Pages

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương: Diễn viên chính vẫn là... CÔNG AN

Ngày 9.4.2012 tại Hà Nội phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương cũng do chủ tịch nước Trương Tấn Sang điều hành. Cũng là do đảng ủy của 3 cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, và Tòa án Tối cao trình bày các đề xuất của mình.
Đây là 3 cơ quan chính tiến hành tố tụng hiện nay ở Việt Nam và mọi cải cách về tư pháp thì bắt đầu từ 3 cơ quan này. Nhưng quan trọng nhất chính là phía Công an với cơ quan cảnh sát điều tra nắm quyền sinh sát của tất cả các hoạt động tư pháp khác. Công an có quyền hạn còn hơn cả Tòa án và Viện kiểm sát tối cao.

Đầu tiên là công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành các biện pháp ngăn chặn. Công an tiến hành điều tra để ra kết luận điều tra. Khi có kết luận điều tra thì chuyển qua Viện kiểm sát truy tố ra trước tòa án bằng bảng cáo trạng. Từ đó mới được Tòa án xét xử sau khi ra quyết định đưa vụ án ra toà. Cuối cùng phần thi hành bản án cũng là do phía công an thực hiện. Phân tích dài dòng như vậy cho thấy rằng từ đầu đến cuối một vụ án là phía công an nắm vai trò chính. Tòa án và Viện kiểm sát chỉ là cơ quan trung gian và hoàn toàn phụ thuộc vào kết luận điều tra của công an. Truy tố và xét xử chỉ dựa trên cái kết luận điều tra của công an. Lấy ví dụ là vụ án nhà báo Hoàng Hùng, dù ra tòa nhưng hồ sơ trả về cho công an điều tra từ đầu, điều tra tới lui vẫn y nguyên nên tòa cũng chỉ dựa vào đó mà xử.
Đó là chưa kể khi xử xong, toà án trả bị can bị cáo về lại cho công an thi hành thì công an lại có quyền sinh sát bằng cách giảm án cho các phạm nhân. Tòa tuyên tử hình nhưng giỏi chạy án qua phía công an thì chủ tịch nước ân xá giảm xuống chung thân. Sau vài đợt được công an giảm án xuống án có thời hạn và đi tù giỏi lắm 5-7 năm là ra tù. Ngược lại, tù chính trị thì tòa tuyên có thời hạn nhưng đưa về công an giam giữ thì có thể thành vô thời hạn. Trường hợp nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày là một ví dụ. Anh bị giam 30 tháng hết thời hạn của bản án do Tòa tuyên nhưng công an vẫn không thả và bắt giam tiếp.
Như vậy muốn cải cách tư pháp thì quan trọng là trả cho pháp luật quyền thượng tôn. Không ai được đứng trên pháp luật và các cơ quan này phải độc lập nhau. Hơn ai hết, ông chủ tịch nước, cán bộ cấp cao của 3 ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát biết là nếu cần "cải cách" thì chấn chỉnh ngay quyền hạn và nghĩa vụ của cơ quan Công an hiện nay. Ngắn gọn là muốn cải cách tư pháp thì phải hạn chế quyền lực của Công an. Không chỉ về nghiệp vụ mà tư tưởng của Công an cũng phải cần chế tài khi có sự lạm quyền. Công an luôn coi bị can bị cáo cả người lương thiện là "kẻ xấu" chứ không tôn trọng các quyền của họ được hiến pháp và luật pháp công nhận. Án oan sai thì chất chồng. Ai bị truy tố ra tòa cũng khai bị công an dùng nhục hình ép cung.
Vậy nên phiên họp thứ 5 của ban chỉ đạo CCTP Trung ương thì phía Công an lên trình bày các đề xuất của họ. Dĩ nhiên họ luôn coi quyền hạn của họ trên hết. Và cũng khá đau lòng nghe chủ tịch nước đồng ý các đề xuất của họ (*):
"Phát biểu kết luận, về Đề án tổ chức lại Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, Chủ tịch nước cho rằng đề án đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu và phương hướng, nhiệm vụ của cải cách tư pháp nêu trong Kết luận 79-KL/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW và các văn kiện của Đảng. Quá trình xây dựng đề án đã thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy Công an Trung ương. Tuy nhiên đề án cũng cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa lại một số nội dung về mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ như ý kiến tham gia của các thành viên và Thường trực Ban Chỉ đạo.
Mô hình tổ chức lại Cơ quan điều tra sau năm 2015, cần phải đáp ứng đủ các yêu cầu như đề xuất của các thành viên và Thường trực Ban Chỉ đạo. Đi kèm với mô hình trên cần nêu rõ các điều kiện về tổ chức, con người, điều kiện vật chất để chuẩn bị thực hiện theo lộ trình của giai đoạn sau 2015"
Chính những ủy viên trung ương đảng này ngồi lại với nhau thì họ biết nguyên nhân của mọi oan sai trong hoạt động tư pháp trong thời gian qua là bắt đầu từ phía cơ quan cảnh sát điều tra. Nghị quyết bồi thường oan sai 388 ra đời tốn nhiều tiền bạc ngân sách nhà nước nhưng cũng không giải quyết được bao nhiêu vụ oan sai, nếu không muốn nói là một phần nhỏ được giải quyết (chưa thỏa đáng). Vậy mà đề xuất của cơ quan "còn đảng còn mình" vẫn được chấp nhận, đồng thuận 100%.
Những đề xuất của Viện Kiểm sát hay Tòa án có hay và hiện đại cỡ nào nhưng lề lối làm việc của Công an không thay đổi thì chuyện CCTP chỉ là lừa bịp.
Rõ ràng đảng ủy của Công an hay đảng ủy của Viện Kiểm sát hoặc là đảng ủy của Tòa án thì cũng chỉ là đảng Cộng sản đang cầm quyền một sân một ngựa hiện nay. Đương nhiên họ sẽ bảo vệ hệ thống của họ đến cùng. Quyền lợi và sự tồn vong của cả dân tộc bị đặt dưới quyền lợi và mưu đồ bám chặt quyền lực của đảng cầm quyền.
Đảng cầm quyền hiện nay với chiếc lá nho "là đạo đức là văn minh" tiếp tục màu mè để lừa bịp và ru ngủ cả dân tộc trong đó có kế hoạch CCTP xảo trá như hiện nay. Đau đớn thay cho dân tộc Việt Nam hiện nay cái phần "người" nhỏ bé nhỏ bé còn lại trong bản chất lưu manh của cộng sản cũng không còn. Chiếc lá nho "là đạo đức là văn minh" cũng rơi nốt để lại một hình thể lõa lồ dưới con mắt của nhân dân.

Không có nhận xét nào: