Pages

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

TRỞ LẠI CƠ CHẾ BỘ CHỦ QUẢN?


Nguyễn Quang A, theo Dân Việt
Cơ chế bộ chủ quản là gì? Nôm na là, một bộ thực hiện vai trò chủ sở hữu và quản lý doanh nghiệp trực thuộc của mình.
Ngày 2.10, Thủ tướng ký Quyết định số 1428 kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, thường được gọi là Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam. Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng thành lập Tổng Công ty Sông Đà và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị trên cơ sở tổ chức lại các công ty mẹ và các đơn vị thành viên của 2 tập đoàn trên.

Đây là thừa nhận sự thất bại đã được báo trước của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, là sự quay trở lại với cơ chế bộ chủ quản đã bị phê phán từ lâu trước khi có thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước (từ cuối 2005).
Cơ chế bộ chủ quản là gì? Nôm na là, một bộ thực hiện vai trò chủ sở hữu và quản lý doanh nghiệp trực thuộc của mình. Nội dung chính của “sự chủ quản” là quyết định thành lập, giải thể, thông qua phương án tổ chức, thông qua điều lệ, bổ nhiệm và miễn nhiệm các quan chức của doanh nghiệp, quyết định hay chuẩn y chiến lược kinh doanh, quyết định hay chuẩn y các dự án lớn của doanh nghiệp đó. Đây là một cơ chế hoạt động không hiệu quả và bị phê phán.
Rồi người ta nghĩ ra mô hình “Tập đoàn kinh tế nhà nước”. Do không có khung pháp lý nào cho việc hình thành các tập đoàn nên người ta phải gọi là “thí điểm”. Đã là “thí điểm” thì ở mức độ nào đó cho phép sự “xé rào” để làm và rút kinh nghiệm.
Ngày 26.12.2005, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam được “thí điểm thành lập”, rồi đến VNPT vào đầu 2006. Từ đó đến nay tổng cộng đã có 13 tập đoàn kinh tế nhà nước được “thí điểm” thành lập và chúng chiếm phần đáng kể (có lẽ đến 40-50%) của tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Và với quy mô ấy không thể gọi là thí điểm được nữa. Với Quyết định 1428, số tập đoàn kinh tế nhà nước còn 11 và dự kiến sẽ chỉ còn 5-6 tập đoàn. Như thế tổng cộng sẽ có 7-8 tập đoàn được trả về cho cơ chế bộ chủ quản.
Ai chủ quản các tập đoàn? Hiểu theo nghĩa nêu trên, từ việc quyết định thành lập, bổ nhiệm, bãi nhiệm… thì những quyền “chủ quản” ấy thuộc về Thủ tướng. Chính vì thế có thể nói mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động theo cơ chế “Thủ tướng chủ quản” là không sai.
Cả cơ chế bộ chủ quản lẫn cơ chế Thủ tướng chủ quản đều không hữu hiệu. Vẫn là cơ quan hành pháp đi làm kinh tế, vẫn không giải quyết được vấn đề khuyến khích cơ bản của doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nếu: (a) Không đối mặt với cạnh tranh, và (b) Nếu có ràng buộc ngân sách mềm (được ưu ái về vốn, về tín dụng, đất đai, nếu khó khăn được cứu giúp). Tất nhiên nếu có cạnh tranh và có ràng buộc ngân sách cứng thì doanh nghiệp vẫn có thể thất bại nếu các điều kiện chủ quan không tốt như quản lý kém, chiến lược sai lầm… Nhưng nếu điều kiện bên ngoài đó khiến chúng không phải cạnh tranh và có ràng buộc ngân sách mềm thì nhất thiết chúng không hoạt động hiệu quả. Đấy là lý do chính của sự thất bại đã được báo trước của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổng công ty nhà nước. Bộ chủ quản hay Thủ tướng chủ quản đều không ổn.
Giải pháp triệt để hơn phải là: (1) Với tuyệt đại đa số các doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không nên giữ thì phải tư nhân hóa triệt để; (2) Số ít doanh nghiệp nhà nước còn lại do một công ty quản lý tài sản quốc gia thực hiện vai trò chủ sở hữu; (3) Chính sách của Nhà nước phải tạo ra môi trường buộc chúng phải cạnh tranh và buộc chúng đối mặt với ràng buộc ngân sách cứng.
Đấy là những cách khả dĩ nhất để giải quyết những vấn đề nan giải của các doanh nghiệp nhà nước. Cơ chế Thủ tướng chủ quản và bộ chủ quản đã và sẽ còn thất bại nếu không thay đổi tư duy triệt để về kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Không có nhận xét nào: