Pages

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Trung Quốc dùng thủ đoạn gì để xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam? (Phần 2)


Cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” do UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) và NXB Thông tin – Truyền thông xuất bản tháng 1/2012 tiếp tục chỉ rõ các thủ đoạn của Trung Quốc xâm chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau khi đã chiếm nhóm đảo phía Đông vào năm 1956.

ĐỔI TRẮNG THAY ĐEN, Ỷ MẠNH HIẾP YẾU
Trong bài “Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa” đăng trong “Kỷ yếu Hoàng Sa”, “TS Trần Công Trục (nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ) nêu rõ: “Quân Pháp rút khỏi Việt Nam sau khi thua trận Điện Biên Phủ và trong thời kỳ Việt Nam chia đôi theo quy định của Hiệp định Genève khiến Trung Quốc, Đài Loan… tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý, bảo vệ của Chính quyền Việt Nam Cộng hoà (VNCH, giai đoạn 1956 – 1975)”.
Trung Quốc dùng thủ đoạn gì để xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam? (Phần 2)
Tàu cá có trang bị vũ trang của Trung Quốc khiêu khích chiến hạm của Hải quân VNCH tại đảo Cam Tuyền thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 15/1/1974 – Ảnh: HC (chụp lại từ cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa”
Âm mưu cho lính đóng giả ngư dân để chiếm đảo bị đập tan
Theo đó, việc thua trận ở Điện Biên Phủ và ký Hiệp định Genève 20/7/1954 buộc quân Pháp phải rút lui khỏi Việt Nam tháng 4/1956 và để khoảng trống bố phòng ở Biển Đông khiến các nước trong khu vực, trong đó có CHND Trung Hoa, Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) cho là cơ hội tốt để đưa lực lượng quân sự ra chiếm đóng trái phép một số đảo ở Hoàng Sa cũng như Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, VNCH đã tích cực tổ chức các hoạt động nhằm quản lý và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam:
Ngày 22/8/1956, song song với việc đưa lực lượng hải quân ra quần đảo Trường Sa để chiếm giữ, bảo vệ quần đảo này trước những hoạt động xâm lấn của các lực lượng nói trên, VNCH đã tổ chức một số hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa như: Tổ chức đoàn nghiên cứu thuỷ văn do Saurin dẫn đầu; cho phép kỹ nghệ gia Lê Văn Cang tiến hành khai thác phốt phát ở Hoàng Sa. Từ năm 1957, Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH đã cử một đại đội thuỷ quân lục chiến ra quản lý, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thay thế cho quân của đại đội 42 thuộc tiểu đoàn 142.
Và cũng với thủ đoạn lén lút như 3 năm trước đó, “ngày 21/2/1959, CHND Trung Hoa cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hoà nhằm đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên lực lượng quân đội VNCH đã phá tan được âm mưu này. 82 “ngư dân” và 5 thuyền đánh cá vũ trang của Trung Quốc đã bị bắt giữ và bị áp giải về giam tại Đà Nẵng, sau đó trả cho Trung Quốc” – TS Trần Công Trục viết.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn không từ bỏ âm mưu chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa. Nhân chứng Trần Hoà (sinh năm 1954, hiện ở tổ 5, khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) từng được Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam (quân lực VNCH) cử ra ra Hoàng Sa chăm sóc sức khoẻ, khám và điều trị bệnh cho sĩ quan, binh lính trung đội Hoàng Sa và các nhân viên khí tượng trên đảo vào tháng 10/1973 kể lại trong cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa”:
“Từ khoảng tháng 10/1973, tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa ngày càng nhiều. Khi gặp tàu tuần tra của chính quyền Sài Gòn thì những tàu này bỏ chạy ra hải phận quốc tế, khi tàu tuần tra đi rồi họ lại buông neo thả lưới quanh đảo. “Anh em trên đảo chỉ lo nhiệm vụ giữ đảo, còn đẩy đuổi ngư dân nước ngoài xâm phạm lãnh hải thì không có phương tiện nên đành chịu”.
Trung Quốc dùng thủ đoạn gì để xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam? (Phần 2)
Báo chí Sài Gòn năm 1974 đưa tin Trung Quốc xâm chiếm trái phép Hoàng Sa – Ảnh: HC (chụp lại từ cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa”
Trận chiến xâm lược tháng 1/1974
Ông Trần Hoà cùng những người trên đảo Hoàng Sa hoàn toàn không ngờ đó là kế sách của phía Trung Quốc. Để rồi đến ngày 19/1/1974, hàng đoàn tàu đánh cá được trang bị vũ trang đã hợp sức cùng tàu chiến của hải quân Trung Quốc có hành động khiêu khích, tiến đến gần Hoàng Sa rồi bất ngờ đổ quân đánh chiếm trái phép quần đảo của Việt Nam.
TS Trần Công Trục thuật lại trong bài “Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa”: Ngày 15/1/1974, sau khi tuyên bố lên án cái gọi là “chính quyền VNCH “xâm lấn đất đai của Trung Quốc”, “tất cả các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”…, CHND Trung Hoa đã đưa quân đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hoà và Duy Mộng thuộc nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 16/1/1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt của Hải quân VNCH đưa phái đoàn quân lực ra Hoàng Sa và phát hiện 2 chiến hạm số 402 và 407 của Hải quân Trung Quốc đang ở gần đảo Hữu Nhật, xác nhận quân Trung Quốc đã chiếm đóng, cắm cờ trên các đảo Quang Hoà, Duy Mộng, Quang Ảnh… Lập tức, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc họp báo tố cáo Bắc Kinh đã huy động tàu chiến vi phạm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và đưa binh lính đổ bộ xâm chiếm các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hoà, Duy Mộng thuộc nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
“Từ ngày 17/1 đến ngày 20/1/1974, trận hải chiến giữa lực lượng Hải quân VNCH và lực lượng Hải, Lục, Không quân, Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa xảy ra trong tình thế khó khăn cho quân lực VNCH. Mặc dù đã chiến đấu quả cảm, nhiều binh sĩ đã anh dũng hy sinh, Quân lực VNCH đã không thể giữ được các đảo thuộc nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa” – TS Trần Công Trục viết.
Điều này cũng được nhiều nhân chứng từng sống, chiến đấu ở Hoàng Sa trong giai đoạn đó chứng thực rõ thêm. Nhân chứng Lê Lan (sinh năm 1952, hiện ở tổ 13, phường Sơn Phong, khối phố 3, Hội An, Quảng Nam) là y tá quân y thuộc Tiểu khu Quảng Nam, năm 1973 cũng được cử ra Hoàng Sa 3 tháng để phụ trách khám sức khoẻ, cung cấp thuốc cho binh sĩ đồn trú trên đảo. Khi chỉ còn khoảng 1 tuần nữa ông trở về đất liền thì quần đảo bất ngờ bị phía Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép.
“Lúc ấy có cả đoàn giám sát thiết lập phi trường trên đảo bị kẹt lại, trong đó có 1 người Mỹ. Mặc dù chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ chiến đấu giữ lấy đảo vì đảo thuộc chủ quyền của chúng ta nhưng bọn chúng đông quá cùng tàu chiến nhiều nên cuối cùng chúng cũng chiếm được Hoàng Sa.
Tôi cùng 32 người khác bị đưa về tạm giam ở đảo Hải Nam 3 tháng, khi đó có thêm 21 người bị hải quân Trung Quốc bắt ở đảo khác. Sau đó chúng đưa tôi về trại thu dung tù binh ở Quảng Châu (Trung Quốc) khoảng 1 tháng rồi giao cho Tổ chức Hồng Thập tự Quốc tế của Anh trao trả cho chính quyền Sài Gòn” – ông Lê Lan kể lại trong cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa”.
Ông Trần Văn Hảo (sinh năm 1938, hiện ở tổ 14 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), từng là trung sĩ của trung đội Hoàng Sa cũng là một nhân chứng trong trận hải chiến đó. Ông kể, khi xảy ra vụ tấn công trái phép ngày 19/1/1974, trung đội của ông đã đối đầu quyết liệt với lực lượng hải quân và tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc. Nhưng phía Trung Quốc cậy tàu to súng lớn trong khi lực lượng trên đảo quá mỏng nên ông Hảo cùng một số anh em trong đội quân bảo vệ Hoàng Sa đã bị bắt.
Cùng cảnh ngộ ấy là ông Nguyễn Văn Cúc (sinh năm 1952, hiện ở tổ 11, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Năm 1973, ông liên tiếp ba lần được cử ra khảo sát, sửa chữa và xây dựng ở Hoàng Sa. Lần thứ 3 ông ra đảo vào tháng 12/1973 để lấy mẫu đất, khảo sát xây dựng sân bay. Khi ông đang trên đường trở về đất liền thì bị tàu chiến Trung Quốc bắt giữ trong cuộc xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam…
Ông kể, đang lênh đênh trên biển thì tàu của ông gặp tàu chiến Trung Quốc. Sau một ngày giằng co, họ áp sát buộc tàu của ông quay lại đảo. Mọi người trên tàu bàng hoàng khi trực tiếp chứng kiến Hoàng Sa bị chiếm, đau đớn, xót xa khi thấy mảnh đất của Việt Nam rơi vào tay kẻ khác. Sau một ngày bị bắt giữ trên đảo, hải quân Trung Quốc chở ông về đảo Hải Nam; rồi đưa lên tàu lớn về giam ở Quảng Châu cả tháng trời trước khi trao trả cho Hồng Thập tự Anh tại Hồng Kông.
Trung Quốc dùng thủ đoạn gì để xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam? (Phần 2)
Trích Tuyên bố 3 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoa miền Nam Việt Nam ngày 26/4/1974 tại Hội nghị Hiệp thương La Cellesaint Clou – Ảnh: HC (chụp lại từ cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa”
Việt Nam yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp
Ngay khi xảy ra các trận hải chiến tháng 1/1974, Quan sát viên của VNCH tại Liên hiệp quốc (LHQ) đã chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 19/1/1974, Bộ Ngoại giao VNCH ra Tuyên bố kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hoà bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc, buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động nguy hiểm đó.
Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Tuyên bố nêu rõ lập trường của mình:
- Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc.
- Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại.
- Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị là láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.
Ngày 21/1/1974, Chính quyền VNCH đã gửi Công hàm cho các thành viên ký kết Định ước Paris đề nghị các thành viên lên án và đòi nhà cầm quyền Trung Quốc không được xâm phạm lãnh thổ Việt Nam theo đúng nội dung Điều 1 và Điều 4 của Định ước này.
Ngày 30/3/1974, tại kỳ họp lần thứ 30 của Hội đồng Kinh tế Liên hiệp quốc về Châu Á và Viễn Đông (ECAPE) tại Colombo, phái đoàn VNCH đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày 2/7/1974, tại kỳ họp thứ 2 Hội nghị lần thứ 3 của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS III) diễn ra tại Caracas (20/6 – 29/8/1974), đại biểu của VNCH đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này là không tranh chấp và không thể thương lượng.
Trung Quốc dùng thủ đoạn gì để xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam? (Phần 2)
Sinh viên Việt kiều ở Pháp biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa – Việt Nam (1974) – Ảnh: HC (chụp lại từ cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa”
Trung Quốc nuốt lời cam kết
Theo tường thuật của TS Trần Công Trục, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 24/9/1975, trong cuộc gặp đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố sau này hai bên sẽ bàn bạc vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa).
Tuy nhiên như cả thế giới đều biết, từ đó đến nay Trung Quốc vẫn ngang nhiên nuốt lời cam kết của chính lãnh đạo của họ. Không những thế, Trung Quốc còn tiếp tục leo thang các hàng động vi phạm ngày càng trắng trợn chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa và trên khu vực biển Đông.
Ngày 2/7/1976, Nhà nước CHXHCN Việt Nam được thành lập và hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 12/5/1977, Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó đã khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa riêng.
Tại phiên họp thứ 7 cuộc đàm phán về biên giới Việt – Trung (bắt đầu ngày 9/10/1977), Trưởng đoàn Việt Nam, ông Phan Hiền đã bác bỏ vu cáo của Trung Quốc đối với việc Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Phan Hiền đề nghị với ông Hàn Niệm Long, Trưởng đoàn Trung Quốc, về việc đưa vấn đề hai quần đảo vào chương trình nghị sự nhưng phía Trung Quốc từ chối.
Trung Quốc dùng thủ đoạn gì để xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam? (Phần 2)
Ông Phạm Khôi (bên trái, nhân chứng từng sống và tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển – đảo Hoàng Sa giai đoạn 1969 – 1970) trao tặng Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ bức sơ phác về quần đảo Hoàng Sa do ông vẽ theo trí nhớ – Ảnh: HC
Việt Nam bác bỏ sự xuyên tạc của Trung Quốc
Ngày 15/3/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Bị Vong Lục về vấn đề biên giới Việt – Trung. Điểm 9 của Bị Vong Lục đã tố cáo Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/1974.
Ngày 7/8/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ sự xuyên tạc của Trung Quốc trong việc công bố một số tài liệu của Việt Nam liên quan đến các quần đảo này, khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo, nhắc lại lập trường của Việt Nam về việc giải quyết sự tranh chấp giữa hai nước bằng thương lượng hoà bình.
Ngày 28/9/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, trong đó đã giới thiệu 19 tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Ngày 25/11/2011, trước các đại biểu Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 13, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra lời tuyên bố mang tính lịch sử về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa hiện đang nằm dưới sự chiếm đóng bất hợp pháp của lực lượng vũ trang Trung Quốc:
“Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Chúng ta làm chủ thật sự, ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục, hoà bình”. “Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền bằng biện pháp hoà bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982″.
HẢI CHÂU (LượC GHI)

Không có nhận xét nào: