Năm 2000, chuyên gia phân tích châu Á Robert A. Manning đã tiên đoán rằng khả năng xảy ra xung đột trong tương lai liên quan tới các nguồn năng lượng sẽ gia tăng khi các gã khổng lồ châu Á như Trung Quốc chuyển từ một cách tiếp cận mang tính kinh tế sang cách tiếp cận mang tính chiến lược đối với vấn đề an ninh năng lượng.
Kể từ đó, khi tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc gia tăng và sự nổi lên của nước này trở thành vấn đề địa chính trị lớn của thời đại, thì chính sách an ninh năng lượng của Bắc Kinh trở thành một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất. Có hai nhân tố, một bên trong và một bên ngoài, cho thấy Trung Quốc ưu tiên chọn một cách tiếp cận dựa trên chính trị và địa chiến lược (chứ không phải là kinh tế) cho chính sách an ninh năng lượng.
Đầu tiên, cấu trúc kinh tế chính trị trong nước của Trung Quốc, nhất là lĩnh vực năng lượng, cho thấy họ dựa chủ yếu vào các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) để hoàn thành các mục tiêu kinh tế quốc gia, như đảm bảo nguồn cung từ bên ngoài về dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu để phục vụ nhu cầu trong nước. Trong cách tiếp cận do nhà nước chế ngự này, các quyết định thương mại được đưa ra trong một khuôn khổ nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của SOEs, và ảnh hưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) trong các SOEs này. Hậu quả của cách tiếp cận chính trị hóa này về chính sách an ninh năng lượng là vai trò của các lực lượng thị trường trong việc xác định nguồn cung, giá cả, và phân phối các nguồn năng lượng thông qua nền kinh tế bị hạn chế.
Thứ hai, Bắc Kinh trên thực tế tham gia vào các thị trường hàng hóa quốc tế, nhưng đồng thời muốn chống lại tình trạng xâu xé nguồn cung và tăng giá. Vì không tin tưởng các thị trường này có thể đáp ứng các nhu cầu năng lượng của mình hiện nay và trong tương lai, Bắc Kinh theo đuổi một lịch trình mang tính dân tộc về kinh tế, hay còn gọi là "Trung Quốc trước tiên", ở nhiều nơi trên thế giới.
Ảnh minh họa |
Điều này có thể thấy trong việc Bắc Kinh cung cấp các hỗ trợ chính trị và kinh tế tăng cường cho các SOEs trong cuộc tìm kiếm dầu khí ngoài khơi ở nhiều nước bị gạt ra ngoài lề, hoặc ký kết các hợp đồng để đảm bảo nguồn cung từ các mỏ dầu ở ngoài khơi. Tuy nhiên, việc Trung Quốc theo đuổi một cách tiếp cận mang tính địa chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng sẽ ảnh hưởng xấu tới các nỗ lực của các chính phủ phương Tây trong việc cải thiện các chuẩn mực quản lý và cải cách kinh tế tại các nước độc tài nhưng nhiều dầu mỏ trên khắp thế giới. Nói cách khác, dù cạnh tranh nguồn năng lượng bản thân nó không dẫn tới cuộc xung đột lãnh thổ (trừ trường hợp ở biển Đông), nhưng cách tiếp cận địa chiến lược kiểu "Trung Quốc trước tiên" nói trên của Bắc Kinh sẽ làm nghiêm trọng hơn quan hệ giữa Trung Quốc với các nền dân chủ tự do phương Tây liên quan đến các nước giàu tài nguyên.
Sự nổi lên của Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn dầu nước ngoài
Than đá sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của Trung Quốc - cung cấp khoảng 70% tổng tiêu thụ năng lượng của nước này trong năm 2011. Hiện, dầu chỉ cung cấp khoảng 20% nhu cầu. Tuy nhiên, việc Trung Quốc vươn ra bên ngoài để đảm bảo một nguồn cung dầu mỏ vẫn là chủ đề chính trong cuộc thảo luận về các chính sách an ninh năng lượng của nước này, chủ yếu vì sự phụ thuộc ngày càng lớn của họ vào nguồn dầu mỏ nước ngoài - vốn được Bắc Kinh xem là một điểm dễ bị tổn thương mang tính chiến lược.
Trong khi than đá vẫn đủ dùng cho Trung Quốc hiện nay và trong tương lai, thì khả năng tự cung tự cấp về dầu của nước này đã chấm hết từ năm 1993. Đây là một mối lo ngại đối với Trung Quốc vì các nguồn năng lượng tái tạo như thiên năng và thủy năng sẽ chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu về năng lượng hiện nay và trong tương lai của nước này, trong khi dầu mỏ là nguồn năng lượng tương đối sạch và hiệu quả hơn than đá. Ước tính, 20,4 tỷ thùng dầu dự trữ trong nước chỉ tương đương 1,2% tổng lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng trên thế giới.
Ngày nay, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc dựa vào nhập khẩu từ bên ngoài hơn 50% lượng dầu tiêu thụ trong nước, dự kiến con số này sẽ tăng lên 60-70% vào năm 2015. Vượt xa tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, lượng tiêu thụ dầu mỏ của nước này tăng khoảng 12%/năm từ năm 1980. Vào năm 2009, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Sự gia tăng về nhu cầu dầu mỏ trong vài năm tới sẽ vượt mức 1,1 triệu thùng/ngày. Để dễ hình dung: nhu cầu tăng như vậy chiếm khoảng 40% mức tăng dự kiến về nhu cầu của toàn cầu trong vài năm tới.
Điểm dễ bị tổn thương đầu tiên ở Trung Quốc là chiến lược, thường do các nhà hoạt định quân sự đưa ra. Khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông và châu Phi, với 10% các tàu chở dầu do nước ngoài sở hữu chuyển dầu đến Trung Quốc thông qua các tuyến đường do Mỹ kiểm soát tại Ấn Độ Dương, qua Eo biển Malacca và qua biển Đông. Nỗi lo sợ bị Hải quân Mỹ cấm chặn các tàu chở dầu đến Trung Quốc là rất lớn và có thật, khi nhiều chiến lược gia Trung Quốc nhắc lại tính dễ bị tổn thương của Nhật khi bị hải quân Mỹ và đồng minh bóp nghẹt nguồn dầu nhập khẩu trên biển Thái Bình Dương, dẫn tới chiến tranh thế giới thứ II.
Dù kịch bản này là hoàn toàn có thể tưởng tượng, nhưng nó chỉ có thể diễn ra khi có một cuộc chiến tranh lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Hải quân Mỹ chặn các tàu chở dầu đến Trung Quốc sẽ là không thể. Trong con mắt người Trung Quốc, nguy cơ dễ bị tổn thương này chỉ có thể được xóa bỏ nếu Hải quân Mỹ chấm dứt sự chế ngự tại Ấn Độ Dương và Biển Đông. Chưa rõ liệu có phải cảm giác dễ bị tổn thương đó của Trung Quốc là một yếu tố chính khiến họ tham vọng tăng cường các năng lực của Lực lượng hải quân của Quân giải phóng nhân dân (PLAN) hay không, nhưng sự kiểm soát của Mỹ đối với các hải trình sống còn này còn được xem là một đặc trưng hiện nay và lâu dài của một bản đồ chiến lược khu vực rộng lớn hơn.
Gạt sang một bên cạnh tranh về hải quân, an ninh năng lượng của Trung Quốc được xác định bởi việc đảm bảo chắc chắn các nguồn cung dầu mỏ nước ngoài với giá cả ổn định.
Châu Giang theo CSIS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét