Pages

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Thái độ cứng rắn của Nhật đối với Trung Quốc



Ngay sau khi thắng cử Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tỏ ra cứng rắn đối với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền Senkaku bằng các động thái kết nối các nước trong khu vực cũng như củng cố lại quốc phòng của Nhật Bản.
Courtesy JMSDF
Không quân Nhật bay yển trợ hàng không mẫu hạm. Courtesy JMSDF
Mặc Lâm phỏng vấn nhà báo Đỗ Thông Minh hiện đang sống và làm việc tại Tokyo để biết thêm chi tiết về vấn đề này.
Tăng ngân sách quốc phòng hiện đại hoá quân đội
Mặc Lâm : Thưa anh, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức thì Trung Quốc đã tỏ ra ngày một quyết đoán hơn qua các hành động như đưa tàu hải giám thâm nhập vùng biển của quần đảo Senkaku và mới đây lại đem cả máy bay quần thảo trên bầu trời đang tranh chấp nữa . Xin anh cho biết những diễn tiến vừa qua và các hành động ứng phó của chính quyền mới của Nhật Bản có nét gì đặc biệt hay không ạ?

Nhà báo Đỗ Thông Minh : Dạ. Như chúng ta đã biết Thủ Tướng Abe là Chủ Tịch của Đảng Tự Do Dân Chủ; đây là đảng cầm quyền từ năm 1955 cho tới cách đây hơn 3 năm bị mất quyền vào tay Đảng Dân Chủ. Đảng TDDC được coi là đảng bảo thủ và người ta có thể hình dung nó như Đảng Cộng Hòa bên Hoa Kỳ vậy. Cho nên trong thời kỳ còn đang tranh cử thì Thủ Tướng Abe cũng đã có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, và ông đặt vấn đề là phải quản lý quần đảo Senkaku (tức là Tiêm Các - mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) một cách chặt chẽ hơn, và cho người tới trực tiếp quản lý, chứ hiện tại thì trên các đảo này không có người sinh sống.
Trước tình hình mới này thì ngân sách quốc phòng được tăng cường với mục đích để mua thêm hỏa tiễn chống hỏa tiễn nhằm tăng cường hệ thống lá chắn chống hỏa tiễn của nước Nhật, tức là các loại hỏa tiễn Patriot trên bộ cũng như trên biển
Nhà báo Đỗ Thông Minh
Với sự xâm lấn càng ngày nhiều của phía Trung Quốc và cho tới ngày hôm nay thì đã có ít nhất trên dưới cỡ 25 lần trong vòng một năm Trung Quốc đã cử liên tục các tàu hải giám và tàu ngư chính đến vùng lãnh hải của quần đảo Senkaku. Và vụ mới nhất là ngày 13 tháng 12 vừa qua lần đầu tiên Trung Quốc đưa máy bay của hải giám xâm nhập vùng trời của quần đảo này. Rồi tiếp đó lại có những máy
Tàu hải quân Nhật Bản ngoài khơi Sagami Bay, gần Tokyo, Nhật Bản ngày 14 tháng 10 năm 2012.
Tàu hải quân Nhật Bản ngoài khơi Sagami Bay, gần Tokyo, Nhật Bản ngày 14 tháng 10 năm 2012.AFP
bay khác và mới nhất là ngày 8-1-2013 có cả chiến đấu cơ là hai chiếc Jet-10 yểm trợ chiếc hải giám tiến tới Senkaku. Đó là lần đẩu tiên có cả máy bay chiến đấu. Cho nên trong những lần này thì Nhật Bản đã có phản ứng rất nhanh. Họ đã ra lệnh cất cánh khẩn cấp những chiến đấu cơ F-15 bay lên ngênh cản. Họ không có mục đích bắn hạ, mà chỉ có mục đích xua đuổi, và cuối cùng thì những tàu của Trung Quốc đã rút lui.
Mặc Lâm : Đối với tình hình căng thẳng như vậy thì chính phủ Nhật có những phản ứng gì rõ rệt không, thưa anh?
Nhà báo Đỗ Thông Minh : Trước tình hình căng thẳng như vậy Nhật Bản đã có những biện pháp tăng cường. Thứ nhất là về vấn đề ngân sách quốc phòng, Nhật Bản dự trù ngân sách vào năm tới sẽ tăng 1,9 tỷ đô la, đưa tổng số ngân sách lên khoảng chừng 53 tỷ đô la. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã giảm liên tục 11 năm qua, và bây giờ là lần đầu tiên đã đi ngược lại, tức là tăng cường, mặc dầu ngân sách này cũng luôn luôn ở mức gần 1% mà thôi. Tức là Nhật Bản là một trong những quốc gia có ngân sách quốc phòng thấp.
Và quân đội Nhật Bản tất cả đều là tình nguyện, nhưng trước tình hình mới này thì ngân sách quốc phòng được tăng cường với mục đích để mua thêm hỏa tiễn chống hỏa tiễn nhằm tăng cường hệ thống lá chắn chống hỏa tiễn của nước Nhật, tức là các loại hỏa tiễn Patriot trên bộ cũng như trên biển. Ngoài ra Nhật Bản cũng sẽ mua thêm những chiến hạm cũng như những chiến đấu cơ loại mới nhất của Hoa Kỳ. Với sự tăng cường như vậy, Nhật Bản cũng sẽ lập một đơn vị gọi là đơn vị đặc nhiệm số 11 bao gồm khoảng 12 chiến hạm với 400 binh sĩ để thường xuyên canh chừng, chứ không phải chỉ có lực lượng tuần duyên mà thôi, mà lực lượng hải quân cũng sẽ tham gia để bảo vệ quần đảo Nhật Bản.
Trước đây Thủ Tướng Abe trong nhiệm kỳ đầu 2006 cũng đã đưa ra một dự án liên minh chiến lược Nhật Bản – Hoa Kỳ - Úc - Ấn Độ bao vây Trung Quốc, mà Bắc Kinh gọi đó là liên minh “Lưỡi Liềm”
Nhà báo Đỗ Thông Minh
Liên minh “Lưỡi Liềm”
Mặc Lâm : Theo dự kiến thì Thủ tướng Abe sẽ thăm các nước Đông Nam Á mà lần này trong đó có cả Việt Nam nữa ngay sau khi nhậm chức, việc này có liên quan gì tới chiến lược nối liền liên minh Nhật-Úc-Hoa Kỳ và Nhật-Ấn-Hoa kỳ mà giới quan sát gọi là liên minh "lưỡi liềm" hay không, thưa anh?
Nhà báo Đỗ Thông Minh :Trước đây Thủ Tướng Abe trong nhiệm kỳ đầu 2006 cũng đã đưa ra một dự án liên minh chiến lược Nhật Bản – Hoa Kỳ - Úc - Ấn Độ bao vây Trung Quốc, mà Bắc Kinh gọi đó là liên minh “Lưỡi Liềm”, thì tôi không biết có phải đó là số mệnh hay không khi mà chúng ta gọi con đường chính mạch của Trung Quốc là “Lưỡi Bò”, tức là “Lười Bò” mà đụng “Lưỡi Liềm” thì không biết bên nào sẽ thắng, nhưng mọi người cũng có thể hình dung ra được.
Song song với việc cử Ngoại Trưởng Fumio Kishida thăm 3 nước Đông Nam Á gồm Philippines, Singapore, Brunei và Australia từ ngày 9 đến ngày 14 tháng 1 này, thì Thủ Tướng Shinzo Abe cũng sẽ đi Việt Nam, Thái Lan, và Nam Dương (Indonesia), thì các chuyến đi này nằm trong một mục tiêu rõ ràng, đó là tạo sự liện kết chặt chẽ hơn đối với các nước Đông Nam Á. Tuy đó không phải là một liên minh quân sự nhưng đó cũng là một liên minh về chính trị hoặc về kinh tế nhằm ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc.
Đáng lẽ Thủ Tướng Abe sẽ đi Hoa Kỳ trước, nhưng lịch trình của Tổng Thống Mỹ Obama chuẩn bị cho lễ nhậm chức khá bận rộn, cho nên sau chuyến đi Đông Nam Á này thì khoảng tháng 2 Thủ Tướng Abe sẽ công du Hoa Kỳ để hội đàm với Tổng Thống Obama nhằm tạo một sách lược chung đối phó với Trung Quốc.
Trong tình hình này mà Trung Quốc vẽ lại bản đồ như vậy thì chỉ gây thêm căng thẳng và dư luận Nhật Bản càng phản ứng mạnh mẽ hơn và họ sẽ càng ủng hộ Thủ Tướng Abe trong đường lối cứng rắn, tức là tăng cường quốc phòng và mạnh mẽ trong vấn đề ngoại giao
Nhà báo Đỗ Thông Minh
Mặc Lâm : Cách đây một hai ngày gì đó Trung Quốc cho in bản đồ mới hoàn toàn trong đó bao trùm 300 đảo lớn nhỏ trên Biển Đông trong hình lưỡi bò mà họ đòi chủ quyền một cách kiên trì, trong khi ai cũng thấy đó là hành động đơn phương bất kể sự thật và Công Ước Luật Biển 1982, tuy nhiên lần này họ in luôn cả quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền của họ. Anh có thông tin gì về dư luận Nhật Bản trước hành động này hay không?
Nhà báo Đỗ Thông Minh :Dạ vâng. Chuyện tranh chấp diễn ra đã lâu dài và Nhật Bản đã cho rằng mình có đầy đủ chứng cớ bằng tài liệu lịch sử để chứng minh Senkaku là của nước Nhật. Và chuyện tranh chấp này mới nổi lên từ năm 1970-1971 khi người ta khám phá ra chung quanh vùng quần đảo này có nhiều tài nguyên và khí đốt, thì lúc bấy giờ Trung Quốc và Đài Loan mới tuyên bố đòi chủ quyền mà thôi.
Quần đảo Senkaku thuộc một quần đảo lớn hơn mà ngày xưa có tên là xứ Lưu Cầu mà trong đó đảo lớn nhất là Okinawa. Ngày xưa chính Nhật Bản và xứ Lưu Cầu cũng đều có thần phục Trung Quốc, giống như Việt Nam ngày trước đối với Trung Quốc vậy, tức là xin phong vương, xin ấn tín, v.v. thế nhưng đó không phải là đất của Trung Quốc, mà chỉ là những nước chung quanh Trung Quốc xin thần phục mà thôi.
Sau này dưới thời Minh Trị thì Nhật Bản mạnh lên, và Minh Trị đã sáp nhập xứ Lưu Cầu này vào nước Nhật, cho nên chưa bao giờ quan lại Trung Quốc được cử ra cai quản xú Lưu Cầu. Đối với Việt Nam thì Trung Quốc đã từng dô hộ và chiếm đóng cả ngàn năm, nhưng mà với xứ Lưu Cầu xa xôi ngoài biển khơi này thì Trung Quốc chưa bao giờ cử người ra cà, cho nên thực sự Trung Quốc không có chủ quyền gì ở đây cả, nhưng mà với trước như cầu nguyên liệu và nhiên liệu cùng với đà bành trướng của mình, Trung Quốc muốn chiếm cứ Senkaku.
Tuy nhiên, trong tình hình này mà Trung Quốc vẽ lại bản đồ như vậy thì chỉ gây thêm căng thẳng và dư luận Nhật Bản càng phản ứng mạnh mẽ hơn và họ sẽ càng ủng hộ Thủ Tướng Abe trong đường lối cứng rắn, tức là tăng cường quốc phòng và mạnh mẽ trong vấn đề ngoại giao.
Mới đây trên bản đồ mà Trung Quốc in trên hộ chiếu (passport) của họ vào tháng 5-2012 thì Bắc Kinh không đưa quần đảo Tiêm Các vào bản đồ đó của họ, nhưng mà với bản đồ lần này của họ thì trên mặt giấy tờ chúng tôi nghĩ rằng Nhật Bản sẽ càng có thái độ cứng rắn hơn mà thôi.
Mặc Lâm : Xin cám ơn anh Đỗ Thông Minh đã giúp cho chúng tôi những thông tin cần thiết hiện nay .
Nhà báo Đỗ Thông Minh : Dạ, xin cảm ơn anh.

Không có nhận xét nào: