Vụ cưỡng chế đất ở đầm Cống Rộc, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng với sự nổi dậy của người cựu bộ đội-kỹ sư nông nghiệp-nông dân Ðoàn Văn Vươn và em trai là Ðoàn Văn Quý làm rúng động dư luận chưa kịp lắng xuống thì vụ Văn Giang đã nổ ra.
Khác với vụ Tiên Lãng, vụ cưỡng chế đất ở xã Văn Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vào ngày 24 tháng 4, 2012 đã kết thúc với “thắng lợi tưng bừng” thuộc về phe nhà nước. Bao gồm giới tư bản đỏ và các quan tham cấu kết với tư bản nước ngoài, chỉ đạo cho quan chức địa phương, hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, côn đồ… thực hiện.
Và phe thua trận là những người nông dân nghèo khổ đã vùng lên trong nỗi tuyệt vọng để cố giữ được miếng đất, nồi cơm của họ.
So với Tiên Lãng và nhiều vụ cưỡng chế đất khác, vụ Văn Giang có quy mô lớn từ cả lực lượng cưỡng chế lẫn bị cưỡng chế, theo dư luận, khoảng hai ngàn nông dân đã chống lại hơn ba ngàn cảnh sát cơ động, dân phòng các loại. Mức độ thô bạo cũng hơn nhiều, với lựu đạn cay, súng nổ, dùi cui quật, rồi những cảnh người dân bị đánh đập dã man…
Tiếng la khóc cứ như thời chiến tranh bạo loạn hay thời cải cách ruộng đất.
Lịch sử Việt Nam kể từ khi đảng cộng sản ra đời đã luôn luôn đi theo một con đường vòng rất oái oăm, cứ như một trò chơi tai ác của tạo hóa.
Hơn bảy thập niên trước, hàng triệu triệu người nông dân VN đã nghe theo lời tuyên truyền đường mật của những người cộng sản, dùng bạo lực cách mạng để lật đổ nhà nước phong kiến, tay sai của thực dân. Với niềm tin sẽ xây dựng một chính quyền “của dân, do dân, vì dân,” một nhà nước với lý tưởng xã hội chủ nghĩa không có giàu nghèo, công bằng cho tất cả mọi người.
Thực tế cái chính quyền ấy, cái xã hội ấy như thế nào sau năm 1954 ở miền Bắc và sau 30 tháng 4, 1975 trên cả nước, cho đến nay mọi người đều quá rõ.
Nhưng oái oăm là cái đảng và nhà nước cộng sản ấy nay đang quay lại dùng “bạo lực cách mạng” với chính những người nông dân, lực lượng chủ yếu góp phần giành được giang sơn ngày hôm nay cho họ.
Ðảng và nhà nước cộng sản đang thực hiện ngược lại những gì họ đã xúi bẩy người nông dân trước kia: đứng lên giành lại ruộng đất từ tay tầng lớp bị gọi là địa chủ nhà giàu, còn bây giờ thì họ đang cướp lại đất từ tay nông dân để giao cho bọn nhà giàu tư bản đỏ thời nay.
Dân tộc VN đã bị đảng cộng sản dẫn đi một con đường vòng rất xa tốn hao hơn bảy mươi năm, trải qua hai cuộc chiến tranh trong đó có một cuộc chiến huynh đệ tương tàn đầy đau đớn. Lại thêm hai cuộc chiến nữa với các “đảng cộng sản anh em” Cam Bốt và Trung Hoa để cuối cùng trở lại điểm xuất phát còn tệ hơn lúc đầu.
Tức là thay một nhà nước phong kiến lệ thuộc vào thực dân bên ngoài bằng một chế độ về nhiều mặt không khác gì nhà nước phong kiến nhưng là vua tập thể và độc tài, độc ác hơn, đối phó với dân và với dư luận quốc tế ranh ma thủ đoạn hơn gấp nhiều lần. Mặt khác, lại vẫn lệ thuộc vào nước khác, nhưng ở một mức độ nặng nề hơn, nguy hiểm hơn.
Riêng với tầng lớp nông dân, chỉ bằng cụm từ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý” nhưng thực chất việc không công nhận quyền tư hữu ruộng đất là cái lý do để nhà nước muốn thu hồi, cướp lại đất từ tay người nông dân lúc nào là thu hồi, muốn đền bù bao nhiêu là đền bù.
Nhìn vào hầu hết những cuộc cưỡng chế đất đai từ trước đến nay, ai cũng có thể thấy người nông dân bị o ép như thế nào, và cái nhà nước này thực sự đang của ai do ai vì ai.
Khi nào còn tiếp tục không công nhận quyền tư hữu đất đai thì những vụ kiện cáo, biểu tình, cuối cùng là cưỡng chế thô bạo như ở Tiên Lãng, Văn Giang sẽ còn tiếp tục diễn ra dài dài. Mâu thuẫn giữa nông dân với chính quyền cứ thế âm ỉ, lòng tin của người dân với chính quyền tiếp tục bị xói mòn trong khi bộ mặt của nhà nước VN với thế giới tiếp tục lem luốc vì những vụ cưỡng chế đầy bạo lực với chính người dân của mình.
Và điều đó hoàn toàn bất lợi cho chính cái nhà nước này, trong bối cảnh họ còn đang phải đối phó với đủ thứ nguy cơ từ cái họa bành trướng từ phương Bắc cho đến phong trào dân chủ trên thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều nhà báo, giới chuyên môn cũng đã phân tích đến những khía cạnh nguy hại của việc thu hồi đất nông nghiệp cho những dự án xây dựng nhà máy công nghiệp, khu du lịch thương mại hay sân golf…
Là tự làm mất đi cái thế mạnh của VN – một quốc gia lẽ ra hoàn toàn có thể phát triển bền vững bằng nông-ngư nghiệp. Vừa nuôi được dân vừa xuất khẩu kiếm ngoại tệ trong bối cảnh thế giới thường xuyên khan hiếm, khủng hoảng lương thực chỗ này chỗ khác.
Giới chuyên môn cũng cảnh báo về hiện tượng đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nói riêng đang bị sụt giảm. Một phần vì những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mặt khác, do hiện tượng lấy đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau.
Từ ông Bộ Trưởng Cao Ðức Phát cho đến ông Thứ Trưởng Bùi Bá Bổng của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn trong những phiên họp Quốc Hội cũng như khi trả lời báo chí đều nhấn mạnh đến nguy cơ sụt giảm đất trồng lúa. Cũng như việc làm sao cố gắng giữ được 3.8 triệu ha đất trồng lúa cho nông dân.
Một con số quá khiêm tốn nếu so với Thái Lan, cũng là một quốc gia xuất khẩu gạo mạnh, dân số chỉ có khoảng hai phần ba VN nhưng lại giữ được 10 triệu ha đất lúa. Còn VN, với cái kiểu luật rừng từ trên xuống dưới cộng với lòng tham vô đáy của các quan chức và giới tư bản đỏ chỉ biết quyền lợi của mình như lâu nay thì chuyện giữ 3.8 triệu ha cũng đã là khó.
(Theo bài “Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng: Xây dựng những ‘cánh đồng mẫu lớn,’” báo SGGP; “Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: Quyết giữ 3.8 triệu ha diện tích đất trồng lúa,” Diễn đàn Doanh nghiệp).
Trong khi đó thì những vụ cưỡng chế đất cho những dự án phi nông nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra, mà vụ Văn Giang là ví dụ nóng hổi. Tức là không chỉ coi nhẹ quyền lợi của hàng triệu nông dân mà cả lợi ích quốc gia lâu dài để phục vụ cho quyền lợi của các phe nhóm có tiền và có quyền.
Lịch sử VN từ ngày có đảng và nhà nước cộng sản VN là những sai lầm nối tiếp sai lầm, gắn liền với những cụm từ gợi lên những ký ức kinh hoàng. Từ “cải cách ruộng đất,” “nhân văn giai phẩm,” vụ án xét lại, thuyền nhân, cải tạo tư sản, cải tạo công thương nghiệp, v.v… và bây giờ là “cưỡng chế, giải phóng mặt bằng”!
Mỗi sự sai lầm như vậy đều gây ra tai ương ngay tức thì cho hàng vạn hàng triệu con người, và di họa tính bằng nhiều thập niên cho xã hội, đất nước.
Những vụ cưỡng chế sẽ khiến hàng ngàn nông dân mất đất, phải bỏ làng ra đi nhập vào đội quân đông đảo không nhà cửa không nghề nghiệp ổn định ở các thành phố lớn. Từ đó đừng hỏi tại sao những vấn nạn xã hội như cướp giật, móc túi, gái điếm, nạn buôn người, giết người… ngày càng tăng.
Hoặc đừng hỏi tại sao một lúc nào đó VN đang từ một quốc gia xuất khẩu gạo thuộc hàng nhất nhì thế giới lại bị rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực, phải đi nhập khẩu thêm gạo hoặc các sản phẩm nông nghiệp. Hoặc trong một vụ cưỡng chế nào đó, chỉ cần có người chết là mọi chuyện có thể trở thành không kiểm soát được. Một chế độ có thể sụp đổ nhanh chóng nhiều khi chỉ từ một cuộc bạo động bộc phát do phẫn uất.
Nhưng thói thường một nhà nước độc tài cầm quyền quá lâu thường trở nên quá tự tin vào sức mạnh và tuổi thọ của chế độ, nên ngày càng khinh suất trong cách ứng xử với nhân dân, với công luận, cộng thêm thói tham lam vô độ ngày càng muốn vơ vét nhiều hơn… sẽ không thể biết dừng lại đúng lúc.
Từ xưa đến nay, cái chết của mọi chế độ độc tài nói chung và các nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo nói riêng thường chỉ do chính họ tự đào hố chôn mình mà thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét