Nhập siêu tháng Mười của Việt Nam ước tính lên tới 500 triệu USD, bằng 5% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, theo số liệu mới nhất Bộ Công Thương công bố tại hội nghị ngày 29/10.
Đây là mức nhập siêu cao thứ hai trong năm, chỉ thấp hơn mức 700 triệu đôla hồi tháng Năm.
Cán cân thương mại trong tháng Mười nghiêng về hướng nhập siêu vì xuất khẩu đạt 9,9 tỷ đôla nhưng nhập khẩu lại đạt 10,4 tỷ đôla.Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trong tháng Mười đạt 20,3 tỷ đôla.
Trước đó, trong tháng Chín, Việt Nam đã xuất siêu 143 triệu đôla.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong mười tháng đầu năm đạt 187,257 tỷ đôla, trong đó nhập khẩu là 93,8 tỷ đôla, tăng 6,8% và xuất khẩu là 93,45 tỷ đôla, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cho 10 tháng năm 2012, nhập siêu của Việt Nam là 357 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhập siêu lớn với Trung Quốc
Tính chung 10 tháng đầu năm, hàng nhập khẩu từ Châu Á chiếm 79,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 24,8% tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó khối ASEAN chiếm 18,5%, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng lần lượt 17,8%,13,8%.
Trong mười tháng đầu năm, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn nhất với Trung Quốc, ước tính đạt 13 tỷ đôla.
Hiện tại, 90% nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất trong nước.
Nhập siêu từ ASEAN, Nam Hàn, Đài Loan lần lượt là 3,4 tỷ đôla, 8 tỷ đôla và 5,6 tỷ đôla.
Doanh nghiệp trong nước còn yếu
Theo thống kê, các doanh nghiệp FDI có mức tăng trưởng 35% và xuất khẩu trên 1,5 tỷ đôla, trong khi các doanh nghiệp nội lại nhập siêu trên 1,8 tỷ đôla.
Các mặt hàng thiết yếu như vật liệu, hàng hóa chiếm 85%, tăng 34,6% so với cách đây hai năm.
Theo phân tích của đại diện Bộ kế hoạch và Đầu tư, điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu cho các mặt hàng thiết yếu vẫn rất cao, chứng minh cho khả năng sản xuất trong nước vẫn còn rất hạn chế.
Để khắc phục tình trạng nhập siêu hiện nay, cần phải cải thiện hàng hóa trong nước để thay thế hàng nhập khẩu, đại diện Bộ kế hoạch và đầu tư nói thêm.
Báo Vietnamplus dẫn lời ông Nguyễn Đức Thuần, chủ tịch Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam nói: "Nếu không cẩn thận thì doanh nghiệp trong nước sẽ bị các doanh nghiệp FDI lấn át, đơn giản vì họ có ưu thế về vốn cộng với các tập đoàn mẹ đứng sau nên ăn sâu vào chuỗi toàn cầu và có thể đứng vững trong khó khăn".
"Trong khi doanh nghiệp nội phải vay lãi suất cao gấp 3-4 lần thì chưa đá đã thua rồi," ông Thuần nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét