Pages

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Đến siêu cường số 1 thế giới cũng bất lực trước Triều Tiên


VnMedia) - Vào giữa tháng 3, Triều Tiên đã khiến các cường quốc sửng sốt khi thông báo kế hoạch phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ chỉ sau khi nước này vừa “đốt lên” ngọn lửa hy vọng về việc nối lại các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân. Vì sao Bình Nhưỡng lại có động thái này và liệu các cường quốc có làm gì được để thay đổi điều mà họ không hề muốn đó hay không?

Vì sao Triều Tiên bất ngờ tuyên bố phóng tên lửa?

Việc Bình Nhưỡng thông báo kế hoạch phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ nghe có vẻ như bất ngờ nhưng trên thực tế lại là hành động được nhiều chuyên gia phân tích dự đoán từ trước.



Ngay sau khi Chủ tịch Kim Jong Il đột ngột qua đời hồi cuối tháng 12 năm ngoái và con trai út của ông – Đại tướng trẻ Kim Jong Un lên kế nhiệm, giới chuyên gia đã tin rằng, Triều Tiên chắc chắn phải có một loạt động thái nhằm thể hiện sức mạnh cũng như củng cố quyền lực cho Nhà lãnh đạo mới. Và người ta tin rằng, việc Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa tầm xa là một trong những động thái như thế.

Rõ ràng, việc ông Kim Jong Un lên cầm quyền ở tuổi còn quá trẻ, chưa đầy 30 tuổi, đã khiến ông vấp phải nhiều sự hoài nghi. Người ta nghi ngờ khả năng lãnh đạo của vị Đại tướng 4 sao này không chỉ vì ông còn quá trẻ mà cả vì ông cũng là người thiếu kinh nghiệm trên chính trường. Nếu như cha ông – cố Chủ tịch Kim Jong Il được “học việc” trên chính trường một thời gian dài trước khi chính thức tiếp quản quyền lực từ cố Chủ tịch Kim Nhật Thành thì Đại tướng Kim Jong Un chỉ được học hỏi từ người cha của mình được hơn một năm thì ông này qua đời. Một năm là một khoảng thời gian quá ngắn để ông Kim Jong Un tích lũy kinh nghiệm cũng như xây dựng ảnh hưởng chính trị.

Đã có nhiều người lo ngại, tình hình Triều Tiên có thể sẽ rơi vào bất ổn sau sự ra đi đột ngột của Chủ tịch Kim.

Trước những hoài nghi, lo ngại trên, tân Lãnh đạo Kim Jong Un đã có nhiều động thái nhằm củng cố quyền lực cho mình đồng thời chứng minh cho thế giới ông đã sẵn sàng cho vị trí lãnh đạo đất nước Triều Tiên. Cho đến thời điểm này, người ta có thể thấy rõ, quá trình chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên đang diễn ra suôn sẻ và đất nước này vẫn ổn định dưới chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ.

Vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ sắp tới là một trong những động thái nhằm củng cố sức mạnh và quyền lực của tân Lãnh đạo Kim Jong Un. Với vụ phóng tên lửa này, ông Kim Jong Un muốn khẳng định với thế giới rằng, đất nước họ vẫn tiếp tục đà tiến lên phía trước, vẫn tiếp bước các chính sách của cố Chủ tịch Kim Jong Il.

Ngoài lý do trên, Bình Nhưỡng còn muốn phóng tên lửa tầm xa vì một mục đích khác. Các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Triều Tiên có nhiều hy vọng được nối lại trong thời gian sớm sau khi bị đình trệ suốt một thời gian dài. Vì thế, vụ phóng tên lửa này là hành động nhằm củng cố vị thế của Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Các cường quốc bất lực trước Triều Tiên?

Việc Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa tầm xa đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Ngay cả Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất với Triều Tiên, cũng không hài lòng về kế hoạch này của Bình Nhưỡng.

Phản ứng trên là điều dễ hiểu bởi công nghệ phóng vệ tinh chẳng khác gì nhiều so với công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa. Trong suốt những thập kỷ qua, Triều Tiên đã đầu tư rất nhiều công sức và nguồn lực vào việc phát triển công nghệ tên lửa tầm xa. Vì thế, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... tin rằng, vụ phóng vệ tinh sắp tới thực chất là một vụ thử tên lửa tầm xa và nó được xem là bước tiến quan trọng của Triều Tiên trong quá trình phát triển tên lửa tầm xa.

Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Mỹ được cho là những “đối tượng” chính mà tên lửa tầm xa của Triều Tiên hướng tới. Chính vì vậy, 3 nước này không hề mong muốn vụ thử tên lửa tầm xa sắp tới diễn ra. Họ đã dùng nhiều ngôn từ mạnh mẽ với những lời cảnh báo, đe dọa về hậu quả nhằm làm “nhụt chí” của Bình Nhưỡng trong kế hoạch phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ. Vậy liệu các nước này có thể làm được gì để thay đổi tình hình hay không?

Theo các nhà phân tích, hầu như không có khả năng Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phóng tên lửa sắp tới. Điều này đã được thể hiện trong các tuyên bố liên tục của giới quan chức nước này. Giới báo chí Triều Tiên đã không ngớt lời chỉ trích phản ứng của quốc tế đối với kế hoạch phóng tên lửa sắp tới của họ, nói rằng đó là một nỗ lực có ác tâm nhằm tước đi của nước này các cơ hội khai thác vũ trụ vì mục đích hòa bình. Trong tình thế như thế này, việc hủy bỏ kế hoạch phóng vệ tinh là điều không thể bởi đó sẽ được coi là một hành động mất mặt cả trong nước và quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Giới lãnh đạo Triều Tiên biết rằng, để tồn tại và sống sót, họ cần phải cứng rắn và không khoan nhượng.

Không thể ngăn được Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, vậy các cường quốc có thể làm được gì? Câu trả lời thành thật nhất là: hầu như không làm được gì. Chắc chắn nhiều quan chức Mỹ, phương Tây có thể cảm thấy “khó chịu”, không chấp nhận thực tế này. Tuy nhiên, những trường hợp tương tự xảy ra trong quá khứ đã cho thấy điều đó là sự thực.

Mỗi lần Triều Tiên phóng tên lửa hay vệ tinh, các cường quốc đều cảnh báo “sẽ không dung thứ” cho hành động vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc cấm Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo. Nhưng rốt cuộc, các vụ thử đó vẫn diễn ra và Triều Tiên cũng chẳng bị làm sao cả. Cách tốt nhất để giải thích cho điều này là các cường quốc chẳng có lấy được một cách hiệu quả nào để trừng phạt Triều Tiên. Vì thế, Triều Tiên có thể được “thưởng” nếu cư xử theo như mong muốn của các cường quốc nhưng không có chiều ngược lại. Có ít nhất hai nguyên nhân quan trọng giải thích cho việc Bình Nhưỡng dường như “miễn nhiễm” với các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Lý do thứ nhất là lập trường của Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh không hề thích thú với viễn cảnh Triều Tiên có tên lửa tầm xa hay vũ khí hạt nhân nhưng nước này lại cần một đất nước Triều Tiên ổn định làm vùng đệm che chở cho họ. Trung Quốc thà lựa chọn một Triều Tiên ổn định hơn là một Triều Tiên phi hạt nhân hóa nhưng sụp đổ, bất ổn và nằm dưới sự điều hành của Seoul. Vì thế, Trung Quốc không muốn phá vỡ hiện trạng hiện nay bằng cách ủng hộ cho các biện pháp trừng phạt có thể gây hại đến sự ổn định bên trong nội bộ Triều Tiên. Thứ hai, Bình Nhưỡng cũng không có nhiều mối quan hệ với các nước bên ngoài, đặc biệt là các cường quốc phương Tây, nên những biện pháp trừng phạt nhằm vào họ nhiều khi chỉ mang tính hình thức.



Kiệt Linh

Không có nhận xét nào: