Pages

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Biển Đông nóng - Mỹ trở lại căn cứ Vịnh Subic?



BienDong.Net: 
Các quan chức Mỹ và Philippine mới đây khẳng định rằng Vịnh Subic - từng là căn cứ của Hạm đội 7 Mỹ cho đến năm 1992 - sẽ đóng vai trò to lớn trong việc triển khai các hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương.
Vịnh Subic - căn cứ hải quân trước đây của Mỹ và sân bay trực thuộc - dự kiến sẽ tiếp đón các tàu Mỹ, thủy quân lục chiến và máy bay trên cơ sở “bán thường trực”. Người Mỹ sẽ không trở lại đồn trú lâu dài ở căn cứ Subic, nhưng vẫn được phép để lại một vài thứ đồ dùng ở cảng chiến lược này và đó không chỉ là bàn chải đánh răng.
Ông Edilberto Adan, đặc trách Hiệp định thăm viếng quân sự (Visiting Forces Agreement) trực thuộc Bộ Ngoại giao Philippines, nói với các phóng viên trên tàu USS Bonhomme Richard: “Hiện có rất ít hải cảng có thể chứa được …các tàu sân bay và cảng Subic là một trong số đó. Khi Washington bắt đầu thực hiện chính sách xoay trục và ‘tái cân bằng’ sang khu vực châu Á- Thái Bình dương, Subic sẽ đóng một vai trò quan trọng bởi vì nó là một trong những cơ sở quan trọng có thể phục vụ sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này”.

 alt
Tàu sân bay Mỹ USS Enterprise tại Vịnh Subic. Ảnh eng.wikipedia.org
Tuy không chứa chấp 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ như ở Darwin (Australia), cảng Subic sẽ lưu trữ khá nhiều “phần cứng” của Mỹ và cũng sẽ là một trong những cảng hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho Hải quân Mỹ. Hồi tháng 4/2102, AMSEC - một chi nhánh của hãng đóng tàu Ingalls Huntingdon Industries  (Mỹ) – nói rằng công ty này sẽ thành lập một cơ sở bảo trì, sửa chữa và trung tâm hậu cần tại Vịnh Subic. Khi đó, một quan chức của AMSEC là Mark Balmert nói với IHS Jane Defence Weekly rằng "Vịnh Subic hấp dẫn hải quân trong những năm qua là do vị trí địa lý của nó và chi phí thấp. Chúng tôi hy vọng rằng cảng này vẫn còn hấp dẫn trong tương lai”.
Thường xuyên được tàu chiến và tàu ngầm Mỹ ghé thăm 
Các nguồn tin ở Manila cho biết Vịnh Subic đã được mở cửa cho các lực lượng Mỹ trong thời gian qua và thường xuyên đón tàu chiến và tàu ngầm của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương ghé thăm. Các cuộc tập trận chung như PHIBLEX và Balakitan hàng năm cho thấy có một sự tiến hóa trong các hoạt động của Mỹ ở khu vực. Ông Edilberto Adan cho biết thêm: “Người Mỹ sẽ không quay trở lại các căn cứ mà họ đã từ bỏ trong năm 1991, nhưng họ sẽ được ở đây thường xuyên hơn, và được chào đón ở đó”.

alt 
 Hình ảnh lính Mỹ tham gia một cuộc diễn tập quân sự cùng hải quân Philippines ( Ảnh Internet )

Cùng với việc các tàu nổi và tầu ngầm luân phiên cập cảng, Mỹ sẽ sử dụng Sân bay quốc tế Vịnh Subic để lưu trữ một số lượng lớn lều bạt, chăn mền, máy phát điện và nhiều loại vật liệu khác phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và một số  nhiệm vụ khác (HADR). Không quân Philippines (AFP) cũng đang tái kích hoạt các hoạt động quân sự xuất phát từ sân bay này, một sân bay có ít các nhà điều hành dân sự nhưng lại có quá nhiều không gian cho các hoạt động lưỡng dụng.
Phát ngôn viên quân sự của Mỹ trong khu vực đã bỏ ra rất nhiều công sức để đề cao vai trò nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn của HADR trong các vụ thiên tai lớn có qui mô như cơn bão Katrina ở Mỹ hay thảm họa động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011 ở Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng giải thích việc đảo quốc này cho phép 4 tàu hải quân chiến đấu ven bờ của Mỹ vào các cảng của họ là nhằm đối phó với thiên tai, đặc biệt kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm xói mòn ngân sách và khiến cho các cơ quan chính phủ, phi chính phủ không thể phản ứng kịp thời.
Có phục vụ cho liên minh quân sự Mỹ-Philippines?
Chỉ có những điều tốt đẹp, nếu tin vào lời nói của các quan chức hai bên. Đối với Philippines, sự hiện diện bán thường trực của Mỹ tại Vịnh Subic nâng cao tầm quan trọng chiến lược và đảm bảo an ninh, khi Manila tìm cách tạo ra một “lực lượng răn đe với khả năng phòng thủ hiệu quả nhưng với chi phi tối thiểu” (lời của Tổng thống Benigno Aquino). Chính phủ Aquino hiện đang gấp rút hiện đại hóa hải quân và không quân, vốn đã bị trì hoãn nhiều năm do nạn tham nhũng, quản lý yếu kém và thiếu các nguồn lực.
Washington đã và đang hỗ trợ Manila trong nỗ lực nói trên bằng cách bán cho Philippines vũ khí tiên tiến hơn như các tàu của Lực lượng tuần duyên Mỹ (Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Alexander Pama, đã công bố việc mua thêm một tàu tuần duyên  lớp Hamilton thứ hai, tại lễ khai mạc PHIBLEX). Tuy nhiên, Manila cũng sẽ chào đón sự hiện diện của các tàu hải quân viễn dương của Mỹ trong trường hợp tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông leo thang. Kể từ khi xảy ra tranh chấp với Trung Quốc tại bãi đá ngầm Scarborough hồi đầu năm nay, các quan chức ở Manila đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước liên minh với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tuyên bố: “Sau khi chứng kiến liên minh giữa hai nước trụ vững trong những năm qua, chúng tôi cho rằng nó rất quan trọng để đối phó với những thách thức an ninh của ngày hôm nay và ngày mai”.
Đối với Mỹ, một thiên đường bán thường trực ở Philippines là một lựa chọn được mong đợi. Vốn đã có Hạm đội 7 ở Nhật Bản, có 4 tàu chiến ven bờ ở Singapore, đang xây dựng một căn cứ trên bờ biển phía bắc Australia và tái bố trí lực lượng từ Okinawa tới Guam, sự hiện diện tại Philippines chính là một sự bổ khuyết quan trọng đối với các lực lượng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và trong khu vực. Trên thực tế, vị trí địa lý của Vịnh Subic có giá trị chiến lược hiển nhiên và Washington đã từng biến nó thành căn lớn nhất của hải quân Mỹ ở nước ngoài. Việc có quyền tiếp cận Vịnh Subic nhiều hơn sẽ cung cấp cho hải quân Nỹ một căn cứ mạnh mẽ hơn để duy trì mục tiêu đã đề ra là bảo đảm tự do thương mại và tự do hàng hải.
Mối đe dọa Trung Quốc khiến Philippines chào đón sự hiện diện của tàu chiến Mỹ?
Việc tăng cường các mối quan hệ giữa Mỹ và  Philippines không khiến cho các nước ở  Đông Nam Á cảm thấy bất ngờ. Quyền lớn hơn trong việc ra vào cảng Subic là nhằm củng cố vai trò “cân bằng khu vực” của Mỹ, khi mà Trung Quốc đã phí hoài cái thiện chí mà họ từng  dày công vun đắp ở các nước Đông Nam Á, với đường lối ngoại giao ngày càng ít mềm dẻo hơn.
Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đã xử lý sai quan hệ với các nước láng giềng và giọng điệu gay gắt của Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp lãnh thổ đã giúp chính quyền Obama trong việc chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á-Thái Bình Dương. Nếu không có mối đe dọa của Trung Quốc đối với tranh chấp biển đảo, người Philippines chưa chắc đã giang tay chào  đón sự hiện diện “bán thường trực” của các tàu chiến nổi và ngầm Mỹ.
 Minh Bích (theo The Diplomat)

Không có nhận xét nào: