Pages

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Chứng nhân của sự thật

“Chỉ có “Sự thật sẽ giải phóng” con người, mới đem lại tự do hạnh phúc cho con người. Con người vốn có tinh thần hiền lành, dễ gặp nhau, dễ tha thứ, nhưng một khi biết mình bị lừa, bị gạt, bị dồn ép… thì họ có thể chấp nhận cả cái chết, nhất là “cái chết vì đạo”. Lịch sử cho thấy “quan nhất thời, dân vạn đại”, nhưng có được bao nhiêu vị hữu trách ý thức và nhạy bén trước những ý kiến, những khát vọng chính đáng của người dân. Trong bối cảnh cụ thể như thế, lòng yêu nước thôi thúc chúng tôi gửi lên Quý Ngài những đóng góp sau đây…”

Đó là những lời tâm huyết đầy khẳng khái của Đức cha Oanh, Giám mục giáo phận Kontum, trong văn bản gửi đến những vị lãnh đạo cao cấp của Nhà Nước, nhân việc ngài bị cản trở thi hành công việc mục vụ trong dịp lễ Phục Sinh vừa qua. Không một chút giận hờn cay đắng, không dùng đến “cái dũng” của kẻ tiểu nhân để mạt sát, miệt thị, thách thức, nhưng bằng thái độ hiền hòa mà cương quyết, khí khái không nhu nhược, ngay thẳng và không chút tà tâm, ngài nói lên tiếng nói hào hùng của lương tâm để “làm chứng cho sự thật” và mong “sự thật sẽ giải phóng”. Thật cảm động và sảng khoái khi nghe được tiếng nói tỏ rõ quan điểm cách chân thành và trung thực của vị Mục tử chân chính như lòng… dân Chúa mong muốn! Đó là tiếng nói ngôn sứ, tiếng nói của người được chọn làm “lính canh hừng đông”, là tiếng nói dầy dũng khí của người có nhân, có nghĩa, như lời Nguyễn Trường Tộ: “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa”.
Đức cha Oanh không nói nhân danh cá nhân nhưng là một tập thể, dù không phải là tất cả. Ngài lên tiếng thay cho mọi tiếng nói đơn lẻ đây đó trên Đất Nước cũng đang ở trong hoàn cảnh như ngài và Giáo phận của ngài. Và tiếng nói “sự thật có sức giải phóng”đó đã chỉ cho thấy mọi vấn đề nhức nhối khác trong Giáo hội và xã hội tưởng chừng như đang ở trong ngõ cụt, bế tắc, lại hệ tại bởi một “vật” rất nhỏ là “cái bánh lái” đang cần điều chỉnh lại “chút xíu”. Và chính ngài đã đi tiên phong trong sự “điều chỉnh” ấy.
Đang khi các vị khác chú tâm vào những kế hoạch vĩ mô cấp giáo phận, giáo tỉnh, với những “năm thánh” triền miên, với những ngày lễ kỷ niệm quan trọng, những lễ nghi “long trọng” đầy cờ xí và băng rôn, biểu ngữ, xứng với địa vị cao cả, với những bài thuyết giáo đầy logic và uyên bác luôn làm “sướng tai” người nghe, thì ngài cho thấy thế nào là tấm lòng mục tử với đàn chiên, tìm đến với chiên, không phải chiên mập, chiên ngoan, nhưng là những chiên nghèo khổ về mọi mặt, chiên cô thân cô thế luôn bị áp bức, nghi kỵ và khinh dể, tức là những người nghèo của Thiên Chúa, để “ôm chiên vào lòng”, để nuôi dưỡng, chăm sóc chiên bằng Lời Chúa và Bánh Thánh Thể.
Đang khi các vị khác có thể an lòng cử hành các ngày đại lễ bậc nhất trong Giáo hội tại những nguyện đường ấm cúng, những thánh đường mỹ lệ, thì ngài lại chọn những vùng sâu, vùng xa, đầy trắc trở, nơi có sự hiện diện của Giáo hội, tức là những tín hữu đã lâu luôn khao khát, dù chỉ một lần, tham dự lễ Phục Sinh trọn vẹn với vị Chủ chăn của mình. Dù bị Nhà cầm quyền cố tình làm khó, ngăn chặn không cho ngài tới với chiên và không cho chiên tới với ngài, nhưng thật ra, Ngài đã tới… tận lòng người và ở lại mãi với họ rồi. Đó là hình ảnh rõ nhất của một Giáo hội của Chúa Phục Sinh. Một Giáo hội có là vì người nghèo, cho người nghèo, chọn đứng về phía người nghèo và binh vực người nghèo. Đó là tiêu biểu của một Giáo hội dấn thân, hiến thân và nếu có thể, sẵn sàng vui mừng “chết” cho người nghèo.
Đang khi các vị khác có thể chọn cho mình thái độ “im lặng” để phản đối, một sự “đối thoại” đầy nhũn nhặn và thất thế, một sự e dè đầy “cẩn trọng” khi đề cập đến việc thực thi pháp luật, về công bằng, công lý cho mọi người, về các việc nhũng nhiễu làm khó của các cấp chính quyền luôn bất nhất, ngăn chặn, xuyên tạc, tước bỏ những quyền chính đáng của Tôn giáo, thì Ngài anh dũng nói lên tiếng nói của sự thật, một sự thật dù phũ phàng đến đâu cũng đáng tôn trọng, cũng phải nói thẳng ra, “vì sự thật sẽ giải phóng”. Và ngài “sẽ còn tiếp tục đối thoại như thế” với Nhà cầm quyền… “tất cả là vì ích quốc lợi dân”.
Những lời tâm huyết chân thành của Đức cha Oanh không biết có thấu tận… “triều đình” và có đáng tham khảo để “đồng cảm và đồng thuận” hay không, còn chưa biết? Nhưng trong thái độ khiêm nhu của Người Tôi Tớ Chúa và tôi tớ anh em mình, ngài mạnh dạn và yêu thương cảnh báo rằng: “Quan nhất thời, dân vạn đại” như vọng lại lời Đức Maria: “Chúa sẽ đập tan những ai lòng trí kiêu căng. Người hạ những người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng những người bé mọn lên ” (Lc 1,52).
“Chỉ có sự thật mới giải phóng con người”. Ước mong sự thật sẽ được sáng tỏ và lòng yêu mến công lý luôn ở với các Giám Mục Việt Nam. Tôi có một giấc mơ, vào một ngày nào đó sẽ có 26 văn bản như thế. Không, tốn giấy lắm, chỉ một văn bản như thế thôi, nhưng có 26 chữ ký, thì cũng “trên cả truyệt vời” rồi.
15/4/2012
Ngô Văn
Nguồn: NVCL

Không có nhận xét nào: