Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Mức tăng trưởng ở TQ xuống 8,1%

Nhà máy giày ở Trung Quốc
Kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng vì
nhu cầu giảm ở một số thị trường nước ngoài
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ghi nhận tăng trưởng GDP trong ba tháng đầu năm 2012 xuống mức thấp nhất trong gần ba năm nay.
Tỷ lệ tăng trưởng GDP trong Quý 1 năm nay là 8,1%, giảm từ mức 8,9% của ba tháng trước đó.
Mức tăng này còn thấp hơn dự báo của nhiều phân tích gia, vốn trông đợi con số khoảng 8,3%.
Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nhiều từ việc sụt giảm nhu cầu tại các thị trường chính như Hoa Kỳ và Âu châu.
Cùng lúc nước này cũng đang gặp khó trong việc kích cầu nội địa.

Phân tích gia Kevin Lai từ công ty Daiwa Capital Markets nói: "Chúng tôi hơi thất vọng. Yếu kém nhất là các lính vực xuất khẩu và tiêu dùng trong nước".
Thứ Năm 12/4, Ngân hàng Thế giới (WB) lên tiếng cảnh báo rằng kinh tế Trung Quốc có thể còn chậm thêm nữa trong những tháng tới.
Ardo Hansson, kinh tế gia trưởng của WB tại Trung Quốc, nhận xét: "Sự chậm lại dần dần của Trung Quốc có thể còn tiếp tục cho tới giữa năm 2012, vì tiêu dùng trong nước tăng chậm, đầu tư cú̃ng không tăng nhiều như trước và nhu cầu xuất khẩu vẫn còn yếu".
WB đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2012 xuống 8,2% từ ngưỡng 8,4% trước đó.

'Quá chậm'

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc trong những tháng vừa qua đã tập trung giải quyết tình trạng tăng giá bất động sản và hàng tiêu dùng trong nước.
Ngân hàng trung ương đã đưa ra nhiều biện pháp giảm tín dụng nhằm kiểm soát tình trạng tăng giá hàng tiêu dùng và bất động sản.
Các biện pháp này xem ra đã có hiệu quả nhất định.
Tỷ lệ lạm phát, vốn tăng tới mức cao nhất trong ba năm là 6,5% vào tháng Bảy năm ngoái, nay đã chững lại. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2012 tăng 3,6% so với một năm trước đó, thấp hơn mục tiêu 4% mà chính phủ đề ra.
"Nguy cơ lớn nhất là thắt chặt tín dụng có thể ảnh hưởng xấu tới đầu tư và cản trở tăng trưởng tới mức nhiều hơn là chính phủ mong muốn."
Richard Jerram, Ngân hàng Singapore
Giá bất động sản giảm 5 tháng liên tiếp, xóa quan ngại về nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản.
Tuy nhiên, các phân tích gia cho rằng dù chính sách của nhà nước có mang lại một số kết quả nhất định, chính phủ vẫn cần bảo đảm căn bằng tăng trưởng và lạm phát.
Ông Richard Jerram từ Ngân hàng Singapore nói: "Nguy cơ lớn nhất là thắt chặt tín dụng có thể ảnh hưởng xấu tới đầu tư và cản trở tăng trưởng tới mức nhiều hơn là chính phủ mong muốn".
"Rất khó điều tiết một cách chính xác, vì vậy mà người dân tiếp tục lo lắng rằng tăng trưởng có thể bị giảm tốc quá nhanh."
Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra một số biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng nhà nước đã giảm yêu cầu về dự trữ tín dụng hai lần trong những tháng gần đây.
Giới phân tích nói nay cần tăng tín dụng để khuyến khích đầu tư và tăng trưởng trong những tháng tới.

Không có nhận xét nào: