Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Những giờ phút cuối của Hội Nghị Trung Ương 6

“...Trong những giờ phút cuối cùng của hội nghị Trung ương 6, Bộ chính trị không thể trốn tránh trách nhiệm một lần nữa...” 

Chưa bao giờ trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam mà cuộc họp Hội nghị trung ương 6 lần này (1-15/10/2012) lại diễn ra vừa dài nhất (15 ngày) vừa trong không khí cực kỳ căng thẳng. Toàn bộ các đại biểu (200 ủy viên chính thức và 75 ủy viên dự khuyết) đều bị giám sát chặt chẽ bởi hàng rào an ninh của Tổng cục 2 và Bộ công an, không cho các đại biểu được liên lạc với bên ngoài. Hội nghị sẽ quyết định số phận của ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng đồng thời cũng quyết định số phận của đảng cộng sản trước cuộc đấu tranh sống còn của hai phe « phủ chúa » có tiền, quyền, tham nhũng (Nguyễn Tấn Dũng) và phe « cung vua » có danh nghĩa chỉnh đảng nhưng không có thực quyền (Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng).

Trước đó, 175 ủy viên trung ương đã nhận được bản kiểm điểm 313 trang nêu rõ những sai phạm của ông Dũng kể cả phần cuối có hình ảnh nhà thờ họ « hoành tráng » ở Rạch Giá.

Thực ra số phận của ông Dũng đã « chỉ mành treo chuông » kể từ khi Bộ chính trị quyết định (10/14 thăm) (1) cùng với Ủy ban trung ương đảng cất chức Trưởng ban phòng chống tham nhũng để giao cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị Trung ương 4. Nhưng ông Dũng đã phản công khi đưa ra khó khăn trong việc thực hiện để vẫn tiếp tục cầm đầu ủy ban này cho đến nay. Đây là một đòn làm mất mặt đảng mà phải chờ đến hội nghị trung ương 6 giải quyết.

Khi hội nghị trung ương ương 4 về chỉnh đảng đưa ra quyết định kiểm điểm « tự phê và phê » trong toàn đảng mà trước hết là Bộ chính trị và Ban bí thư trung ương thì vòng vây đã thắt chặt ông Dũng. Trong lần đầu Bộ chính trị và Ban bí thư kiểm điểm 12 ngày vào tháng 8/2012, ông Dũng đã bị « quay » gần 2 ngày. Tất nhiên người quay mạnh nhất là ông Trương Tấn Sang, người có tham vọng thay thế Nguyễn Tấn Dũng từ lâu. Ông đã đưa ra những công kích gần như công khai khi nói đến người bao che cho bầy sâu tham nhũng và hình thức chế tài đối với những quyết định sai lầm nghiêm trọng (vụ Vinashin, Vinalines làm thất thoát 4 tỷ USD). Ông Tô Huy Rứa cũng a dua hùa theo, chứng tỏ ông ta đã chọn lựa phe nào trong 2 phe. Ông Rứa cũng có vấn đề (con gái mới trên 20 tuổi mà cầm đầu một cơ sở kinh doanh lớn) nhưng ông Dũng thì nặng tội hơn vì cô con gái rượu Nguyễn Thanh Phượng. Theo tin tức của Quan làm báo, Dương Chí Dũng có quan hệ làm ăn với Nguyễn Thanh Phượng và có thu âm trao đổi hứa hẹn của bà Phượng về sự can thiệp của cha mình. Dương Chí Dũng đã bị áp giải ra Hà Nội và có thể là một nhân chứng trong hội nghị trung ương 6.

Những sai phạm của ông Dũng thì phần lớn đã được nêu lên trên trang mạng Quan làm báo mà số lượt người xem đã lên đến 23 triệu. Việc trang mạng này bị tấn công chiếm địa chỉ trong một thời gian ngắn (ngày 9/10/2012) để đưa lên một bài đổ cho bà cựu dân biểu Đặng Thị Hoàng Yến là chủ của trang mạng Quan làm báo (mà không đưa ra chứng cứ cụ thể, chủ yếu chỉ nói đến đời tư và hăm dọa) là một đòn hạ cấp mà Quan làm báo đã chỉ ra ai là người đứng sau. Bà Yến trước đó đã phủ nhận tin đồn này trên BBC. Bà được coi là thân cận với ông Trương Tấn Sang (cùng quê Long An) giống như người em là dân biểu Đặng Thành Tâm đang bị chĩa mũi dùi và tị nạn tại Nhật. Đây cũng là một đòn phản công của phe Nguyễn Tấn Dũng trước giờ Ủy ban trung ương đảng quyết định số phận nhưng lại có phản tác dụng.


Đại hội toàn quốc ĐCS VN lần thứ 11
tại Hà Nội vào ngày 19 tháng 1 năm 2011

Hình AFP
Nói tóm gọn, hai tội chính của ông Dũng là :
  • Bản thân tham nhũng và làm gia tăng tham nhũng mà lại dám tuyên bố « nếu không diệt được tham nhũng tôi sẽ từ chức ». Chủ yếu ông Dũng đã thu được một số vàng lớn trong việc ra đi bán chính thức của người Hoa khi ông làm Trưởng ty công an Kiên giang (ông chỉ giao 2/3 số vàng cho trung ương). Thời gian ông làm thủ tướng thì nguồn tham nhũng có rất nhiều, chủ yếu qua các cơ sở kinh doanh (taxi, khách sạn..) chưa kể nhận hối lộ hàng chục triệu để các cơ sở kinh doanh được ông tới thăm hay tiền mà các người được bổ nhiệm đóng góp. Chúng tôi được biết thỉnh thoảng có người thân cận được ông ủy thác chuyển tiền sang các ngân hàng Thụy Sĩ và Mỹ. Số lượng chắc chắn là rất lớn.
  • Độc quyền, thu về một mối và đưa ra những quyết định làm nền kinh tế suy sụp nặng nề, ngân sách vượt 30% con số được Quốc hội cho phép. Tạo ra những tập đoàn và một hình thức điều hành theo kiểu « lợi ích chéo » đưa đến lỗ lã lớn lao và làm rối loạn hệ thống ngân hàng với khối lượng nợ xấu kỷ lục. Tạo ra một nhóm lợi ích tham nhũng và lũng đoạn nền kinh tế, tài chính cho đến khi chẳng đăng đừng mới hy sinh(trường hợp « bầu Kiên », Dương Chí Dũng…).
Theo tin tin tức chúng tôi nhận được vào lúc viết bài này (11/10), trang mạng Cầu nhật tân cho biết hội nghị đã tiến hành xong phần quan trọng nhất của chương trình nghị sự : Ban Chấp hành Trung ương cơ bản nhất trí với nội dung thẩm tra mà Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương về trường hợp của ông Dũng. Trên cơ sở này, Ban Chấp hành đề nghị Bộ Chính trị ra kết luận cuối cùng về hình thức kỷ luật ông Dũng trước khi bế mạc hội nghị.

Theo một nguồn tin khác của RFA, ông Dũng chỉ đạt được 40/175 phiếu tín nhiệm và giao cho Bộ chính trị quyết định cuối cùng.

Như vậy, số phận ông Dũng giờ đây nằm trong tay Bộ chính trị.

Trong phiên họp của Bộ chính trị ngày 7/10/2012 bên lề hội nghị trung ương 6, ông Dũng đã nhận mọi khuyết điểm nhưng xin được ở lại để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên ông chỉ nhận được 4 phiếu ủng hộ trên 14 thăm. Theo trang mạng Quan làm báo, 4 thăm ủng hộ là: Nguyễn Tấn Dũng ( ! ), Lê Hồng Anh (Bí thư thường trực, cựu  bộ trưởng Bộ công an, người cùng quê Kiên Giang với ông Dũng và đã cứu ông Dũng để bản kiểm điểm không có phần kết luận của Bộ chính trị), Lê Thanh Hải và Đinh Thế Huynh.

Nếu những tin mà Quan làm báo đã đưa ra là đúng thì ông Dũng sẽ phải ra đi (cho đến ngày 7/10/2012).  Nhưng với quyết định của Ban chấp hành trung ương, Bộ chính trị sẽ phải họp lần cuối cùng để đưa ra biện pháp chế tài đối với ông Dũng. Như vậy là Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị đã đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Liệu trong những giờ cuối cùng, ông Dũng có thể đưa ra một « bùa phép » nào để đảo ngược tình hình hay ít ra chấp nhận hoãn thay thế cho đến sau Tết. Một giải pháp « thoả hiệp » như vậy sẽ là một thất bại nhục nhã của phe chỉnh đảng với những hậu quả là đảng sẽ càng phân hoá và sớm tự hủy diệt.

« Bùa phép » mà ông Dũng có thể sử dụng là sự ủng hộ của Tập Cận Bình. Trong chuyến đi Quảng Tây trước khi hội nghị nhóm họp, theo tin của Quan làm báo (chưa thể kiểm chứng), ông Dũng đã trình bày với Tập Cận Bình là “Nhân dân Việt Nam luôn « tôn thờ » thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi sẽ chịu trách nhiệm trước các đồng chí anh em Trung Quốc để biến các nguyện ước của cố thủ tướng thành hiện thực”. Nói vắn tắt, công hàm của ông Đồng sẽ được tôn trọng và Hoàng Sa, Trường Sa sẽ mặc thị thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Quan làm báo còn cho biết trước đó, tướng Nguyễn Văn Hưởng, cố vấn an ninh của ông Dũng đã có cuộc họp mật với người đứng đầu cơ quan tình báo Trung Nam Hải. Trong cuộc họp, ông Hưởng yêu cầu Trung Quốc làm áp lực để ông Dũng không bị bãi miễn đợt này. Đổi lại, ông Dũng sẽ thực hiện toàn diện quan điểm của “người anh em Trung Quốc”.
Sự can thiệp của Trung Quốc là điều luôn luôn xảy ra đối với các kỳ họp quan trọng của đảng cộng sản Việt Nam.

Được biết ngày 2/10, trong khi hội nghị đang nhóm họp, đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu có đến gặp phó Thủ tướng kiêm ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Xuân Phúc. Người ta có quyền nghi ngờ là sau chuyến đi của ông Dũng, phía Trung Quốc đã có một « thông điệp » cho Bộ chính trị liên quan đến kỳ họp đặc biệt quan trọng này. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trong bài viết đăng trên mạng Boxitvietnam được BBC đăng tải (2), cho biết Trung Quốc đã hoàn toàn thao túng chính trường Việt Nam kể từ nhiệm kỳ của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh qua vụ tự tiện cho Trung Quốc khai thác bô-xit. Ông cũng nghi ngờ về hệ quả chuyến đi Trung Quốc của ông Dũng với cuộc gặp gỡ của đại sứ Trung Quốc và ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông đặt vấn đề: nếu có áp lực của Tập Cận Bình thì phải theo ý kiến này hay ý kiến của Ban chấp hành trung ương và theo ý dân.

Để biết thêm về ảnh hưởng của Trung Quốc trong nội bộ giới lãnh đạo, chúng ta cần nêu lên 65 đơn tố cáo Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng và Hoàng Trung Hải của kỹ sư Lê Anh Hùng đã được Thông Luận đăng tải (3). Ông Lê Anh Hùng đã đưa ra chứng cứ cụ thể về trường hợp ông Hoàng Trung Hải (hiện là Phó thủ tướng) đã tổ chức đường dây ma túy tại tổng công ty may Việt Tiến và lôi kéo vợ ông tham gia. Ngoài ra, ông cho biết ông Hải mặc dù đã được Ủy ban thẩm tra nội bộ xác nhận là man khai lý lịch (gốc Hoa) nhưng được ông Nông Đức Mạnh và Phan Diễn che chở (do mua chuộc và do sợ Trung Quốc) nên hồ sơ được khép lại. Ông Hải vẫn tiếp tục thăng tiến lên Phó thủ tướng mặc dù ông Dũng đã biết rõ sự việc.Theo ông Hùng, ông Hải đã cho thu hình ông Dũng « hãm hiếp gái vị thành niên » để làm « săng ta ».  Lá đơn tố cáo này được xác nhận và bổ xung qua thư tố cáo ngày 5/8/2012 của ông Phạm Hiện (4). Ông Lê Anh Hùng cho rằng ông Hoàng Trung Hải đã bỏ tiền ra mua chuộc nhiều quan chức lãnh đạo và có chỉ dấu cho thấy ông Hoàng Trung Hải là người của cơ quan tình báo Trung Nam Hải, là con ngựa thành Troie trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam. Người ta tự hỏi tại sao trong kỳ họp kiểm điểm, Ủy ban kiểm tra không cứu xét các đơn tố cáo nêu trên và đưa ra kết luận. Chúng tôi cho rằng vụ « đơn tố cáo của Lê Anh Hùng và Phạm Hiện » có tầm quan trọng như « vụ án Tổng cục 2 » mà cho đến nay đã bị cho « chìm xuồng » và bản thân ông Nguyễn Chí Vịnh vẫn tiếp tục thăng tiến.

Trong những giờ phút cuối cùng của hội nghị Trung ương 6, Bộ chính trị không thể trốn tránh trách nhiệm một lần nữa. Tùy theo giải pháp kỷ luật dành cho ông Dũng, chúng ta sẽ biết liệu đảng cộng sản có thể tạm thời tránh khỏi một sự tan rã đã có sẵn hay không ?
Rennes 13/10/2012
 
Tiến Hồng
----------------
 (1)  Trong 4 thăm chống, Quan làm báo cho biết : Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh (người Kiên Giang, thường trực Ban bí thư, người đã can thiệp để Bộ chính trị không đưa ra kết luận trong bản kiểm điểm ông Dũng, Lê Thanh Hải và Đinh Thế Huynh. Như vậy, phe « phủ chúa » của Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn thiểu số so với phe « cung Vua » của Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng. 
(2)  « Đừng để Trung Quốc can thiệp vào nội bộ Đảng ». BBC. 7/10/2012.
(3)  « Nhật ký Lê Anh Hùng » (Nhật Ký Lê Anh Hùng). Thông Luận. 13/12/2011.
(4) « Một phó thủ tướng gốc Hoa man khai lý lịch ». Phạm Hiện. Thông Luận. 10/8/2012.

Không có nhận xét nào: