Pages

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Ngân hàng không phải ngồi trên bờ


du-an-1
Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam đã nói trúng tim đen về tình trạng bất động sản đón băng, rằng “Ngân hàng không phải (đang) ngồi trên bờ”.
Trong những ngày cuối cùng của năm, nợ xấu và tồn kho bất động sản lại được xới xáo như những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết. Trước cử tọa là Thống đốc và giám đốc các ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Năm 2013 dứt khoát phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, điều hành lãi suất phù hợp với thị trường, kiên quyết không để nợ xấu xấu hơn nữa, bảo đảm thanh khoản ổn định, vững chắc hơn, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”. Ngay sau đó, vấn đề hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu cũng được xác định là một trong ba mục tiêu quan trọng, cấp bách được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy ổn định, phát triển. Giải quyết nợ xấu, thực chất là giải quyết tồn kho BĐS. Hay ngược lại. Và chính vì thế, không khỏi có những băn khoăn đã được đặt ra: Làm thế nào để giải pháp chi 20.000-40.000 tỷ đồng cho vay mua nhà và 100.000-150.000 tỷ đồng giải quyết nợ xấu được thực thi hiệu quả, đúng mục tiêu?

Dù việc “bơm tiền” cho BĐS, để xử lý nợ xấu mới là chỉ đạo chung, chưa có những giải pháp cụ thể, nhưng ngay lập tức, khả năng các ngân hàng thương mại được phép thế chấp tài sản nợ để vay tiền NHNN để giải quyết nợ xấu đã được nêu ra. Nhưng thực sự nếu có biện pháp như vậy, câu chuyện “bơm tiền” lại chỉ để giải quyết những khó khăn cho các NH và không giải quyết được nợ xấu. Chúng ta đã có bài học khi việc “kéo phanh quá gấp” đối với tín dụng bất động sản. Thậm chí, rút vốn mạnh ra khỏi thị trường. Khiến cho BĐS mất ngay cả niềm tin của người dân. Và giờ đây, nếu tiền giải cứu bơm không đúng địa chỉ, thứ mà chúng ta nhận lại chắc chắn và chỉ có thể là lạm phát. Bởi cốt lõi của giải quyết nợ xấu là làm thế nào chuyển tài sản thế chấp là BĐS thành tiền. Câu trả lời: Muốn nó thành tiền, thì tiền hỗ trợ phải được bơm vào người mua, chứ không phải trao cho những người, những DN, những ngân hàng đang ôm “cục máu đông”.
Thực ra, không phải là Chính phủ không nhìn thấy, và cũng đang tiến hành, là việc “bơm tiền” vào khu vực khách hàng, tức cho vay kích thích mua nhà. Bởi có lẽ, đó là cách duy nhất vừa cứu thị trường, vừa giải quyết nợ xấu, vừa không gây lạm phát.
Chuyện thật như đùa: Trong khi thị trường “đắp chiếu” với chung cư mọc rêu và biệt thự bỏ hoang thì ở Thủ đô vẫn có những thương binh viết đơn xin mua nhà ở xã hội khi chỉ còn vài năm cuối đời mà vẫn không “cố” sống được trong cảnh 3 cặp vợ chồng, 11 con cháu của đủ 3 thế hệ tối tối đang nằm xếp hàng trong một căn hộ 25m2.
Khách hàng cho BĐS chưa bao giờ thiếu. Cái họ thiếu, chỉ là tiền. Và đó là bao nhiêu, được cho vay với “giá” nào, khi việc kiếm ăn cũng đang là nỗi lo toan không ít chật vật.
Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam đã nói trúng tim đen về tình trạng bất động sản đón băng, rằng “Ngân hàng không phải (đang) ngồi trên bờ”. Các con số luôn luôn “khách quan”: Trong 200.000 tỉ đồng nợ xấu, có 70% tài sản thế chấp bằng BĐS. Nói cứu thị trường BĐS thực ra cũng là cứu ngân hàng. Và vì vậy, cứu không khéo sẽ chỉ có môt nhóm lợi ích nào đó, ở một ngân hàng nào đó được lợi, chứ không phải là người dân.

Không có nhận xét nào: