Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Vùng nước đục: Mỹ, Trung Quốc và Biển Đông

NCBĐ

Tình trạng bế tắc tại Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines là sự kiện mới nhất thể hiện sự cạnh tranh chiến lược đang gia tăng giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Mỹ và các đồng minh. Cách phản ứng của Mỹ có thể quyết định hòa bình ở khu vực.
Cuộc khủng hoảng gần nhất xảy ra sau khi lực lượng hải quân Philippines nhỏ bé, với chiếc tàu tuần duyên cũ mua của Mỹ được coi như soái hạm mới, cố bắt ngư dân Trung Quốc mà theo Hải quân Philippines là đang hoạt động bất hợp pháp gần bãi Hoàng Nham. Sau đó, Trung Quốc đã đưa đến hai tàu hải giám - một phần của nỗ lực mới đây nhằm bảo vệ những yêu sách của mình tại vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông, để ngăn cản tàu Hải quân Philippines. Trung Quốc gửi thông điệp rõ ràng: Hoặc leo thang và mạo hiểm tranh chấp quyết liệt với Hải quân Trung Quốc, hoặc xuống nước và đàm phán với Bắc Kinh ở thế hạ phong. Manila đã sáng suốt chọn cách thứ hai, trước tiên là thay thế tàu chiến bằng một tàu dân sự, và sau đó kiềm chế tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao.

Nhưng Trung Quốc cũng đồng thời cảnh báo Washington rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường năng lực quân sự của các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng sẽ bị ngăn chặn. Tình trạng bế tắc này có thể coi là một hành vi bán xâm lược, nhưng không hẳn như vậy. Vì Trung Quốc đang muốn xây dựng ảnh hưởng hơn là gây chiến, nên Trung Quốc sẽ chỉ phô trương sức mạnh ở mức thấp nhất, như là Trung Quốc đã làm trong vụ Scarborough - chỉ điều động các tàu hải giám thay vì tàu chiến đến đây. Suy cho cùng, thu hút sự chú ý của thế giới vào quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng hay vào nỗ lực thổi bung chủ nghĩa dân tộc không phục vụ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Điều quan trọng cần rút ra từ vụ này là nước Mỹ cần giữ một cái đầu lạnh. Những va chạm kiểu này không chỉ chắc chắn sẽ còn xảy ra nữa mà hệ quả của chúng cũng không đáng kể - với giả định là các va chạm được xử lý một cách khôn ngoan. Khi xét đến lợi ích trùng lặp của các đồng minh của Mỹ tại Biển Đông, nước Mỹ chắc chắn thấy mình phải hành động một cách mạnh mẽ để chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Nhưng như những bộ óc thông minh nhất của Mỹ đã hiểu rõ từ nhiều thập kỷ rằng Trung Quốc không hoàn toàn là kẻ bành trướng. Chính sách đối ngoại theo lối trọng xuất khẩu của Trung Quốc xuất phát từ tham vọng vật chất chứ không hẳn từ tham vọng đế quốc.
Trung Quốc đang tìm xem giới hạn là ở mức nào, chứ không nhất thiết là kẻ gây chiến. Cho dù bất đồng, nhưng Trung Quốc và Mỹ không phải là địch thủ ý thức hệ thời chiến tranh lạnh trước đây. Cả hai nước đều hưởng lợi ích to lớn từ những chuẩn mực chung về hàng hải toàn cầu. Toàn cầu hóa chỉ có thể trở thành hiện thực nhờ các tuyến đường biển thông thương, qua các tuyến đường biển này một khối lượng lớn hàng hóa và tài nguyên được lưu thông trên toàn thế giới. Và Biển Đông, vùng biển nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là yết hầu đối với nền kinh tế toàn cầu hóa.
Mặc dù vậy, nhưng Mỹ cũng không nên phớt lờ những rủi ro tiềm ẩn trong những vụ như thế này. Chí ít ở khu vực Biển Đông, sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục va chạm với Hải quân Mỹ trong vai trò là người bảo đảm tự do trên biển. Không phải lúc nào hai cường quốc cũng đồng ý với nhau. Mỹ có hiệp ước cam kết giúp bảo vệ Philippines, nhưng Mỹ luôn hành xử thận trọng để duy trì tính trung lập trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy, ngoại giao của Mỹ hỗ trợ cách tiếp cận đa phương - cách tiếp cận này sẽ gây khó khăn hơn cho Trung Quốc trong việc chèn ép các nước láng giềng.
Mặt khác, Trung Quốc thích đàm phán song phương với từng quốc gia tranh chấp trong khu vực, bắt đầu với một nước như Philippines - nước mà Trung Quốc biết rằng thiếu khả năng quân sự để bảo vệ các đảo của mình. Mặc dù tình hình bế tắc hiện nay có thể kiểm soát được, nhưng những sự việc tương tự sẽ xảy ra nhiều hơn, khi các nước đồng minh quay sang Mỹ và yêu cầu Mỹ bảo vệ họ, điều mà chúng ta sẽ thấy trong cuộc gặp tới đây giữa Mỹ và Philippines tại Washington vào tuần sau. Một điều không hay là ngay sau khi xảy ra bế tắc tại Scarborough, Mỹ và Philippines triển khai đợt tập trận được lên kế hoạch từ trước ở khu vực gần đó với hàng ngàn lính thủy, bộ, hải quân. Đồng thời, các tranh chấp khác chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra giữa các quốc gia quanh Biển Đông, bao gồm Malaysia, Việt Nam và Nhật Bản cũng như Trung Quốc và Philippines - chừng nào dầu khí còn được phát hiện ở Biển Đông.
Nếu chiến sự bùng nổ, Trung Quốc ngày càng sẵn sàng tham chiến. Ngân sách quốc phòng ở mức tới 2 con số trong nhiều năm qua đã trang bị cho một cường quốc lục địa khả năng hải quân biển sâu, tên lửa và không quân đủ để gây rủi ro cho sự hiện diện quân sự Mỹ tại Đông Á. Tóm lại, thực tế mới này buộc Mỹ phải một chương trình hành động cụ thể, điều mà Mỹ dễ có nguy cơ không nhận ra, đó là: phải hiểu được rằng Trung Quốc đang thử một cách làm mới và gửi đi không có gì khác ngoài tín hiệu, nhưng Mỹ phải phản ứng với những bước đi chính xác và có chừng mực để bảo đảm rằng Trung Quốc không đẩy các giới hạn đi quá xa. Màn kịch trên biển gần bãi Scarborough chỉ là một vụ ồn ào của cuộc cạnh tranh chiến lược đang gia tăng mà chỉ có thể dàn xếp chứ không thể giải quyết triệt để. Lập trường cương quyết song thận trọng của Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác hợp tác khu vực dựa trên những nguyên tắc chung, được yểm trợ bằng sức mạnh của Mỹ, vẫn sẽ là cách tốt nhất để gìn giữ hòa bình ở vùng biển này.
Tác giả Patrick Cronin là Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.
Theo New York Times/ Nghiencuubiendong

Không có nhận xét nào: