Pages

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Tiền tệ, ngân hàng: Rối… hơn canh hẹ?



Trước hết là những diễn biến trái chiều nhưng không có ai giải thích hoặc không giải thích được. Lãi suất huy động đang trở lại 11- 12%/năm (bán chính thức) cho thời hạn dưới 12 tháng và 13% (chính thức) cho thời hạn 13 tháng trở lên. Và, lãi suất cho vay sẽ “nóng” trở lại. Vì sao có hiện tượng đó? Thông thường, lãi suất huy động chỉ tăng lên khi các ngân hàng thương mại (NHTM) có nguy cơ mất thanh khoản.
Song, theo nhiều nguồn tin, các NHTM lại đang… thừa tiền, tăng trưởng tín dụng rất thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, do CPI tháng 9 tăng đột ngột làm cho lãi suất huy động tăng theo cũng không hoàn toàn đúng vì lãi suất huy động đã “âm thầm” tăng từ giữa tháng 8 vừa qua.

Thực tế, các NHTM hiện nay không “thừa tiền” vì đã “rót hết” vào các DN sân sau với lãi suất thấp. Vì vậy, các NHTM buộc phải hút tiền gửi bằng “phá rào” lãi suất huy động, phải cho vay với lãi suất cao để bù đắp phần “thiệt hại” từ khoản cho vay các DN sân sau. Điều đó có đúng không? Các DN sân sau là những DN nào? Ngân hàng Nhà nước có nắm được không?
Biên độ lãi suất (NIM) 6% hiện nay với các NHTM Việt Nam được coi là rất cao trong hệ thống ngân hàng hiện đại. Điều đó dẫn đến nghịch lý là các DN trong sản xuất, kinh doanh “cứ chết” còn các NHTM thì vẫn… lãi khủng, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có văn bản quy định NIM chỉ được phép là 3%. Quy định này có được kiểm tra, giám sát? Và đến nay nó có còn hiệu lực?
Lại cũng có ý kiến khẳng định rằng, lãi của các NHTM đã công bố chỉ là… ảo! Các NHTM có hai hệ thống sổ sách, số thật chỉ có… vài ba ông chủ được biết. Sự thật về lãi, lỗ của các NHTM như thế nào? Nếu thực sự bị lỗ nhưng lại công bố là lãi khủng thì điều gì sẽ xảy ra khi sự thật không thể tiếp tục bưng bít được nữa?
Các chuyên gia tài chính, ngân hàng ở trong nước và quốc tế đều cho rằng, sở hữu chéo ngân hàng ở Việt Nam hiện nay là rất nghiêm trọng, tạo điều kiện cho các hành vi thao túng, lũng đoạn và thôn tính ngân hàng bất hợp pháp (qua việc lập các công ty con, phát hành tín phiếu nợ để mua cổ phiếu ngân hàng, rồi dùng cổ phiếu thế chấp để vay nợ ngân hàng và trả lại tiền vay tín phiếu…).
Sở hữu chéo gây ra khó khăn lớn trong việc định lượng nợ xấu và chương trình tái cấu trúc. Có hay không tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NHTM? Điều đó sẽ được xử lý như thế nào và bao giờ sẽ xử lý?
Cuối cùng là vấn đề nợ xấu. Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nợ xấu. Báo chí cũng tốn khá nhiều giấy mực viết về nợ xấu của NHTM. Đã có nhiều con số cả tỷ lệ và số tuyệt đối về nợ xấu được công bố. Song, số nào là đúng? Nguyên nhân của “cục nợ xấu” ấy là gì? Sẽ giải quyết như thế nào? Câu chuyện về nợ xấu của NHTM dường như đã “chìm xuồng” và những câu hỏi trên không biết ai có trách nhiệm trả lời?
Sự minh bạch về chính sách tiền tệ nói chung và hoạt động của hệ thống NHTM có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Ngân hàng Nhà nước đã có một Đề án tái cấu trúc hệ thống NHTM. Đề án đó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại sao vẫn còn tình trạng “rối hơn… canh hẹ” trong chính sách tiền tệ, ngân hàng? Đã đến lúc không thể để tình trạng đó kéo dài, gây ra những thảm họa cho nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Các chuyên gia về tài chính, ngân hàng ở trong nước và quốc tế đều cho rằng, sở hữu chéo ngân hàng ở Việt Nam hiện nay là rất nghiêm trọng, tạo điều kiện cho các hành vi thao túng, lũng đoạn và thôn tính ngân hàng bất hợp pháp.
Theo Công Thương

Không có nhận xét nào: