Pages

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

’Tham nhũng nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội’


Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Tranh luận về 3 ‘mô hình’ Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng / ‘Có tiêu cực trong hoạt động thanh tra’
Sáng 22/10, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012. Theo đó, tuy đạt được kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác này chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”.
“Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”, ông Tranh nói.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: N.H.
Nhiều nhược điểm cụ thể của công tác phòng, chống tham nhũng được Tổng thanh tra Chính phủ nhắc đến như việc minh bạch về tài sản, thu nhập hiệu quả thấp trong khi xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao…
Để làm tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2013, người đứng đầu ngành Thanh tra nêu ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể: cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; các quy định về một số biện pháp phòng ngừa khác để nâng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng; xóa bỏ tình trạng “xin, cho”, trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng – ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công…; chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương.
Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2012, các cơ quan thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản hơn 130 tỷ đồng. Cảnh sát điều tra tội phạm đã thụ lý 337 vụ án với hơn 800 bị can về các tội danh tham nhũng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng.
Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 8.000 tỷ đồng và hơn 2.600 ha đất (đã thu hồi được 2.334 tỷ đồng); kiến nghị xử lý hành chính 520 tập thể, 899 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ, 41 người. Trong năm 2012, đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, năm 2012, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã tăng cả về số vụ và số người phạm tội nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít.
“Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương trong năm qua gia tăng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả”, ông Hiện nói và cho biết, việc xử lý một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp vẫn bị kéo dài.
Trên thực tế, một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân.
“Thực trạng xử lý chưa nghiêm minh đối với một số vụ án có biểu hiện tham nhũng hiện nay đã gây bất bình, bức xúc, chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phóng chống tham nhũng. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm”, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhấn mạnh.
Theo ông Hiện, báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt hoặc chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng; những lĩnh vực, ngành còn để xảy ra nhiều tham nhũng, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng và phương hướng phòng, chống, các giải pháp có tính đột phá để tăng cường hiệu quả công tác này.
“Một trong những nguyên nhân quan trọng của tệ nạn tham nhũng hiện nay là tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức của không ít cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó một số cán bộ là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích, hình thức vẫn còn nặng nề, nên không ít người đứng đầu vẫn còn có biểu hiện ngại đấu tranh với hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức do mình quản lý”, ông Hiện nói và cho rằng, những nguyên nhân trên cần được đánh giá làm rõ để tìm ra giải pháp khắc phục cụ thể, hiệu quả.
Nguyễn Hưng

Không có nhận xét nào: