Pages

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Trung Quốc có chịu nổi Kim Jong-un?

On The Net

Tức giận trước sự “ngang bướng” của Triều Tiên, Trung Quốc không chỉ “huờ” theo Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc lên án đồng minh mà báo giới nước này còn không tiếc lời cảnh cáo chính quyền mới tại Bình Nhưỡng.
“Cá không ăn muối…”
Phương Tây nghĩ rằng với tư cách là nhà viện trợ lương thực, năng lượng chủ yếu của Triều Tiên, Bắc Kinh có thể buộc Bình Nhưỡng ngừng kế hoạch phóng tên lửa. Tổng thống Mỹ Obama và các đồng nhiệm phương Tây nhiều lần kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng, ngăn cản Triều Tiên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bất chấp những lời “kêu gào”, Bình Nhưỡng không những không chịu dừng phóng tên lửa mà còn có dấu hiệu thử bom hạt nhân.

Bất chấp lời can ngăn của Trung Quốc, Triều Tiên vẫn phóng tên lửa.
Một nguồn tin thân cận với giới chức cấp cao Trung Quốc và một nhà ngoại giao phương Tây đều khẳng định, Bắc Kinh giờ có ít ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng và hầu như không thể ngăn cản vụ phóng tên lửa.
“Trung Quốc đã gây sức ép yêu cầu Triều Tiên hủy bỏ vụ phóng vì không muốn Mỹ có cái cớ quay lại châu Á. Hơn nữa, Bắc Kinh và Thượng Hải đều nằm trong tầm bắn của các tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, mọi lời kêu gọi đều bị bác bỏ”, Reuters dẫn nguồn tin từ Trung Quốc cho hay.
Theo giới phân tích, cái khó nhất đối với Trung Quốc trong hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên là nước này luôn bị đẩy vào thế bị động, buộc phải cuốn theo cuộc chơi đầy rủi ro và bất ngờ do chính đối tác chiến lược “sớm nắng, chiều mưa” đạo diễn.
Điều này từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên cách đây ba năm và nay, một lần nữa lại được thể hiện rất rõ trong vụ phóng vệ tinh Kwangmyongsong -3 bằng tên lửa đẩy Unha-3 của Bình Nhưỡng.
“… cá ươn?”
Tuy nhiên, không như những lần trước, phản ứng của Trung Quốc trước vụ phóng tên lửa mới đây nhất của Triều Tiên có phần cứng rắn hơn nhiều.
Trong một động thái hiếm có, Bắc Kinh hôm qua nhất trí cùng các thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ Bình Nhưỡng.
Đáng ngạc nhiên hơn, tờ Global Times của Trung Quốc hôm nay có những lời lẽ rất gay gắt về thái độ khinh suất gần đây của chính quyền Triều Tiên.
Báo này khẳng định, Bắc Kinh có một quan điểm rất rõ ràng khi ủng hộ Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố lên án Bình Nhưỡng.
“Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có thái độ cứng rắn với Triều Tiên kể từ khi chính quyền mới lên nắm quyền tại Bình Nhưỡng. Một số nhà phân tích cho rằng, đây là cái giá mà Triều Tiên phải trả do không nghe lời can ngăn của Trung Quốc trước vụ phóng tên lửa”, Global Times nhấn mạnh.
Global Times cảnh báo chính quyền mới của Triều Tiên.
Theo Global Times, quan điểm cứng rắn này của Bắc Kinh là hết sức cần thiết bởi lãnh đạo trẻ của Triều Tiên vẫn trong quá trình hình thành ý niệm cũng như quan điểm về Trung Quốc.
“Vai trò của Bắc Kinh trong việc đảm bảo cho sự ổn định của Bình Nhưỡng trong quá trình chuyển giao quyền lực là rất tích cực. Tuy nhiên, Trung Quốc không cần thiết cứ phải cưng nựng tân lãnh đạo Kim Jong-un. Bắc Kinh ủng hộ sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như sự ổn định của Bình Nhưỡng song Triều Tiên không phải đối tác duy nhất trong các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc. Bắc Kinh còn rất nhiều lợi ích khác cần cân nhắc. Nếu Bình Nhưỡng cũng tôn trọng mối quan hệ song phương thì quốc gia này nên có những hành động nhằm gia tăng lợi ích chung chứ không phải chỉ biết gây thêm căng thăng”, tờ báo Trung Quốc quả quyết.
Global Times cũng cho hay, dư luận đang phổ biến một quan điểm cho rằng, chính sách Triều Tiên của Trung Quốc đang bị Bình Nhưỡng “dắt mũi”. Bắc Kinh suốt ngày phải lo chạy theo giải quyết những hậu quả mà Bình Nhưỡng gây ra và đôn đáo bảo vệ đồng minh này trước cộng đồng quốc tế bởi đối với Trung Quốc, Triều Tiên vẫn có giá trị như một chướng ngại vật cản trở liên minh Mỹ – Hàn.
“Nếu hai miền Triều Tiên thống nhất, Trung Quốc e ngại quân đội Mỹ sẽ tiến sát hơn đến biên giới của họ. Đó chính là thế khó của Trung Quốc. Triều Tiên rất khó khống chế. Bắc Kinh không còn cách nào khác ngoài tiếp tục viện trợ lương thực và năng lượng cho họ. Ngưng dòng viện trợ có thể dẫn đến cuộc di cư rầm rộ từ Triều Tiên sang và gây bất ổn khu vực Đông Bắc Trung Quốc”, nhà bình luận chính trị của Hàn Quốc Shim Jae Hoon từng nhận định.
Tuy nhiên, Global Times khẳng định: “Triều Tiên không nên ảo tưởng với lối suy đoán này của giới phân tích nước ngoài. Bình Nhưỡng cần đối xử với Bắc Kinh như một người bạn thực sự như cách cư xử mà lâu nay Trung Quốc dành cho Triều Tiên. Nếu cứ gây khó dễ cho chính sách Triều Tiên của Trung Quốc thì Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá”.
Theo tờ báo, mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Triều Tiên hiển nhiên góp phần duy trì lợi thế chiến lược của Bắc Kinh tại Đông Bắc Á. Tuy nhiên, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không thay đổi quan điểm không phổ biến vũ khí hạt nhân của mình chỉ vì để có được sự thuận hòa với Bình Nhưỡng. Có thể thấy, mối quan hệ giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng thay đổi khá nhiều trong những năm qua song quan điểm chủ đạo của Bắc Kinh vẫn trước sau như một.
Global Times nhấn mạnh thêm: “Sự thịnh vượng và hùng mạnh của Trung Quốc đóng vai trò quyết định với sự ổn định của Triều Tiên. Bình Nhưỡng cần nhận thức rõ vấn đề này. Quốc gia này có thể dốc toàn bộ sức lực để có được vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa chiến lược nhằm mục đích như Bình Nhưỡng tuyên bố là đảm bảo an ninh nhưng Triều Tiên cần nhớ một điều rằng, nhân tố Trung Quốc mới là tối quan trọng trong nỗ lực bảo vệ nền độc lập của nước này”.
Theo Global Times, người dân Trung Quốc tôn trọng ông Kim Jong-un và cầu chúc cho Bình Nhưỡng có thể sớm tìm ra con đường phù hợp để đi tới sự phát triển và thịnh vượng. Bắc Kinh cũng mong rằng, nhà lãnh đạo trẻ sẽ tôn trọng quan điểm của Trung Quốc để hai bên cùng chia sẻ lợi ích lâu dài.
“Chúng tôi hy vọng Triều Tiên có thể rút ra bài học xác đáng sau vụ phóng tên lửa bất thành này và không lặp lại những hành động gây khó chịu như trong quá khứ, để rồi tự tay phá hủy tấm chân tình mà chính quyền cũng như nhân dân Trung Quốc dành cho Triều Tiên”, Global Times kết luận.
Có thể thấy trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc từ đầu đến cuối luôn là nhà điều đình, luôn có những nỗ lực ngoại giao rất lớn trong việc kết nối các cuộc đàm phán 6 bên cũng như đàm phán song phương Mỹ – Triều. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là những kết quả mà Trung Quốc nhận được thường tỷ lệ nghịch với những nỗ lực mà nước này bỏ ra. Do vậy, “cơn thịnh nộ” của Bắc Kinh hoàn toàn dễ hiểu.
Theo giới phân tích, trước một tình hình bán đảo Triều Tiên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, Trung Quốc cần thể hiện rõ hơn quan điểm của mình trong việc Triều Tiên có thể làm gì, không thể làm gì để từ đó tìm ra giải pháp toàn diện cho sự ổn định và an ninh ở khu vực Đông Bắc Á trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền phát triển hòa bình của mỗi quốc gia.

Không có nhận xét nào: