Pages

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

DN 2000 - Tàu tuần tra đa năng của Cảnh sát biển Việt Nam


BienDong.Net: Sáng 23.10, tại cầu cảng Công ty 189 (Hải Phòng), Cục Cảnh sát biển Việt Nam và Công ty 189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã tổ chức đưa xuống nước tàu Cảnh sát biển đa năng 2000 (DN 2000), số hiệu 8001.

Được thiết kế để hoạt động ổn định ở điều kiện sóng gió cấp 9, có thể kéo các tàu khác có độ choán nước hàng ngàn tấn trên biển, DN 2000 là tàu Cảnh sát biển cỡ lớn đầu tiên được đóng mới hoàn toàn tại Việt Nam (lượng choán nước tối đa đạt 2.100 tấn).

Tàu dài 90m, rộng 14m và độ cao mạn tàu là 7m. Khi hoạt động trên biển, DN 2000 có thể đạt tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ và tầm hoạt động 5.000 hải lý. Tầm kiểm soát và hoạt động của tàu còn được nâng cao nhờ mang theo một máy bay trực thăng hải quân Ka-28 (do Nga chế tạo) và các trang bị đi kèm.
Đây là con tàu hiện đại nhất trong đội tàu của Cảnh sát biển Việt Nam, có thiết kế theo chuẩn quốc tế, được đóng theo công nghệ của Tập đoàn DAMEN - Hà Lan và quy phạm đăng kiểm nước Anh.
 alt
Tàu CSB 8001 là tàu hiện đại nhất của lực lượng Cảnh sát biển chuẩn bị được đưa xuống nước - Ảnh: Thiên Bình
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh việc hạ thủy tàu Cảnh sát biển đa năng đánh dấu bước phát triển của cả lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; góp phần đưa lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tiến gần hơn trình độ lực lượng cảnh sát biển tiên tiến thế giới.
Tướng Cung yêu cầu thủy thủ đoàn tàu CBS 8001 nhận rõ trọng trách của mình khi được tiếp quản tàu cảnh sát biển trọng tải lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Ông cũng thúc giục các nhà máy quân đội đẩy nhanh việc tiếp nhận công nghệ đóng tàu hiện đại từ đối tác nước ngoài, đảm bảo năng lực đóng các tàu quân sự hiện đại trong tương lai gần.
alt
Cảnh sát biển Việt Nam
Được thành lập tháng 8.1998, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà  Việt Nam là thành viên trên các vùng biển  thềm lục địa của Việt Nam.
 alt
Sự hiện diện của cảnh sát biển tại Trường Sa là chỗ dựa cho ngư dân đánh bắt xa bờ
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang của Việt Nam, đặt dưới sự quản lý và điều hành trực tiếp của Bộ Quốc phòng.
Trong nội thủy, lãnh hải và vùng nước cảng biển của Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên để bảo vệ chủ quyền; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép và mua bán người, vận chuyển, mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý, tiền chất và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, vận chuyển trái phép và buôn bán người, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma tuý, tiền chất.
Ngoài việc thường xuyên tiến hành tuần tra kiểm soát các khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt nam, lực lượng CSB còn có nhiệm cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ ngư dân, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo và huấn luyện tác chiến trên biển. Lực lượng CSB là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân giữa biển khơi.
 alt
Máy bay tuần tiễu Casa-212-400.
Để lực lượng cảnh sát biển có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, trong những năm qua, Việt Nam đã quan tâm và tiến hành đầu tư đóng nhiều loại tàu tuần tra, mua sắm trang thiết bị hiện đại cho cảnh sát biển, kể cả loại máy bay hiện đại CASA - 212-400.
Casa 212-400 là máy bay cất hạ cánh ngắn được thiết kế cho nhiệm vụ vận tải, tuần tra trinh sát biển, có thể đạt tốc độ 370km/h, tầm bay gần 2.000km, có khả năng mang 500kg vũ khí.
Trường Sa ( tổng hợp theo báo chí quốc nội )

Không có nhận xét nào: