng Hoàng Sa đã chứng minh rằng, các binh lính Trung Quốc đã từng hành hạ hơn một ngàn nạn nhân Việt Nam.
Đọc hàng chục bài báo của Việt Nam xuất bản trong những năm gần đây và theo lời kể của các ngư dân mà tôi có dịp tiếp xúc trực tiếp, thì các ngư phủ mới được trả tự do xác định họ bị đánh đập, bị nhốt trong một căn phòng chật chội, bắt đi dọn phân… “Trong 14 lần tra hỏi, họ đã đánh và chích điện tôi đến 60 lần” (2).
Với các thông tin này, tôi có thể nói rằng, sự đối đãi của lính Trung Quốc giành cho ngư dân Việt không khác gì cách chế độ cũ giành cho các tù nhân chính trị: đánh đập, hỏi cung lăng nhục, đe dọa, giam cầm trong những điều kiện nhằm bào mòn một cách cố ý sức khỏe của tù nhân. Mục đích đánh gục tinh thần, cho thiếu ăn, thiếu thuốc, áp lực dữ dội lên gia đình ở ngoài, ép buộc người trong tù phải ký vào các văn bản thừa nhận tính hợp pháp của của kẻ xâm lược. Chưa có một trường hợp tra tấn nào được nhắc đến. Nhưng liệu nguời ta có xác định được là sự tra tấn bắt đầu từ lúc nào khi một con người không có chút gì để tự vệ lại bị đấm, bị đá, bị ma trắc đập bởi 3 nguời lính đầy hận thù như trường hợp của ngư dân Tiêu Viết Là ở Bình Châu? Mà cho đến nay, anh Là vẫn chưa phục hồi được sau 3 năm bị đánh “hội đồng» như thế? Chích điện đến 60 lần cho một tù nhân có phải là sự tra tấn hay không???
Hơn nữa, cần lưu ý rằng, về một số khía cạnh, những «tà-ru’” mới này phải chịu những điều kiện giam cầm còn tồi tệ hơn các tù nhân chính trị của chế độ Sài Gòn. Vì sao? Họ không có người nhà thăm nuôi, không nhận được thư từ, không được ra ngoài phơi nắng, không được tắm rửa. Nhóm của họ hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài và họ cũng không thể xác lập được một đường dây bí mật có thể truyền tin liên lạc cho nhau. Với họ, việc trả tự do không có vị mật ngọt như đối với các tù nhân ngày xưa. Thật vậy, họ sẽ gặp lại gia đình, nhưng bên cạnh đó là những món nợ khổng lồ đang chờ họ, những món nợ có khi không cách nào trả được – Quả như cả một cuộc đời bị cầm cố. Đây là một kiểu ở tù mới!
Tôi đã hứa với các bạn tù của tôi là sẽ quốc tế hóa chữ «tà-ru» nhưng thật buồn mà nói rằng tôi không cần phí tổn nhiều công sức để thực hiện lời hứa của mình bởi tình hình thời sự đang thay tôi làm việc “quảng cáo” đau lòng này. Trước tình hình Trung Quốc đang ngày càng mở rộng những thám hiểm của họ trên biển Đông, có nghĩa là số luợng «tà-ru” được dự báo sẽ nhân lên. Và, nếu như lòng can đảm, sự đoàn kết và sự quyết tâm của lòng yêu nước chân chính ở một số các nhà lãnh đạo cao nhất không chấp nhận trực diện với «con cá mập » Trung Quốc đến từ biển Đông, thì những «tà-ru» của biển, đau đớn thay, sẽ ngày càng đông. Những người mất tích và số «mộ gió» cũng theo đó tăng thêm.
Một số nuớc láng giềng, có những điều kiện dễ hơn Việt Nam, đã bắt đầu ngẩng đầu trước sự bành trướng của Trung Quốc. Nước Việt Nam, có chủ quyền về lãnh hải, có lịch sử 1.000 năm đánh quân phương Bắc xâm lược, đang ở trong bối cảnh quốc tế mà khả năng đoàn kết ngày càng rõ nét hơn, lẽ nào chấp nhận cúi đầu? Chúng ta cần phải hy vọng. Hy vọng và đấu tranh để không còn những «tà-ru » mới trên biển cũng như trong đất liền của tổ quốc. Tôi hy vọng và đấu tranh để cho những «tà-ru» cũ có thái độ, lời nói và hành động sát cánh với những «tà ru» mới.
———————
Chú thích :
(1) « Tà-ru » là từ nói ngược lại của chữ «tù ra» do anh Trịnh Văn Lâu, bí danh Tư Cần đặt ra trong những năm anh bị giam tại chuồng cọp và trong trại số 6 Côn Đảo. Anh cũng là bí thư chi bộ Lưu Chí Hiếu trại số 6 và là Chủ tịch đầu tiên của Côn Đảo sau ngày đất nước giải phóng. Hiện anh đang sống ở thành phố Vĩnh Long.
(2) Lời nói của Ngư dân Lê Lớn trên tàu QNg – 66101 của chủ tàu Lê Vinh (xem «21 ngư dân bị Trung Quốc giữ: 48 ngày giam cầm trong đói khổ» (Báo Dân Việt online).
A.M. H.C.Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào: