Pages

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Rùng rợn chuyện ám sát trong dòng tộc họ Bạc

SGTT.VN - Trong hai cuộc phỏng vấn mới đây của bà Lý Đan Vũ, 62 tuổi, vợ cũ của ông Bạc Hi Lai, những câu chuyện đã được kể ra một cách chi tiết cho thấy một gia đạo họ Bạc rối ren với những nghi kỵ về việc đầu độc nhau.

Bạc Hy Lai và Lý Đan Vũ thời còn yêu nhau và chưa kết hôn. Ảnh: NY Times

Vài tháng trước khi thất thế, Bạc Hi Lai gọi anh trai của vợ cũ là Lý Tiểu Tuệ đến nơi làm việc của ông ở phía Tây Nam thành phố Trùng Khánh. Ông Bạc, khi đó là bí thư thành ủy, chỉ vào đống giấy tờ và nói rằng ông có các báo cáo cho thấy vẫn có người âm mưu đầu độc vợ ông, bà Cốc Khai Lai. Và ông gọi một người đàn ông khác vào phòng và yêu cầu người này tắt điện thoại. Đó chính là Lý Vọng Tri, cũng là Bạc Vọng Tri, con trai của ông Bạc với vợ cũ, người bị nghi ngờ là kẻ tổ chức âm mưu đầu độc.

Lý Vọng Tri còn được biết đến với tên Brendan Li, tốt nghiệp đại học Columbia của Mỹ và đang làm việc trong ngành tài chính ở Bắc Kinh. “Chuyện này có thật không?”, ông Bạc gắt lên. Chỉ khi Lý Tiểu Tuệ cam đoan rằng hoàn toàn không biết gì về âm mưu đầu độc, ông Bạc mới có vẻ dịu xuống. Ngoài lời kể của bà Lý Đan Vũ, việc này được một người thân khác trong gia đình bà Lý xác nhận.

Những ngày xưa

Cho đến trước khi thất thế, ông Bạc Hi Lai, 63 tuổi, được xem là ứng viên sáng giá thay thế ông Hồ Cẩm Đào ở vị trí Chủ tịch nước. Nhưng khả năng này đã bị xóa tan khi ông Bạc bị bắt giam vào đầu năm nay. Vào ngày 28.9, đảng Cộng sản Trung Quốc khai trừ ông Bạc và truy tố ông một loạt tội danh. Bà Cốc, 53 tuổi, trước đó đã bị kết án giết hại doanh nhân người Anh, Neil Heywood, và động cơ theo lời khai của bà Cốc là vì nghĩ rằng ông này là mối đe dọa đối với con trai bà.

Những câu chuyện ít ai biết đến về gia đình học Bạc được bà Lý Đan Vũ kể lại chi tiết trong hai cuộc phỏng vấn mới đây cho thấy đố kỵ và nghi kỵ - những thứ là chất xúc tác xuất hiện trong các cuộc biến động quyền lực của lịch sử Trung Quốc - xuất hiện bên trong các gia đình quyền thế Trung Quốc ngày nay, đặc biệt trong những gia đình ganh đua các vị trí lãnh đạo.

Theo bà Lý, ông Bạc Hi Lai thời trẻ là một người sống có lý tưởng và tôn thờ chủ nghĩa cộng sản: “Thứ mà ông ấy làm nhiều là đọc những tác phẩm tuyển chọn của Marx và Lenin. Ông ấy là một tranh niên đơn giản và cấp tiến”. Lý Đan Vũ và Bạc Hi Lai là con của các gia đình quyền thế. Trong thời kỳ Cách mạng tư sản, cha ông Bạc từng bị thanh trừng còn chính ông bị đi tù. Khi gặp và yêu bà Lý vào năm 1975, Ông Bạc vừa mãn hạn tù và đang làm việc tại một nhà máy. Gia đình bà Lý cũng đối mặt với sóng gió của Cách mạng tư sản, và khi đó bà đang làm bác sỹ quân đội. “Chúng tôi tin rằng chúng tôi cần cứu phần còn lại của thế giới khỏi địa ngục của chủ nghĩa tư bản”, bà Lý kể với một nỗi tiếc nuối cho những ngày xưa. Vì công việc, hai người sống ở hai thành phố, nhưng cách ba ngày lại viết thư cho nhau một lần, đến tháng 9.1976 họ cưới nhau và sinh con trai vào năm 1977. Bà Lý kể, ông Bạc vào học ở đại học Bắc Kinh, cố gắng đọc tám trang tiếng Anh mỗi ngày từ những quyển sách mượn ở thư viện, và nói với vợ rằng: “Trung Quốc cuối cùng sẽ mở cửa với thế giới, vì vậy chúng ta phải học”.

Cũng theo bà Lý, cả hai đã dời đến Trung Nam Hải, nơi ở của các lãnh đạo Bắc Kinh, sau khi cha ông Bạc trở thành phó Thủ tướng. Nhưng ông Bạc không có tham vọng gia nhập hàng ngũ lãnh đạo, ông chuyển từ học lịch sử sang học báo chí. Mối quan hệ của hai người có dấu hiệu kết thúc vào giữa năm 1981, khi con trai của họ vừa tròn bốn tuổi. Ông Bạc đã khiến bà Lý ngạc nhiên khi đề nghị li dị và nói với bà rằng: “Anh không còn tình cảm gì cho em nữa”. Bà Lý đã từ chối ly hôn dù sau đó tự chuyển ra khỏi Trung Nam Hải. Thủ tục chỉ được hoàn tất ở tòa án vào năm 1984. Trong một quyển sách tự thuật, vợ sau của ông Bạc Hi Lai là Cốc Khai Lai kể rằng bà gặp ông Bạc cũng vào năm 1984 tại Đại Liên. Nhưng bà Lý nói rằng ông Bạc có thể đã gặp gỡ bí mật bà Cốc khi cả hai học ở đại học Bắc Kinh, khi ông Bạc vẫn đang có vợ. Để ngăn chặn việc ly hôn, bà Lý từng báo cáo với các quan chức rằng bà Cốc đã phá hủy gia đình bà. Trong các cuộc phỏng vấn, bà Lý nói rằng bà Cốc đã có các hành động đe dọa nếu bà Lý không chịu ly hôn.

Những mưu đồ hãm hại

Chính trong các cuộc phỏng vấn gần đây, bà Lý Đan Vũ nói rằng dù giữa bà và bà Cốc có một thời gian dài thù hằn nhau, nhưng con trai bà không bao giờ âm mưu giết bà Cốc. Dù không có bằng chứng gì, bà Lý vẫn nói rằng bà nghi rằng Cốc thị là người đã đổ tội cho Lý Vọng Tri về vụ đầu độc. Bà Lý luôn lo sợ bà Cốc có âm mưu bắt giam hay làm hại Lý Vọng Tri: “Bà ấy có thể hoang tưởng đến như thế. Nhưng về phần chồng cũ, bà Lý nói rằng, ông là người “tốt tính và không muốn tin vào các bằng chứng này”.

Mạng lưới phức tạp giữa các gia đình cho thấy bản chất cô lập của “quý tộc đỏ” Trung Quốc. Anh trai bà Lý là Lý Tiểu Tuệ kết hôn với Cốc Đan - chị của Cốc Khai Lai. Chính Lý Tiểu Tuệ là người đã gặp Bạc Hi Lai tại Trùng Khánh vào tháng 10.2011, vài tuần trước khi ông Heywood chết. Một luật sư cùng liên danh trong công ty luật của bà Cốc và không có mối liên hệ nào với bà Lý Đan Vũ, cho biết rằng bà Cốc và các thành viên gia đình bà Cốc đều tin rằng bà bị đầu độc bằng một chất kim loại nặng từ nhiều năm trước. Cũng theo ông Lý thì chứng run tay của bà Cốc mà ai cũng thấy trong phiên tòa hồi tháng 8.2012 vừa rồi là hậu quả của vụ đầu độc, và bà Cốc từng phải tập đan len theo lời khuyên của bác sĩ như một cách luyện tập để kiểm soát cơ bàn tay.

Nhiều người thân cận với gia đình họ Bạc nói rằng họ có nghe nói việc bà Cốc từng bị đầu độc, và rằng có sự hoang tưởng cực độ trong gia đình này những năm gần đây. Nhưng ba người bạn giấu tên của gia đình Bạc nói rằng họ không tin rằng bà Cốc đã thêu dệt các chứng cứ để vu cho Lý Vọng Tri đầu độc bà, và rằng Lý Đan Vũ – người từ lâu kình địch với bà Cốc – chính là kẻ đã tiến hành nhiều vụ tấn công ông Bạc bà Cốc để làm cả hai mất thể diện.

Về phần mình, bà Lý nói rằng “cuối cùng bà cũng có đủ dũng khí để kể câu chuyện của mình”, và giờ đây bà cùng con trai đang chờ đợi bản án dành cho ông Bạc. “Trong những năm xa xưa ấy, đó là một tình yêu trong sáng. Dù ông ấy không gặp tôi trong 30 năm qua, tôi đã quên những gì tồi tệ và chỉ còn nhớ những điều tốt đẹp. Anh không muốn sống với sự thù ghét”, bà Lý nói.

Trà Sương

(New York Times)

Không có nhận xét nào: