Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nói “vòng kim cô” nợ xấu đang có dấu hiệu ngày một siết chặt…
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng “vòng kim cô” nợ xấu đang giết chết doanh nghiệp – Ảnh: CTV
Ở các mức độ quan ngại khác nhau, nợ xấu vẫn xuất hiện tại hầu hết các phát biểu tại phiên thảo luận đầu tiên tại hội trường của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội sáng 30/10.
Trước đó, khi thảo luận tại tổ, liên quan đến tài chính tiền tệ, nhiều đại biểu đã “phê” báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá khách quan, cụ thể, minh bạch tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng, thông tin thống kê không thống nhất khi có tới ba loại số liệu khác nhau.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, mở đầu phiên thảo luận sáng nay cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến yếu kém của nền kinh tế hiện nay là một số lĩnh vực chưa được đánh giá đúng và chưa được kiểm soát chặt chẽ, số liệu chưa tin cậy, giải pháp còn nửa vời và hay thay đổi. Động lực phấn đấu đang mất dần, doanh nghiệp trong nước có tư tưởng chờ thời, một số nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi thị trường, ông Kiêm quan ngại.
Nhìn nhận tình hình năm 2013 rất khó khăn và nặng nề, đại biểu Kiêm đề nghị phải tìm mọi cách để kiểm soát đánh giá thực chất tình hình nhất là các vấn đề đã được nhận lỗi qua kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4. Đồng thời công bố nhanh giải pháp cho nợ xấu, tồn kho bằng các chính sách sát đúng để có thể bắt nhập vào thực tiễn.
Ủng hộ chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,5% vào năm sau, đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) dành cả thời gian 7 phút đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Ông đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (đang có mặt tại hội trường) quan tâm đến tình trạng quay vòng nợ xấu, ngân hàng huy động vốn trên 9% và doanh nghiệp đi vay không còn mức lãi suất 15%.
Theo ông “vòng kim cô” nợ xấu đang có dấu hiệu ngày một siết chặt, làm chết không biết bao nhiêu doanh nghiệp, cần sớm được giải quyết.
Đại biểu Lịch cũng đề nghị làm ấm dần thị trường bất động sản bằng tín dụng và chính sách tiền tệ, bên cạnh đó cũng không thể xem thường thị trường vàng, khi thời gian qua dường như việc quản lý thị trường này còn thiếu cân nhắc.
“Ngân hàng Nhà nước cần công khai minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng. Nếu không làm được điều này, dù công tâm đến đâu chúng ta cũng vẫn bị nghi ngờ và mất niềm tin”, ông Lịch phát biểu.
Với chính sách tài khóa, ông Lịch đề nghị Chính phủ nên tiếp tục kéo dài các chương trình hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 13 đến hết năm sau. Đồng thời, nên áp dụng ngay Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) với mức giảm trừ gia cảnh mới từ 1/1/2013.
Cũng như nhiều ý kiến khác, vị đại biểu này cũng đề nghị cần tăng lương theo lộ trình, đồng thời tiếp tục cắt giảm 10% chi thường xuyên trong năm 2013, so với mức thực chi trong năm 2012.
Nhấn mạnh phải xây dựng bằng được một lộ trình tái cơ cấu trong vòng 3 năm tới chứ không thể ăn đong từng năm một như hiện nay, ông Lịch cũng nhắc lại đề nghị đã được đưa ra tại phiên thảo luận tổvề thành lập ủy ban quốc gia tái cơ cấu nền kinh tế, vì “nếu làm theo kiểu hiện nay tôi không tin từng bộ ngành có thể làm được”.
Quan ngại nợ xấu đã vượt quá kiểm soát, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị việc này phải được làm khẩn trương và quyết liệt với số liệu thống nhất và làm rõ nguồn gốc phát sinh của các khoản nợ.
Theo đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) để xử lý hàng tồn kho và nợ xấu một cách căn cơ thì cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Còn việc thành lập công ty mua bán nợ thực chất chỉ chuyển nợ từ hệ thống ngân hàng ra khỏi hệ thống này mà thôi.
Ý kiến của đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) là cần kiên quyết dừng hoạt động các ngân hàng nhỏ, yếu kém đang gây xáo trộn thị trường.
Còn theo quan điểm của đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng thì xử lý nợ xấu khác mua bán nợ xấu. Ủng hộ chủ trương của Chính phủ không dùng ngân sách để xử lý nợ, ông cho rằng không nên lúc nào cũng dựa vào ngân sách. “Tăng lương còn không có nguồn thì sao có thể đem tiền ngân sách đi mua nợ xấu, nếu năng động hơn thì đem nợ xấu “chào hàng” các tổ chức quốc tế”, ông Đáng gợi ý.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét