“Ngày 30/4/1975 là ngày có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn…” (1) Thế mà từ dạo ấy, hàng năm cứ vào cuối tháng Ba, ngoài đường bắt đầu dựng lên nhiều bảng hiệu băng rôn, và trên không có những cờ phướng màu đỏ bị gió quất kêu phành phạch, lòng tôi lại nao nao buồn thảm (2), rồi dàn trải phần nào nỗi lòng vời vợi mình ra trên… mạng, nhưng chỉ đứng về một phía “hàng triệu người buồn”.
Tôi không thể nào quên được buổi sáng buông súng đầu hàng uất hận nhục nhã ấy. Chính vì nỗi uất hận nhục nhã khôn nguôi này đã làm tôi quên khuấy mất “hàng triệu người vui” trong suốt 36 mùa Tháng Tư qua (2). Nay nhờ có vị còm sĩ nhắc nhở sự “bất công” này, tôi mới sáng mắt sáng lòng. Tôi bèn nhất quyết sống và làm việc theo gương “bác đêm nay không ngủ”, mặc quách bà bạn cùng giường càu nhàu đòi ngủ, tôi thức trắng ngồi mổ cò về “hàng triệu người vui”, cho công bằng đôi ngã, đủ cả hai lề.Những triệu người vui ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi hơi đâu mà ghi, và ngày nay tôi không nhớ hết (2). Tôi nhớ đến đâu, kể đến đó. Tôi mong những “người vui” nào không rơi vào niềm vui tôi liệt kê dưới đây, hãy niệm tình tha thứ cho những thiếu sót ngoài ý muốn, vì tuổi già lú lẫn (chú Trọng trẻ hơn, làm TBT mà còn bị lú, lú nặng).
Đó là đoàn quân chiến thắng đứng chật ních trên xe Molotova vào tiếp quản thành phố Sài Gòn, thủ đô của nước VNCH họ vừa phỏng được không bằng súng đạn, mà qua “Tuyết Trắng” (3), qua lệnh buông súng của Tổng Tư lệnh quân đội đối phương. Họ vui đến độ quên mình đang phải giữ tư thế của người chiến binh nơi trận tiền, dù địch vừa tan hàng. Anh nào cũng miệng há hốc, mặt ngữa ra nhìn lên những phố xá hai bên đường, trông giống như hai chàng Lưu Nguyễn lạc vào thiên thai. Những anh bộ đội cụ Hồ này ngày hôm sau được phép thay phiên nhau tỏa đi tìm bà con họ hàng “ri cư” hồi 54. Bỏ lại sau lưng rừng núi bao la với khí thiêng nước độc, thần chết rình chờ, đói khát triền miên, quê nhà đói khổ. Giờ đây là nhà cao cửa rộng, của ngon vật lạ, ăn uống ê hề, lại được sắm sửa cho chút quà Mỹ Ngụy. Mới sơ sơ ngần ấy niềm vui cũng đáng công vượt Trường Sơn, “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” chấp nhận “sinh bắc tử nam.”
Niềm vui kế tiếp niềm vui. Mấy ngày sau nữa lại hân hoan có quà gửi về Bắc. Khởi đầu là cái quà nho nhỏ, như đồng hồ cửa sổ hay không cửa sổ, có người lái hay không người lái. Dần già quen nước quen cái, thừa thắng xông lên thì những thứ quà về Bắc to hơn, như bếp điện, quạt máy, xe Honda, tủ lạnh…; đại khái là những thứ ngoài ấy do hậu quả chiến tranh, do tàu bay Mỹ bắn phá nên chưa có ai bán, mà giả dụ có bán cũng không có giờ đi mua, chứ không phải vì do kinh tế XHCN tụt hậu, như Đông Đức so với Tây Đức, Bắc Hàn sánh với Nam Hàn. Tất nhiên là trong số vô vàn niềm vui đại thắng mùa xuân, niềm vui Nổ Sảng “ngoài ấy TV chạy đầy đường, cà rem ăn không hết phải đem phơi khô.v.v..”.
Những anh gốc gác “Tập kết” thì khỏi sắm quà về Bắc, ngược lại nhờ có người nhà trước kia bị kìm kẹp trong vùng địch tạm chiếm nay được giải phóng hoàn toàn thấy thảm mà thương sắm cho chút quà. Chẳng hạn như ông cậu ruột của một “ngụy quân”, cấp bậc Đại Úy ngành HCTC thuộc SĐ 23 BB, gốc Kiến Hòa thoát ly ra Bắc từ 54, sau 30/4/75 khố rách áo ôm về quê phấn khởi hồ hởi cách gì khi được bà chị tức mẹ Ngụy sắm sửa cho đủ thứ tư trang, từ đôi giày đến bộ đồ veston, cái vali, để đi làm Đại sứ ở nước Ba Lan anh em xã hội chủ nghĩa (4).
Trong thành phần những người vui sớm nhất cùng các bộ đội giải phóng là những người đầu trọc khoác áo cà sa cầm súng AK, mang băng đỏ ngồi trên xe Jeep chạy lăng xăng khắp thành phố. Niềm vui giải phóng chẳng những đến nhà dân mà còn đến nhà chùa. Nhắc đến nhà Chùa thì cũng phải nhắc đến nhà Chúa: một số dăm bảy anh áo chùng thâm cũng hồ hỡi phấn khởi đón tiếp Cách Mạng, năng nổ đuổi Đức Khâm sứ Tòa Thánh, và ngăn cản việc nhậm chức Phó Tổng Giám mục Sài Gòn của Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận vừa được Giáo Hoàng bổ nhiệm.
Theo thời gian, niềm vui giải phóng càng rộ nở. Từ Bắc vô Nam “nối liền nắm tay” nối luôn mái nhà phố xá Sài Gòn ra che luôn lề đường; hoa khoai lang bò tràn lan lên con đường tình ta đi. May mà các em Hoàng Thị từ dạo các chú vào được “giải phóng” luôn cái quần trắng áo dài (không thì bị giây khoai nó cuốn). Cả nước như mở hội Bốn Vờ (4V) lẫn Ba Vờ (3V). Thành viên hội Ba Vờ là không có “vờ” Về, chẳng hạn như cặp vợ chồng xứ Nghệ kia. Khi “vờ” vào, khoe mang theo một chỉ vàng sắm được do bán sạch hết tài sản ngoài ấy. Ấy vậy mà chỉ mấy tháng sau, nhân đi theo một người đến chỗ ở của vợ chồng này tại Sài Gòn, tác giả bài này được chủ nhà giới thiệu, đó là nhà của họ mới sắm được ngoài hai ngôi nhà khác đanh cho thuê, và trách khách đến từ cao nguyên đất đỏ, “sao vào Nam hai chục năm rồi mà không biết về đây mà sống”. Anh chồng là nhân viên thuế vụ của nhà nước CHXHCNVN.
Đó là một trong triệu triệu niềm vui của “hàng triệu người vui.” Hai chữ Giải Phóng của nền văn hóa nước CHXHCNVN nó mang ý nghĩa “đa chiều” là ở chỗ đó. Mà “hàng triệu người buồn” trong đó có người viết bài này cứ mãi “vô tình.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét