Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Lấy thịt thằng sống nuôi thằng chết

Đào Tuấn
Hoàn toàn không tình cờ mà trong một buổi họp báo công bố hạ lãi suất, Thống đốc lại trích slogan của giới nhà băng: “Chỉ cho vay tiền với những người không cần tiền bằng mọi giá”
Như vậy là lãi suất, chính xác hơn là lãi suất huy động đã giảm lần thứ hai trong chỉ 1 tháng. Ngay sau quyết định của Ngân hàng nhà nước, với việc khoảng 50% đối tượng thuộc lĩnh vực bất động sản thoát “vòng kim cô” phi sản xuất, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một phiên tăng điểm ngoạn mục khi hầu hết các mã chứng khoán bất động sản đều bật xanh. Sức ép từ những vụ “thiêu sống chủ nợ” đã khiến các chính sách tài chính không thể “mũ ni che tai” mãi được.

Nhưng chiến thắng của các đại gia BĐS cũng đồng nghĩa với nỗi lo của những…ông già. Thế là những người có tiền gửi tiết kiệm, hầu hết đều không phải “nhà đầu tư khôn ngoan”, hầu hết đều không giàu, lại mất thêm 1%, trong khi nỗi lo lạm phát chưa hề nguôi ngoai.
Đáng ngạc nhiên, người quan tâm đến số đông những người gửi tiền lại là Ngân hàng phát triển Châu Á- ADB. “Tiết kiệm thực của những người gửi tiền bằng tiền đồng Việt Nam chịu tác động bởi lãi suất thực âm trong một giai đoạn kéo dài. Sai số tích tụ trong cán cân thanh toán, được ước tính ở mức 18 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2011 phản ánh một lượng lớn vàng và ngoại tệ ở bên ngoài hệ thống ngân hàng”.
ADB dự báo lạm phát “có thể sát dưới hai con số” nhưng “Với điều kiện chính sách duy trì đủ chặt chẽ”. Ngoài ra, còn có thêm một cái mở ngoặc “Lạm phát cơ bản không bao gồm thực phẩm và năng lượng sẽ khó giảm hơn”.
Nói không ngoa rằng động thái hạ lãi suất đang mang đến một kết cục “Lấy thịt của thằng sống nuôi thằng chết”.
Vậy thì ai sẽ được hưởng lợi từ việc hạ lãi suất huy động?
Chỉ vài ngày trước tuyên bố của Thống đốc, tình trạng khốn khổ của các DN đã được báo chí nhắc đến. Chẳng hạn như câu chuyện hơn 79 ngàn DN giải thể, phá sản của năm 2011 thực tế rất có thể là 200 ngàn, khi mà thống kê của ngành thuế đưa ra một dữ liệu đầy tang tóc: Trong số hơn 600.000 doanh nghiệp đã được cấp phép đăng ký kinh doanh, chỉ có hơn 400.000 doanh nghiệp hiện vẫn còn đóng thuế. 120.000 doanh nghiệp còn lại nhiều khả năng đang ngồi ôm đống tài sản chết dần, hoặc đã chết nhưng chỉ chưa khai tử. Và bão thất nghiệp thực sự đã nổi khi một tờ báo ước tính đã có tới nửa triệu người thất nghiệp, với con số thu nhập mất đi ước không dưới 1.500 tỷ đồng/tháng, tức khoảng 75 triệu USD.
Nhưng câu hỏi không thể không đặt ra là liệu các DN có khả năng tiếp cận nguồn vốn?Nhất là khi Thống đốc nhắc đi nhắc lại, rằng “Ngân hàng cũng là doanh nghiệp chứ không phải chỗ sản xuất ra tiền,tiền không phải từ trên trời rơi xuống, tiền này là tiền của nền kinh tế, của nhân dân nên cho vay phải có trách nhiệm…”. Hình như hoàn toàn không tình cờ mà trong một buổi họp báo công bố hạ lãi suất, Thống đốc lại trích slogan của giới nhà băng: “Chỉ cho vay tiền với những người không cần tiền bằng mọi giá”.
Trả lời Thời báo Kinh tế Việt Nam, Thống đốc thậm chí còn nói cứng, đại ý: Ai không vay được cứ lên gặp tôi. Nhưng đây rât khó có thể coi đó là liều thuốc hồi sinh cho các DN. Bởi sự ngắc ngoải của họ, trong suốt 2 năm qua, không chỉ là không tiếp cận được nguồn vốn “không đắt lắm” mà là không tiếp cận được vốn, dù đắt.
Theo: Blog Đào Tuấn

Không có nhận xét nào: