Pages

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

THƯ NGỎ GỬI NGÀI CHỦ TỊCH NƯỚC


Thư ngỏ gửi ngài Chủ tịch Nước
Kính thưa ngài Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang,
Trước hết cho tôi được bày tỏ cảm xúc về những gì ngài đã dành cho cử tri ở quận 1 TP Hồ chí mình ngày 17/10, ngay sau Hội nghị TW6, điều đó cũng có nghĩa là cho toàn thể cử tri của cả nước. Mặc dù không được vinh dự trực tiếp gặp ngài ở đó nhưng qua thông tin đại chúng, được biết những phát biểu thẳng thắn của ngài khiến nhiều người và cá nhân tôi rất cảm kích. Và với tinh thần của một cử tri, tôi muốn bày tỏ sự tin tưởng và biết ơn về thái độ cầu thị với cử tri của ngài Chủ tịch Nước đồng thời là Đại biểu Quốc hội (cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam).

Sau nữa, cũng bởi tôi rất ấn tượng về cách tiếp cận cử tri thẳng thắn và thiện chí của ngài nên cũng mong được ngài chia sẻ sự thẳng thắn của tôi về những gì tôi sắp phát biểu dưới đây.
Kính thưa ngài Chủ tịch:
Người dân Việt Nam đã từng chứng kiến và đón nhận biết bao sự kiện trọng đại như Đại hội, Hội nghị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Cứ mỗi sự kiện như thế lại dấy lên một tia hy vọng cho dân. Tuy nhiên những gì sau các sự kiện quan trọng đó cho đến nay đã hoàn toàn ngược lại với mong đợi của người dân, khiến họ bị rơi vào tình trạng thất vọng.
 Sau rất nhiều lần “nghiêm khắc tự kiểm điểm“, “quyết tâm đúc rút kinh nghiệm“, “chấn chỉnh đội ngũ”,” nâng cao phê và tự phê“… để rồi đến nay, càng ngày vị thế của đất nước càng đi xuống. Càng ngày quyền lợi của người dân càng mất dần cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt những năm gần đây, tình trạng suy thoái càng thêm trầm trọng khiến nền kinh tế tụt hậu, xã hội rối loạn, văn hóa giáo dục xuống cấp, đạo đức suy đồi, tham nhũng ngày càng nhiều, càng có quy mô lớn. Đó là những nét chấm phá cơ bản nhất mà hầu như mỗi người dân chúng tôi đều nhận thấy.
 Cũng như vậy trước Hội nghị TW6, người dân đặt nhiều hy vọng vào một sự đổi mới, song kết quả lại khác hoàn toàn.
 Với tinh thần thẳng thắn, tôi có mấy thắc mắc liên quan đến diễn biến và kết quả của Hội nghị, rất mong được ngài chia sẻ và giải đáp:
 1. Sau Hội nghị, ngài có nói “tổ quốc này không phải là của riêng một người, không phải của Bộ chính trị hay ban ngành TW”. Đúng lắm! Song trên thực tế, chưa bao giờ người dân nhận được sự tôn trọng tối thiểu lẽ ra phải có từ Đảng và Chính phủ. Ví như ngài nói: “Việc của Đảng làm, người dân có quyền kiểm tra, giám sát” nhưng chính Đảng đã “đóng cửa bảo nhau” cho tới khi mọi việc đã rồi.
 2. Ngài có nói: “Những điều xấu xa, che đến mấy người dân cũng biết”. Vâng nhưng biết thì làm gì được? nói ra thì bị quy kết, bị trù úm thậm chí bị bỏ tù. Ngài đề nghị người dân hãy thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, nhưng lý do gì khiến chính các ngài không tự làm gương trước?
 3. Sau bao nhiêu sự việc hiển nhiên đã được chính thức công bố bởi các ngài về những “thất thoát to lớn do nhóm lợi ích gây ra“, những “bộ phận không nhỏ” đã bị tha hóa, “những con sâu và cả bầy sâu” đang đục khoét phá hoại đất nước, thậm chí cả những “kẻ âm mưu cõng rắn” mà cuối cùng suốt bao nhiêu ngày “tắm rửa“, cuối cùng các ngài tuyên bố “Hội nghị thống nhất 100% ý kiến không kỷ luật đồng chí X và tập thể BCT“. Như vậy có nghĩa là những kết luận trước đây sai? hay những đổ vỡ, thất thoát là không có thật? Trong con mắt người dân, đó là một kết luận không có căn cứ và thiếu minh bạch, không thuyết phục.
Về vấn đề này quan điểm của tôi như sau:
 - Nếu để chỉnh đốn trong nội bộ đảng với mục tiêu “nâng cao tính chiến đấu”, “để thấm nhuần”, “để theo đuổi mục tiêu cao cả hay lý tưởng cao đẹp“… thì người dân miễn bàn. Các ngài cứ việc “đóng cửa bảo nhau” mà theo đuổi đến 1000 năm cũng không sao. Những vấn đề liên quan đến xử lý sai phạm về tư tưởng chính trị hay đạo đức, lối sống của người đảng viên hoàn toàn là chuyện nội bộ. Các ngài có thể thi hành hoặc không thi hành kỷ luật đối với đảng viên nào đó trong khuôn khổ điều lệ đảng, dân không có quyền can dự. Thế nhưng…
 - Những vấn đề có liên quan đến đồng tiền thuế của dân hay ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của dân: Nhất thiết phải do dân định liệu!
 Bất kể ai với cương vị nào mà làm phương hại đến tiền của và tính mạng của dân thì phải do dân quyết định xử lý chứ không phải do một đảng phái nào khác. Vì thế, cũng với tinh thần nói thẳng, nói thật mà ngài chủ tịch nước đề xuất, chúng tôi khẳng định: Những biểu quyết của Hội nghị TW6 do các ủy viên TW đảng cộng sản giơ tay tại Hội nghị không có giá trị pháp lý và chưa thể dừng tại đây.Đấy chỉ là ý kiến trong nội bộ đảng mà thôi.
 Đối với một nhà nước của dân, do dân, vì dân thì mọi vấn đề hệ trọng có liên quan đến dân phải do dân quyết định.
 - Về sai phạm của một người “công bộc” hay như ngài gọi là “đồng chí X“: Việc này phải được giải quyết theo luật định, trên nguyên tắc bình đẳng cho mọi công dân. Như ngài đã biết, có ba bộ luật được áp dụng cho công dân: Dân luật, Hành chính luật và Hình luật. Mọi sai phạm của công dân (bất kể họ là ai) đều phải được quy chiếu theo ba bộ Luật đó. Hội nghị TW6 mà các ngài gọi là cuộc “chỉnh đốn đảng” hoàn toàn đứng ngoài ba bộ luật nói trên. Nó mới chỉ dừng lại ở việc xem xét và xử lý theo điều lệ đảng mà thôi.
 Vì thế, đề nghị ngài trả lời cho cử tri chúng tôi biết:
 - Những vi phạm gây ra do chỉ đạo, điều hành các Tập đoàn kinh tế mà điển hình là Vinashin, Vinaline để thất thoát hàng trăm ngàn tỷ thuộc về Luật nào trong ba bộ Luật trên?
- Những chỉ đạo của chính phủ liên quan đến sự rối loạn hệ thống tiền tệ, lạm phát tăng cao, mức tăng trưởng đi xuống, bong bóng bất động sản đổ vỡ, thị trường chứng khoán sụp đổ, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người thất nghiệp thuộc Luật nào?
- Còn rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội bị xuống cấp, suy thoái và sụp đổ do sự điều hành của chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thuộc về trách nhiệm của ai?
- Phải chăng đó là chuyện nội bộ đảng?
- Ngoài ra còn những việc như dung túng cho người thân, nhóm lợi ích…trách nhiệm thuộc về ai?
 Theo sự hiểu biết của tôi: Muốn là Ủy viên TW đảng hay Ủy viên Bộ Chính trị thì trước hết phải là một công dân đã.
Là cử tri, chúng tôi yêu cầu những sai phạm trên phải được đánh giá, phân loại từng việc cụ thể theo tính chất và mức độ vi phạm một cách khách quan, minh bạch, công khai và trung thực theo đúng quy định của các bộ luật và được xử lý đúng người, đúng tội theo pháp luật đối với (trước hết) là một công dân.
 Ví dụ: Sai lầm do vi phạm hành chính hay do yếu kém về nghiệp vụ thì áp dụng kỷ luật hành chính như thuyên chuyển công tác hoặc cho thôi việc và phải bồi thường những thiệt hại cho nhà nước.
 Nếu vi phạm do không tuân thủ nguyên tắc, quy tắc, quy phạm trong quản lý gây hậu quả nghiêm trọng thì bắt buộc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, áp dụng các mức phạt theo Luật hình sự. Đó là chưa kể đến những biểu hiện khác như cố tình phá hoại, hay âm mưu “cõng rắn” thì hình phạt lại ở mức khác.
 Theo chỗ tôi được biết nhiều cán bộ công chức hoặc thường dân (cũng là công dân) chỉ cần tham ô, trục lợi hay “vô tình” làm thất thoát tiền tỷ là đã bị tù từ 5 đến 20 năm, trong khi làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ mà lại chỉ nói “lời xin lỗi” thì còn gì là kỷ cương phép nước? Chẳng lẽ những vị trong Bộ Chính trị không phải là công dân Việt nam? Và cái “đồng chí X”đó không phải là một công dân?
 Trên đây là mấy vấn đề đang nổi cộm, gây nhiều bức xúc trong xã hội, tôi rất mong được ngài quan tâm và trả lời cho toàn thể cử tri biết về biện pháp xử lý sắp tới.
 Kỳ họp Quốc hội lần này cũng là một cơ hội lớn để các ngài lấy lại niềm tin của dân. Nếu được, xin ngài thay mặt cử tri tôi đọc toàn văn bức thư ngỏ này trước Quốc hội. Hy vọng ngài sẽ là cầu nối giữa dân với Đảng, giữa dân với Quốc hội.
 Quốc hội là cơ quan quyền lợi cao nhất, là đại diện quyền lợi của dân, là niềm hy vọng và nơi gửi gắm tâm tư nguyện vọng của dân. Nếu Quốc hội cũng quay mặt lại với dân trong việc này thì đó là một họa lớn cho dân tộc. Nếu cần, Quốc hội có thể trưng cầu ý kiến của dân trong việc xử lý những vần đề đang nổi cộm, gây bức xúc cho dân trong thời gian qua.
 Rất mong thư này đến được ngài Chủ tịch Nước.
 Một lần nữa xin chân thành cám ơn sự quan tâm và tinh thần cầu thị của ngài trong việc lắng nghe ý kiến cử tri.
 Chúc ngài và gia đình sức khỏe và hạnh phúc!
 Xin trân trọng – kính thư
 Việt Trì 22/10/2012
Trần Thị Lành

Không có nhận xét nào: