Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Luận bàn về kiến nghị “cởi trói”

Hiền Lương

Trong lịch sử đương đại Việt Nam, kiến nghị “cới trói”, “cởi trói” hơn nữa từ hệ thống công bộc và công dân đã và đang tiếp tục vang lên. Không gian thích ứng cho sự phát triển đòi hỏi phải được nới rộng sau khi Việt Nam đã hội nhập đầy đủ vào thế giới. Tại một cuộc hội thảo phân quyền giữa trung ương và địa phương được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/12/2008, ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh, nêu:
“Phải nhìn nhận rằng hơi hám tư duy bao cấp còn mang nặng dấu ấn trong các văn bản, cái gì Nhà nước cũng thích suy nghĩ thay cho dân, trên suy nghĩ và làm thay cho dưới…. làm triệt tiêu mọi nguồn trí tuệ và tiềm năng của nhân dân”.

Cái gì Nhà nước cũng thích suy nghĩ thay dân?
Theo cách diễn giải của ông Tỷ thì lỗi tư duy này là hệ lụy của cơ chế điều hành quan liêu bao cấp đã nhiều năm đè nặng lên miền Bắc từ năm 1954 và cả nước từ sau 30/4/1975.
Trên cương vị là Giám đốc Sở, buộc lòng công bộc Tỷ phải diễn giải như vậy, không thể khác đi được. Đổ lỗi cho hệ điều hành quan liêu trong quá khứ, ông Tỷ gọi là “hơi hám tư duy bao cấp” đã từng gây ra hậu quả nặng nề cho đất nước, dân tộc thì ai cũng có thể nói được, không hề hấn gì.
Dẫu sao, ý kiến của ông Tỷ đáng được khích lệ, bởi ông là một trong những chức sắc đã giám lên tiếng chỉ ra cho mọi người chủ thể đang tạo ra những vướng mắc, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Nhà nước thích suy nghĩ thay dân mà ông Tỷ nêu ra, thực chất là sự áp đặt, phi dân chủ.
Từ “thích” mà ông Tỷ sử dụng rất đắt, có nội hàm nhạy cảm. Phải chăng dân không “thích” tham gia ý kiến về các vấn đề của đất nước, Nhà nước phải “thích” giùm? Điều này, ông Tỷ không đặt ra, nhưng mọi người đều hiểu. Trên thực tế, Nhà nước chưa tạo mọi điều kiện để cho người dân được bày tỏ thái độ “thích” hay không bàn luận việc nước, quyền được nói của người dân còn nhiều hạn chế.
Có nhiều vấn đề dân chưa được biết, chưa kịp suy nghĩ thì Nhà nước đã quyết định. Quy luật một chiều, tưởng chừng vận động êm xuôi trong nhiều thập kỷ qua, nay xem ra không còn phù hợp, sự cố liên tục xuất hiện, thách thức chủ thể điều hành xã hội. Nhu cầu được “cởi trói”, cởi trói nhiều hơn trở nên bức bách trên hầu hết các lĩnh vực, giới, ngành và địa phương trong cả nước. Chỉ cần đi sâu phân tích không gian phát triển của hai lực lượng quan trọng bậc nhất trong tiến trình hội nhập là trí thức và lớp trẻ, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của nhu cầu được “cởi trói”.
Cách đây hơn 600 năm, Nguyễn Trãi đã giúp vua Lê viết nhiều văn bản tha thiết kêu gọi nhân tài trong thời kì chống giặc Minh. Thời đó, dù “nhân tài như lá mùa thu” nhưng cũng quy tụ được và làm nên sức mạnh phi thường.
Đây là bài học lớn về đãi ngộ nhân tài, điều quan trọng nhất là sự trân trọng. Một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ của ông Hồ Chí Minh đã thành công với sách lược thu hút người tài là do biết trọng dụng trí thức.
Việc các nhân sỹ không phải là đảng viên Việt Minh được giữ các cương vị cao trong Chính phủ lúc bấy giờ như cụ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Nội vụ), Phan Anh (Bộ trưởng Quốc phòng) đã thu hút được nhiều người tài trong nước và ngoài nước về tham gia kháng Pháp thành công. Với thế hệ trẻ, nhu cầu “cởi trói” cho những ước mơ thời nào cũng tràn đầy sức sống.
Nắm bắt được nhu cầu này, ngày 15-11 vừa qua, Nhà văn hóa Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học FPT, nhóm Doanh nhân toàn cầu (GEW) và Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức chương trình Café kết nối, tạo lập ra nhiều khu vực viết ý tưởng cho học sinh, sinh viên.
Hôm đó, Nhà văn hóa thanh niên gần như được phủ kín bởi những mảnh giấy thể hiện của các bạn sinh viên. Từng đề tài, từ biến đổi khí hậu, nghèo đói, bình đẳng giới hoặc gần gũi nhất là vấn đề sống khỏe… đều nhận được nhiều ý kiến đóng góp đến mức chính các thành viên ban tổ chức cũng giật mình.
Lần đầu tiên, lớp trẻ Việt Nam đã được sống với tinh thần tôn vinh doanh nhân toàn cầu (GEW) trong chuỗi hoạt động của chương trình Café kết nối Khơi nguồn ý tưởng. Đánh giá chương trình, đại sứ Anh, ông Mark A. G. Kent, khẳng định:
“Các bạn trẻ Việt Nam làm việc rất tốt.. Việc đưa chương trình này đến với giới trẻ là một việc làm thiết thực. Tôi tin, ý tưởng mà các bạn trẻ viết ra hôm nay sẽ là khởi nguyên của những công trình mang thương hiệu Việt Nam trong tương lai không xa”.
Chủ tịch Tập đoàn Daewoo Kim Woo Choong từng khẳng định: “Tuổi trẻ chính là ước mơ và lịch sử thuộc về những người biết ước mơ”. Thế hệ trẻ Việt Nam thừa ước mơ và nhiệt huyết. Đó là hiện thực đáng quý, Nhà nước và các thế hệ đi trước cần trân trọng, chắp cánh cho họ.
Trong bối cảnh mà sự cạnh tranh là vấn đề sống còn như hiện nay, nếu Nhà nước và những người đi trước khi đã thành công, chịu ngoảnh lại, chịu mở đường cho ước mơ của người trẻ thì chắc chắn, họ sẽ có động lực để biến những ý tưởng, hoài bão của mình thành hiện thực.
Đó cũng là thông điệp mà GEW toàn cầu cũng như những người thực hiện chương trình này hướng đến. Mới đây, Đảng CSVN đã ban hành Nghị quyết về công tác Trí thức và Thanh niên.
Giá như, trước khi ra quyết định, Đảng lắng nghe ý kiến đề đạt, nguyện vọng và những nhu cầu bức bách của hai lực lượng quan trọng này qua các diễn đàn, hoặc lấy ý kiến trực tiếp chẳng hạn, tin rằng nghị quyết sẽ có sức sống hơn. Nhưng tiếc thay, lần này Đảng lại tiếp tục “thích” suy nghĩ thay cho họ.
Với những vẫn đế bức bách của xã hội đang diễn ra cũng vậy, Nhà nước tiếp tục suy nghĩ thay dân. Đơn cử như việc đào đường, lập hàng trăm “lô cốt” trên 25 con đường ở thành phố Hồ Chí Minh, gây tổn hại về vật chất và tinh thần của người dân, ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh mà báo chí đã nhiều lần lên tiếng.
Hay việc lớn hơn như mở rộng địa giới Hà Nội; chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế tăng dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp và dịch vụ, định giá đền bù giải tỏa đất nông nghiệp; chiến lược giáo dục chẳng hạn, nếu nhân dân được tham gia, tình hình sẽ khác đi, lượng người khiếu kiện kéo dài tại nhiều địa phương, sự lo lắng về giáo dục của người dân chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều so với thực tế.
Cái gì trên cũng nghĩ và làm thay cho dưới?
Sau hơn 20 năm Đổi mới, tình hình kinh tế, chính trị và xã hội đã khác xa thời quan liêu, bao cấp mà vẫn còn não trạng này thì đáng ngại quá. Bài học lấy dân làm gốc, mở rộng và phát huy dân chủ từ cơ sở của Đảng Cộng sản Việt Nam sau hàng thập niên Đổi mới chỉ là sáo rỗng?
Chẳng lẽ tấm gương người đảng viên, thiếu tướng Kim Ngọc (1917 – 1979), cố Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú hết lòng vì dân, “cha đẻ của khoán hộ”mà người ta quen gọi là “khoán mười”, “cha đẻ của đổi mới trongnông nghiệp” ở Việt Nam không còn giá trị?
“Khoán Mười” đã được chiêm nghiệm, từ một đảng viên bị Trung ương kỹ luật vì giám “xé rào” từ những năm 60, sau gần 10 năm qua đời, ông Kim Ngọc (tên thật là Kim Văn Nguộc) mới được tôn vinh, dựng tượng nơi quê nhà.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, trung tướng Trần Độ (tên thật là Tạ Ngọc Phách) chuyển sang dân sự, làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, kiêm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương, phụ trách văn hóa và văn nghệ.
Ở chức vụ này, ông đã soạn nghị quyết số 5, củng cố tiến trình cởi mở văn hóa trong thời kỳ Đổi Mới, thực chất là kiến nghị “cởi trói” hoạt động cho văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, ông cũng là công dân đầu tiên làm đơn xin lập báo tư nhân.. Sau khi ý kiến của ông không nhận được sự ủng hộ của cấp trên, ông trở thành nhà bất đồng chính kiến với Đảng Cộng sản Việt Nam, bị khai trừ khỏi đảng khi đã có 58 tuổi đảng và qua đời năm 2002. Chức vụ cao nhất của ông lúc bị khai trừ là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7.
Và gần đây, dư luận tỏ ra bất bình lý do cách chức Tổng biên tập báo Đại đoàn kết của Ban Tuyên giáo Trung ương đối với ông Lý Tiến Dũng. Nếu chỉ vì quyết định cho đăng tải trên mặt báo Đại đoàn kết thư kiến nghị liên quan đến quảng trường Ba Đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông Lý Tiến Dũng bị cách chức thì dư luận lo ngại là có căn cứ.
Quy luật một chiều, chỉ có trên mới được nghĩ và làm thay dưới, dưới không có quyền phát huy sáng tạo, tiếp tục ngự trị trong tư duy lãnh đạo cấp cao. Bất luận ai , nếu “xé rào” sẽ lãnh hậu quả.
Bài học cho hôm nay
Từ thực tế nêu trên cho thấy, ông Châu Minh Tỷ là người đã có cái nhìn thấu đáo hệ lụy nguy hiểm của “hơi hám tư duy bao cấp” là sự triệt tiêu mọi nguồn trí tuệ và tiềm năng của nhân dân. Sứ mạng của Trí thức, Thanh niên, hệ thống công bộc, những nhà bất đồng chính kiến, dân chủ và các tầng lớp nhân dân cần lên tiếng kiến nghị Nhà nước hãy lắng nghe ý kiến nhân dân, “cởi trói” và cởi trói nhiều hơn nữa để phát huy nội lực đang tiềm ẩn trong nhân dân nhằm canh tân đất nước.
Chỉ có như vậy, Nhà nước mới đảm đương được vai trò thuyền trưởng đưa đất nước từ những dòng sông nhỏ chạy ra đại dương mênh mông, dân tộc Việt Nam sớm hóa Rồng, sánh vai cùng các cường quốc khắp năm châu.
© 2009 TCPT

Không có nhận xét nào: