Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Có cần chi 500 triệu USD để xây trụ sở bộ GTVT lúc này?

Giang -Thơm

Mấy ngày qua, dư luận lại lên tiếng “phản pháo” xung quanh chuyện “xin” hơn 10 nghìn tỷ đồng xây dựng trụ sở của bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Với đề xuất này, “Tư lệnh” ngành giao thông một lần nữa lại khiến người ta phải choáng váng vì sự chơi “trội” của mình.
Từ khi được bổ nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ GTVT vào tháng 8/2011 đến nay, Tư lệnh” của ngành giao thông đã trở thành điểm nóng dư luận bởi “sáng kiến tuyển tập” của mình.


Trụ sở Bộ GTVT
Từ chuyện ồn ào thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân; đổi giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông đến đề xuất thu phí đường bộ… Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT dùng tiền đầu tư vào các công trình giao thông, gây thất thoát lớn nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục.
Việc ban hành thêm phí bảo trì đường bộ được xem như biện pháp “cứu túi” cho ngành này mà khó đạt được mục tiêu đề ra. Bởi vì chống ùn tắc và tai nạn giao thông sao toàn tính chuyện thu tiền dân?
Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất, đề án Công nghiệp hóa – hiện đại hóa Bộ GTVT vừa được Bộ trưởng Đinh La Thăng ký phê duyệt lại nhận được nhiều bàn tán, xì xào. Kinh phí để thực hiện đề án này lên đến 223.790 tỉ đồng cho giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Danh mục đầu tư trong khuôn khổ đề án gồm 12 nhóm nội dung, từ xây dựng trụ sở làm việc, thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho đến mua sắm trang thiết bị, phát triển đội tàu biển, máy bay và đào tạo nguồn nhân lực.
Một trong những nội dung đầu tiên trong danh mục là xây dựng nhà làm việc cho các cơ quan, đơn vị của Bộ và trực thuộc Bộ GTVT. Tổng kinh phí dự chi cho phần này 10.998 tỉ đồng và hầu hết sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2012-2015.
Chưa biết hiệu quả đề án sẽ đến đâu nhưng chỉ riêng con số hơn 10.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 500 triệu USD mà Bộ GTVT “xin” để xây dựng trụ sở khiến nhiều người phải giật mình. Trong giai đoạn kinh tế – xã hội đang khó khăn như hiện nay, các chuyên gia cho rằng “Tư lệnh” ngành giao thông nên cân nhắc về thời điểm đưa ra để xuất để toàn xã hội có thể chấp nhận.
Cần ưu tiên cho hạ tầng giao thông
Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Uãy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng:
“Việc di dời trụ sở các bộ, ngành trung ương ra khỏi vùng lõi của TP Hà Nội là một chủ trương lớn của Chính phủ, đã có từ lâu với mục đích xây dựng một trung tâm chính trị – hành chính tập trung, giảm áp lực giao thông, cải thiện chỉnh trang đô thị, nâng cao vị trí quyền lực của các cơ quan công quyền.
Đây là việc làm cần thiết và chắc chắn dự án sẽ cần số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế còn khó khăn thì thời điểm này là chưa hợp lý.
Mặt khác, hiện nay đang có quá nhiều vấn đề dân sinh cấp thiết cần đến ngân sách nhà nước. Ngành giao thông vận tải nên ưu tiên nguồn kinh phí cho việc xây dựng, nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đang minh bạch
TS. Phạm Sỹ Liêm- Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Hơn 10.000 tỷ đồng tức là 500 triệu USD, con số đó tương đối lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Bộ trưởng Đinh La Thăng làm sao quyết định được Bộ GTVT sẽ chi bao nhiêu tiền xây trụ sở mà phải là Chính phủ “cho” (tức phải được Chính Phủ phê duyệt).
Nhưng chuyện “Tư lệnh” nói…hơi sớm về vấn đề này khiến dư luận thấy phản cảm, khó chấp thuận.
Tuy nhiên, dưới góc độ khác, có thể thấy bộ trưởng Đinh La Thăng khá minh bạch để mọi người biết góp ý kiến cho đề án. Bởi người này không đồng tình nhưng người khác lại ủng hộ. Thực tế, có những Bộ “chẳng nói câu nào” mà trụ sở đã xây xong không kém phần hoành tráng.
Có những trụ sở có lẽ cũng đến 600 triệu đô. Tôi cho rằng, làm như thế là hơi quá, trong khi co quá nhiều lĩnh vực cần đến sự đầu tư.
Không nên đồng loạt có… “nhu cầu”
Một kiến trúc sư cho rằng: “Việc chuyển Bộ ra ngoài khu trung tâm để hạn chế giao thông là hoàn toàn hợp lý vì số lượng cán, công nhân viên của họ không phải là nhỏá. Thế nhưng, xét ở góc độ khác, chiến lược 10 năm của Chính phủ là tập trung vốn vào những công trình, dự án có ích, cần thiết.
Như vậy cần phải xem xét phong trào xây dựng lại trụ sở của các Bộ?. Tôi thấy Bộ Xây dựng cũng đang rục rịch nói về vấn đề này.
Kinh tế đất nước và cả thế giới đang khó khăn, làm việc gì cũng phải từng bước, không nên đồng loạt có “nhu cầu”. Nếu có thể tạm hoãn “xin” được việc gì thì nên hoãn, để lấy tiền phát triển hạ tầng quốc gia.
Căt giảm đầu tư công là cần thiết
Trao đổi với Người đưa tin, bà Nguyễn Thị Khá – Ủy viên Ủy ban Các Vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Thời điểm này, có nhiều vấn đề dân sinh cấp thiết hơn việc xây trụ sở của một Bộ. Đặc biệt, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ tập về trung kiềm chế lạm phát. Vì vậy, việc cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước là rất cần thiết.
Các cơ quan nhà nước đều phải có kế hoạch tiết kiệm, giảm tối đa chi phí, chỉ ưu tiên ngân sách nhà nước cho các vấn đề dân sinh cấp bách”.
“Theo quan điểm của tôi, đề xuất của bộ GTVT xây dựng trụ sở mới là chưa phù hợp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Việc chi các khoản ngân sách nhà nước lớn phụ thuộc vào tiến độ phục hồi kinh tế nhanh hay chậm”, bà Khá nhấn mạnh.
Cần có trụ sở đàng hoàng
TSKH.Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: “Chương trình bố trí lại trụ sở của các Bộ là chủ trương của Chính phủ.
Những năm gần đây, Chính phủ đã bỏ ra khá nhiều tiền cho việc xây trụ sở cho các Bộ như Bộ Công an, Ngoại Giao, Nội vụ…
Một số trụ sở đã xây dựng ở khu Mỹ Đình và phía Tây Hồ Tây. Tôi cho rằng điều đó là bình thường. Chúng ta quy hoạch lại Hà Nội thì phải xây dựng trụ sở mới cho đàng hoàng. Chuyển trụ sở của các Bộ ra khỏi vùng lõi, lấy đất cũ để làm việc khác không liên quan gì đến chuyện lãng phí tiền.
Tuy nhiên, do thời gian qua, bộ tưởng Thăng đưa ra nhiều quyết sách thể hiện sự tâm huyết của mình nhưng cũng gặp không ít sự phản đối. Vì vậy, đề xuất lần này cũng rất khó nhận được sự đồng tình từ phía dư luận.
Phải gọi là nhiệm kỳ của đề xuất
Anh Nguyễn Văn Hòa, Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Tôi chưa biết những đề xuất chống ùn tắc của Bộ trưởng Đinh La Thăng hiệu quả đến đâu.
Nhưng bất cứ ai cũng phải nhớ đến nhiệm kỳ bộ trưởng Thăng vì có quá nhiều đề xuất. Từ việc cấm cán bộ chơi golf, đề xuất thu phí lưu hành xe, kêu gọi nhân viên đi xe buýt và giờ là đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong đó có hạng mục đầu tư nhà làm việc cho các cơ quan, đơn vị thuộc bộ GTVT.
Tôi nghĩ việc cấp bách bây giờ là tập trung cho việc giải quyết được vấn nạn ùn tắc giao thông và đầu tư cho những con đường dân sinh cấp bách chứ không phải là dành tiền để chăm chút cho nơi làm việc của cán bộ ngành giao thông”.

Không có nhận xét nào: