Pages

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Việt Nam: học tại chức - thực tài hay bằng cấp?


Minh Khánh Hiện đã có một số cơ quan công quyền của 7 tỉnh trên cả nước tuyên bố không tuyển dụng những sinh viên hệ tại chức. Vấn đề này đã gây ra những dư luận khác nhau. Người đồng tình, người phản đối. Vấn đề thực sự là do đâu?


Việc đào tạo tại chức vẫn rất phát triển cả về số lượng sinh viên lẫn quy mô tổ chức của các khoa. (ABC) (Credit: ABC)

Lý do mà các cơ quan hành chính tại 7 tỉnh thành đưa ra là các sinh viên hệ tại chức không đảm bảo kiến thức và trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc. Chất lượng đào tạo kém, người đi học tại chức chỉ để giải quyết vấn đề bằng cấp còn kiến thức thực sự thì không quan tâm.
Ngay sau khi có thông tin 7 tỉnh trên cả nước không tuyển dụng sinh viên hệ tại chức. Trên trang VTC online, Thứ trưởng Bộ nội vụ Trần Anh Tuấn đã trấn an dư luận rằng: việc tuyển dụng công chức, ngoài yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, phải nâng cao chất lượng tuyển dụng, không phân biệt loại hình đào tạo tại chức hay chính quy, công lập hay dân lập.
Các cơ quan nhà nước thì như vậy, nhưng các công ty tư nhân vẫn tuyển dụng những người học tại chức vào làm việc. Thậm chí có doanh nghiệp còn tài trợ tiền học phí suốt quá trình học để cho nhân viên đi học lớp tại chức nâng cao nghiệp vụ.
Vậy, vấn đề thực sự nằm ở đâu?

Mang tiếng oan

Một thầy giáo xin được giấu tên, hiện đang công tác tại khoa đào tạo tại chức trường ĐH Sài Gòn chia sẻ “Không thể nói chất lượng đào tạo tại chức là yếu kém, sinh viên đi học chỉ để giải quyết vấn đề bằng cấp mà cũng có người học thực sự và chúng tôi đào tạo cũng thực sự. Còn chuyện không tuyển những sinh viên tại chức thì phải xem lại quy trình và cách tổ chức của các cơ quan nhà nước đã đúng luật chưa? Bao nhiêu năm nay hành chính công có khá hơn tí nào không mà giờ bắt bẻ chất lượng đầu vào tuyển dụng”.
Vị thầy giáo này cũng chia sẻ thêm, hiện số lượng sinh viên chính quy có nhu cầu vào làm nhà nước vẫn rất đông. Nguồn cung nhân lực thì nhiều nhưng việc làm nhà nước thì ít nên người ta mới chắt lọc vô hình chung những sinh viên tại chức bị mang tiếng oan.

Chất lượng có thực sự?

Nhưng chất lượng đào tạo tại chức yếu kém không phải là không có mà là một vấn đề tồn tại từ rất nhiều năm nay, ai cũng biết. Đi thực tế một giờ học tại chức tại trường ĐH Hồng Bàng mới thấy việc dạy và học diễn ra khá lỏng lẻo. Buổi học bắt đầu từ 18h, một lớp có 40 sinh viên nhưng số lượng đi học chỉ khoảng hơn 20 người. Trong giờ học thì rất ít sinh viên chăm chú nghe giảng, giáo viên thì cứ nói ở trên, ai ở dưới nghe được thì nghe. Suốt 2 tiếng đồng hồ nhưng không thấy một câu hỏi nào giữa giáo viên và sinh viên.
Lâu nay, nhiều sinh viên tại chức tại một số trường đại học vẫn đồn với nhau rằng đến kì thi hết môn hay hết cấp nếu cảm thấy không tự tin với kiến thức thì hãy chuẩn bị quà cáp để đi “thăm” giáo viên. Tùy vào mức độ khó của môn học cũng như số tín chỉ mà chọn mua quà gì. Thậm chí, có trường hợp để được thầy chấm cho qua chỉ việc mời đi nhậu và biếu thầy một tút thuốc lá ngon là xong.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều sinh viên tại chức đi học về kiến thức thực sự. Anh Lê Đức Lợi, sinh viên lớp tại chức Marketing tại trường ĐH Tài chính Marketing cho biết “Nếu những người học tại chức biết cách nắm bắt và học hành đoàng hoàng thì còn giỏi hơn cả sinh viên chính quy. Vì ban ngày thì đi làm, buổi tối đi học chuyên môn chính công việc đó thì chắc chắn sẽ vỡ ra nhiều vấn đề và nâng cao kiến thức thực tế cũng như lý thuyết hơn”. Anh Lợi hiện đang nhân viên phòng kinh doanh tiếp thị công ty nhựa Bình Minh. Chương trình anh đang theo học được công ty tài trợ hoàn toàn chi phí học trong 4 năm và khi học xong sẽ được thăng chức lên Phó trưởng phòng.

Phản đối nhưng vẫn đào tạo

Nếu như những cơ quan công quyền của 7 tỉnh thành phản đối, không tuyển dụng sinh viên tại chức. Trong những năm gần đây, chất lượng đào tạo tại chức bị nhiều người phản ánh và xuống cấp thì tại sao vẫn có rất đông người nộp đơn thi tuyển vào hệ đào tạo này. Các trường ĐH vẫn liên tiếp mở các lớp đào tạo tại chức thuộc nhiều ngành học khác nhau.
Nguyên nhân của vấn đề nằm ở chỗ đó là người đi làm vẫn có nhu cầu học hỏi và nâng cao kiến thức vì có thể do điều kiện trước đây không được đào tạo bài bản. Nhưng yếu tố cơ bản hơn cả vẫn là giải quyết vấn đề có một tầm bằng để thủ thân, và củng cố vị trí trong cơ quan làm việc.
Còn ở phía các trường ĐH, đơn giản là vì đào tạo tại chức sẽ mang lại một nguồn thu tương đối lớn. Trường nào cũng có khoa tại chức, các ngành đào tạo khá đa dạng và mới mẻ tương đương với hệ học chính quy. Anh Lợi cho biết, khi mới vào học năm thứ nhất trường ĐH Tài chính Marketing, học phí của anh có 2,5 triệu/1 kỳ. Nhưng sau hơn 3 năm học, hiện mức học phí của anh đã tăng 4,5 triệu/1 kỳ.
Chưa biết các cơ quan hành chính nhà nước sẽ xử lý ra sao trong tương lai đối với những người học tại chức. Nhưng hiện tại, việc đào tạo này vẫn rất phát triển cả về số lượng sinh viên lẫn quy mô tổ chức của các khoa tại chức. Vì nó giải quyết cho cả người học và người dạy được những nhu cầu cơ bản như bằng cấp và tài chính./ABC

Không có nhận xét nào: