Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Suy nghĩ về phong trào yêu nước ở Việt Nam hiện nay

Trần Đức Việt
Năm 2011 đánh dấu một mốc son cho phong trào yêu nước với 11 cuộc biểu tình trên đường phố ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, phong trào đang bị chính quyền đàn áp khốc liệt vào những ngày cuối tháng 3/2012, đầu tháng 4/2012 này khiến nhiều người quan sát không khỏi lo âu. Câu hỏi đặt ra là phong trào làm gì để đứng vững hôm nay và phát triển ngày mai? Câu hỏi thật không dễ trả lời.
Nếu nói về phong trào yêu nước đòi dân chủ cho nhân dân thì phải kể đến hoạt động của ông Hoàng Minh Chính với việc khôi phục Đảng Dân chủ. Hoạt động của ông như ngọn cờ phất lên, nhen lên hy vọng cho nhiều người nặng lòng với nhân dân, với đất nước. Sau đấy là nhiều người khác như Trần Anh Kim, Lê Thị Công Nhân…tạo ra không khí sôi động trên diễn đàn công khai ở Việt Nam. Trong số họ, có những người cao tuổi, trung tuổi và lớp trẻ đầy nhiệt huyết với vận mệnh của nhân dân, đất nước. Chính quyền đã không tiếp nhận tiếng nói mới từ dư luận nhân dân, ra tay đàn áp. Lần lượt nhiều người bị chính quyền bắt giữ, đưa ra tòa xử theo Luật hình sự và chịu án phạt tù giam. Nhưng phong trào không vì thế mà tàn lụi. Lại có những người mới xuất hiện, đứng ra tuyến đầu với phương thức đấu tranh mới.

Năm 2011 nhân việc nhà cầm quyền Trung Quốc gây hấn ở biển Đông, những người yêu nước tập hợp nhau biểu tình chống hành động của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình này thức tỉnh tình thần yêu nước trong cộng đồng người Việt nên được ủng hộ cả trong và ngoài nước. Thoạt đầu chính quyền ủng hộ bằng cách im lặng, nhưng khi các đại diện cấp cao Việt Nam – Trung Quốc đã gặp nhau thì chính quyền Việt Nam quay ra cản trở, cấm, đàn áp các cuộc biểu tình. Không thể phủ nhận, chính quyền đã đàn áp rất thành công.
Nhưng vì sao chính quyền thành công trong các cuộc đàn áp? Vì sao phong trào yêu nước đòi dân chủ cũng như phong trào yêu nước bảo vệ biển đảo của Tổ quốc phải tạm lắng?
Theo ý kiến cá nhân tôi, có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất là các phong trào chưa được quần chúng nhân dân hậu thuẫn. Bất kỳ phong trào nào, nếu đã gọi là phong trào thì đều cần đến sự hậu thuẫn của quần chúng nhân dân. Quần chúng là nguồn bổ sung nhân lực cho phong trào, là nơi sàng lọc những người kiên định và người cơ hội, là nơi đào luyện để chọn ra những cá nhân xuất sắc dẫn đường cho phong trào. Về điều này có thể tham khảo ý kiến của I.V.Stalin khi nói đến sự vô địch của những người cộng sản. Stalin kể: Trong thần thoại Hy-lạp có một người sức khỏe vô địch, đấy là Ăng-tê, con của thần Đất. Mỗi khi Ăng-tê yếu sức, nếu chạm xuống đất thì mẹ Đất lại tiếp sức cho. Dũng sĩ Héc-quyn phát hiện ra điều đó nên nhấc bổng Ăng-tê lên và bóp chết ở trên không. Những người cộng sản cũng giống như Ăng-tê, chừng nào còn giữ mối liên hệ với quần chúng (tức là mẹ Đất) thì chừng đó vẫn là vô địch. Hiện nay chính quyền xưng danh cộng sản có giữ mối liên hệ với nhân dân hay không? Tôi nghĩ mối liên hệ này ngày càng yếu, ngày càng mờ nhạt, nếu không muốn nói là đang đối lập với nhân dân. Những người yêu nước càng không thể tách khỏi nhân dân, nếu tách khỏi nhân dân thì rất dễ bị chính quyền đàn áp mà không thể tự bảo vệ. Có một bài học lịch sử là những năm đầu thế kỷ XX, những người cộng sản Việt Nam đã phát động phong trào “vô sản hóa”, thực chất là xây dựng mối liên hệ với quần chúng nhân dân, từ đó phát triển lên.
Trong số những người đấu tranh công khai tôi để ý đến ông Vi Đức Hồi, cựu giám đốc trường Đảng huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Ông Hồi bị bắt giam, trước đó đã viết hồi ký đăng nhiều kỳ trên trang mạng. Bài hồi ký số 29 rất thú vị, ông Hồi đem tiền cho các hộ nghèo vay không lấy lãi để xóa đói giảm nghèo. Việc này bị chính quyền tìm cách “đánh” đủ các kiểu, nhưng uy tín ông Hồi ngày càng tăng. Cách cuối cùng là chính quyền bắt giam ông, cũng là cách tách ông khỏi nhân dân.
Trở lại với phong trào yêu nước đòi dân chủ. Đã có những nhân vật nổi bật nhưng ai là người được quần chúng nhân dân tin yêu và hết lòng bảo vệ? Chưa có ai! Nhớ lại những chí sĩ nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khi bị Pháp bắt thì bên ngoài có cả một phong trào quần chúng ủng hộ. Sức mạnh của phong trào quần chúng đã ngăn chặn cách hành xử vô lý của chính quyền. Tôi nghĩ những người yêu nước hôm nay muốn giúp được nhân dân mình, đất nước mình thì cần đến với nhân dân, giúp đỡ nhân dân, tạo ra mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, từ đó tạo ra sức mạnh của phong trào. Có nhiều cách đến với nhân dân, giúp đỡ nhân dân. Cách làm như ông Vi Đức Hồi là một ví dụ. Hiện nay nhân dân bị cướp đất trắng trợn, bị xâm hại về quyền lợi mà không ai bảo vệ. Những người yêu nước tại sao không tìm đến họ, ít ra cũng tư vấn miễn phí pháp luật cho họ? Phải có những việc làm thiết thực, giúp được nhân dân trong lúc khó khăn thì mới được nhân dân tin yêu và bảo vệ.
Điều thứ hai mà tôi muốn nói là việc xác lập mối quan hệ tương trợ giữa các nhóm khác nhau. Cần gấp rút xây dựng mối liên hệ giữa các nhóm, tạo thành dư luận của quần chúng nhân dân. Để làm được điều này cũng cần một số việc xác lập lòng tin giữa các nhóm, ở đây tôi chưa đề cập sâu, nhưng đã tới lúc cần nghĩ đến và thực hiện nhanh.
Còn một việc tôi muốn rung chuông báo với dư luận là hiện nay một bộ phận chính quyền đã tập trung toàn bộ sức mạnh của hệ thống chính trị cấp tỉnh để đàn áp một vài người, là khâu yếu trong phong trào. Sự việc chị Trần Thị Nga bị đe dọa mạng sống, ông Khánh, bà Trâm bị ngăn cản không cho ra khỏi nhà là biểu hiện của việc này. Rất mừng là phong trào đã có khả năng bảo vệ người của mình, nhưng chưa tìm ra cách để tự bảo vệ chắc chắn bằng pháp luật, bằng dư luận. Tôi nghĩ đến nhưng chưa thấy được phương cách nào, đề nghị bạn nào tìm ra cách thì thông báo cho người đại diện của phong trào. Cũng là cách giúp cho phong trào đứng vững để phát triển trong điều kiện hiện nay.
Theo: Dân Luận

Không có nhận xét nào: