Pages

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Kinh tế Việt Nam năm 2013?



Sau một năm được đánh giá là hết sức khó khăn với mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 19 năm, năm 2013 liệu sẽ có nhiều hứa hẹn hơn hay sẽ tiếp tục chỉ là “bước đệm” để giải quyết những bất ổn trong dài hạn.
RFA photo
Cảnh buôn bán bên trong chợ Đồng Xuân, Hà Nội đầu năm 2013

Bất ổn từ năm ngoái

Theo nhiều chuyên gia trong nước, tình hình kinh tế Việt Nam năm nay vẫn còn chứa đựng nhiều bất ổn, và nền kinh tế cũng thiếu những phục hồi mang tính nền tảng. Trong đó quan ngại cơ bản là điều kiện sản xuất thu hẹp và công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa có biến chuyển tích cực.

Mặc dù năm 2012, điểm sáng là lần đầu tiên Việt Nam có xuất siêu gần hai thập kỷ, đồng tiền nội địa tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng và lạm phát từng bước được khống chế. Thế nhưng, bài toán lạm phát tưởng chừng đã được giải đáp song nó lại không vững vàng bởi đi kèm lạm phát khống chế là sự đình trệ của nền kinh tế, với dòng vốn tín dụng bị siết chặt, và hệ quả là sự phá sản của hàng chục ngàn doanh nghiệp Việt Nam trong năm qua.
Theo phân tích của bà Phạm Chi Lan, vấn đề lạm phát chưa được giải quyết một cách gốc rễ và hoàn toàn có khả năng bùng phát trở lạI nếu tín dụng được nới lỏng đôi chút:
Tôi cũng vẫn rất lo lắng với những khó khăn của năm 2013 vì gần như hầu hết những vấn đề của năm 2012 vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ. Lạm phát vẫn có thể bùng trở lại khi Nhà nước “nới” ra một chút về tín dụng chẳng hạn, thì nó vẫn có thể bùng lên trở lại và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn và nhiều vấn đề khác của nền kinh tế vẫn còn đó, cho nên tiếp tục là một năm khó khăn.
Điểm khó khăn mà bà Phạm Chi Lan nhận định đó là những bất ổn “kế thừa” từ năm ngoái mà Chính phủ vẫn chưa có một biện pháp tổng thể để giải quyết và triển vọng trong năm nay vẫn chưa thực sự sáng sủa. Điều này cũng là những gì mà T.S Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, ĐH Kinh tế TPHCM xác nhận.
Tôi cũng vẫn rất lo lắng với những khó khăn của năm 2013 vì gần như hầu hết những vấn đề của năm 2012 vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ.
Bà Phạm Chi Lan
Khi trả lời báo chí trong nước, ông từng nhấn mạnh “nhiều người cho rằng năm 2013 kinh tế sẽ sáng sủa hơn, nhưng cách nghĩ này thiếu cơ sở.” Theo phân tích của T.S Lê Đạt Chí thì GDP của Việt Nam dựa trên đầu tư công, FDI và tín dụng và dựa trên những yếu tố này thì hiện tại không thể mong đợi kinh tế khởi sắc bởi cả 3 nhân tố này trong năm qua Việt Nam đều không đạt như yêu cầu.
Quay lại với nhận định của bà Phạm Chi Lan, có thể thấy vấn đề tiếp cận nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp sẽ vẫn gặp khó khăn trong năm 2013, mà các doanh nghiệp lại chính là những nhân tố làm nên tăng trưởng, làm nên sự phát triển cho nền kinh tế Việt Nam nói chung. Bởi lẽ đó, bà Phạm Chi Lan giải thích rằng mặc dù đã có những giải pháp trước mắt nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện tại song do phải chờ Quốc hội phê chuẩn, vì thế để những hỗ trợ này đi vào thực tế thì cũng phải mất đến nửa năm sau:
Hiện nay, chính phủ có đưa ra một số dự kiến chính sách mới, thí dụ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc nghiên cứu giảm thuế VAT, như vậy, cũng đỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhưng những biện pháp này cũng sẽ phải chờ kỳ họp quốc hội tới đây vào tháng 5 trình rồi quốc hội mới phê chuẩn và sau khi quốc hội phê chuẩn mới thực hiện được. Như vậy, ít nhất trong 6 tháng đầu năm này chưa thấy những biện pháp nào mới, mạnh mẽ để có thể giúp được khó khăn.

Chưa có hướng giải quyết

Ngan-hang-Ngoai-thuong-250.jpg
Chi nhánh Ngân Hàng Ngọai thương Hà Nội, ảnh minh họa. RFA photo
Điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp bị thu hẹp đang là một nút thắt cho nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam năm qua dưới 5% thấp hơn nhiều con số 7,5% của năm 2011; trong khi đó, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) là thước đo đánh giá sức khỏe của khu vực sản xuất, Việt Nam chỉ đạt dưới điểm 50 - là mốc phản ánh sự suy giảm về các điều kiện sản xuất cũng như số lượng đơn đặt hàng mới.
Vì lẽ đó, không có gì lạ khi hôm 4/1, Bộ Kế hoạch đầu tư công bố số doanh nghiệp giải thể phá sản của Việt Nam lên tới hơn 54,000 doanh nghiệp trong năm 2012. Và chính Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã phải thừa nhận “điều này cho thấy những dấu hiệu phục hồi kinh tế hiện nay vẫn rất yếu ớt.”
Cũng bởi những thiếu hụt trong doanh thu từ các doanh nghiệp mà năm qua, đóng góp cho Ngân sách NN cũng bị giảm mạnh và chỉ tiêu đạt thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Bài toán cơ bản để tái cơ cấu nền kinh tế, trong năm nay, vẫn được các chuyên gia chú trọng tới là việc cải cách hệ thống doanh nghiệp Nhà nước cũng như các tập đoàn kinh tế. Để làm được điều này, trong năm 2013, chắc hẳn nhiều biện pháp như thúc đẩy cổ phần hóa, tăng cường sức mạnh của thị trường chứng khoán sẽ được tập trung tháo gỡ. Nhận định trên của T.S Vũ Ngọc Xuân, giảng viên khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, được chúng tôi ghi nhận như sau:
Như vậy, ít nhất trong 6 tháng đầu năm này chưa thấy những biện pháp nào mới, mạnh mẽ để có thể giúp được khó khăn.
Bà Phạm Chi Lan 

Khó khăn nhất bây giờ là cải cách các tổng công ty, các tập đoàn Nhà nước. Vấn đề cải cách là phải cổ phần hóa và phát triển thị trường chứng khoán, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều biện pháp để thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, để tạo ra một nơi có thể bán được các hàng hóa là các cổ phiếu, trái phiếu của các DN mà sắp tới tiến hành cổ phần hóa. Muốn CPH được thì phải có thị trường CK phát triển, bây giờ tập trung vào nhóm giải pháp để tăng thanh khoản cho TTCK.
Ngoài ra, T.S Vũ Ngọc Xuân cho rằng, trong năm 2013, nhiều khả năng chính phủ sẽ cho ra đời công ty mua bán nợ, để tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, từ đó khơi thông dòng vốn cho các ngành nghề kinh doanh khác bởi hiện tại vốn đang bị dồn ứ trong bất động sản là quá lớn.
Không quá bi quan so với nhiều nhà phân tích, T.S Vũ Ngọc Xuân cho rằng, năm 2013, khả năng thu hút lại dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ ấm dần lên, mà trong đó, 2 nhà đầu tư lớn của khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chú trọng nhiều hơn sang Việt Nam:
Hàn Quốc bây giờ coi Việt Nam là đối tác lớn nhất để cho vay ODA, rồi chưa kể tập đoàn Samsung tăng đầu tư vào Việt Nam và Việt Nam trở thành công xưởng để xuất khẩu những sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính, linh kiện điện tử. Trong khi đó, Nhật Bản, trong nước đồng yên giá cao rồi những căng thẳng với Trung Quốc nên Nhật Bản chuyển hướng dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Riêng trong năm nay, xuất khẩu của các mặt hàng máy tính, điện thoại thông minh, Việt Nam đạt hơn 20 tỷ đô.

Triển vọng 2013

000_Hkg8131339-250.jpg
Một công nhân quét rác đẩy xe ngang một pano đón chào năm mới 2013 tại Hà Nội. AFP photo
Ngoài là điểm hút với hai nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, lần đầu tiên Việt Nam đã kiểm soát được nhập siêu và sức ép lên tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam và các ngoại tệ mạnh không còn, giúp tiền đồng ổn định và nhiều chuyên gia cho rằng, đó cũng là nhân tố có thể giúp các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại Việt Nam.
Vậy triển vọng nền kinh tế năm nay 2013 sẽ ra sao, chúng tôi đặt câu hỏi này với bà Phạm Chi Lan và được bà giải thích:
Triển vọng của năm 2013 trở đi sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc nhà nước tái cơ cấu nền kinh tế như thế nào, bởi vì lâu nay, nhất là 2 năm 2011, 2012 có thể thấy rõ là mặc dù Chính phủ rất nỗ lực trong tinh thần tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh tế, ổn định vĩ mô, chống lạm phát, nhưng chủ yếu vẫn thực hiện những biện pháp ngắn hạn thôi, chưa thực hiện những biện pháp dài hạn căn cơ hơn là tái cơ cấu nền kinh tế nhằm chữa những căn bệnh cốt lõi hơn, trầm kha hơn của nền kinh tế, có như vậy nền kinh tế mới vượt lên được.
Chúng tôi cũng muốn lấy nhận xét của bà Phạm Chi Lan cho câu kết của mình, rằng nếu Việt Nam chỉ đối phó bằng những biện pháp tạm thời, ngắn hạn thì chắc chắn những thách thức sẽ quay trở lại, chỉ khi Chính phủ đề ra được một biện pháp tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, chấp nhận những đánh đổi, thì lúc đó, Việt Nam mới mong trở lại được tốc độ tăng trưởng bền vững như mong đợi.

Không có nhận xét nào: