Pages

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

TT Ngô Đình Diệm hiền từ như con chiên bị dẫn đem đi giết


Lm Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh

Đây là Chiên Thiên Chúa
Chiên Thiên Chúa là ai? Trước khi thánh Gioan rửa tội cho Đức Chúa Giêsu, thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu và tuyên xưng cho mọi người biết, Ngài là ai: „Đây, Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian!“ (Gioan 1, 19). Lời giới thiệu này chứng tỏ thánh Gioan biết Chúa Giêsu là ai, và cũng bộc lộ ý thức sứ mệnh tiền hô của mình, đối với ai.
Hình ảnh con chiên không hề xuất hiện trong văn chương và dân gian Việt Nam. Trái lại, hình ảnh mười hai con Giáp thì lúc nào cũng sẵn trong nền văn học Việt nam chúng ta. Biểu tượng là một ý nghĩa của một sự vật. Ví dụ, chim bồ câu biểu tượng hòa bình; chó là sự trung thành. Trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nhiều binh chủng đã chọn những con vật rất anh dũng, mạnh mẽ kiêu hùng, để đặt tên cho binh chủng mình, chẳng hạn như "Đại bàng", "Báo đen", "Sư tử hùng", „Lưu Hổ“, „Ó đen“, „Diều hâu“ vân vân.

Hình ảnh con chiên gợi lên sự hiền lành, dễ dạy, thậm chí có vẻ quá yếu đuối và dễ bị „làm thịt“. Đúng vậy, Ðức Chúa Giêsu, cư xử hiền lành như con chiên bị đem đi giết mà không một lời oán trách thở than. Chính với thái độ vâng phục hiền lành đó, với thái độ "yếu đuối" đó, máu Ngài đổ ra để gánh lấy mọi tội lụy trần gian. Ngài tẩy rửa tất cả nhân loại bằng tình yêu và lòng thương xót.
Đáng tiếc, "con người là chó sói với nhau". Họ cấu xé nhau, như sói đói, chỉ vì lòng ghen tị độc ác và kiêu ngạo. Đó cũng chính là bản án của con người tự tìm lấy cho chính mình. Bởi, khi con người ganh tương tranh dành cấu xé nhau, thì gia đình trở thành địa ngục, xã hội trở thành hận thù, quốc gia trở thành chiến trường và nhân loại thành hỏa ngục. Phải chăng chính hình ảnh con chiên hiền lành của Ðức Chúa Giêsu Kitô cũng phải trở nên một biểu tượng cho hòa bình, cho tình thân ái, cho lòng bao dung mà mọi người phải thể hiện trong xã hội loài người?

Mỗi năm, người Do thái mừng Lễ Vượt Qua, ăn thịt chiên. Lý do, vì họ muốn luôn hồi tưởng ơn Cứu Độ, mà Thiên Chúa đã cứu họ thoát khỏi ách nô lệ ở Ai-Cập. Cũng tương tự giống vậy theo chiều hướng khác. Cứ tháng mười một về, nhắc nhở chúng ta nghĩ đến một giai đoạn đen tối trong lịch sử Việt Nam, vị Tổng Thống đầu tiên của miền Nam tự do, vị khai sáng thể chế Đệ Nhất Cộng Hòa là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị thảm sát cùng bào đệ Ngô Đình Nhu trong cuộc đảo chánh ngày 2-11-1963. Tưởng nhớ những người có công lập quốc, xây dựng quốc gia không nhằm gây hận thù, nhưng chúng ta cùng nhau, không phân biệt tôn giáo, những người yêu chuộng Công lý sự thật và bênh vực lẽ phải, nêu gương cao Tinh Thần Bất Khuất Của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm để ghi Ơn, tưởng niệm nhà ái quốc tài cao đức độ, đã hy sinh cho đất nước. Nhờ qua đó, chúng ta kêu gọi tinh thần đoàn kết của toàn dân trong công cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, lãnh thổ quốc gia toàn vẹn.

Khi chúng ta thắp nén hương cầu nguyện cho Ngài, là chúng ta tưởng nhớ đến vong thân của một vị Tổng thống đã có công với đất nước, một vị hiền tài nhân đức muốn cứu dân tộc thoát khỏi manh vuốt sói của Cộng sản. Tưởng nhớ Tổng thống Ngô Đình Diệm gợi lên trong tâm trí chúng ta một thánh nhân đã bị thảm sát vì mộng thống trị vô thần Cộng sản.
Một vị cứu tinh dân tộc đã bị đem giết đi, như chiên tế thần cho Việt Cộng. Tổng Thống Diệm sẵn sàng NỘP mạng cho quân dữ vì hy sinh lý tưởng bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ nhân phẩm giá trị con người. Để bào chữa và chạy tội cho hành động sát nhân. Kẻ thù đưa ra những luận điệu thất nhân thất đức để sát hại. Khi kẻ không ưa thì dưa có dòi. Ai không „ưa“ Tổng thống Diệm? Thưa, có bốn loại: a. Loại ham danh háo lợi, loại bị qủy ám hóa thành kẻ sát nhân. b. Kẻ thân/thiên/theo Cộng, c. Loại ganh tị ghen ghét điêu ngoa một cách độc đoán mù quáng, và cuối cùng là thành phần „chúng không biết hành vi chúng làm“, loại vô tri bất mộ.
Tổng thống Diệm chỉ lo quan tâm phục vụ cho đất nước, nhằm thăng tiến con người. Nhục thay, Ngài lại là nạn nhân của những kẻ bất tín hàm ơn.

Nếu khắp nơi, từ trong nước ra hải ngoại gióng lên Phong Trào Hoài Ngô, không phân biệt tôn giáo, là điều quan trọng cần thiết và trân qúy. Vì sao? Vì chúng ta muốn kêu gọi tinh thần đoàn kết của toàn dân trong công cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do và một nước dân chủ thịnh vượng thật sự. Chúng tôi tin rằng, khi Phong Trào Hoài Ngô phát triển lớn mạnh, một trong những yếu tố cần và đủ, thì sẽ là điềm tận của chế độ gian tà Việt Cộng đã điểm. Và bóng ma Việt Cộng không thể ngự lâu thêm trên quê hương thân yêu Việt Nam chúng ta. Tình trạng ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản cũng sẽ tự động chấm dứt. Việc tưởng nhớ Tổng Thống Ngô Đình Diệm sẽ trở thành nghi thức ghi dấu sâu đậm rằng, Dân tộc Việt Nam thoát ách Cộng sản vô thần khát máu. Khi danh Người được tôn vinh là dấu chỉ lịch sử Việt Nam sắp viết lại!
Tháng mười một cũng là tháng người Công giáo tưởng nhớ đến cha mẹ ông bà, những người thân yêu qúa cố và những vị ân nhân.

Chung quanh bối cảnh lệnh hành quyết đối với Đức Chúa Giêsu và cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Gồm những ai tham gia sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong cuộc đảo chánh 2-11-1963? Trong cuốn „Việt Nam nhân chứng“, Tướng Trần Văn Đôn cho biết các sĩ quan sau đây đã nằm trong nhóm đứng ra tổ chức đảo chánh: Trung Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng Trần Văn Đôn, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm, Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Thiếu Tướng Nguyễn Khánh, Thiếu Tướng Lê Văn Kim, Thiếu Tướng Trần Văn Minh, Thiếu Tướng Phạm Xuân Chiểu, Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Đại Tá Đỗ Mậu, Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Đại Tá Nguyễn Văn Quan, Đại Tá Nguyễn Hữu Có, Đại Tá Trần Ngọc Huyến, Đại Tá Nguyễn Khương và Đại Tá Đỗ Cao Trí. Và trong cuốn “Đôi dòng ghi nhớ” của Đại Tá Nguyễn Bá Hoa, vai trò của những tướng tá cấu chốt trong cuộc đảo chánh hành sát vô luật pháp này cũng được mô tả rõ. Có lẽ đây chỉ là những tên tuổi những tướng tá tham vọng nồng cốt?
Theo lời kể nhân chứng còn sống tại Úc, thì bối cảnh diễn biến cuộc khổ nạn của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau:
”Sáng 2-11-1963, khoảng 6 giờ 15 phút, có ba chiếc xe Jeep. Chiếc thứ nhất có Tướng Mai Hữu Xuân và ba cận vệ. Chiếc thứ hai chở Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Đại Úy Nguyễn Văn Nhung và Đại Úy Dương Hiếu Nghĩa. Chiếc thứ ba chở bốn người, trong đó có Đại Úy Phan Hòa Hiệp. Sau đó là hai chiếc M113. Cuối cùng là hai chiếc GMC chở đầy lính có vũ trang đầy đủ. Khi đến Chợ Lớn, gần một nhà thờ (Cha Tam), xe chạy chậm lại, các binh sĩ trên hai chiếc GMC được lệnh nhảy xuống, một số bố trí xung quanh nhà thờ, số còn lại bố trí ở vòng ngoài. Xe Tướng Xuân chạy một vòng rồi đậu lại bên kia đường.
Sau cái phất tay của Đại Tá Dương Ngọc Lắm, ba đại úy Nhung, Nghĩa và Hiệp nhảy xuống xe. Đại Tá Lắm ngoắc chiếc M113 có nhân chứng ngồi trên đó đi theo. Nhân chứng cũng nhảy xuống xe. Khi cách Đại Tá Lắm khoảng hai thước, nhân chứng thấy có bốn người từ trong nhà thờ đi ra. Người đi đầu là Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Người đi tiếp theo là ông Ngô Đình Nhu. Sau cùng là hai tùy viên (Đại Úy Đỗ Thọ và ông Nguyễn Đắc Khá)”.
Nhưng vậy, Tổng Thống Diệm không có quân bảo vệ, chỉ có hai tùy viên theo. Tổng thống Diệm không tìm cách chống cự mà sẵn sàng lên chiếc xe tăng (tang), như con chiên đem đi giết. Ngài sẵn sàng tự nộp mạng cho quân tướng phản loạn, mà không chạy trốn.

Khi quân dữ, cũng hành xử trong bóng tối, đến bắt Đức Chúa Giêsu. Qúa phẫn nộ và muốn bảo vệ Thầy mình, ông Simon Phêrô đã tuốt gươm chém đứt tai quân dữ toan bắt Đức Giêsu. Nhưng ngay sau đó, Đức Chúa Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao!” (Ga 18, 11a), “thôi ngừng lại!” (Lc 22, 51). Vì, ai dùng “gươm sẽ chết vì gươm!” (Mt 26, 52b). Đức Giêsu muốn chịu uống chén đắng, mà Thiên Chúa đã trao cho Ngài, “lẽ nào Thầy không uống!?” (Ga 18, 11b). Như vậy, cái chết của Ngài là cái chết tử đạo, Ngài chịu chết để minh chứng về Chúa Cha hằng hữu. Ngài không cổ võ bạo lực, vì Ngài nhìn ra hậu qủa của bạo lực trong tương lai sẽ chỉ gây thêm hận thù chia rẽ.

Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng không lạm dụng quyền lực hay cổ võ bạo lực để bảo vệ mình. Vì thiết nghĩ, với uy dũng của mình, Ngài có đủ khả năng để dẹp loạn như trường hợp của tướng Nguyễn Văn Hinh vào tháng 10 năm 1954, hoặc vụ đại tá Nguyễn Chánh Thi vào ngày 11-11-1960. Bao nhiêu binh lính sẽ phải hy sinh vì ông? Chẳng nhẽ Tổng thống để quân đội chém giết tranh dành chức tước, vì danh mình. Như vậy, “ngai báu” của mình được xây dựng trên xương máu của chính anh em đồng đội mình?! Có xứng đáng tại vị nữa không? Một người có đầy nhân cách và nhân vị phải có tránh nhiệm đối với mạng sống anh em. Ngài chấp nhận chết thay cho anh em, còn hơn là anh em đổ máu vì mình, sống trên xương máu đồng đội. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã làm gương ấy!
Nếu Tổng Thống Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị, như Việt Cộng xuyên tạc tuyên truyền, thì ít ra, ngài phải có những thủ đoạn độc ác. Thí dụ, Ngài phải có những hành động giống như Saddam Hussein (Irak), hay đại đá Muammar Gaddafi (Lybien) hay tổng thống man rợ Baschar al-Assad hiện nay của Syrien, hoặc như Tổng thống Hosni Mubarak của Ai-Cập. Nếu độc tài tham vọng, thì ít ra, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho Lữ đoàn cận binh của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Duệ gồm thiết giáp đánh chớp nhoáng Bộ Tham Mưu bắt các tướng phản loạn. Thiết nghĩ, giả như lực lượng lữ đoàn này ra quân, thì mặt diện đảo chánh sẽ thế nào? Và nếu „hiền từ vô trách nhiệm” đi nữa, thì ít ra, Tổng thống Ngô Đình Diệm, cũng giống như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tìm cách chạy ra nước ngoài trước biến loạn, hoặc Tổng thống Ben Ali của Tunesien.
Nhưng không, chí sĩ Ngô Đình Diệm sẵn sàng nộp mình cho quân dữ, những kẻ phản bội Giuđa thời đại. Người cam lòng chịu chết để bao nhiêu người được sống. Kẻ độc tài nào có lòng khoan nhân, cao thượng và nhân ái như thế?
Đức Chúa Giêsu có đủ quyền uy, để tiêu diệt kẻ thù. Chỉ cần NGHE uy danh Ngài, đã làm đối thủ khiếp sợ bủn rủn chân tay rồi, chứ Ngài chưa cần ra tay. Cụ thể, khi quân dữ, kẻ ác đến tìm bắt Ngài, Ngài nói: “Ta đây!”, chúng đều bổ ngửa. Rõ ràng, Ngài tỏ uy quyền Thiên Chúa, nhưng rồi Ngài lại cho chúng đứng dậy và cho phép chúng xông vào bắt Ngài! (Ga 18, 3tt) Vậy Đức Giêsu chẳng những không làm gì hại kẻ giết mình, mà Ngài còn cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm!” (Lc 23, 34). “Chúng không biết” nói lên lòng thâm địa nham hiểm ganh tị của kẻ ác mù quáng. Tham vọng đã làm con người trở nên ngông cuồng và đần độn.
Thiên Chúa không dùng quyền uy cao cả của mình mà diệt kẻ ác, nhưng lấy lòng nhân từ đáp lại và lấy mạng sống của mình để cứu chuộc nhân loại. Cũng vậy,Tổng thống Ngô Đình Diệm không lấy quyền lực của mình là Tổng Thống mà giết kẻ tham vọng, song, Ngài dùng cái chết của mình để nói lên đặc tính hy sinh cho người mình yêu: yêu đồng bào, yêu tổ quốc, yêu dân tộc, yêu tự do công lý hòa bình và yêu sự thật! Có tình yêu nào cao cả cho bằng chết cho người mình yêu!?

Giuđa nhận ba mươi nén bạc, để phản Chúa. Thì nay, sau khi thi hành xong lệnh của chủ, “một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” (a goddam bunch of thugs), theo lời kết án của Tổng Thống Johnson về những tướng phản phúc, nhận tiền thưởng ba triệu đồng Việt Nam, tương đương 42 ngàn Đôla, qua tay Richard Helms và Lucien Conein, tình báo CIA Mỹ, nhân viên của đại xứ Mỹ Cabot Lodge. Thăng cấp mà do tham gia sát nhân, thì tâm hồn họ đã bị qủy ám qúa nặng, chứ chẳng do tài cán!
Tham gia hưởng ứng Phong Trào Hoài Ngô là chúng ta muốn trở nên một lý tưởng bất khuất với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, như là giao ước trung tín trong việc xây dựng tổ quốc hùng mạnh phi Cộng sản. Phong trào chống cộng cần người lãnh đạo. Thì nay, tinh thần lý tưởng bất khuất của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là kim chỉ nam hướng dẫn đường lối hành động. Người là thước đo của thuyết nhân bản chân chính.
“Bạn chơi với ai, tôi nói cho bạn biết, bạn là ai!” Cũng vậy, “chơi, làm bạn” với Tổng Thống Ngô Đình Diệm nói lên lập trường ý thức hệ chính trị thật trong sáng. Hình ảnh Tổng Thống Diệm là hình ảnh của lời trung thực, đầy can đảm. Nó có mãnh lực hôi thúc chúng ta nên đi theo con đường của Người: xây dựng một nước văn mình giầu có, một nước dân chủ tôn trọng mọi dị biệt tôn giáo.

Cái chết thảm hại của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đánh động mọi lương tâm con người. Vì lòng ghen tị tham vọng quyền lực đã gây ra sự chết. Tội lỗi đã làm con người trở nên mù quáng man rợ. Ngài tự nộp mạng cho quân dữ để muốn làm sáng tỏ đức công chính của mình, để mở mắt cho những ai mù lòa, dẫn dắt những ai lầm đường lạc bước đang ngồi trong bóng tối. Vì vậy, chúng ta nên khắc ghi rằng: Không ai thật tâm hoài Ngô lại có thể hoài Cộng được. Ngược lại, kẻ ái ngại Ngô dễ thân/theo/thiên Cộng! Vì, Chiên ta thì nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng biết ta! Chín năn lãnh đạo của Ngài tại miền Nam là những năm ác mộng đối với tập đoàn tay sai Cộng sản.

Trong ngày Lễ Vuợt Qua, những chú chiên non, béo, tốt chịu sát tế, lấy máu bôi trên cửa, như dấu chỉ cuộc vượt qua để được cứu sống (Xuất hành 12, 2-7). Vì thế, Ông Gioan được linh hứng giới thiệu sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng xóa tội trần gian mang thân phận của một con chiên – Con Chiên tinh tuyền, con chiên hiền lành và khiêm nhượng, con chiên chịu sát tế để làm của lễ đền thay tội lỗi nhân loại như các tiên báo trong cựu ước đã nói về Ngài. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết đúng giáp vào ngày tưởng nhớ các Thánh và các đẳng Linh Hồn.

Máu Tổng Thống Ngô Đình Diệm, con chiên hiền lành, đã đổ ra, ghi dấu mốc đen lịch sử Việt Nam rơi vào qũy đạo Vương quốc ma qủy. Khi chúng ta cùng nhau hiệp thông dâng thánh lễ tưởng nhớ sự hy sinh của Ngài, sẽ làm hung nóng tinh thần, muốn đưa dân tộc về hướng NHÂN VỊ, hướng về đạo tại tâm, đạo làm người trong tình tương thân tương ái.
“Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa Hằng Sống" ( Dt 9,14). Cũng vậy, máu Tổng Thống Diệm đổ ra để nhắc nhở lương tâm chúng ta. Hãy sống chân thật và thiện tâm. Hãy chấm dứt những điều giả dối xảo trá điêu ngoa! Hãy chấm dứt cảnh ngậm máu phun người! Ngưng ngay điều ác! Hãy sống thật, làm thật và thiết tha đi tìm chân lý! Tổng Thống Diệm không ra lệnh trừng phạt những kẻ phản bội. Như vậy, trong Ngài không có tâm xà, chỉ có đức hiền hòa đầy lòng tha thứ rộng lượng của bậc quân tử có một không hai. Trong thâm tâm Ngài chỉ có sự ngay lành chính trực. Nơi Ngài không có lòng kiêu căng, chỉ có đức khiêm nhường. Như vậy, Phong Trào Hoài Ngô là một phong trào: "Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng!" (Mt 11, 29) Hiền lành khiêm nhường, nhưng không có nghĩa mất chất đề kháng!

Khi đại diện quân dữ là đại tá Dương Ngọc Lắm cùng ba đại úy: Nguyễn Văn Nhung, Dương Hiếu Nghĩa, và Phan Hòa Hiệp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thiếu tướng Mai Hữu Xuân đến bắt Tổng thống Ngô Đình Diệm, thì Ngàichẳng mở miệng kêu ca. Ngài giống như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông.
Khi Đức Chúa Giêsu bị bắt đem đi giết và chết trên cây thập giá, thì các môn đệ của Ngài hoảng sợ, thất vọng chạy tán loạn. Người thì chui vào phòng đóng kín cửa lại, môn đệ khác thì lo chạy trốn. Nhưng lạ thay! Khi Chúa sống lại, các môn đệ như hồi sinh. Họ can đảm kiên cường dũng mạnh lên đường làm chứng nhân cho Ngài. Sau hai ngàn năm, “hội” của Ngài có trên hai tỉ người sống trong những nước giầu có văn minh, tôn trọng nhân phẩm và tự do con người, cao nhất trên thế giới. Tinh thần của Ngài sống mãi từ đời nọ đến đời kia không mai một.
Những tướng tá chủ mưu sát nhân nghĩ rằng, giết Tổng Thống Diệm, loại “nó” ra khỏi đất, dành cho kẻ tham vọng cố quyền có cơ hội thăng cấp, đểkhông còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa. Qủa thật, thủa ban đầu ai cũng sợ những kẻ sát nhân này. Ai giữ lòng trung kiên đối với Tổng Thống Diệm, đều phải lo sợ cho tính mạng. Như trường hợp hai anh em cố đại tá Lê Quang Tung và cố thiếu tá Lê Quang Triệu, hoặc đại tá hải quân Hồ Tấn Quyền. Man rợ và sát máu thật! Nhưng nay, cái chết của Tổng Thống Diệm đã phản tác động. Hằng năm, mọi người Việt trên thế giới sẽ luôn vinh danh và tưởng nhớ thương tiếc Người. Tinh thần bất khuất của Người sẽ bất diệt, sống hôm nay, ngày mai, và mãi mãi.

Thân phận Tổng Thống Diệm hiền lành bị đem đi giết, bị sát tế, ngày nay đang là gương sống động anh dũng trong công cuộc chống cộng rất cụ thể tại Việt Nam. Đã có biết bao người dám hy sinh để làm chứng cho tình đoàn kết? Thế mà cố Tổng Giám mục Philippê Nguyễn Kim Điền (Huế), và cố Hồng Y Franciscô Xavê Nguyễn Văn Thuận (Sàigòn) đã lãnh chịu. Có những người dám hy sinh cả tính mạng can chịu cầm tù hằng chục năm để minh chứng nhân vị con người phải được tôn trọng, điển hình Linh Mục Nguyễn Văn Lý. Họ dám hy sinh chịu chết, chịu đi tù, vì sự sống còn của đoàn chiên, của cả dân tộc. Hằng trăm ngàn người đã và đang ngồi tù chịu hy sinh tính mạng để chứng minh cho lý tưởng này.
Có thể nào chúng ta tranh đấu đòi quyền làm người, mà chúng ta không từ bỏ mình và chấp nhận hy sinh vì dân tộc từng giây phút được sao? Vì thế, cần nghiêm túc đặt lại vấn đề: Sứ mệnh của chúng ta là gì? Ai yêu chuộng công chính lẽ phải và sự thật, hãy tiếp tục giới thiệu "tinh thần Chiên Ngô Đình Diệm”! Muốn vậy, trước hết, chúng ta cần mặc lấy tính hiền lành khiêm nhượng đạo đức.

Người ngoại giáo thường gọi người Công giáo là “Con chiên”. Danh hiệu đó ngụ ý hàm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người Kytô giáo được xếp vào loại ‘CHIÊN’ thay vì loại “DÊ” trong ngày phán xét. Ước họ được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa. Phải chăng, danh hiệu đó, cũng gợi lên cho chúng ta một ước mong. Ước mong người Công giáo, người hữu thần, sống theo gương của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ước mong những con „chiên con“ nối gót theo „chiên cha“ đầu đàn, đừng theo „giặc đỏ Bác Hồ“. Hãy đi vào con đường hiền lành khiêm nhường tìm kiếm Công lý, đòi hỏi mãnh liệt dành quyền làm người trên quê hương xứ sở thân yêu Việt Nam chúng ta. Và ước mong „đoàn chiên“ sẵn sàng gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn với tất cả „anh em bầu bí cùng chung giàn“.

„Con chiên“! Hình ảnh thật đẹp! Đẹp vì nó hy sinh phục vụ con người. Chiên không những hiền lành, lại còn cung cấp lông sởi ấm cho con người. Con Chiên dấu chỉ của PHỤC VỤ và HIẾN MẠNG, để giải thoát con người khỏi tội lỗi. Tội đó là tội gì? Đó là một quyền lực lớn lao đáng sợ. Tội trói buộc, tội kìm kẹp đàn áp, tội cướp mất quyền tự do con người, làm con người không thể sống xứng đáng là người. Người mất quyền tự do tương tự như người nghiện xì ke hay nghiện rượu, họ không còn làm chủ được ý chí của họ. Họ lúc nào cũng lo sợ dẫn tới tình trạng hèn nhát bạc nhược phản bội lẫn nhau hưởng lợi. Họ không còn tự do nghị lực để tự vượt ra khỏi bệnh trạng tê liệt của mình. Con người như sống trong hầm tù đen tối, không lối thoát. Biểu tượng của tội trần gian của kẻ gian tà vô thần Cộng sản là con Bò vàng, trong Cựu Ước. (Người dân gọi Công An Việt Cộng là Bò vàng!) Và „người thờ Bò vàng“ muốn nói lên là họ không cần đến Thiên Chúa, tự sức mình, họ lớn mạnh đủ để lèo lái cuộc đời và dân tộc theo ý độc đoán của họ. „Bò vàng Việt Nam“ đang làm như thế!

Nhận địnhChúng ta học được gì, qua cuộc khổ nạn của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm? Tổng thống Diệm đã học và sống theo tinh thần thánh Maximilian Kolber. Ngài đã sẵn sàng hy sinh mạng sống, chịu chết thay cho người khác được sống! Ai có được tinh thần hy sinh cao cả trọng đại đó, phải có mãnh lực nội tâm thâm cao trong suốt chiều dài lịch sử của mình, với một tinh thần yêu người yêu đồng bào vô tận mới dám tự hiến thân mình như thế. Ngài nhân từ và đại lượng với chính kẻ phản bội, nhưng không dung túng điều ác, những kẻ xảo trá xuyên tạc.
Khi Đức Chúa Giêsu chịu chết trần tuồng và bị xỉ nhục đóng đinh trên thập giá, thì quân dữ nhạo báng Người mà nói rằng: „Ngươi đã cứu bao nhiêu người rồi. Vậy, nếu người là con Thiên Chúa, vua dân Do Thái hãy tự cứu chính mình đi!?“ (x. Lc 23, 35-43). Ngày nay, quân dữ cũng nhạo báng Tổng Thống Diệm rằng, nếu ông con Thiên Chúa, sao Thiên Chúa không cứu ông mà để ông chết nhục mạ như vậy? Lòng lang dạ sói thời nào cũng có. Đừng thử thách Thiên Chúa là Chúa các ngươi!
Hãy chấp nhận sự thực về mình, về người, đó là khiêm nhường. Chấp nhận vị thế, vai trò, quyền hạn, thực chất về mình, cả ưu điểm cũng như khuyết điểm, không giả tạo.Nhờ việc chấp nhận này, ta mới có thể dò tìm về cội rễ của mình, sẽ tránh tham vọng qúa cố. Chính nó làm mình trở nên gian ác, mà đến nỗi con cháu chúng ta phải khinh tởm tránh xa, không dám nhìn nhận chúng ta trước bạn bè.
Nhận ra căn tính là điều quan trọng cho mình và cho những người tiếp xúc với mình, giúp ta biết chấp nhận cái sự thực về mình. Nhận ra căn tính sẽ giúp ta sống trung thực với lòng mình. Biết được căn tính của mình, sẽ giúp ta biết được chỗ đứng, và lập trường của mình, tránh cảnh „cóc muốn thành bò“. Là „Người theo chiên Tổng Thống Ngô Đình Diệm“, ta cũng cần học hỏi để có được cái nhìn không lệch lạc về bản chất của mình và có cái nhìn khách quan về thế giới quan và nhân sinh quan. Ta cần học hỏi để biết mình sinh ra đời để làm gì, sống như thế nào, và cùng đích của đời sống sẽ đi về đâu?

Hôm nay, một lần nữa, chúng ta tưởng nhớ đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm là mời gọi chúng ta yêu mến và đền đáp công ơn của cố Tổng Thống. Đồng thời, cũng kêu gọi chúng ta hãy làm nhân chứng cho Người, giới thiệu cho mọi người biết đây là Con Chiên sẵn sàng nộp mạng vì giá sống sinh mạng của hàng trăm ngàn binh sĩ đồng bào, dám liều chết cho lý tưởng. Tổng Thống Diệm không chạy trốn mà ở lại sẵn sàng chết cho danh dự dân tộc. Tình yêu đáp lại tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Đó là qui luật căn bản nhất của con người: mang ơn, đáp trả tình yêu. Đáp trả ân tình, không chỉ là thiết tha yêu mến Người, mà còn là quyết tâm sống hy sinh như Người đã sống, sống cho lý tưởng, sống phục vụ cho Công lý, và dấn thân đấu tranh cho lẽ phải và sự thật, hầu đem dân chủ tự do thịnh vượng cho cả dân tộc, thoát khỏi thảm họa tập đoàn tay sai Cộng sản.

(Lễ kính thánh Gioan thành Capestrano, Ý).

Không có nhận xét nào: