Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

ĐƯỜNG 15A VÀ NỖI LÒNG NGƯỜI DÂN MIỀN NÚI

Hương Khê là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh. Phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp Cẩm Xuyên và Thạch Hà, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Bắc giáp Vũ Quang và Can Lộc, với dân số là 107.996 người (tháng 1/2009) gồm dân tộc Thổ, Thái, Chứt và Kinh, trong đó, người Kinh chiếm đa số, nằm rải rác trên diện tích 1278,0909 km2.
Hương Khê là vùng đất chịu nhiều khắc nghiệt của thiên nhiên, mùa hè gió Lào oi bức, nắng nóng như đổ lửa, có lúc nhiệt độ lên tới 41-42 oC, mùa đông thì rét “cắt da cắt thịt”. Địa hình đồi núi, đèo dốc hiểm trở như một cái vụng lòng chảo với dòng Ngàn Sâu nhỏ hẹp ngoằn ngoèo bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đổ về biển cả. Do địa hình đồi núi, dòng sông nhỏ ngoằn ngoèo nằm giữa lòng chảo bốn bề đều có khe núi che kín, nên khi mưa lớn, nước chảy mạnh, làm cho khu vực thượng huyện bị lũ quét, sạt lở đất trầm trọng, còn khu vực hạ huyện nước ngập sâu, không rút kịp làm cho người dân phải luôn sống chung với lũ, thiếu có cái ăn cái mặc triền miên. Cho nên, Hương Khê được coi là cái rốn lũ, vùng đất chịu nhiều thiên tai nhất miền Trung.

Hiện nay, Hương Khê là một huyện nghèo nhất Hà Tĩnh. Khoảng sản không có, rừng bị lâm tặc khai thác hết, thóc gạo, hoa màu không đủ đáp ứng nhu cầu dân sinh. Vì thế, người dân, nhất là các bạn trẻ bỏ quê vào miềnNam, sang Lào “kiếm kế sinh nhai”. Trong khi đó, giao thương với các địa phương khác rất khó khăn vì giao thông không thuận tiện. Trên địa bàn huyện có đường sắt bắc – nam, nhưng không có ga chính như Ga Vinh hay Đồng Hới nên việc chuyên chở hàng hóa bằng đường sắt không thuận tiện. Còn đường bộ như đường Hồ Chí Minh mới mở nhưng ít người qua lại, địa hình khúc khuỷu, không nối các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực như Tp Vinh, Tp Hà Tĩnh… Toàn huyện chỉ có tuyến đường duy nhất và là huyết mạch quan trọng nối Tp Hà Tĩnh và các huyện thị khác, đó là đường 15A. Nhưng tuyến đường này do địa hình hiểm trở, đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, bị khai thác quá mức, nên truyến đường xuống cấp, không thể đáp ứng việc đi lại cũng như phục vụ phát triển kinh tế của huyện nghèo miền núi hương Khê.
Đường giao thông nối Hương Khê với tỉnh lị Hà Tĩnh được nâng cấp, sửa chữa lại để giao thương kinh tế, văn hóa là ước mong, khát khao của người dân Hương Khê hơn hàng chục năm qua của một huyện có trên 140 năm tuổi, để xóa đói giảm nghèo.
Hầu hết các gói thầu đã dừng thi công
Từ đầu năm 2010, thông qua nguồn vốn đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, triển khai dự án nâng cấp tuyến quốc lộ này theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, với tổng kinh phí gần 680 tỷ đồng (lấy số tròn) với quảng đường hơn 30 km từ Tp Hà Tĩnh đến ngã ba Phúc Đồng (nối đường Hồ Chí Minh) đã bắt đầu triển khai. Đây là một niềm vui mừng khôn tả của người dân Hương Khê, bởi tất cả mọi người đều hy vọng sau khi hoàn thành, con đường này sẽ đưa người dân Hương Khê có một vận hội mới cho sự phát triển Kinh tế, xã hội của huyện miền núi, nơi “thâm sơn cùng cốc”. Hương Khê sẽ thoát nghèo, chấm dứt những ngày khổ sở trên đoạn đường đèo dốc, hiểm trở này, sẽ theo kịp sự phát triển chung với các huyện thị khác, nhưng niềm vui chưa được trọn vẹn thì công trình bị đình chỉ vì thiếu vốn.
Dự án được chia thành 7 gói thầu (trừ gói thầu cầu vượt giao nhau với đường tránh thành phố Hà Tĩnh chưa triển khai) với 17 đơn vị đảm nhận thi công. Theo dự kiến sau 18 tháng thi công, dự án nâng cấp quốc lộ 15A sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng. Lúc đầu triển khai rầm rộ, làm cho cả tuyến đường thành một công trường xây dựng khẩn trương, và người dân nghĩ rằng, không lâu nữa, mình sẽ được đi trên con đường thảm nhựa bóng láng chỉ một vèo là về thành phố…thế mà hôm nay, thời gian đã hết, công trường vẫn còn ngổn ngang cầu cổng, mương mảng, nhiều tuyến chưa xong phần nền, và hầu hết dừng thi công. Nhiều nhà thầu đã rút lui, công trình treo nhiều tháng nay vì thiếu vốn.
Một người dân buôn chè đổ nghiêng xuống đường do mặt đường quá gồ ghề và lầy lội
Dự án đình trệ vì thiếu vốn, cùng với mưa gió liên tục đã làm cho người dân Hương Khê hơn 1 năm rưỡi qua như ngồi trên đống lửa. Hàng vạn dân phải luôn chịu cảnh “sống chung với bùn”. Nhất là dịp tết Nhâm Thìn vừa qua, người dân phải đón một cái tết “vật vã”, khốn khổ trên một con đường toàn bùn. Ai một lần qua tuyến đường này trong thời gian gần đây thì không khỏi bức xúc trước hiện trạng của tuyến đường. Nhất là trong những đợt mưa vừa qua, tuyến đường trở thành “con đường bùn”. Nhiều đoạn đường mới đắp bị phá vỡ, tràn ngập bùn. Những bờ bùn đất chạy dọc tuyến đường theo tuyến đường gần như chia cắt, cô lập với mọi ngõ ngách vào nhà dân. Người dân Hương Khê và dân cư của các huyện sống bên đường đều phải chịu cảnh sống chung với bụi, bùn…
Trong thời gian qua, trên tuyến đường bùn này xảy ra nhiều vụ tai nạn hỏng xe, xe bị rơi xuống hổ, hàng hóa rơi vãi, người tham gia giao thông bị tai nạn … bởi đường lầy lội, mưa ướt, đường trơn trượt. Đặc biệt, trong quá trình thi công, các nhà thầu đã bỏ qua tất cả những quy định về đảm bảo an toàn giao thông, tạo nên hàng trăm “cái bẫy” khổng lồ hết sức nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông trên truyến đường này.
Cũng do con đường khó đi, các phương tiện giao thông đã tăng giá xe. Để đi xuống Hà Tĩnh, người dân Hương Khê phải trả một cái giá cao gấp 3 trước đây: Từ 30000đ lên 90-100000đ/chuyến xe đò, thời gian lưu thông cũng chậm 2 đến 3 tiếng đồng hồ trên quảng đường chưa đến 50km. Việc đi lại khó khăn cũng đã khiến hàng ngàn học sinh, sinh viên, giáo viên, và đặc biệt các bệnh nhân chuyển tuyến trên gặp rất nhiều khó khăn, có khi ảnh hưởng đến tính mạng. “Cả tháng nay, nhiều giáo viên phải chịu cảnh khi đến trường phải mang theo một chiếc quần khác trong túi để khi đến trường có đồ thay lên lớp giảng dạy. Còn học sinh thì thường xuyên muộn học vì đường đi lại quá khó khăn” – thầy giáo Đặng Bá Hải, giáo viên trường THPT Gia Phổ bức xúc kể.[1]
Người dân Hương Khê vốn đã nghèo khổ, nay lại bị tư thương ép giá khi bán các sản phẩm của mình, như hoa quả, đậu lạc, gỗ keo làm giấy hoặc phải chuốc lấy hàng hóa đắt đỏ do chi phí đường sá quá cao.
Trên tuyến đường này bây giờ chỉ người đi bộ, xe máy, xe chở hàng hóa, vật liệu, xe chở khách tham gia giao thông, nhưng khi đến nơi, về đến chốn cũng mất 3 tiếng đồng hồ, cùng với người và xe đầy bụi bùn, có khi xe bị hỏng do tai nạn, còn xe con không thể nào đi được, phải đi quảng đường xa hơn như qua đường 8A ra Hồng Lĩnh … Do đó, muốn xuống Hà Tĩnh, có khi phải mua vé tàu ra Vinh rồi vào Hà Tĩnh, hoặc chạy vào Quảng Bình, hay ra Vũ Quang, Đức Thọ để chạy về Hà Tĩnh…. rất vất vả người tham gia giao thông.
Nguyên nhân vì sao lại xảy ra tình trạng này?
Dự án triển khai chậm là lúc đầu do vướng phải giải phóng mặt bằng chậm. Cụ thể, đoạn đi qua thành phố Hà Tĩnh dài 3km hiện còn 1,2km, đoạn qua Thạch Hà dài 11,3km, còn 2,9km, đoạn qua Can Lộc dài 2,5km, hiện còn 0,9km, đoạn qua Hương Khê dài 16km, hiện còn 2,4km chưa giải phóng xong mặt bằng. Bên cạnh đó, việc chậm di dời hệ thống hạ tầng kỷ thuật tại các vị trí khác của dự án như cáp viễn thông đường dây điện thoại, đường dây điện trung thế … cũng gây ảnh hưởng đến thi công. Đặc biệt, việc thiếu vốn đầu tư được xem là tác nhân chính gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Theo báo cáo của chủ đầu tu, tính đến ngày 31/07/2011, khối lượng triển khai của các nhà thầu bao gồm nền đường và cống thoát nước tại dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 15A đạt khoảng 40%.[2]
Trong đó, móng cấp phối đá dăm 3,2km, thảm bê tông nhựa 0,5km, giá trị hoàn thành 93,5 tỷ đồng. Tuy vậy, chủ đầu tư mới thanh toán được cho các nhà thầu 57,2 tỷ đồng và còn nợ 36,3 tỷ đồng. Hiện nay, chỉ có 4 đơn vị đang tiếp tục triển khai công việc, nhưng họ cũng thi công cầm chừng. Các nhà thầu treo hay thi công cầm chừng bởi không được bố trí đủ vốn. Vì vậy, nếu tiếp tục bỏ tiền túi vào công trình sẽ thua lỗ nặng, bởi lãi suất vay ngân hàng quá cao.[3]
Một cái ao bùn chình ình trước mặt chiếc ô tô đang chậm chạp “bò” về xuôi
Theo ông Tuấn, Trưởng ban quản lý các công trình giao thông của sở GTVT Hà Tĩnh, thì sau khi đi khảo sát tuyến quốc lộ 15A của thử trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên vào đầu tháng 11/2011, Bộ GTVT đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cấp 135 tỷ đồng trong năm 2012 để Hà Tĩnh tiếp tục triển khai dự án, tránh tình trạng bỏ dở giữa chừng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, nhưng vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt.[4]
Đó là một số nguyên nhân trong những nguyên nhân dẫn đến công trình đường 15A thi công dang dở. Điều đáng nói ở đây, là nhà nước được gọi là “công bộc” của dân lại “đem con bỏ chợ”, đã phê duyệt dự án và đã triển khai, bây giờ lại đình chỉ, làm cho người dân Hương Khê dở khóc dở cười. Theo suy nghĩ của nhiều người, không hẳn là không có vốn, nhưng có lẽ nguồn được cấp bị chi sai mục đích, bây giờ không còn nguồn vốn cho công trình này nữa. Người dân Hương Khê đã bao năm qua mong chờ một con đường để được đổi đời, để có bát cơm bát gạo mà ăn trong những ngày giáp hạt, thế mà nhà nước lại nỡ ra tay cướp mất bát cơm của dân vừa đưa lên đến miệng. Có ai đã từng đến Hương Khê, đi trên con đường này, nhất là những ngày gần đây thì mới cảm cảnh, xót xa làm sao. Có thể nói rằng, đường sá của Hương Khê xấu nhất tỉnh, và có khi xấu nhất nước. Người dân Hương Khê ngày càng mất niềm tin vào nhà nước, vào những “đầy tớ nhân dân” từ trung ương đến địa phương.
Mong sao, nhà nước phải triển khai lại dự án đường 15A, đừng bỏ dở dang, đừng “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế. Gây thù kết oán trải mấy mươi năm”,[5] để người dân Hương Khê bớt khổ, ngẩng đầu lên với thiên hạ. Ít nữa, trong năm 2012 này, vốn được chừng nào thì làm cuốn chiếu, được đoạn nào xong đoạn đó. Đồng thời, chỉ đạo nhà thầu phải thường xuyên và kịp thời chủ động khắc phục sự cố lầy lội để người dân đi lại bớt khổ, tránh tình trạng “sống chết mặc bay”. Đó là quyền lợi thiết thực của người dân, của con người. Không thể phỉ nhổ quyền lợi của người dân nơi này lại đem bồi đắp nơi kia. Làm như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm trước nỗi khổ của người dân, và hậu quả xấu tất yếu sẽ xảy đến…
Phần lớn nhà của người dân nằm hai bên đường bị những bức tường taluy bằng đất bùn án ngữ. Nhiều nhà gần như như bị chia cắt với tuyến Quốc lộ này. Thực trạng này sẽ còn kéo dài đối với người dân Hương Khê.
Thành Vinh, 01/04/2012
Ngàn Thông
[1] Văn Dũng-Huy Thái, “Cả huyện vật vã vì đường huyết mạch giang dở”, http://dantri.com.vn
[2] Trung Thông-Văn Đình, “Hà Tĩnh: Nỗi niềm Quốc lộ 15”, http://nghean24h.vn
[3]Trung Thông-Văn Đình, “Hà Tĩnh: Nỗi niềm Quốc lộ 15”, http://nghean24h.vn
[4]Văn Dũng-Huy Thái, “Cả huyện vật vã vì đường huyết mạch giang dở”, http://dantri.com.vn
[5] Nguyễn Trái, Bình Ngô Đại Cáo
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCG

Không có nhận xét nào: