Pages

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Ai đã bảo kê cho giao dịch “ma” của “bầu” Kiên?


http://aotrangoi.files.wordpress.com/2012/08/120821-164401.png?w=374&h=199


(Petrotimes) - “Bầu” Kiên bán trót lọt 20 triệu cổ phiếu đã thế chấp tại ACB cho Tập đoàn Hoà Phát (HPG) như thế nào đang là điều mà rất nhiều người quan tâm. 264 tỉ đồng là giá trị cổ phiếu “ma” mà “bầu” Kiên bán cho HPG – một con số không hề nhỏ. Ai đã giữ vai trò trung gian để bảo lãnh cho “bầu” Kiên thực hiện giao dịch này.
Vẫn còn nhiều ẩn số xung quanh hoạt động kinh doanh của “bầu” Kiên.
Như Petrotimes đã đưa tin, ngày 18/9, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố thêm 2 tội danh đối với ông Nguyễn Đức Kiên – tức “bầu” Kiên trong đó có tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Và theo những thông tin ban đầu thì tội danh trên được cho là liên quan tới một lượng lớn cổ phiếu của “bầu” Kiên đã thế chấp tại ACB nhưng lại được ông “bầu” này đem bán cho HPG.
Và thông tin trên cũng đã được chính đại diện của cả ACB và HPG lên tiếng về số lượng cổ phiếu trên. Cụ thể, ngày 24/9, bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên – Phó Tổng Giám đốc HPG cho biết, công ty con của HPG đã nhận chuyển nhượng 20 triệu cổ phần mà Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Thép Hoà Phát với tổng giá trị giao dịch là 264 tỉ đồng.
1 ngày sau khi thông tin trên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Thanh Toại – Phó Tổng Giám đốc ACB đã lên tiếng khẳng định số cổ phần trên vẫn đang được ACB nắm giữ và việc cầm cố này đã được thực hiện đúng theo quy trình về cầm cố cổ phần quy định. ACB cũng đã thông báo với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam để phong toả số cổ phần trên nhằm tránh việc chuyển nhượng trái phép của các bên.
Nói như vậy để thấy rằng, HPG đã dính “đòn đau” của “bầu” Kiên trong giao dịch này. Số tiền 264 tỉ đồng bằng 50% lợi nhuận của HPG trong 6 tháng đầu năm 2012 là một con số không hề nhỏ và rất có thể mất trắng số tiền trên bởi đơn giản, ACB đã làm đúng theo luật. Sự việc theo như đại diện của HPG khẳng định là vẫn còn đang chờ Cơ quan điều tra làm rõ nhưng có thể thấy rằng, việc “bầu” Kiên bán được số cổ phần đã thế chấp cho HPG có nhiều dấu hiệu bất thường.
Thứ nhất, HPG là một trong những Tập đoàn kinh tế lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau nên chắc chắn không thể đi mua một món hàng mà không biết nguồn gốc món hàng đó ra sao và nó có tồn tại hay không được.
Thứ hai, “bầu” Kiên đã lấy gì để làm căn cứ thuyết phục HPG bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để mua số cổ phần trên, bởi thực tế, số cổ phần này ông đã mang đi cầm cố tại ACB rồi.
Thứ ba, “bầu” Kiên nổi tiếng, có uy trong giới ngân hàng nhưng không thể vì thế mà thực hiện việc mua bán cổ phần đã cầm cố bằng lòng tin, bằng chữ tín được. Vậy ai giữ vai trò là bên thứ ba bảo đảm hoặc đại diện ký kết cho giao dịch trên của “bầu” Kiên?
Ai đã bắt tay với “bầu” Kiên trong giao dịch 20 triệu cổ phiếu với HPG.
Đó là những vấn đề đang được đặt ra xung quanh giao dịch mua bán cổ phần giữa “bầu” Kiên với HPG. Trong đó, vấn đề thứ ba đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm bởi thực tế, “bầu” Kiên không thể bàn giao số cổ phần thoả thuận bán cho HPG được bởi nó đã được thế chấp để vay vốn ở ACB. Còn nếu giao dịch trên vẫn được ký kết, thực hiện thì chắc chắn phải có một bên thứ ba giữ vai trò đảm bảo cho bảo cho “bầu” Kiên trước HPG.
Vậy bên thứ ba trong giao dịch “ma” trên là ai? Tính đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho vấn đề trên nhưng nhận định trên là hoàn toàn có căn cứ.
Vấn đề này được thể hiện khá rõ tại Điều 87 Luật Doanh nghiệp. Cụ thể:
Tại điểm 3, Điều 87 Luật Doanh nghiệp nêu rõ: Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 2 Điều 86 của Luật này được ghi đúng, ghi đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty.
Và tại điểm 5, điều 87 Luật Doanh nghiệp:
Các cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 81 và khoản 5 Điều 84 của Luật này. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng văn bản theo cách thông thường hoặc bằng cách trao tay cổ phiếu. Giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện uỷ quyền của họ ký. Bên chuyển nhượng vẫn là người sở hữu cổ phần có liên quan cho đến khi tên của người nhận chuyển nhượng được đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông.
Trường hợp chỉ chuyển nhượng một số cổ phần trong cổ phiếu có ghi tên thì cổ phiếu cũ bị huỷ bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.
Nhìn lại thị trường chứng khoán những năm gần đây, chúng ta thấy sự xuất hiện hàng tá các công ty chứng khoán do các ngân hàng thành lập ra. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được bởi vào thời kỳ hoàng kim thì chứng khoán cùng với bất động sản được xem là những kênh đầu tư siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, đây lại là những lĩnh vực đầu tư kinh doanh đòi hỏi một lượng vốn lớn nên sân chơi này thu hút hầu hết các ngân hàng tham gia là điều dễ hiểu.
Từ đó để thấy rằng, với mối quan hệ thân thiết tại nhiều ngân hàng, “bầu” Kiên hoàn toàn có thể dùng cái mác “đại gia” của mình để tác động và kiếm được bên thứ ba giữ vai trò bảo đảm hoặc đại diện ký cho giao dịch “ma” của ông. Vấn đề đặt ra ở đây là ai đã giữ vai trò này và trách nhiệm của các bên liên quan đến giao dịch mua bán cổ phần giữa “bầu” Kiên và HPG sẽ như thế nào?
Vậy, ai là “đại diện ủy quyền” cho giao dịch này – sẽ có một công ty môi giới chứng khoán, ngân hàng hoặc công ty đầu tư tài chính phải “xuất đầu lộ diện”!
Nhóm phóng viên Petrotimes

Không có nhận xét nào: