Pages

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Bảo Sơn “nuốt” Bảo Long, chiêu thức tinh xảo nhưng “mắc nghẹn”


Từ chiêu bài đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Bảo Long thuộc Tập đoàn Y dược Bảo Long thành Bệnh viện Đa khoa quốc tế Bảo Sơn đã được Bảo Long toàn tâm, toàn ý, chấp thuận và bám tay theo sự dẫn dắt, lôi kéo của Tập đoàn Bảo Sơn. Khi nhập trận Bảo Sơn mới phát hiện đất đai, nhà xưởng trong khuôn viên gần 6 ha của Bảo Long tại xã Cổ Đông, Thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội không phải của Bệnh viện Đa khoa Bảo Long mà là của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long (một trong 12 đơn vị thuộc Tập đoàn Y dược Bảo Long).
Lúc này Bảo Sơn tỏ thịnh tình “đã thương thì thương cho trót” và với tay đầu tư nâng cấp thêm cả Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long thành xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn Quốc tế GMP.

Bảo Long như hạn gặp mưa đã dốc hết cả quá trình cần mẫn, vắt kiệt sức mình dâng cho Bảo Sơn. Cả một xe sổ sách chứng từ, Bảo Sơn thâm nhập khảo cứu từng con số trong hệ thống quản lí kể cả chuyên môn bí truyền với kế toán tài vụ. “Tính anh Sơn vẫn cẩn thận chu đáo thế” và “tính anh Khai vẫn hồ hởi, hào hiệp hết mình như vậy”! Trong cái cách ứng xử hết mình thì việc định giá tài sản, hàng hóa và việc kí tá một vài con chữ là quá nhỏ, quá đơn giản…! Món quà hậu đãi ngày đầu gặp gỡ mà Bảo Sơn tặng cho Bảo Long là khoản cho vay 30 tỉ đồng để trang trải công nợ (không cần điều kiện ràng buộc thế chấp gì) đã khiến Bảo Long mất “bản năng tự vệ” trong thương thuyết. Để rồi từ mục đích là liên kết đầu tư nâng cấp biến thành chuyển nhượng (chuyển hết, nhượng hết những gì Bảo Sơn cần mà Bảo Long có). Hợp đồng chuyển nhượng tuy đã được Bảo Sơn thảo theo mẫu pháp quy nhưng cũng chỉ vì “quá tốt” với nhau. Quá tin tưởng ở nhau mà những cụm từ, những con chữ riêng của hợp đồng đã bị rối rắm, vô nguyên tắc, không chặt chẽ trong ý tưởng mờ ám…!
Bên món “đặc sản” hấp dẫn, nóng hổi Bảo Sơn không quên thêm chút “gia vị” ấy là “giúp luôn việc nâng cấp” các trường học của Tập đoàn Y dược Bảo Long. Thế là các thầy, cô giáo và học sinh lại được buổi vỗ tay liên tục trong lời hứa tốt đẹp “đầu tư xây dựng nâng cấp” trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long thành trường Phổ thông Quốc tế, ghép trường Trung cấp Y dược Bảo Long với trường Cao đẳng Hàng không mà Bảo Sơn đã mua được ở Hưng Yên để thành trường Đại học trong đó có khoa Y dược. Hợp đồng giữa Bảo Long và Bảo Sơn mang tên “Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm số: 01/CNVCP&TS/BL – BS kí ngày 3-3-2011. Nội dung chính là điều 1 bản Hợp đồng bao gồm 10 khoản chuyển nhượng, được thể hiện rõ ràng sau mỗi dấu phảy: 100% vốn góp của các cổ đông có tên trong đăng kí doanh nghiệp; Phần góp vốn bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời; Toàn bộ diện tích đất thuộc quyền sử dụng của Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long; Tài sản xây dựng trên đất; Hạ tầng cơ sở kĩ thuật: Cây cối, hoa màu trong khuôn viên; Thương hiệu Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long; Bản quyền thương hiệu sản phẩm; Thương hiệu Bệnh viện Đa khoa Bảo Long; Thương hiệu Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long.

Cán bộ Tập đoàn Y dược Bảo Long đón nhận Cúp: “Tự hào Thương hiệu Việt”.
Và tại điều 2 của Hợp đồng này đã ghi cụ thể số tiền 227,5 tỉ đồng (Các số liệu trong bài được làm tròn số) Bảo Sơn thanh toán cho Bảo Long: Giá trị toàn bộ diện tích đất: 53.000 m2 = 163,9 tỉ đồng, giá trị các nhà xưởng xây dựng trên đất = 63,5 tỉ đồng (Tổng hai khoản bằng 227,5 tỉ đồng). Tuy Bảo Sơn mới thanh toán cho Bảo Long hai khoản là: Toàn bộ diện tích đất, nhà xưởng trên đất nhưng tin rằng “ Bảo Sơn” sẽ thanh toán dần các khoản còn lại và góp thêm vốn để xây dựng. Đồng thời để Bảo Sơn tiện việc thi công xây dựng nâng cấp, Bảo Long đã vui vẻ gồng gánh ra đi (thuê cơ sở sản xuất mây tre đan của Công ty Văn Minh tại cụm công nghiệp An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) để chuyển hết các đơn vị không nằm trong danh sách được “Bảo Sơn” đầu tư nâng cấp. Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn được Bảo Long tôn vinh làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Y dược Bảo Long. Sau đó, ông Nguyễn Trường Sơn đã kí Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Khai giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long với chức năng nhiệm vụ chính là: Quản lí, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Y dược Bảo Long (sản xuất, kinh doanh thuốc, khám chữa bệnh, gieo trồng dược liệu, giáo dục đào tạo, huấn luyện võ thuật…). Hằng tháng nộp tài định cho Chủ tịch HĐQT (Khi cần vốn phát triển thì lập tờ trình Chủ tịch cấp vốn). Chứng tỏ Bảo Long vẫn được tồn tại và sẽ được hưởng sự đầu tư để hiện đại hóa.

Từ sự quan tâm nâng cấp phát triển của tân Chủ tịch HĐQT và chẳng còn gì phải “lăn tăn”, nghi ngờ gì nữa, thế là hàng loạt các văn bản giấy tờ, thủ tục mà Bảo Sơn yêu cầu đã được ông Nguyễn Hữu Khai cùng các thành viên đứng tên trong đăng kí kinh doanh “nhắm mắt” kí…! Có được văn bản về việc đã nhận tiền sang nhượng cổ phần từ các thành viên đứng tên trong đăng kí kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long, Bảo Sơn đã bỏ qua hàng loạt quy chế, nguyên tắc gấp rút thay tên, đổi chủ hai đơn vị trên bằng tên ông Nguyễn Trường Sơn và vợ con của ông Sơn (loại trừ tất cả các thành viên cũ). Nếu chỉ có thế thì cũng chưa nên chuyện.
Trong giấy đăng kí kinh doanh mới của Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, Bảo Sơn đã bỏ chức năng sản xuất thuốc và chức năng khám chữa bệnh, khiến cho các sản phẩm thuốc của Bảo Long được Bộ Y tế cấp giấy phép sản xuất, lưu hành trên toàn quốc bị vô hiệu. Kéo theo hành vi này Bảo Sơn đã ra quyết định đóng cửa tất cả các chi nhánh, cửa hàng đại lý của Bảo Long, khiến việc giới thiệu bán thuốc, khám chữa bệnh của Bảo Long trên toàn quốc bị ngưng trệ, đẩy hàng trăm thầy thuốc, CBCNV bị thất nghiệp…! Bệnh viện Đa khoa Bảo Long bị đổi thành Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn, mà không thông qua Sở Y tế Thành phố Hà Nội và Bộ Y tế khiến cho Bệnh viện Đa khoa Bảo Long trong tình cảnh pháp danh, con dấu thì mang tên “Bảo Sơn”còn chứng chỉ hành nghề, các văn bản chuyên môn do Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội cấp (vẫn còn thời hạn đến năm 2014) thì vẫn mang tên Bệnh viện Đa khoa Bảo Long. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Bảo Long gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển tuyến cấp cứu, thanh toán Bảo hiểm y tế, thanh toán công nợ cũ, báo cáo chuyên môn và thanh toán thuế với Nhà nước… Sự bất hợp lí này đã được Sở Y tế TP Hà Nội vào cuộc. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trường Sơn hứa trước Lãnh đạo Sở Y tế cùng Tập đoàn Bảo Long và Bệnh viện Đa khoa Bảo Long là sẽ hoàn trả thủ tục, làm lại con dấu cũ cho Bệnh viện Đa khoa Bảo Long. Nhưng sau một tháng, ông Trịnh Đình Cần, Nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức Bộ Y tế (người được ông Nguyễn Trường Sơn thuê đứng tên pháp lí Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn) đã kí văn bản cho Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn ngưng hoạt động. Hàng trăm y bác sĩ, thầy thuốc cùng CBCNV Bệnh viện Đa khoa Bảo Long phải nghỉ việc, hàng trăm bệnh nhân mất cơ hội chữa bệnh và hàng tỉ đồng y cụ, máy móc, thiết bị biến dần thành đống sắt vụn…! Ông Nguyễn Trường Sơn dương dương tự đắc với cương vị là ông chủ Bảo Long. Người của Bảo Sơn tới làm việc tại Bảo Long vênh váo với vai trò cán bộ của Công ty mẹ. Ô-tô của “Bảo Sơn” chở cán bộ đậu chắn ngang đường, lái xe hùng hổ văng ra những lời ngạo mạn: “Đất sếp tao mua rồi đậu xe đâu cũng được!”… Sau 11 ngày được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long, Thầy thuốc ưu tú, Lương y Tiến sĩ y học Nguyễn Hữu Khai đột nhiên bị Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trường Sơn chuyển thành chuyên viên do Bảo Sơn thuê để phụ trách kĩ thuật! CBCNV thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, Bệnh viện đa khoa Bảo Long và Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long phải dồn hết về Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long. Ai không chịu được thì nghỉ việc. Những đứa con thân thương y dược và giáo dục đào tạo của Bảo Long đang được “Bà mẹ nuôi” Bảo Sơn chuẩn bị “nấu cao toàn tính”…! Suốt năm, sáu tháng trời dưới quyền ông Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo, điều hành làm rối rắm, tan nát hết các tổ chức của Bảo Long. Sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Suốt ngày chỉ: Nay chuyển chỗ này, mai chuyển chỗ khác. Đồ đạc thì hỏng hóc, con người thì tan nát, mất tinh thần! Nguy kịch đã lấn tới sinh mệnh! Bảo Long chợt tỉnh và làm đơn gửi các cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông kêu cứu! May là kịp cứu nên Bảo Long vẫn được tiếp tục hoạt động y dược. Các cơ quan chức năng và công luận có thể tạm giúp Bảo Long tồn tại trên tinh thần thủ tục, pháp danh, pháp lí. Nhưng Bảo Long lấy gì để xây dựng, củng cố cơ sở để làm vốn hoạt động…? (Kì sau tiếp)
Phóng sự của Trần Đức Tâm

Không có nhận xét nào: