Pages

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Tăng trưởng kinh tế ‘thấp’ và niềm tin vào Đảng ‘đang suy yếu’


Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ CTV Phía Trước
Diệp Ngọc Phạm
Bloomberg News
Việt Nam phải chấp nhận tăng trưởng kinh tế “thấp” trong lúc tái cấu trúc lại nền kinh tế và nhắm mục tiêu tăng trưởng hàng năm ít nhất là 5%, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Vietnam's GDP growth (Data: General Statistics Office and ADB forecasts)
Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam  (Data: Ước tính từ Tổng cục Thống kê and Ngân hàng ADB )
Tăng trưởng thấp hơn 5% sẽ “nguy hiểm”, và việc này có thể sẽ làm cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, ông Sang cho biết trong cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam ngày 21 tháng Một vừa qua. Ông nói thêm rằng Việt Nam nên cố gắng từng bước để thúc đẩy tăng trưởng trở lại mức 7% đến 8% và ổn định lại nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ông không đề ra mốc thời gian nào Việt Nam sẽ thực hiện được những mục tiêu trên.

Năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã giảm xuống mức chậm nhất trong vòng 13 năm qua vì cuộc khủng hoảng từ ngành ngân hàng làm nhiều nhà đầu tư trong nước nản lòng, gây thêm áp lực lên chính phủ trong việc cải tạo lại hệ thống tài chính và thu hút thêm các nguồn đầu tư nước ngoài. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, giảm xuống từ 5,89% hồi năm 2011.
Ngân hàng Thế giới lo ngại về chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam giữa lúc nước này phải đối mặt với nguy cơ lạm phát hai con số vào năm 2013, Deepak Mishra, kinh tế gia chuyên về Việt Nam cho biết tại một cuộc họp kinh doanh ở thành phố Hồ Chí Minh.
VN-Index (VNINDEX) thuộc Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, đã giảm liên tục sang đến ngày thứ tư, sụt 1,1% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 7 tháng Một, 2013.
Ông Sang cho biết những yếu kém trong nền kinh tế vì chất lượng lao động của Việt Nam vẫn còn “thấp”.
“Chính chúng tôi, những người quản lý và lãnh đạo đất nước, đã không tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi và không đào tạo được đội ngũ lực lượng lao động chất lượng cao cho các công ty”, ông nói trong cuộc phỏng vấn.
Tham nhũng thách thức
Ông nói thêm rằng niềm tin của nhân dân vào Đảng Cộng sản và chế độ đang bị thách thức và suy yếu do lãng phí, tham nhũng và suy thoái đạo đức trong một số cán bộ, công chức, đảng viên. Các quan chức phải sửa chữa những thiếu sót để khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong tương lai, ông Sang chia sẻ.
Theo một nghị quyết sẽ có hiệu lực vào tháng tới, các lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam – bao gồm cả thủ tướng và chủ tịch nước – sẽ phải đối mặt với các cuộc thăm dò tín nhiệm từ phía Quốc hội trong năm nay và việc này có thể sẽ dẫn đến bãi nhiệm một số chức vụ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) mỉm cười khi ông đi phía sau Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) và Chủ tịch Trương Tấn Sang (phải) hướng về phía lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi diễn ra phiên họp Quốc hội ngày 22 tháng 10, năm 2012. Ảnh: HOANG DINH NAM / AFP / GETTY
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) mỉm cười khi ông đi phía sau Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) và Chủ tịch Trương Tấn Sang (phải) hướng về phía lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi diễn ra phiên họp Quốc hội ngày 22 tháng 10, năm 2012. Ảnh: HOANG DINH NAM / AFP / GETTY
Sự tín nhiệm và thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm được Quốc hội phê duyệt là bằng chứng về dân chủ hóa, Sang cho biết trong cuộc phỏng vấn TTXVN. “Việc thực hiện chuyện này rất quan trọng, và phải có cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn các cuộc vận động hoặc mua phiếu”, ông nói.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, đã lên tiếng xin lỗi cả nước hôm 15 tháng Mười vì những sai lầm, bao gồm cả việc quản lý yếu kém đối với các tổng công ty nhà nước và không ngăn ngừa hoặc sửa chữa được vấn nạn tham nhũng đối với các đảng viên trong Đảng.
Để liên hệ với nhân viên Bloomberg News về bài viết này: Diệp Ngọc Phạm tại Hà Nộidpham5@bloomberg.net
Để liên hệ với biên tập viên chịu trách nhiệm về bài viết này: Stephanie Phang tại địa chỉ emailsphang@bloomberg.net
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013

Không có nhận xét nào: