HÀ NỘI (NV) - Quốc Hội CSVN đang họp ở Hà Nội vừa đưa ra một bản dự thảo sửa đổi bản hiến pháp 1992, nếu thành hiện thực sẽ gia tăng đáng kể quyền lực cho chủ tịch nước, mà hiện nay là ông Trương Tấn Sang.
Sau đấu đá tại hội nghị trung ương 6, Nguyễn Tấn Dũng (giữa) đang bị tước bỏ một số quyền lực và chuyển sang cho Nguyễn Phú Trọng (trái) và Trương Tấn Sang (phải). (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Theo truyền thông Việt Nam, bản hiến pháp sửa đổi dự kiến được Quốc Hội thông qua vào năm 2013, nêu rõ vai trò của chủ tịch nước sẽ thống lĩnh toàn bộ quân đội và giữ chức ‘Chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh’.
Ðồng thời chủ tịch nước là người ‘ra các quyết định về việc phong hàm sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm tổng cục chính trị của quân đội cũng như công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh’.
Quyền lực này, hiện nay, phần lớn vẫn nằm trong tay của thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Riêng về quyền hạn chủ tịch nước đối với quân đội, VNExpress dẫn lời ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội, nói rằng: “Xung quanh thẩm quyền phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao của chủ tịch nước có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất giống như dự thảo. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để phù hợp với thực tiễn phân cấp quản lý cán bộ, gắn kết giữa việc phong hàm và bổ nhiệm chức vụ, Hiến pháp chỉ nên quy định chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp thượng tướng, đại tướng và đô đốc hải quân.”
Không chỉ với quân đội, bản dự thảo cũng gia tăng quyền hạn của chủ tịch nước đối với thủ tướng chính phủ chẳng hạn như “Khi cần thiết, chủ tịch nước yêu cầu chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch nước”.
Sau những đấu đá trong hội nghị trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 6 vừa qua, việc Quốc Hội sửa đổi hiến pháp lần này cho thấy quyền lực trong tay Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị tước bỏ dần dần.
Trước đó, chức vụ trưởng ban phòng chống tham nhũng trung ương từ tay ông Dũng được chuyển sang cho Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và gần đây nhất là việc ông Dũng sẽ không còn nắm quyền sinh sát trực tiếp đối với 11 tập đoàn và 10 tổng công ty quốc doanh lớn nhất của Việt Nam.
Vẫn theo VNExpress, “Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều, so với Hiến pháp năm 1992, giảm một chương, 21 điều. Trong đó 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.”
Tuy nhiên, bản dự thảo không đề cập đến việc sửa đổi điều 4 của bản hiếp pháp vốn khẳng định quyền lãnh đạo của đảng CSVN “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. (K.N.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét